Giáo dục con người về cuộc đời |

Giáo dục con người về cuộc đời

Home Tham khảo Thực hành

Trong tiếng La tinh, “giáo dục” là “educere,” có nghĩa là “dẫn đến” hay “hướng đến.” Hiểu được nghĩa gốc của từ này, chúng ta có thể suy rộng ra ý nghĩa của hai chữ “giáo dục”. Nếu giáo dục là “dẫn dắt hay hướng con người đến một cái gì đó” thì nó sẽ dẫn và hướng chúng ta đến cái gì? Mục tiêu của người làm giáo dục là gì? Tôi cũng xin nói thêm về ý nghĩa của giáo dục, cụm từ “hướng dẫn con người” gợi cho chúng ta một cái gì đó nhẹ nhàng phải không các bạn? Khi bạn hướng dẫn người nào đó, bạn không thể ép buộc họ. Và muốn hướng dẫn ai đó, bạn phải là tấm gương để họ kính trọng và tự nguyện noi theo.

HƯỚNG DẪN BẰNG CÁCH LÀM GƯƠNG

Không ai muốn học bất cứ điều gì, cho dù đó là những ý tưởng cao đẹp nhất, từ một ông thầy mà bản thân ông ta không sống và thể hiện thật sự những gì ông ta thuyết giảng. Dưới con mắt của học trò, ông ta chỉ là một người đạo đức giả. Chúng ta chán ghét và phẫn nộ khi có ai đó bảo chúng ta phải sống tốt trong khi bản thân họ lại xấu xa đê tiện. Vì thế, nếu người làm giáo dục mà không xứng đáng với vai trò của họ, thì thay gì hướng dẫn, họ phải ép buộc và cưỡng bức người khác. Kết quả là chúng ta sẽ có một nền giáo dục áp đặt, mua chuộc, và chỉ biết kích thích bản năng ganh đua và tranh chấp giữa con người.

Phần lớn ai cũng có xu hướng muốn chứng tỏ mình giỏi hơn người khác. Khi khuynh hướng này được khuyến khích trong giáo dục, nó sẽ kích thích mạnh mẽ sự ganh tỵ, mặc cảm tự ty, hay thái độ tự mãn và tự tôn giữa con người với nhau. Đây là những tình cảm sẽ đưa con người đến khổ đau và tuyệt vọng. Trong hệ thống giáo dục dựa trên sự tranh đua, điều quan trọng là phải thắng lợi và thành đạt, và trong cuộc đua này, chỉ có một người được thắng cuộc. Nhưng hệ thống giáo dục dựa trên sự đoàn kết và hợp tác sẽ giúp mọi người phát triển tiềm năng để trở thành hữu ích cho bản thân họ và xã hội. Vì thế, trong nền giáo dục lấy sự đoàn kết và hợp tác làm căn bản, việc giáo dục hay “hướng dẫn con người” cũng có nghĩa là chúng ta phải quan tâm đến từng con người cá nhân trong đó.

Trong đời đi học, tôi đã gặp nhiều vị thầy không thật sự làm đúng bổn phận của “người hướng dẫn”. Vì ai cũng phải đi làm để sống nên nhiều người đã chọn nghề dạy học để sống. Khi hồi tưởng lại những ngày đi học, tôi nhớ là có rất ít vị thầy đã thật sự cống hiến đời mình cho học trò và hiếm khi họ là những người thật sự đáng kính trọng. Nhưng thông thường, nhà trường cũng không đòi hỏi các thầy giáo phải trở thành những người hướng dẫn xứng đáng. Trường học chỉ trả lương để các thầy dạy học trong một thời gian rồi sau đó về nhà nghỉ. Trong môi trường đó, người thầy sẽ xem dạy học là để kiếm tiền như bao nhiêu việc làm khác, thay vì là cái nghề mà qua đó, họ có thể hiến dâng và phục vụ cho xã hội.

Các thầy giáo và trường học nên thấy rằng giáo dục là một cái gì đó cao hơn là việc đào tạo nghiệp vụ. Tuy các thầy cô không phải là nam hay nữ tu sĩ, nhưng nhiệm vụ của họ cũng gần giống như thế, đó là hiến dâng và bố thí. Họ phải có tâm nguyện cao cả để trở thành người hướng dẫn xứng đáng; họ phải được người khác kính trọng và tin tưởng. Đây là thể hiện quan trọng nói lên bản chất của xã hội, phải không các bạn? Xã hội cần có những người công dân gương mẫu, không những gồm các tu sĩ mà cả thầy giáo, các vị có nghiệp vụ chuyên môn như kỹ sư, bác sĩ, luật sư, và công chức nhà nước — thậm chí cả vị Thủ Tướng hay Tổng thống và tất cả những công dân bình thường ở lứa tuổi trưởng thành.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung