Hãy chấp nhận thân mạng thế gian này của chúng ta |

Hãy chấp nhận thân mạng thế gian này của chúng ta

Home Tham khảo Thực hành

Thân thể con người là do tứ đại cấu tạo thành: đó là đất, nước, lửa, và gió. Chúng ta phải sống nhờ vào thực phẩm được trồng trọt, lớn lên, và gặt hái từ quả đất này. Chúng ta cần nước, sức nóng của mặt trời, và không khí để thở. Khi chúng ta lìa bỏ cõi đời, những yếu tố này lại trở về với lòng đất; chúng không bay lên thiên đường. Vì thế, khi còn nương vào tấm thân này để sống, chúng ta phải chấp nhận những giới hạn của nó, thay vì mong muốn thoát ra và quay lưng chối bỏ trái đất đã nuôi dưỡng chúng ta. Chối bỏ tấm thân này là một ước mơ hoang tưởng và ích kỷ. Lời tuyên bố, “Tôi không thích thế gian này nữa. Tôi đã quá chán ngán tấm thân này. Tôi muốn được sống trong cảnh giới huyền diệu nằm ngoài thế gian này.” là tư tưởng xuất phát từ cái nhìn sai lầm về sự hiện diện của một cái ngã độc lập, từ tình cảm ghê tởm và chán ghét cái tự ngã cô lập đó, và khát vọng muốn được có cuộc sống tốt đẹp hơn và vi tế hơn. Nó xuất phát từ tâm tham ái chứ không phải là một ước mơ hướng đến một lý tưởng cao đẹp.

Khi hành thiền, một trong những bài học quan trọng là tập chấp nhận trái đất và tấm thân mà chúng ta nương nhờ vào để sống. Chúng ta tập quán thân rất nhiều; trong giai đoạn đầu, công phu hành thiền chủ yếu là quán sát thân thể vật lý của chúng ta. Chúng ta tập điều phục, an tịnh thân, tập xem trọng những nhu cầu thân thể và không ép thân thể phải chiều theo những đòi hỏi của chúng ta. Nếu không hiểu được sự vận hành của thân, chúng ta có thể rất tàn nhẫn, bỏ bê và coi thường những nhu cầu của nó. Thí dụ trong lúc hành thiền và thân bị đau nhức, chúng ta có thể ép thân ngừng hoạt động để đè nén sự đau nhức. Chúng ta cũng có thể tìm cách đi vào trạng thái xuất thần để quên phứt đi cơ thể. Nhưng khi cơ thể bắt đầu đau nhức, đói khát, hay cần đi tiểu tiện, chúng ta lại ghê tởm và chán ngán nó. Làm như thế là không công bằng và hợp lý phải không các bạn? Vừa mới đi vào một trạng thái khinh an phỉ lạc rồi bất chợt, chúng ta lại phải đi nhà vệ sinh. Làm như vậy thật là không hợp lý!

Nhưng khi hành thiền, mục đích của việc quán thân không phải là để chiều chuộng hay chống đối lại cơ thể, mà chính là để thấy, biết, và hiểu được cơ thể. Cơ thể là như thế đó; tất cả cơ thể đều là như vậy. Chúng ta không nghĩ về cơ thể như một cái gì của riêng mình. Cho dù nó đẹp đẽ hay xấu xí, chúng ta chỉ cần quán thân thể như là thân thể. Chúng ta không nhìn thân thể của tôi để so sánh với thân thể của anh: hiện tại chỉ có tấm thân vật lý này. Nó có những cảm thọ như thế này; nó là như thế này; và nó vận hành như thế này, thế thôi.

Khi chúng ta chấp nhận thân thể như là thân thể, thì nó sẽ không còn là vấn đề khó khăn nữa. Thân thể sẽ gây khó khăn nếu chúng ta không chấp nhận, chối bỏ, ca tụng và chiều chuộng, hay làm điều không phải đạo với nó. Nếu chúng ta không chấp nhận nó, cơ thể có thể sẽ đầy ắp những khó chịu và đau khổ và chúng ta phải chịu đựng. Nhưng cơ thể tự nó sẽ không là trở ngại khi chúng ta chấp nhận, hiểu, và biết nó. Đây chính là điều mà tôi muốn nói khi tôi khuyên các bạn hãy chấp nhận thân mạng thế gian này, với tất cả những gì đến với nó: đó là quá trình già, bệnh, và chết. Đã sanh ra thì phải lớn lên, già rồi chết. Mọi việc đều phải xảy ra như thế. Khi chúng ta thấy được sinh, già, bệnh, chết như là sự vận hành của Pháp, thì quá trình sanh tử không còn là vấn đề nữa. Nó chỉ là Pháp thế thôi.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung