Căn bản kim cương thừa |

Căn bản kim cương thừa

Kim cương thừa Thực hành

Trong buổi giảng trước tôi đã nói về một số điểm căn bản trong thực hành Kim Cang thừa. Nói chung, các pháp tu trong Kim Cang thừa được chia thành bốn bộ mật pháp, bao gồm Hành Bộ (Action Tantra), Tác Bộ (Performance Tantra), Du-già Bộ (Yoga Tantra), và Vô Thượng Du-già Bộ (Highest Yoga Tantra). Từng bộ mật pháp trong bốn bộ này có phương pháp thực hành khác nhau. Ví dụ, các pháp thuộc Hành Bộ chủ yếu tập trung vào hành động bên ngoài, còn các pháp tu thuộc Vô Thượng Du-già bộ chủ yếu chú trọng vào tiến trình tu tập nội tâm, không chú trọng vào hành động bên ngoài.

Nói chung, mọi pháp tu trong Kim Cang thừa đều phải được kết hợp với một vị bổn tôn. Nếu không có bổn tôn thì không thực hành Kim Cang thừa được. Vì vậy, ngày hôm nay tôi sẽ nói sơ lược về bổn tôn Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), vì ngài Quán Thế Âm rất được nhiều hành giả biết đến trong cả Kinh thừa (Sutrayana) và Kim Cang thừa (Vajrayana). Vào một dịp khác tôi sẽ hướng dẫn nghi quỹ Quán Thế Âm, cách chúng ta hành trì pháp tu bổn tôn Quán Thế Âm.

Ngài Quán Thế Âm có thể được nhìn nhận theo quan điểm của Kinh thừa và theo quan điểm của Kim Cang thừa. Trong Kinh thừa, chúng ta không có khái niệm quán đảnh Quán Thế Âm, và ngài Quán Thế Âm chỉ là đối tượng để chúng ta dâng lời cầu nguyện. Trong Kim Cang thừa, không những chúng ta có khái niệm quán đảnh Quán Thế Âm mà còn có cách hành trì pháp tu bổn tôn Quán Thế Âm.

Khi nói về pháp tu Quán Thế Âm, chúng ta cần có hiểu biết về nhiều hình tướng khác nhau của ngài Quán Thế Âm. Để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh hữu tình và để giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ, ngài Quán Thế Âm đã thị hiện trong nhiều hình tướng khác nhau. Có hai khía cạnh quan trọng trong các pháp tu thuộc Kim Cang thừa: tự thân tu hành (tự lực) và thỉnh cầu gia trì (tha lực). Các pháp tu thuộc Kinh thừa chủ yếu nhấn mạnh tự thân tu hành, còn các pháp tu Kim Cang thừa kết hợp cả tự lực và tha lực. Người tu Kim Cang thừa không chỉ nỗ lực tự thân mà còn thực hành để nhận lực gia trì từ vị bổn tôn. Vì vậy, các pháp tu Kim Cang thừa cần được kết hợp với một vị bổn tôn, và lực gia trì hay năng lượng từ vị bổn tôn có thể giúp chúng ta tu tập tiến bộ nhanh chóng hơn. Do đó, chúng ta thấy có rất nhiều vị bổn tôn trong Kim Cang thừa, và đôi lúc có nhiều bổn tôn khác nhau như thế khiến ta cảm thấy bối rối. Một điểm quan trọng ta cần biết là khi chúng ta tu hành chứng đắc Phật quả, ta cũng đồng thời trở thành một vị bổn tôn.

Các pháp tu Kim Cang thừa không chỉ đặt nền tảng trên thực hành bổn tôn mà còn dựa trên kinh mạch, năng lượng, và khí trong cơ thể. Mục đích của pháp tu Kim Cang thừa là để kiểm soát năng lượng, từ đó làm chủ khí trong cơ thể, đồng thời kích hoạt các luân xa. Kích hoạt luân xa và làm chủ được khí vi tế trong cơ thể giúp chúng ta làm sinh khởi thức vi tế, hay thức quang minh (clear light consciousness), và một khi có thể tận dụng thức vi tế này để chứng tánh không thì người tu sẽ đạt Phật quả rất nhanh. Đây là một điểm chính yếu trong Kim Cang thừa, kích hoạt luân xa và hệ thống năng lượng trong cơ thể. Bây giờ quý vị đừng hỏi tôi làm cách nào để kích hoạt luân xa và năng lượng trong cơ thể. Tại Việt Nam tôi chưa giảng về cách kích hoạt luân xa và năng lượng, tôi chỉ đề cập một một phần nhỏ khi hướng dẫn pháp tu chuyển di tâm thức (phowa). Phương pháp kích hoạt luân xa và hệ thống năng lượng trong cơ thể được xem là mật pháp, hay giáo lý bí mật, tôi sẽ hướng dẫn sau.

Mục đích chính của việc kích hoạt năng lượng và luân xa trong cơ thể là để làm sinh khởi thức vi tế và tận dụng thức vi tế này để chứng tánh không. Đây là một cách chứng tánh không rất hiệu quả. Đồng thời, nếu quý vị kích hoạt các luân xa và vận hành khí trong kinh mạch đúng đắn thì chúng sẽ giúp tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, cùng nhiều lợi ích khác. Thọ mạng của con người phụ thuộc vào khí, vì vậy nếu có thể kiểm soát được khí thì tuổi thọ có thể được kéo dài.

Việc nhận quán đảnh chỉ là một hình thức nhận gia trì. Chỉ nhận quán đảnh sẽ không giúp gì nhiều cho quý vị, vì việc nhận quán đảnh chỉ được xem như là nhận vé vào cổng. Sau đó, quý vị phải bước vào cổng, phải hiểu biết, và phải tự thân tu hành. Sau khi có vé vào cổng rồi, quý vị phải bước qua cổng để tiến vào nhà, phải hiểu rõ đường đi nước bước trong nhà. Chỉ nhận quán đảnh thì chưa đủ. Sau khi nhận quán đảnh, quý vị không những phải hiểu rõ cách hành trì pháp tu bổn tôn, mà còn phải biết cách kích hoạt năng lượng, luân xa và kinh mạch. Đây là một trong những điểm trọng yếu của các pháp tu Kim Cang thừa. Phương pháp kích hoạt năng lượng, luân xa và kinh mạch được xem là giáo lý bí mật, cần được giữ kín và chỉ được truyền từ người phù hợp đến người phù hợp.

Với pháp tu bổn tôn, ví dụ như bổn tôn Quán Thế Âm, có hai phương pháp thực hành chính: tự sinh khởi và sinh khởi phía trước. Nếu quý vị quán tưởng đức Quán Thế Âm hiện lên trước mặt quý vị thì đó là pháp sinh khởi phía trước. Nếu quý vị quán tưởng bản thân chuyển hóa thành đức Quán Thế Âm thì đó là pháp tự sinh khởi. Sau này tôi sẽ hướng dẫn các bước trong nghi quỹ hành trì pháp tu Quán Thế Âm. Quý vị chỉ được phép quán tưởng bản thân chuyển hóa thành đức Quán Thế Âm sau khi đã nhận quán đảnh Quán Thế Âm. Nếu chưa nhận quán đảnh thì quý vị không thể quán tưởng chính mình chuyển hóa thành ngài Quán Thế Âm.

Các pháp tu bổn tôn, chẳng hạn như pháp tu Quán Thế Âm, có một số mục đích chính. Mục đích thứ nhất của việc hành trì pháp tu Quán Thế Âm là để có được linh kiến trực tiếp của ngài Quán Thế Âm. Có được linh kiến trực tiếp của ngài Quán Thế Âm nghĩa là quý vị gặp và trò chuyện với ngài Quán Thế Âm như gặp một người bình thường. Đây là một điểm khó. Đôi khi quý vị thấy ngài Quán Thế Âm, nhưng thật sự đó không phải là ngài Quán Thế Âm mà là một vị khác. Vì vậy, khi thấy ngài Quán Thế Âm, quý vị phải cẩn trọng phân biệt linh kiến thật và linh kiến giả. Biết cách phân biệt thật, giả là điều rất quan trọng.

Nếu không thể có được linh kiến trực tiếp của vị bổn tôn thì quý vị cũng có cơ hội nhận được gia trì và gặp vị bổn tôn trong giấc mơ. Ví dụ, trong giấc mơ quý vị có thể được ngài Quán Thế Âm hướng dẫn tu hành, hoặc quý vị đặt câu hỏi cho ngài. Đây là mục đích thứ hai của việc thực hành pháp tu Quán Thế Âm. Tuy nhiên, giấc mơ thường phức tạp. Khi quý vị gặp ngài Quán Thế Âm trong giấc mơ, đó chưa hẳn là ngài Quán Thế Âm. Bằng cách nào quý vị có thể xác nhận trong giấc mơ mình gặp được ngài Quán Thế Âm thật hay Quán Thế Âm giả? Chính Đức Phật cũng từng dạy trong Kinh Bát Nhã rằng vào thời mạt pháp, ma vương sẽ hiện hình thành chư Phật trong giấc mơ để đánh lừa người tu và để đưa chỉ dẫn sai trái. Vì thế, hình ảnh Quán Thế Âm mà quý vị thấy trong giấc mơ có thể không phải là ngài Quán Thế Âm. Phân biệt thật, giả trong giấc mơ cũng lại là một điều rất quan trọng. Trong nhiều tình huống là thật, nhưng cũng có vài tình huống là giả. Nếu không biết phân biệt thì quý vị sẽ bị rơi vào những vấn đề khác.

Mục đích thứ ba của pháp tu Quán Thế Âm là để được sinh về cõi tịnh độ của ngài Quán Thế Âm. Dù quý vị thực hành pháp tu Quán Thế Âm hay pháp A Di Đà, mục đích thứ ba là để được sinh về cõi tịnh độ của vị bổn tôn khi quý vị qua đời. Trên đây là ba mục đích chính của pháp tu bổn tôn nói chung và pháp tu Quán Thế Âm nói riêng.

Các pháp tu trong Kim Cang thừa cũng đề cập đến khái niệm tam thời sinh tam thân, tức là chuyển hóa cái chết để thành tựu Pháp Thân Phật, chuyển hóa cõi trung ấm để thành tựu Báo Thân Phật, và chuyển hóa tiến trình tái sinh để thành tựu Hóa Thân Phật. Điểm này nói đến cách chúng ta có thể giải thoát bản thân mình vào thời điểm chết, cách tận dụng thời điểm chết để đắc Pháp Thân Phật, và khi vào cõi trung ấm, cách chúng ta tự giải thoát mình trong trung ấm. Đây là những điểm trọng yếu trong Kim Cang thừa. Kinh thừa chủ yếu nhấn mạnh đến đời này và không đề cập đến cái chết và cách tự giải thoát khi chết. Kim Cang thừa sẽ hướng dẫn chúng ta cách tự giải thoát vào thời điểm chết, lúc vào trung ấm, và lúc tái sinh.

Kim Cang thừa cũng hướng dẫn chúng ta cách giúp đỡ người đã chết. Một dịp nọ tôi gặp một người phụ nữ vừa mới trở thành Phật tử. Cô ấy nói với tôi là cô cảm thấy rất tội lỗi vì đã không hiểu biết để giúp cha mẹ cô khi họ qua đời. Cô ấy thường cảm thấy chán nản khi ý nghĩ đó hiện lên trong tâm cô, vì cô đã không có hiểu biết để giúp cha mẹ mình, và giờ đây thì họ đã qua đời. Trong truyền thống Tây Tạng, khi có người qua đời, người ta hay tụng đọc quyển Tử Thư Tây Tạng (The Tibetan Book of the Death). Tử Thư Tây Tạng mô tả những gì người chết phải trải qua trong 49 ngày trong cõi trung ấm. Khi có người hấp hối, làm thế nào chúng ta giúp đỡ họ? Và chúng ta có thể giúp ích cho người đã chết hay không? Nếu nói có thì ta giúp người đã chết bằng cách nào? Hiện tại, khi cúng thí cho người đã chết, quý vị thường đốt tiền vàng mã. Có người từng nói với tôi là đốt tiền giả hiện đã lỗi thời, mà phải nên đốt thẻ tín dụng! Những việc làm đó là một cách cố gắng giúp đỡ người chết. Thật sự thì mọi việc làm để cố gắng giúp đỡ người chết đều rất tốt, nhưng câu hỏi ở đây là những hành động đó giúp đỡ người chết như thế nào? Giáo lý Kim Cang thừa nói đến việc giúp đỡ người chết bằng cách hướng dẫn họ tự giải thoát trong cõi trung ấm và đi vào con đường đưa họ đến giác ngộ. Kim Cang thừa cũng nói đến việc tự giải thoát, cách thức chúng ta đạt được Pháp Thân Phật lúc chết, và cách tự giải thoát khỏi cõi trung ấm. Đây là những mục đích chính của các pháp tu Kim Cang thừa.

Tôi dừng ở đây và dành thời gian còn lại cho phần hỏi đáp.

Hỏi: Khí được nói đến trong Kim Cang thừa có giống không khí mà chúng ta hít thở hàng ngày không?

Rinpoche: Theo quan điểm của Kim Cang thừa, có 5 loại khí khác nhau trong cơ thể, và Kim Cang thừa chủ yếu nói nói loại khí vi tế, là loại khí luôn di chuyển cùng với tâm thức. Không khí mà chúng ta hít thở hàng ngày chỉ là loại khí thô, còn Kim Cang thừa đề cập đến khí vi tế.

Hỏi: Con chưa nhận quán đảnh Quán Thế Âm thì con sẽ thực hành thế nào ở bước tự sinh khởi?

Rinpoche: Nếu chưa nhận quán đảnh Quán Thế Âm thì bạn có thể quán tưởng ngài Quán Thế Âm ở đỉnh đầu của mình. Chưa nhận quán đảnh thì bạn không thể quán tưởng bản thân mình tự sinh khởi thành ngài Quán Thế Âm.

Hỏi: Bà ngoại con mới mất được một tuần. Con phải làm gì để giúp bà ngoại con trong suốt 49 ngày?

Rinpoche: Điều đầu tiên bạn có thể làm để giúp đỡ bà ngoại là tụng kinh và hồi hướng công đức cho bà vào mỗi tuần trong suốt 49 ngày. Khi tụng kinh hay cầu nguyện, trong tâm bạn cần khuyên bà hãy đừng bám chấp vào cõi luân hồi nữa mà hãy theo chư Phật đến cõi tịnh độ. Trong tâm bạn có thể gửi thông điệp đó đến bà mình. Bạn cũng có thể cầu nguyện bà ngoại sẽ được vãng sinh về cõi tịnh độ. Trong 49 ngày, sẽ rất tốt nếu bạn có thể trì tụng thần chú Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) và hồi hướng để tiêu trừ ác nghiệp của bà. Bạn có thể đặt mục tiêu trong 49 ngày trì tụng 20 ngàn hoặc 30 ngàn biến thần chú Kim Cang Tát Đỏa, vì lợi ích của bà ngoại và để tịnh hóa ác nghiệp của bà. Khi bạn cầu nguyện như thế và nỗ lực giúp bà tịnh hóa ác nghiệp thì bà của bạn sẽ dễ sinh về cõi tịnh độ hơn.

Hỏi: Những người không tu Kim Cang thừa có trải qua giai đoạn trung ấm không, vì có những phái thiền, tịnh độ nói rằng không có thân trung ấm? Nếu mình tu theo Kim Cang thừa thì mình giúp đỡ họ bằng cách nào khi họ không tin là có cõi trung ấm?

Rinpoche: Nói chung, có nhiều hệ thống tín ngưỡng khác nhau. Tín đồ Thiên Chúa giáo không tin cõi trung ấm. Người theo Hồi giáo cũng không tin trung ấm. Theo quan điểm của Hồi giáo, khi chết thì con người phải chờ đến ngày phán xét. Thiên Chúa giáo cũng có quan điểm tương tự về ngày phán xét. Hàng trăm triệu người có niềm tin như thế. Có nhiều hệ thống tín ngưỡng khác nhau, và có tin vào cõi trung ấm hay không tùy thuộc vào hệ tín ngưỡng. Ví dụ như theo Thiên chúa giáo thì khi qua đời thì bạn chỉ có hai hướng đi, hoặc lên thiên đàng, hoặc xuống địa ngục. Điều quan trọng là chúng ta “đi” như thế nào, cái gì sẽ lên thiên đàng hay xuống địa ngục? Thiên Chúa giáo cho rằng sau khi chết, có một linh hồn sẽ lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục. Ấn Độ giáo cũng có quan điểm tương tự, và họ gọi khái niệm linh hồn là atman. Tôi có quen một vị Cha thuộc Thiên Chúa giáo cũng đã lâu. Ông ấy mời tôi có dịp thì đến dự buổi nói chuyện của ông ấy về Kinh Thánh. Tôi cảm thấy rất thú vị và thật lòng muốn tham dự vào một ngày nào đó. Khi nói đến cõi trung ấm, chúng ta phải xem lại lời Phật dạy về cõi trung ấm. Theo đạo Phật thì có cõi trung ấm, và chính thân trung ấm sẽ đi tái sinh vào đời sau. Theo Thiên Chúa giáo thì linh hồn sẽ lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục, còn theo Ấn Độ giáo thì atman sẽ đi luân hồi. Vậy linh hồn là gì? Atman là gì? Thân trung ấm là gì? Các lý giải sẽ khác nhau, nhưng mục đích thì tương đồng. Bây giờ, khi có người đã chết và sinh vào cõi trung ấm, dù họ có tin vào quan điểm của đạo Phật hay không, chúng ta cũng cố gắng giúp đỡ họ. Chúng ta hãy giúp đỡ, còn niềm tin của người qua đời là vấn đề hoàn toàn khác.

Hỏi: Thưa Ngài có thể giảng rõ hơn về Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân?

Rinpoche: Pháp Thân Phật là tâm toàn tri của Đức Phật, còn gọi là nhất thiết trí. Nhất thiết trí là trí mà chúng ta đạt được khi đắc Phật quả, đó là trí tuệ thấu biết tất cả. Báo Thân Phật là thân Phật đang ngự trên cõi trời Sắc Cứu Cánh. Khi Đức Phật hóa hiện vào cõi ta bà để thuyết Pháp thì thân Phật hiện trong cõi ta bà chính là Hóa Thân Phật. Ví dụ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Hóa Thân Tối Thắng. Có nhiều loại Hóa Thân Phật, và hóa thân hiện ra để thuyết Pháp như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được gọi là Hóa Thân Tối Thắng.

Hỏi: Làm thế nào để phân biệt Quán Thế Âm thật và Quán Thế Âm giả?

Rinpoche: Đây là giáo lý bí mật, tôi sẽ hướng dẫn vào dịp khác. Kim Cang thừa còn được gọi là Bí Mật thừa, hay Mật tông, có nhiều giáo lý cần được giữ kín. Cách phân biệt linh kiến thật, giả là giáo lý bí mật và tôi sẽ không hướng dẫn qua mạng, nếu hướng dẫn qua mạng thì quá hiện đại. Tôi hiện đại nhưng sẽ không quá hiện đại [Thầy cười].

Hỏi: Ngài đã hướng dẫn thực hành Ruộng Phước và nghi quỹ Quán Thế Âm. Vậy mỗi ngày con nên thực hành Ruộng Phước hay thực hành nghi quỹ Quán Thế Âm?

Rinpoche: Tùy vào hoàn cảnh của bạn. Bạn có thể thực hành bất cứ pháp tu nào bạn thích. Nếu hôm nay bạn có cảm hứng thực hành Ruộng Phước thì bạn có thể thực hành Ruộng Phước. Nếu một ngày khác bạn cảm thấy thích thực hành nghi quỹ Quán Thế Âm thì thực hành pháp tu Quán Thế Âm. Điều này tùy vào sự thuận tiện của bạn.

Hỏi: Con đang thực hành thiền chỉ. Trước đây con không tập trung được, nay con có thể tập trung hơn thì cảm thấy cơ thể nhẹ hơn rất nhiều. Đây có phải là tiến bộ trong thực hành không ạ?

Rinpoche: Đó được xem là sự tiến bộ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn phải kiểm tra như tôi đã hướng dẫn, kiểm tra xem bạn có thể tập trung trong mấy phút. Chỉ khi biết được thời lượng bạn có thể tập trung thì tôi mới có thể nói được bạn đang ở giai đoạn thứ mấy của thiền chỉ. Để thành tựu thiền chỉ thì chúng ta phải trải qua 9 trạng thái tâm, phải lần lượt đạt được giai đoạn 1, rồi đến giai đoạn 2, giai đoạn 3… Lần trước tôi đã hướng dẫn quý vị thực hành 10 lần và kiểm tra xem trong 10 lần hành thiền, quý vị có thể tập trung được mấy lần mà không bị phân tâm. Đồng thời, quý vị kiểm tra xem mình có thể kéo dài tập trung trong mấy phút. Có hai dạng phân tâm, hay trạo cử, sẽ xảy ra trong hành thiền, đó là trạo cử thô và trạo cử vi tế. Trạo cử thô là khi quý vị hoàn toàn đánh mất sự tập trung, tâm bị phân tán hoàn toàn và mất hoàn toàn đối tượng thiền. Trạo cử vi tế là khi một phần tâm của quý vị vẫn tập trung vào đối tượng thiền, và một phần tâm bị xao lãng khỏi đối tượng. Với người mới thực hành, quý vị không cần nỗ lực loại bỏ trạo cử vi tế. Khi quý vị thật sự nghiêm túc thực hành thiền chỉ thì phải xử lý cả trạo cử vi tế.

Hỏi: Ma có tồn tại hay không? Nếu có thì làm cách nào để thấy được ma và bắt ma?

Rinpoche: Có lẽ bạn có thể bắt ma giống với cách bắt Pokemon [Thầy cười]. Câu hỏi ở đây là ma có tồn tại hay không? Các truyền thống tôn giáo khác nhau đều tin vào sự tồn tại của ma. Tuy nhiên, bắt ma là điều không thể có. Chúng ta là những chúng sinh có sắc tướng, tức là có thân vật lý, còn ma lại là chúng sinh vô sắc tướng, chúng không có thân vật lý. Chúng sinh có hình tướng không thể bắt chúng sinh vô tướng. Nói về việc thấy ma, một dịp nọ có một cô gái người Mỹ nói với tôi rằng cô ấy bị ma tấn công. Cô ấy kể lại rằng một buổi tối có ma tấn công cô ở vùng cổ, cô ấy lập tức thức giấc và soi gương, chụp ảnh lại và thấy có vết cào nơi cổ. Sự việc này có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau, và việc nhìn thấy ma tùy thuộc vào người đó có thật sự mong muốn thấy ma hay không, mà muốn thấy ma như thế nào. Ma là một dạng chúng sinh thuộc cõi vô sắc, và những chúng sinh này cũng còn trong luân hồi, họ cũng đau khổ và gặp khó khăn. Ở Việt Nam, tôi đã gặp nhiều người nói rằng họ thấy ma, tôi không nhớ đã có bao nhiêu người nói như thế, nhưng tôi chỉ thấy có một trường hợp là thật sự thấy ma và bị ma tác động.

Hỏi: Khi con tụng kinh cầu an con thấy có gương mặt của đức Quán Thế Âm hiện lên phía trước. Xin Thầy giúp con phân biệt thật hay giả?

Rinpoche: Hình ảnh đó hiện lên trong tâm bạn hay bạn nhìn thấy bằng mắt mình? Nếu là hình ảnh trong tâm thì không sao cả. Nếu bạn nhìn thấy hình ảnh đó bằng mắt của mình, giống như là bạn thấy bạn bè của mình, thì mới cần thiết phải phân biệt thật hay giả.

Hỏi: Xin Thầy hướng dẫn con cách thiền quán về tâm ái ngã?

Rinpoche: Tâm ái ngã là điều chúng ta cần từ bỏ, nên chúng ta cần thiền quán về cách diệt trừ tâm ái ngã, chứ không thiền quán về tâm ái ngã. Nếu diệt được tâm ái ngã thì bạn trở thành một vị A-la-hán. Để diệt được tâm ái ngã thì cần phải chứng được tánh không. Nếu không chứng được tánh không thì không thể diệt trừ tâm ái ngã. Vì vậy, chúng ta cần hiểu tánh không, bởi hiểu tánh không là yếu tố quan trọng để diệt trừ ái ngã và chấp ngã.

Đức Khangser Rinpoche

Ban Biên tập Dipkar dịch và hiệu đính

Nguồn: Căn bản Kim cang thừa

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung