Nét văn hóa người Hà Nội |

Nét văn hóa người Hà Nội

Hà Nội Ripa Tashi Choeling TU VIỆN

Hà Nội ngàn năm, Hà Nội đích thực của chúng ta ở trong chính những con người bình thường Hà Nội, trong lời ăn tiếng nói và cách ứng xử ân cần, niềm nở.

Người Hà Nội rất trọng tình nghĩa, truyền thống văn hóa
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, là đế đô lâu đời của nước Việt từ thời Lý Thái Tổ  mộng thấy “Rồng bay lên” cùng vương triều Lý và vận nước. Chỉ  hơn 360 ngày nữa thôi là chúng ta sẽ long trọng kỷ niệm “Một ngàn năm Thăng Long- Hà Nội”. Như vậy, Hà Nội rõ là “tỉnh’, là “phố”- “thành phố” trong đối trọng với “nông thôn”- “làng” rồi! Và lời ăn tiếng nói, giao tiếp văn hoá của  người Hà Nội sẽ phải có nhiều cái khác, cái văn minh  lịch sự, gọt giũa, tinh hoa hơn so với nơi thôn ổ, làng quê.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài.
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Vậy mà ta cứ ngờ ngợ thay, có phải hồn cốt Hà Nội ở đây chăng trong những phố phường tấp nập, bên tháp Rùa rêu phong, hoàng thành cổ kính, hay trong những toà tháp mới xây chọc trời, trên những hàng cây cổ thụ ngàn năm tuổi, hay thấm vào mẹt bún chả, bát bún riêu, vào mùi hoa sữa, vào hương cốm Vòng trong tiết lạnh đầu thu?
Một hôm giữa phố phường đông như mắc cửi, tắc nghẽn trong ngõ nhỏ của thời kỳ đô thị hoá với tốc độ chóng mặt, ta hoa mắt, mất phương hướng và có thể lạc đường ngay giữa phố quen. Chỉ một đoạn thôi mà không biết làm sao để có thể từ Bệnh viện Giao thông ra  phố Nhân Chính? Người thành phố không quen hỏi đường, không ai lại hỏi đường. Người thành phố phóng như bay trên những con SH, Spacy hàng trăm phân khối hoặc lượn vè vè trên xe bốn bánh đời mới của Toyota Hoàn Kiếm, Thăng Long…Nhưng chẳng lẽ chịu  đứng  chôn chân không nhúc nhích  để làm người thành phố 100% rồi đến tối vẫn chưa về đến nhà sao?
Ta đánh bạo hỏi một người đi đường vừa tới- một cậu thanh niên trạc tuổi hai mươi. Cái tuổi này là dễ  làm ngơ, phớt lờ mọi chuyện, hỏi không buồn nói nữa đây. Thật không ngờ, ta lại được sự chỉ dẫn ân cần, chu đáo: “Cứ rẽ lối này, đi thẳng đường làng, men dọc bờ ao là rẽ ra làng Nhân Chính đấy. Bác đừng rẽ trái hay phải gì, bác nhé. Cứ thẳng lối mà đi là đến”.
Chừng chưa yên tâm, cậu ta vọt lên trước dẫn đường, thấy người khách lạ đã rẽ đúng con đường vào làng mới yên tâm quay lại. “Đúng rồi, bác cứ thẳng đường làng mà đi”. Một chị bán rau, một anh  bơm xe đạp, chẳng đợi khách hỏi thăm cũng xởi lởi dặn dò. Khách qua rồi, họ còn ngóng theo xem chừng khách có đi đúng con đường mình chỉ mà tìm đúng lối ra hay không. Tất cả mấy người đều có âm sắc hơi kéo dài trong giọng nói- âm sắc dễ nhận ra của những làng ven Hà Nội. Họ đều là người làng Nhân Chính cả.  Tất cả đều sốt sắng, xởi lởi, ân cần, đều cư xử thân gần như với người nhà , người cửa hay chính người làng mình đi xa lâu ngày về.
Trong ta dâng lên cảm giác an bình, êm dịu, thân ái xiết bao. Không còn chút sợ hãi về những vụ cướp của giết người giữa phố, không mảy may lo nghĩ về sự giả dối lọc lừa. Ở đâu đó vụ “Giết người trên xe Lexus”,  chém nhau bằng mã tấu tự tạo… chứ không phải ở đây- Hà Nội ngàn năm thanh lịch của chúng ta. Và ta nhận ra  hình như đó mới chính là Hà Nội: lời ăn tiếng nói hiền hoà, cách giao tiếp ân cần , chu đáo, thân mật  và chất phác như chính những làng quê yên bình nằm trong lòng thành phố: làng Bưởi, làng Láng, làng Cót, làng Chèm, làng Nhân Chính…
Hà Nội ngàn năm, Hà Nội đích thực của chúng ta ở trong chính những con người bình thường Hà Nội, trong lời ăn tiếng nói và cách ứng xử ân cần, niềm nở, chân thật .
Nghe có vẻ như là một nghịch lý. Nhưng  ngẫm ra thì đúng là như vậy.
Theo các nhà nghiên cứu, đô thị Việt Nam truyền thống được hình thành bởi quốc gia. Thăng Long – Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Ba mươi sáu phố phường của Thăng Long ban đầu có tiền thân là những dãy hàng sản vật của các địa phương  lân cận, phục vụ cho cư dân của kinh thành. Mỗi phố một mặt hàng, mỗi mặt hàng tiêu biểu cho một vùng quê: Hàng Tre, Hàng Cót, Hàng Bồ, Hàng Chĩnh, Hàng Đào, Hàng Mắm, Hàng  Lược…
Người dân của các miền quê không chỉ mang tới nơi đô thành những sản vật đặc trưng của địa phương mình mà còn mang đến cả lời ăn tiếng nói, lối ứng xử… góp chung thành nền văn hiến ngàn năm. Rồi trên địa bàn Hà Nội, từ năm cửa ô đổ vào, có bao nhiêu tên phố và cũng bao nhiêu tên làng. Rõ ràng là những làng truyền thống: làng hoa Ngọc Hà, làng Bưởi, làng Vòng, làng Láng, làng Mọc, làng Yên Phụ…
Thăng Long –Hà Nội là thành phố nhưng là đô thị do quốc gia sinh ra, là kinh đô của một quốc gia nông nghiệp mang trong mình những đặc trưng  riêng của nền văn hoá nông nghiệp. Cái văn hoá “làng” từ bốn ngàn năm của quốc gia Việt Nam đã chắt lọc nên tinh hoa văn hoá của thủ đô ngàn năm văn hiến. Và cái hồn thiêng ấy không phải là gì khác lối sống trọng tình của cư dân nông nghiệp lúa nước. Đặc trưng trong văn hoá giao tiếp của họ hiển nhiên là: có thái độ trọng giao tiếp; lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử; có ý thức trọng danh dự về mặt chủ thể giao tiếp và đặc biệt quan tâm đến đối tượng giao tiếp đến hay hỏi han, quan sát, đánh giá tỉ mỉ từ hình thức đến nội dung; cách thức giao tiếp mềm mỏng, tế nhị với sự hỗ trợ của hệ thống nghi thức lời nói phong phú…
Như vậy, những nét văn hoá “Hà Nội” nhất cũng là những nét văn hoá đặc trưng nhất của văn hoá Việt Nam. Những người dân với lối sống giản dị, khiêm nhường, lối ứng xử, giao tiếp ân tình, mộc mạc, niềm nở chính là những người dân tiêu biểu của Hà Nội văn hiến ngàn năm. Những người dân xứ kinh kỳ của một nước sống bằng nghề trồng lúa nước ý thức hơn ai hết cái tai họa “lụt thì lút cả làng” và hiểu rõ tầm quan trọng của sự cố kết cộng đồng làng xã. Họ tận dụng mọi phương tiện của giao tiếp để tạo lập, củng cố và thắt chặt những quan hệ ấy, bởi hơn ai hết họ biết rõ sức mạnh của khối cộng đồng được gắn bó bởi sợi dây tình cảm. “Yêu nhau vạn sự chẳng nề”.
Vì vậy, người Hà Nội chúng ta không phải người dân đô thị lạnh lùng, cô độc “đèn nhà ai nhà ấy rạng” mà ngược lại, luôn quan tâm, chu đáo với nhau cả khi “tối lửa tắt đèn” lẫn trong cuộc sống thường ngày. Trọng tình là giá trị truyền thống trong nền văn hoá mang đậm tính cộng đồng của chúng ta. Và thái độ ân cần, niềm nở trong giao tiếp chính là một nét đẹp của văn hoá người Hà Nội.
Để tỏ ra là người “thành thị” văn minh, chúng ta không cần tạo ra khuôn mặt lạnh, không cần phớt tỉnh, thờ ơ khi có ai cần giúp đỡ, hỏi han; không nhất thiết đi suốt chuyến tàu không cần biết người bạn đồng hành về đâu, tên là gì mới là  “tôn trọng tự do cá nhân” và chỉ lắc hay gật hoặc chỉ tay “đọc bảng ngoài kia, anh không biết chữ à?” để thể hiện là người của thời đại công nghiệp, khẩn trương và tốc độ…
Ngược lại, hãy làm như chị bán rau, như  anh chữa xe đạp, như cậu thanh niên gốc làng Nhân Chính (mà nay đã thành “phố” rồi)… Hãy quan tâm, niềm nở, ân cần trong giao tiếp. Như với chị ta, mẹ ta và em ta…Và hãy tự hào là người Hà Nội, tự hào cất lên tiếng hát: “Đây Thăng Long, đây Đông Đô , đây Hà Nội, Hà Nội mến  yêu…”.
TS Văn hóa học Lê Thị Tuyết Hạnh
(Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung