Những lời dạy thực hành |

Những lời dạy thực hành

Kim cương thừa Thực hành

Luận trang nghiêm của chứng ngộ sáng tỏ được chia làm tám phần. Phần chánh thứ nhất bàn về sự hiểu biết tất cả hiện tượng. Ở đây sự toàn tri này của chư Phật không được giải thích, nhưng đúng ra chúng ta được ban cho cái chúng ta cần biết để có thể đạt được Phật quả. Thứ nhất chúng ta cần Bồ đề tâm và đây là phần nhỏ thứ nhất bởi vì Bồ đề tâm là phẩm tính quan trọng nhất hướng tâm chúng ta đến giác ngộ tối thượng. Phần nhỏ thứ hai này là về những lời dạy chúng ta cần có khi thực hành.

Một khi Bồ đề tâm đã trở thành một phần không thể thiếu của chúng ta, chúng ta khai triển ước muốn mạnh mẽ hoàn thành Phật quả để giúp tất cả chúng sanh. Tuy nhiên, chỉ muốn Phật quả thì không đủ bởi vì chúng ta không có hiểu biết để giải thoát mình khỏi đại dương sanh tử bao la này. Nếu chúng ta chỉ cố gắng tự mình tìm hiểu làm sao thành Phật, chúng ta sẽ không làm được. Điều chúng ta cần làm là biết rằng đã có nhiều con người vĩ đại trong quá khứ đã đạt đến giải thoát và chúng ta cần những giáo huấn của họ để giải thoát.

Tràng hoa Giải thoát của Gampopa chỉ rõ sự cần thiết có một thiện tri thức qua ba thí dụ. Thí dụ thứ nhất là nếu qua một khoảng nước rộng người ta cần người lái đò giỏi. Thí dụ thứ hai là một vệ sĩ mạnh khỏe đi kèm khi qua một vùng nguy hiểm. Thí dụ thứ ba là một người hướng dẫn khi đi vào vùng đất xa lạ. Theo một cách tương tự, chúng ta cần một người bạn tâm linh cho lời khuyên và hướng dẫn trên con đường khó khăn đến giác ngộ

Thực hành

Chúng ta không thể chỉ nghiên cứu và suy ngẫm ý nghĩa của pháp, mà phải thực sự thực hành nó. Có một thí dụ rất sống động của vị thầy vĩ đại Shantideva về điều này. Ngài ví thực hành tâm linh như cần uống thuốc khi bị bệnh. Khi bị bệnh, người ta có thể đọc mọi thứ về y học và học mọi thứ về tình trạng của mình và thuốc nào cần uống.

Nhưng không thực sự uống thuốc, người ta không thể lành bệnh. Cũng như thế đối với pháp. Có rất nhiều bản văn chỉ rõ cho chúng ta cái chúng ta cần bỏ và cần lấy để chứng ngộ. Nhưng chỉ đọc các sách thì lợi lạc ít nếu không thực hành cái được chỉ định trong các văn bản.

Những chân lý

Thứ hai, có những lời dạy về chân lý. Khi chúng ta đã quyết định thực hành, chúng ta phải chắc chắn chúng ta không thực hành cái gì chỉ được sáng tạo ra để làm vui lòng người ta, mà cái gì thực sự chân thực theo nghĩa tương ưng với thực tại. Bởi thế Đức Phật đã ban cho những lời dạy về chân lý, về bốn chân lý cao cả và hai chân lý. Nếu chúng ta thực hành phù hợp với thực tại, chúng ta có thể chắc chắn có một kết quả tích cực, nếu không chúng ta sẽ không có.

Tam Bảo

Điểm thứ ba là về Tam Bảo. Bảo thứ nhất là Đức Phật. Thấu hiểu chân lý của những hiện tượng và cách đưa các điều vào thực hành do nơi Đức Phật, vị thầy của con đường tốt nhất, chúng ta có thể được giải thoát. Nếu chúng ta hỏi chúng ta cần thực hành cái gì và làm sao có thể tìm ra những chân lý, chúng ta có được lời dạy từ Tam Bảo và học để thấy Phật là vị thầy, Pháp là con đường, và Tăng là những người bạn trên con đường như thế nào. Điều này cho phép chúng ta tìm thấy một con đường chân chính.

Trước hết chúng ta hướng về Phật bảo và cách liên hệ với Phật không giống như nhiều tôn giáo khác. Chẳng hạn, trong một số tôn giáo, chúng ta có ý niệm về một đấng toàn năng quyền uy và chúng ta cống hiến hoàn toàn cho ngài, ngài sẽ vui lòng và giải thoát cho chúng ta. Dưới quan niệm độc thần này, nếu chúng ta xa lìa hay gây cho đấng ấy tức giận, chúng ta không bao giờ được giải thoát. Thế nên mọi sự đều tùy thuộc vào vị ấy. Truyền thống đạo Phật không phải như thế. Chúng ta quy y Phật không phải với lòng tin Phật có thể loại bỏ khổ đau của chúng ta qua ân sủng của ngài. Không, Phật chỉ ra cho chúng ta điều chúng ta cần làm, cái chúng ta cần bỏ, và cái chúng ta cần thiền định bằng cách cho chúng ta một loạt những thực hành, và nói với chúng ta rằng nếu chúng ta làm những điều đó, cuối cùng chúng ta đạt đến cùng trạng thái giải thoát như ngài đã hoàn thành. Đây là cách Phật chỉ cho chúng ta con đường.

Bảo thứ hai là con đường của pháp, những lời dạy của Phật. Những lời dạy của Phật là quan trọng nhất. Pháp là sự trao tặng của ngài nhờ đó chúng ta có thể đạt đến giải thoát. Chúng ta cần hoàn toàn hấp thụ những lời dạy này và làm chúng thành yếu tố cốt lõi của bản thân.

Bảo thứ ba là Tăng, tức là những người bạn cũng đi trên con đường của Phật. Bởi vì hoàn cảnh, chúng ta không thể đích thân gặp Phật và nghe những lời dạy hay hỏi để sáng tỏ những thắc mắc. Bởi vì chúng ta thật sự cần một người bạn giúp đỡ trên con đường, chúng ta xoay về tăng để được giúp đỡ. Đó là những vị giữ những lời dạy của Phật và nắm thật nghĩa và kinh nghiệm những lời dạy ấy. Tăng bảo là những người đã hiểu và hấp thu những lời dạy của Đức Phật, đã thực sự đưa chúng vào thực hành và qua thực hành đã có một số kết quả và chứng thực. Dù tăng chưa hoàn thành sự thành tựu tối hậu, họ có một số chứng nghiệm nào đó từ thực hành của họ. Chính vì điều này mà tăng có thể giúp chúng ta. Các vị có thể chỉ cho chúng ta cách rất chính xác làm thế nào phát triển sự khéo léo và giúp đỡ chúng ta khám phá cái cần được loại trừ và làm sao làm điều đó.

Ba loại chuyên cần

Đã nhận (1) những lời dạy về thực hành, (2) những chân lý, (3) Tam Bảo, bây giờ chúng ta có thể chuyên tâm vào một pháp không có những khuyết điểm sẽ làm lợi lạc cho chúng ta. Nhưng điều này không chỉ dựa vào Tam Bảo ngoài chúng ta, mà còn vào chính những nỗ lực của chúng ta. Thế nên những lời dạy về chuyên cần là quan trọng.

Có ba loại chuyên cần chính để chiến thắng ba loại lười biếng tâm linh. Loại lười biếng thứ nhất là dấn thân vào những hoạt động tiêu cực và tai hại. Chúng ta cần có chuyên cần để loại bỏ các thói quen xấu và bận tâm với những việc mà chúng ta biết là tai hại cho mình và người khác. Điều này có thể là những tà hạnh đặt nền trên sân và tham. Thế nên loại chuyên cần thứ nhất là chuyên cần trau dồi sự không đưa mình vào việc xấu.

Loại làm biếng thứ hai là mệt mỏi tinh thần, chúng ta thấy những lợi lạc của thực hành, nhưng nó có vẻ quá nhiều với chúng ta vì chúng ta cảm thấy kiệt sức về tinh thần. Kết quả là chúng ta không làm nhiều như chúng ta có thể. Thuốc chữa cho điều này là trau dồi sự chuyên cần đối với tính không mệt mỏi. Chúng ta hãy tự nói, “Làm sao tiến bộ nếu chúng ta không thực hành. Nếu chúng ta làm bây giờ, nhiều tốt đẹp sẽ tăng trưởng cho chúng ta và người khác”. Nghĩ như vậy chúng ta có thể tăng thêm cảm hứng để thực hành.

Có một thí dụ rất kỳ diệu cho sự chuyên cần không mệt mỏi này trong tiểu sử của Milarepa. Sau khi đã được chấp nhận làm một đệ tử, Marpa ban cho những lời dạy về thực hành và Milarepa vào ẩn tu. Trong nhập thất, ngài tự bít cửa và ngồi thiền với một ngọn đèn bơ trên đầu. Ngài thiền định cho đến khi đèn tắt trong mỗi thời thiền. Ngài làm như vậy trong mười tám tháng với sự chuyên cần không thể tin nổi. Sau thời gian ấy Marpa đến và nói, “Con thực sự đã thiền định chuyên cần và bây giờ con thư giản một chút là tốt, hãy đi ra và làm vài vòng”. Nhưng Milarepa nghĩ có thể thiền định thì kỳ diệu biết bao và ngài không muốn nghỉ. Thí dụ này là một kỳ diệu cho chúng ta.

Loại lười biếng thứ ba là không can đảm. Thuốc chữa cho điều này gọi là “sự chuyên cần của chuyên tâm hoàn toàn vào con đường thực hành”. Người ta có thể tán thưởng những phẩm tính lớn đến từ con đường và sự thực hành, nhưng người ta có cảm giác rằng không phải ai cũng thành công. Người khác có thể hoàn thành giác ngộ, nhưng mình thì luôn luôn bị cản trở và cuối cùng không thể giống như Phật. Niềm tin này giữ chúng ta lại, nên để vượt thắng sự thiếu nhiệt huyết này chúng ta cần thực sự tin chúng ta có thể hoàn thành Phật quả. Tin có thể hoàn thành mục tiêu này, chúng ta sẽ chuyên tâm liên tục vào con đường.

Năm loại nhìn thấy và Sáu tri giác trong sáng

Những điều tiếp theo là về những thành tựu tâm linh. Với thực hành chúng ta khai triển thiền định và qua năng lực của shamatha, những năng lực đặc biệt của năm loại cái nhìn thấy và sáu loại cái biết trong sáng sẽ sanh khởi trong chúng ta. Chúng ta sẽ khai triển năm loại cái nhìn thấy và sẽ có được những năng lực đặc biệt của sự thấy này. Chúng ta cũng sẽ có được sáu khả năng siêu thường này. Khi chúng ta có chúng, chúng sẽ làm cho sự thực hành của chúng ta tiến bộ rất nhanh bởi vì những năng lực phi thường này trang bị cho chúng ta tốt hơn rất nhiều để tiến bộ trên con đường.

Con đường của thấy thấu suốt và con đường tu tập

Tiếp theo có những lời dạy người ta phải dần dần vào con đường thấy thấu suốt (con đường quán thấy) như thế nào, có thể trực tiếp thấy được nghĩa của pháp tánh. Chúng ta được chỉ cái gì cần từ bỏ và cái gì cần thực hiện ở đây. Sau đó là những lời dạy về con đường tu tập hay trau dồi. Tất cả những cái này phải được thực hành đúng lúc.

Đức Thrangu Rinpoche

Trích tác phẩm: Hiện quán trang nghiêm luận – Đức Phật Di Lặc

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung