Nếu bạn có thể thực hành ngay cả khi phóng tâm |

Nếu bạn có thể thực hành ngay cả khi phóng tâm

Home

Chúng ta có đủ loại hoàn cảnh mà chúng ta phải ứng phó trong đời sống bình thường, thậm chí những tình trạng mà chúng ta không tỏ biết, nhưng chúng ta không quan tâm riêng tới cuộc sống chúng tachúng ta quan tâm nhiều hơn tới sự loạn thần và những trò chơi của chúng ta. Nếu chúng ta đang trong một mức độ rất cao của sự bối rối khó chịu, chừng nào nó còn đó thì tỉnh giác không có. Nhưng chúng ta cũng có thể kinh nghiệm tức thời một cảm thức tỉnh giác. Theo truyền thống, mọi hỗn loạn xảy tới đều được xem như một tiếng hét kêu cầu sự thiêng liêng hay giúp đỡ, ban phước hay cầu nguyện. Trong cuộc sống bình thường hàng ngày của chúng ta, cũng trong những truyền thống hữu thần, mỗi khi cái gì thình lình ập tới, chúng ta nói, “Ngài ơi, xin nhìn vào đây”, hay chúng ta phát lên những danh hiệu thiêng liêng. Theo truyền thống, điều đó được xem là một sự nhắc nhớ lại tánh giác. Nhưng ngày nay chúng ta không còn dùng cách đó nữa, chúng ta chỉ dùng những lời chửi rủa trong một cách thức thoái hóa nhất.

Ý tưởng của châm ngôn này là sự nhận thức rằng bất cứ tình huống nào có bản chất bình thường hay bản chất phi thường xảy tới – ấm nước của chúng ta sôi tràn, hay miếng thịt của chúng ta cháy thành than, hay thình lình chúng ta trượt chân và mất tự chủ – thì trí nhớ về sự tỉnh giác liền có mặt. Bình giảng của Jamgošn Kongtrušl nói về một con ngựa được huấn luyện tốt, mạnh mẽ mất thăng bằng và thình lình lấy lại được thăng bằng nhờ mất nó. Và những kinh điển nói về những hành động của bồ tát như những lực sĩ khéo luyện tập bị trợt trên một bề mặt trơn và trong quá trình bị trợt lấy lại sự thăng bằng của mình bằng cách dùng chính sức mạnh của quá trình trượt té. Tôi cho điều ấy cũng tương tự như đi trượt tuyết, khi bạn dùng sức mạnh của sự trượt xuống và để cho bạn trượt đi trên tuyết – thình lình bạn có được chú ý và phát triển sự thăng bằng từ đó.

Thế nên bất cứ khi nào có một chợt thấy hay một giật mình thình lình thấy mất sự nắm chặt của mình – việc có vẻ sợ hãi mất sự nắm chặt thực tại của mình, bấy giờ tỉnh giác có mặt một cách thích đáng. Để làm thế cần có một sự từ bỏ. Nó không phải là công việc theo chủ nghĩa sô vanh của bạn, bạn là một người mạnh mẽ và quyền lực dị thường và cũng có một cảm thức tỉnh giác xảy ra luôn luôn. Nhưng khi cái gì đụng vào bạn, đó là kết quả của sự không có chánh niệm, thì bấy giờ sự thiếu chánh niệm ấy thình lình tạo ra một nhắc cho nhớ một cách tự động. Thế nên bạn thực sự trở lại lối đi của mình, có thể nói như vậy, có thể thu xếp cho cuộc đời của bạn.

Chúng ta bắt đầu nhận thức rằng chúng ta có thể thực sự thực hành bất chấp những tư tưởng lang thang của chúng ta. Tôi xin lỗi khi là một tay sô vanh, nhưng hãy để tôi đưa ra một ví dụ về điều này. Điều thường xảy ra là tôi thường bị thương tổn, chán nản và bị vị thầy giáo thọ tốt lòng của tôi và những vị quản lý tôi ở tu viện Surmang đẩy vào những cơn khủng hoảng. Khi tôi hối hận, nhiều buồn rầu và nhiều vô hy vọng – nhưng là vô hy vọng một cách thận trọng, vô hy vọng một cách chủ tâm – tôi thường nghĩ đến bổn sư Jamgošn Kongtrušl của tôi và khóc. Sau khi ngài đi khỏi tu viện Surmang, tôi vẫn nghĩ đến ngài và ngài thực sự đã làm điều gì đó cho tôi, làm tôi phấn khởi. Tôi thường thử sự tiếp cận sùng mộ của kim cương thừa : Tôi nói với những thị giả của tôi, “Hãy ra ngoài! Tôi không cần trà nước gì vào lúc này; tôi đang đọc.” Rồi tôi nằm dài và kêu khóc trong nửa tiếng đồng hồ, đôi khi bốn mươi lăm phút. Rồi có ai đó nhảy vào. Các thị giả của tôi rất lo lắng, nghĩ rằng tôi bị bệnh hay bị gì đó. Và tôi nói, “Đem ra đi. Hãy ra ngoài. Tôi không cần trà nữa”.

Nhưng đôi khi tôi thấy điều ấy không nhiều hiệu quả, rằng quá sớm để đi vào sự sùng mộ kim cương thừa, bởi vì chúng ta không có đủ sự tu hành căn bản. Thế nên tôi phát triển một chiến thuật mới phù hợp hoàn toàn với châm ngôn này. Bất cứ khi nào có vấn đề hay xáo trộn gì, tôi sẽ nói cho Jamgošn Kongtrušl về chuyện đó khi đến thăm ngài, và khi tôi trở về, tôi bắt đầu dùng một phương pháp mới. Bất cứ khi nào có xáo trộn hay vấn đề gì, hay thậm chí có sự tốt đẹp hay hưng phấn – bất cứ cái gì xảy ra – tôi sẽ chỉ trở lại đời sống của mình và trí nhớ của tôi về ngài, cũng như trí nhớ của tôi về con đường và sự thực hành. Tôi bắt đầu có thể cảm thấy một cảm thức tỉnh giác, tỉnh giác nhanh chóng, tỉnh giác rất trực tiếp. Cái tỉnh giác này không tất yếu liên hệ với trí nhớ về Jamgošn Kongtrušl; nó là cái tỉnh giác xảy đến khi bạn vừa trôi dạt khỏi và tiến trình trôi dạt khỏi ấy đem bạn trở lại. Đó là cái được nói ở châm ngôn này. Chẳng hạn nếu bạn là một người cưỡi ngựa giỏi, tâm thức bạn có thể lang thang đây đó, nhưng bạn vẫn không rớt khỏi con ngựa của bạn. Nói cách khác, dù chúng ta có trôi dạt khỏi, nếu tiến trình trôi dạt khỏi này có thể đem bạn trở lại, đó là dấu hiệu của sự thực hành toàn hảo.

Ý tưởng là bạn đã tu hành, thế nên bạn sẽ không có vấn đề rắc rối gì trong sự liên tục. Khi những trường hợp sướng khổ đụng đến, bạn không trở thành tên nô lệ của chúng. Bạn đã học làm thế nào tư duy ngay về tonglen và về Bồ đề tâm thế nên bạn không lệ thuộc vào sung sướng và khổ đau quá độ hay chán nản chút nào. Khi bạn gặp một tình huống, tình huống ấy ảnh hưởng những cảm xúc và trạng thái tâm thức của bạn. Nhưng bất cứ khi nào trạng thái tâm thức và những cảm xúc của bạn bị ảnh hưởng vì sự dằn xóc làm thức tỉnh này, thình lình bản thân tình huống trở thành sự tỉnh giác và chánh niệm của bạn. Nó xảy đến với bạn, thế nên bạn ít cần đặt nỗ lực vào đó từ phía bạn. Bạn không phải cố gắng giữ gìn, thấu hiểu hay canh chừng. Điều ấy không có nghĩa là bạn cần vứt bỏ mọi sự và những sự việc luôn luôn đến với bạn. Rõ ràng có một cần thiết cho bạn là nên phát triển sự tỉnh giác và chánh niệm nền tảng và cảnh giác đi chung. Nhưng sự cảnh giác này là một trạng thái nền tảng của tâm thức, nó liên hệ với thiền định ba la mật.

Điều chúng ta phải bàn luận trong điểm năm là hoàn toàn thẳng tắt và trực tiếp. Điểm chính yếu là không để cho chính bạn bị thương vì những răng nanh của sự loạn thần, những răng nanh của phiền não. Cách thức làm điều đó là thấu hiểu rằng “tất cả pháp đều đồng ý ở một điểm”, đó là thuần hóa bản ngã chính mình. Đó là cái cân độ trên đó những hành giả có thể được cân nặng nhẹ. “Trong hai người chứng, hãy lấy người chính yếu” nghĩa là bắt đầu với sự phán xét của riêng bạn về bạn đang làm như thế nào. “Hãy luôn luôn giữ gìn chỉ một tâm thức hoan hỷ” nghĩa là có một cảm thức vui tươi. Bởi vì bạn không bị mắc vào trong kỷ luật gay gắt, bạn có thể kinh nghiệm niềm vui, đặc biệt khi những tình huống xấu xa quá độ hay vui mừng quá độ xảy ra cho bạn. Và dấu hiệu tu hành nhuần nhuyễn là bạn có thể thực hành ngay cả khi phóng tâm.

Nếu bạn thực hành những điều ấy, tôi chắc chắn chúng ta sẽ không có vấn đề khó khăn nào trong việc sản xuất ra hàng ngàn vị Phật và Bồ tát trong thế kỷ này!

Đức Chošgyam Trungpa

Việt dịch: Trùng Hưng

Nguồn: Con đường căn bản đến giác ngộ

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung