Lời dạy này đến do yêu cầu của các bạn, không phải do tôi nói: “Tôi muốn cho bạn những lời dạy, hãy đến đây và lắng nghe.” Trong sự học hỏi của bạn trên con đường thứ bậc đến giác ngộ, bạn phải biết sức mạnh tâm thức bạn như thế nào và nó tạo tác những hành vi tích cực và tiêu cực mạnh mẽ ra sao. Nhận biết được điều này, khảo sát đời sống mình và nhìn thấy bản chất của những hành vi thuộc thân, khẩu, ý của bạn. Do đó, với trí huệ hiểu biết bạn thỉnh cầu giáo lý này để tịnh hóa những lực bất thiện trong bạn. Cách thức mà bạn thỉnh cầu lời dạy này là rất tốt. Đặt căn bản trên sự hiểu biết của bạn về những tính chất của tâm thức tiêu cực, sự thỉnh cầu của bạn chẳng phải vô minh hay xúc cảm. Vì bạn có may mắn, thông minh và thông tuệ để thực hành phương pháp yoga đầy sức mạnh này, và nhờ đó hoàn toàn tiêu diệt những sức mạnh tiêu cực của bạn, tôi cảm nhận rằng trao cho các bạn lời dạy này sẽ là một lợi lạc lớn lao.
Trước hết, bạn rất may mắn thấy rằng thực sự có một giải pháp cho những hành vi tiêu cực khởi lên từ tâm thức vô minh. Hãy xem đa số những người không nhận thức việc tạo tác những hành vi của họ như thế nào, cũng như không hiểu sự khác nhau giữa những hành vi tích cực và tiêu cực và những kết quả hạnh phúc và đau khổ của họ. Bạn biết tất cả những điều đó, chính đó là tại sao bạn may mắn. Ngay cả khi người ta khám phá ra sự tiến hóa này, cũng rất khó cho họ biết được làm sao để tịnh hóa và tự giải thoát họ hoàn toàn khỏi vòng nhân quả mà họ đã bị trói buộc vào. Điều này không dễ; cần có một thời gian dài. Bạn thật sự may mắn khi đi đến kết luận rằng bạn có thể tịnh hóa chính mình.
Hơn nữa, bạn rất may mắn vì trí huệ của bạn có thể nắm lấy những phương pháp thâm sâu của yoga tantra. Điều này cũng rất đỗi khó khăn. Khó khăn thế nào? Đây, khi những người Tây phương lần đầu tiên gặp giáo pháp, thậm chí họ không thể hiểu được mục đích của việc lễ lạy: “Tại sao tôi phải lễ lạy? Xin lỗi, việc này không dành cho tôi.” Lễ lạy thì đơn giản và dễ hiểu. Nhưng phương pháp yoga tantra thì cực kỳ sâu sắc. Rất xứng đáng cho bạn để làm những thực hành tịnh hóa đầy sức mạnh này.
Hãy để tôi nêu vấn đề một cách khác. Chúng ta thường thấy rằng khi thiền định về lam-rim – Con đường đến giải thoát và những chứng ngộ – chúng ta gặp nhiều cản trở. Chúng ta không hiểu tại sao lại khó thiền định, khó kiểm soát tâm thức đến thế để thu được những chứng ngộ. “Tại sao tôi gặp quá nhiều khó khăn bất cứ khi nào tôi cố gắng làm một điều gì thiện? Sống với cuộc sống trần tục thì dễ dàng hơn nhiều. Thậm chí một giờ thiền định cũng khó.” Nhiều ý nghĩ và thắc mắc như vậy khởi lên. Thế không hẳn là thiếu trí huệ. Chính vì qua vô số kiếp sống mà những lực lượng tiêu cực của thân, khẩu, ý đã tích tập cho đến nay tràn đầy trong ta như một đại dương bao la. Nếu biểu hiện ở dạng vật chất, chúng sẽ chiếm trọn không gian. Ngược lại, trí huệ hiểu biết thông minh nhỏ bé của ta lại yếu như ánh sáng chập chờn của một cây đèn cầy nhỏ bé. Một ngọn nến nhỏ bé thì chẳng giúp đỡ gì nhiều trong một đêm đen và đầy gió. Trí huệ hiểu biết giống như ngọn nến nhỏ bé của chúng ta không thể kiểm soát hay giải phóng chúng ta khỏi lực lượng mạnh mẽ của tâm thức tiêu cực của chúng ta.
Thế đấy, chính là năng lực của những quan niệm sai lạc, tâm thức tiêu cực của ta, làm cho chúng ta khó thành đạt con đường giải thoát an bình vĩnh cửu và tiếp nhận những chứng ngộ. Vì vậy, chúng ta cần một thực hành tịnh hóa đầy sức mạnh như phương pháp yoga Kim Cương thừa của Đức Heruka Vajrasattva để tiêu hủy cả hai lực lượng của tâm ý vô minh và những hành vi tiêu cực của thân và ngữ khởi lên từ đó.
Phương tiện Yoga của Heruka Vajrasattva có sức mạnh tịnh hóa tất cả năng lượng tiêu cực, cái chính yếu ngăn cản bạn chứng đạo. Năng lượng bất tịnh này tạo ra chướng ngại về tinh thần lẫn thân xác, và cũng để lại những dấu vết. Một cách triết học, chúng ta nói rằng không có tâm mà cũng không có tướng. Nếu bạn thích thú điều này bạn có thể kiểm nghiệm vào thời điểm khác, chúng là loại hiện tượng gì. Lý do khiến tôi nêu nó lên đây là khi tôi nói về tiêu cực thì ý nghĩa của tôi khác với sự hiểu biết của bạn trước đó về thuật ngữ. Đa số người phương Tây nghĩ rằng tiêu cực chỉ ám chỉ mức độ thô của những xúc cảm. Thật ra nó còn sâu xa hơn nhiều. Chẳng hạn lấy một ví dụ về thân thể vật chất. Lần đầu tiên người ta đến với một khóa thiền định, họ có rắc rối lớn trong thế ngồi. Có cái gì đó trong hệ thần kinh kéo năng lực của họ xuống phần đáy của cột sống. Lý do chúng ta được khuyên ngồi xếp bằng theo tư thế cổ điển để thiền định với lưng thẳng giúp dòng năng lực tâm linh trôi chảy đúng đường và nhờ vậy giúp bạn kiểm soát tâm thức dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi này trong hệ thần kinh của bạn làm nó cảm thấy dường như tất cả năng lực đi xuống từ luân xa đỉnh đầu đến những luân xa thấp hơn. Điều này làm cho một số người sợ hãi rằng họ như bị mất tâm thức. Những thiền sinh sơ học không những rắc rối vì ngồi, họ còn phải tập trung tâm thức trong một thời gian dài để lắng nghe những ý tưởng hoàn toàn mới, điều này cũng có thể rất xáo trộn. Những vấn đề về tinh thần và thể xác thật sự làm họ tự hỏi tại sao mình lại ngồi ở đây trên trái đất này. Áp lực trong luân xa dưới thấp gây ra bởi năng lực vật chất tiêu cực nó đến từ tâm thức tiêu cực.
Trong Phật giáo Đại thừa chúng ta ít chú trọng vào những phản ứng vật chất như vậy, và chỉ chú tâm vào gốc rễ của mọi vấn đề: tâm vô minh, tiêu cực. Trong lúc thiền quán về con đường tiệm tiến là cách hiện thực để giải thoát, khi bạn cảm thấy không thể thiền định được – có quá nhiều ngắt quãng, bạn không thể làm bất cứ gì, không thể giải quyết những vấn đề – hãy nhớ rằng có một điều gì đó có thể làm để gỡ bỏ những chướng ngại đối với sự tiến bộ của mình, đó là sự tịnh hóa.
Trong kinh nghiệm của những Lama Tây Tạng, thời khóa thiền quán về con đường đạo được xen kẽ với thời khóa thực hành tịnh hóa đầy sức mạnh, chẳng hạn phương pháp Yoga của Heruka Vajrasattva. Cách phối hợp này bảo đảm rằng bạn sẽ đạt những chứng ngộ mà bạn đã tìm kiếm kiên trì. Nhưng không nên có những mong đợi không thực tế: “Hôm nay, tôi hoàn toàn tiêu cực, tối nay tôi thiền định, ngày mai tôi sẽ hoàn toàn thanh tịnh.” Bạn không thể tự tịnh hóa mình tức thời. Những mong đợi như thế không chỉ là sai lầm mà chúng còn trở thành chướng ngại. Đặc biệt khi nhập thất, bạn không nên mong đợi bất cứ điều gì – mà chỉ buông xả. Tất cả điều bạn cần là trong đời sống này bạn sẽ hoạt động tích cực hết lòng. Nếu bạn làm được điều đó, kết quả tốt sẽ đến với bạn, dù có mong đợi chúng hay không. Bạn cũng không nên hỏi vị Lama cho một lời tiên đoán: “Nếu tôi kiểm soát thân, khẩu, ý tránh khỏi tất cả những bất thiện và chỉ làm điều thiện, tôi sẽ được kết quả tốt hay không?” Nhiều đệ tử đã hỏi điều này. Tại sao? Vì họ không hiểu nhân quả. Nếu bạn luôn hành động khôn ngoan và tích cực, cần gì phải hỏi? Chỉ nên nghĩ “Từ giờ cho đến lúc tôi chết, cho dù giác ngộ có đến hay không, tôi nên hành động tích cực hết lòng. Cố gắng tạo một cuộc sống lợi lạc cho tôi và mọi người bằng hết khả năng.” Bạn có thể mong đợi gì hơn? Loại mong đợi này phù hợp với lý luận hơn là nghĩ “Nếu tôi thiền định trong một tháng, tôi sẽ trở thành Heruka Vajrasattva,” những loại mong đợi như vậy chỉ quấy nhiễu tâm trí bạn. Cho dù bạn tạo tác nhiều hành vi bất thiện suốt cả cuộc đời, một tâm thức tích cực vào lúc chết bảo đảm rằng bạn sẽ không tái sanh vào những cõi thấp. Bạn nhận sự bảo đảm bên trong này khi tịnh hóa những tiêu cực. Nó không giống như những bảo đảm tầm thường, bạn có thể tin tưởng hoàn toàn vào nó. Trên thế gian sự vật thay đổi liên tục.
Bạn có thể không tin vào những bảo đảm của giấy tờ thế gian. Nhưng sự bảo đảm nội tâm của nghiệp tích cực cam kết rằng vào lúc chết bạn sẽ có thể kiểm soát tâm thức mình và không rơi vào ảnh hưởng của tâm thức tiêu cực như tham muốn và sân hận. Để đạt được những chứng ngộ cao hơn, việc quan trọng nhất là thực hành phương pháp đầy sức mạnh của sự tịnh hóa được tìm thấy trong con đường Kim Cương thừa. Nhiều vị Lama đã thấy rằng sự tịnh hóa vượt thắng những chướng ngại của cả năng lực tiêu cực và in vết để lại của nó. Trong khi những thực hành Vajrasattva khác nhấn mạnh vào việc tịnh hóa thân xác vật chất, thì phương pháp tịnh hóa Yoga Heruka Vajrasattva nhấn mạnh về tịnh hóa tâm linh. Điều này làm cho nó đặc biệt mạnh mẽ.
Đức Lama Yeshe
Trích: Con Đường Kim Cang Thừa Về Sự Tịnh Hoá