Tâm trong khi Thiền định |

Tâm trong khi Thiền định

Tham khảo Thực hành

Khi ta thiền định, hãy thiền định trong một thời gian ngắn, nhưng lập đi lập lại nhiều lần. Toàn bộ vấn đề là để phát triển một tập quán thiền định. Nếu ngay từ lúc đầu ta thiền định quá lâu, tâm chỉ trở nên bị kích động hơn nữa và khó kiểm soát. Nếu ta thiền định trong một thời gian ngắn và thực hiện lại thời khoá nhiều lần, thì trong mỗi thời khoá tâm sẽ tươi mới, trong trẻo và có thể lắng dịu dễ dàng hơn. Vì thế hãy lập đi lập lại sự thiền định cho tới khi tập quán thiền định phát triển mạnh mẽ hơn.

Điều cần là kiểm soát tâm trong khi thiền định. Tâm thức không được kiểm soát thì mãnh liệt và nguy hiểm như một con voi giận dữ. Không những ta không kiểm soát được nó mà tâm còn có thể vận hành theo cách riêng của nó. Nếu một cảm xúc giận dữ hay tham muốn rất mạnh mẽ phát sinh trong ta, ta thường không thể kiểm soát nó. Nhưng nó là tâm ta, vì thế ta có thể kiểm soát nó nếu ta sử dụng các khí cụ đúng đắn là sự chánh niệm và tỉnh giác. Tỉnh giác là thấu biết một cách chính xác điều gì ta đang làm. Chánh niệm là kiểm soát tâm ta và không để nó vuột ra ngoài sự kiểm soát.

Khi thiền định, ta không nên theo đuổi một tư tưởng thuộc về quá khứ, không dấn mình vào tương lai, và không nên bị dính mắc với những tư tưởng trong hiện tại. Tư tưởng thuộc quá khứ thì giống như điều ta đã làm ngày hôm qua; tư tưởng thuộc tương lai thì giống như những gì ta đang hoạch định để làm vào ngày mai và tư tưởng trong hiện tại chỉ xuất hiện bất ngờ. Trong tất cả các trường hợp, ta không nên theo đuổi dòng niệm tưởng này mà chỉ nên thư dãn và để mặc chúng bằng cách không đi theo chúng cách này hay cách khác. Ví dụ, trong khi thiền định ta có thể nghĩ tưởng về điều đã xảy ra một tháng trước hay nghĩ tới một tư tưởng ta vừa mới có và nghĩ: “Tôi vừa nghĩ về điều này.” Sau đó ta chỉ chấm dứt việc đi theo tư tưởng đó. Như vậy ta không nên đi theo bất kỳ tư tưởng nào. Cũng thế, ta có thể đang hoạch định điều gì cho tuần tới và ngay lập tức ta nghĩ tưởng: “Tôi không được suy nghĩ về điều này!” Ta phải tránh theo đuổi các niệm tưởng trong thiền định của ta bởi một cách đơn giản, thiền định chỉ để mặc các sự việc đúng như chúng là, không quá lơi lỏng hay quá căng thẳng. Nếu ta làm được điều này, ta sẽ nhận ra rằng tự nó tâm sẽ an tĩnh hoàn toàn tự nhiên.

Đức Thrangu Rinpoche

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung