Luyện tâm trong cuộc sống hàng ngày |

Luyện tâm trong cuộc sống hàng ngày

Thực hành

Trong thiền viện, có những thời khóa dành riêng cho việc hành thiền – vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Giữa hai thời khóa này, chúng tôi có những Phật sự khác phải làm, vì thế đời sống chúng tôi được tổ chức theo một trật tự ổn định nào đó. Nhưng cũng có những lúc chúng tôi không có gì hết để làm. Những lúc đó, tôi đã thường tìm cách trốn tránh hành thiền bằng cách đi tìm một cái gì đó để làm như đọc sách chẳng hạn. Đọc sách là một hoạt động tốt; chúng ta rất dễ chú tâm vào một quyển sách. Nhưng sau đó, tôi đổi thái độ. Tôi tập quán niệm hơi thở khi không có việc gì để làm – ngay cả khi tôi muốn uống trà hay trò chuyện hay làm một cái gì đó, tôi cũng tập quán niệm hơi thở. Đây là một cách để thu thúc, huân tập và đưa việc hành thiền vào trong cuộc sống hàng ngày thay vì chỉ hành thiền theo một thời khóa định sẵn trong một khung cảnh được dàn dựng đặc biệt cho việc hành thiền.

Quán niệm hơi thở cũng rất hữu ích cho chúng ta khi cuộc sống bị bận rộn và quá nhiều áp lực của công việc. Đôi khi trong đời, nhiều việc ập đến với chúng ta cùng một lúc. Chúng ta bắt buộc phải giải quyết những vấn đề này và vì thế trở nên vô cùng bực bội. Do đó, khi cuộc sống trở nên khó khăn và phức tạp, bạn hãy nhín chút thì giờ để quán niệm hơi thở (anapanasati). Bạn hãy cố gắng nhìn rõ mọi việc thay vì chỉ biết bực bội và bấn loạn phản ứng lại những hoàn cảnh khó khăn. Dựa trên kinh nghiệm riêng, khi gặp khó khăn, tôi chuyển sang quán niệm hơi thở khoảng mười phút, và sau đó tôi có thể thấy mọi việc mới mẻ và khác hẳn ra. Vì thế tôi không bị cuốn hút vào những biểu hiện bên ngoài của sự vật và lạc mất trong sự bấn loạn. Tôi luôn nhìn rõ các pháp chung quanh mình, và biết cách chịu đựng và ứng xử trước những hoàn cảnh khác nhau.

Đây chính là cách luyện tâm. Hơi thở là đối tượng luôn luôn có mặt để chúng ta quán sát. Thay vì đi nghe nhạc hay tìm đọc một quyển sách, bạn hãy trở về với chính thân thể của bạn. Bạn tập trung quán niệm trên một cái gì đó gần gũi và kề sát bên bạn thay vì ở xa xôi tận đâu đâu. Rồi khi tâm bạn đã định, tâm chánh niệm trên hơi thở sẽ đi sâu hơn vào cảnh giới tịch tĩnh và yên lặng của tâm. Bạn sẽ chứng nghiệm được sự rỗng không (tiếng Pali là sunnata.) Bạn có thể thật sự lắng nghe được sự tịch lặng của tâm. Và khi chứng nghiệm được điều này, bạn có thể hướng tâm về cái trống không – về pháp vô vi hay pháp không điều kiện – thay vì hướng đến hơi thở hay những điều kiện khác đang sinh khởi trong tâm.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung