Đôi khi có người đến thiền viện với tâm đạo thật nhiệt thành và phấn chấn, và nói là họ muốn dâng hiến cả cuộc đời cho giáo pháp. Nhưng các bạn đó nên coi chừng – vị nào mà quá nhiệt thành và phấn chấn không chóng thì chầy sẽ trở nên thất vọng và chán nản. Việc hành thiền sẽ rất dễ dàng khi bạn có đầy nhiệt tâm và cảm phục đối với vị sư hướng dẫn; nhưng khi bạn tiếp tục tu tập sâu hơn, việc hành thiền sẽ trở nên đơn điệu và nhàm chán. Lúc đầu, bạn cố gắng sắp xếp cuộc sống để dành nhiều thời gian hơn cho việc thiền tập, nhưng sau đó bạn sẽ thấy chính bạn là người sửa lại nếp sống để dành ít thời gian hơn cho việc hành thiền. Dĩ nhiên, chúng ta ai cũng luôn có những việc quan trọng phải làm trong đời, nhưng lúc đó, điều thật sự xảy ra là việc hành thiền mà đã một thời hấp dẫn và lý thú đang trở nên nhàm chán. Và chúng ta tìm cách trốn tránh khỏi tình trạng nhàm chán này.
Các tăng ni đã từng sống trong Tăng đoàn đều trải qua thời kỳ chán nản và thất vọng này. Nhưng một trong những thuận lợi của các tăng ni là bạn không thể dễ dàng rời khỏi tăng đoàn. Và vì ít nhiều dấn thân với việc tu tập hơn nên khi thật sự chán ngấy với mọi việc, bạn có khả năng chịu đựng nhiều hơn. Trong Tăng đoàn hay thiền viện, có những nhân tố thuận lợi có thể giúp duy trì và giữ bạn lại hành thiền cho đến khi bạn hiểu được giai đoạn “thở ra” của cuộc đời – giai đoạn nhàm chán, thất vọng, và thậm chí tuyệt vọng. Từ góc độ đó, bạn sẽ bắt đầu có tuệ giác và hiểu được con đường đi ra khỏi khổ đau.
Chỉ khi nào sẵn sàng chịu đựng sự thất vọng và tuyệt vọng, bạn mới có thể thật sự thấy và biết. Nếu lầm lạc nghĩ là: “Tôi không tin vào phương pháp hành thiền này nữa”, bỏ đi và chạy theo một phương pháp thiền hay ho thú vị khác hay một tôn giáo khác, bạn sẽ đi loanh quanh. Bạn sẽ đi từ vị sư này đến vị sư khác, từ phương pháp thiền này đến phương pháp thiền khác. Đời sống của bạn có thể đầy thích thú và phấn khởi, bạn có thể rất hăng hái và phấn chấn – nhưng rồi những gì sẽ xảy ra? Nó cũng sẽ trở nên nhàm chán và buồn thảm.
Nếu bạn thật sự nghiêm túc muốn phát triển trí tuệ, thì trong lúc hành thiền, bạn sẽ thấy là sự nhàm chán chỉ kéo dài trong một thời gian nào đó thôi. Nó không phải là một cái gì trường tồn, mặc dù khi không còn hứng thú và tin tưởng nữa, bạn sẽ cảm thấy sự nhàm chán như đang kéo dài vô tận. Nhưng đó chỉ là cái vẻ bề ngoài của nó thôi, nó hình như là như thế. Khi bạn xuống tinh thần và thất vọng, mọi vật đều có vẻ tuyệt vọng và bạn không thể nào tưởng tượng được là mình sẽ tìm lại hạnh phúc. Nếu không có trí tuệ để hiểu được bản chất của sự chán nản tuyệt vọng, bạn sẽ phán đoán theo những diễn biến bên ngoài của hoàn cảnh lúc đó. Những gì chúng ta yêu thích sao mà đi qua quá nhanh, còn những gì chúng ta không thích thì hình như kéo dài vô tận. Nhưng chúng ta vẫn có thể học được điều gì đó từ những nhận thức này. Chúng ta quán sát những biểu hiện bên ngoài của các pháp, nhưng chúng ta vẫn sáng suốt không bị mê lầm bởi những biểu hiện bên ngoài của thế giới cảm giác mà chúng ta đang sống và thể nghiệm.
Tuệ giác chỉ có thể có được khi chúng ta hành thiền và quán sát những gì đang thật sự xảy ra trong cuộc sống của chính chúng ta. Chúng ta phải học tập về những gì đang xảy ra trong cuộc sống – cho dù đây là một quá trình gian khổ và đau đớn – cho chính chúng ta, giống như chúng ta tập đi bằng những cái té ngã đau điếng. Trẻ con không thể tự nhiên mà đi được. Chúng phải tập đi bằng cách bò, vịn vào tường hoặc bàn ghế, tự mình đứng dậy, té xuống, và tự mình đứng dậy lại. Trong hành thiền cũng y hệt như thế. Bạn phát triển trí tuệ bằng cách quán sát vô minh – xuyên qua một quá trình phạm những sai lầm, hãy quán tưởng và học hỏi từ những sai lầm, và lại kiên trì tiếp tục.
Khi nghĩ về điều này, bạn sẽ nói, “Ôi! Tôi sẽ không bao giờ hành thiền tiến bộ được”. Nếu nghĩ nhiều như thế, bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng và cho là mình sẽ không bao giờ làm được. Có lẽ vì thế mà trẻ con tập đi được. Trẻ con may mắn hơn vì chúng không suy nghĩ nhiều như chúng ta; vì nếu trẻ con mà suy nghĩ nhiều như chúng ta, chắc chúng sẽ không bao giờ tập đi được. Trong hành thiền cũng thế: đôi lúc mọi việc hình như là tuyệt vọng. Nhưng đó chỉ là cái hình như hay cái vẻ bề ngoài của vấn đề khi bạn nghĩ về nó. Vì thế bạn hãy kiên nhẫn tiếp tục hành thiền – nhất là trong những lúc thất vọng và khi thất vọng, bạn lại cần phải cố gắng tinh tấn hành thiền nhiều hơn nữa.
Đức Ajahn Sumedho
Việt dịch: Liên Trí
Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng