Đưa vào Bardo |

Đưa vào Bardo

Tham khảo

Thứ Sáu 30/11/1984

Buổi nghỉ cuối tuần, chúng ta sắp nói về Bardo. Chữ Tây Tạng, điều đó nghĩa là giữa hai cái, tình trạng trung gian (trung ấm). Tình trạng trung gian giữa cái gì với cái gì ? Bất cứ tình trạng trung gian nào. Đó là một danh từ rất tổng quát. Từ khi có bản dịch của Evans Wentz, sách Trung Ấm được xem như là Sách Tây Tạng về cái chết ; thật ra nó không chỉ liên liên quan đến cái chết, nó bao gồm tất cả.

Có thể rút ra một số lượng các hiểu biết trong những truyền thống khác nhau, nhưng ở đây chúng ta căn cứ trên những lời dạy của đức Phật Thích Ca, một hiền triết vĩ đại, một con người giác ngộ đã thực hiện Phật tánh trên đất Ấn Độ. Ngài đã ban cho những chỉ dạy trong mọi cấp độ hiểu biết, và chúng ta sắp đề cập ở đây vấn đề Trung Ấm Bardo theo các chỉ dạy ấy.

Tổng quát, chủ đề chia ra làm sáu phần :

– Phần đầu nói theo Tây Tạng là Rangchin kyéné bardo. Đó là giai đoạn giữa lúc chúng ta vào trong thai mẹ và lúc chúng ta trải qua kinh nghiệm chấm dứt cuộc đời hiện tại vì một tai nạn hay vì một cơn bệnh dẫn đến tử vong.

– Trong suốt giai đoạn này, chúng ta trải qua phần lớn thời gian để ngủ. Khoảng giữa từ lúc chúng ta chìm vào giấc ngủ đến lúc thức dậy gọi là milam bardo, hay là bardo của giấc mộng.

– Thân thể chúng ta tổ hợp từ nhiều nguyên tố như đất, nước, gió, lửa và không gian ; thân vật chất gồm chứa tinh chất của năm nguyên tố này (dưới dạng nguyên thô ở bên ngoài), dưới dạng năm năng lực mà chúng ta gọi bằng tiếng Tây Tạng là Lung, mỗi loại năng lực liên quan với một nguyên tố. Vậy thì, khi sắp chết, các nguyên tố này, đặc biệt là các loại năng lực này tan rã cái này trong cái kia : giai đoạn này chấm dứt khi chúng ta kinh nghiệm về tịnh quang (la claire lumière), gọi là bardo của lúc chết, tiếng Tây Tạng là chika bardo.

– Tiếp theo, các nguyên tố thu rút cái này trong cái kia để tan vào trong quang minh, giai đoạn chúng ta kinh nghiệm tịnh quang, chúng ta gọi nó là bardo của tịnh quang, tiếng Tây Tạng là cheunyi bardo

– Các sinh linh vì những thói quen xấu của quá khứ, không thể nhận ra ánh sáng thanh tịnh (tịnh quang) này và bị kéo về một cuộc tái sanh mới, trải qua một giai đoạn từ lúc họ hỏng dịp nhận ra tịnh quang đến khi họ đi vào bụng mẹ để tiếp tục chu trình sanh tử luân hồi. Giai đoạn ấy gọi là bardo của hiện hữu (hay bardo của sự tái sanh), sipai bardo.

– Trạng thái tịnh quang này, ánh sáng thanh tịnh chính là bản chất của ánh sáng bên trong. Đó là tính chất hay bản chất của cái mà chúng ta gọi là sự tự do tự nhiên nguyên thủy. Tất cả chúng ta đều có nơi mình cái thể tánh nội tại này. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta chưa bao giờ tách lìa khỏi cái bản thể nền tảng tịnh quang này, nhưng rồi bị lôi kéo bởi thói quen nghiệp lực chúng ta không thể nhận ra Nó, và thế là chúng ta rơi vào một trạng thái ảo tưởng mê mờ. Thế nên, để có thể làm chủ, kiểm soát tất cả mọi kinh nghiệm, trong đời này cũng như những đời tới, người ta nhận thấy rằng cái bardo của thiền định là một yếu tố rất quan trọng. Bardo của thiền định bao gồm từ lúc thiền định bắt đầu đến lúc trạng thái trí huệ này chấm dứt. Đó là samten bardo.

Thiền định là rất quan trọng để giúp chúng ta dàn xếp những vấn đề của đời sống hàng ngày. Nó cũng ích lợi trong giấc mơ và để nhận ra những kinh nghiệm khác nhau mà chúng ta sẽ trải qua khi chết. Đặc biệt là thiền định giúp chúng ta nhận ra, thấu hiểu quang minh khi chúng ta trải qua kinh nghiệm này, cũng như nó rất ích lợi cho chúng ta trong suốt bardo của cuộc sống.

Chúng ta sẽ đi vào chi tiết trong các buổi sau ; còn bây giờ, tôi muốn giới thiệu cho các bạn một cách ngắn gọn một lối thiền định đơn giản.

1) Để thiền định, hay để làm một việc gì khác, thái độ là một trong những điều quan trọng nhất, nó chính là tinh túy. Ví dụ trong miếng đất của một thái độ tích cực người ta gieo hạt giống của một hành động tích cực, chắc chắn người ta sẽ có những quả trái dồi dào. Và nếu người ta gieo trồng hạt giống của một hành động tốt trên cánh đồng của một thái độ tiêu cực, điều ấy chẳng cho kết quả nào cả. Cũng giống như thử gieo hạt trên cát hay trên đá. Bởi thế mà người ta nói rằng phải bắt đầu bằng một thái độ tốt đẹp. Thái độ là gì ? Là ý định.

Làm sao chúng ta có thể phát triển thái độ này ? Bằng cách xác chứng. Trước tiên, chúng ta phải khảo sát xem tại sao chúng ta muốn hoàn thành hành động đó. Trong khảo sát, chúng ta nhận thấy rằng thái độ chúng ta là rất tích cực hay tiêu cực, hay chẳng tích cực cũng chẳng tiêu cực. Nếu không tích cực cũng không tiêu cực, hành động ấy có thể chẳng cho một kết quả tốt đẹp. Thế nên thật quan trọng phải làm cho trạng thái tinh thần của ta trở nên tích cực – tích cực nghĩa là có thiện tâm, phát sanh lòng tốt lớn lao, tự bảo “hành động tôi làm đây, chẳng phải làm cho chỉ mình tôi, mà là cho lợi lạc của tất cả.” Tại sao lợi lạc của tất cả ? Theo lời dạy của các bậc thánh, trong vũ trụ này không có một chúng sanh nào mà chúng ta chưa từng tạo ra những mối liên hệ với họ trải qua hàng ngàn kiếp xoay vần trong sanh tử luân hồi. Đặc biệt, từ khởi thủy, một số người đã là mẹ chúng ta, là cha chúng ta… Và khi ta thấy sự đau đớn và khó nhọc mà một người mẹ tự hiến thân chịu đựng, một cách bản năng hay có ý thức, để bảo vệ con mình, để bảo đảm cho sự tồn tại của nó… ta muốn có thể giúp đỡ…

Nếu người ta có thể làm như thế, có một ý định tích cực hướng đến những người khác, điều ấy cũng giống như trồng một hạt của cây ăn trái. Khi trái chín, thì cây cũng đã có hoa, cành, lá, người ta không cần làm cho chúng mọc một cách riêng rẽ. Đây là một ví dụ nói rằng khi người ta tìm cách làm điều tốt đẹp cho tất cả, thì cái tốt đẹp của cá nhân chúng ta đã bao gồm trong đó. Người ta không phải quan tâm, không phải tự hỏi : “Nếu tôi làm điều gì đó cho người khác, thì cái gì sẽ đến cho tôi ?” Thế nên, rất quan trọng cần phát triển một thái độ tích cực trước khi mọi hành động được tiến hành.

Nếu chúng ta có thể thử huấn luyện tâm thức chúng ta với một ý định tích cực, chúng ta sẽ có được những kết quả không ngờ. Tâm thức là một năng lực rất mạnh mẽ vĩ đại, nó có thể bao trùm tất cả ! Nếu tâm thức chúng ta thật sự tự do tự tại, không bị gián đoạn bởi những dòng tình cảm tiêu cực và những thói quen khác nhau, thì tâm thức có thể giúp đỡ rất nhiều chúng sanh.

Thế nên, chúng ta sẽ bắt đầu bằng một ý định tích cực. Giờ đây, liên quan đến thiền định… Bản tính nội tại của tâm thức là tự do. Nó là một, không chia cách với bản tính của các bậc giác ngộ trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Tuy nhiên, vì các tập khí của chúng ta, chúng ta không biết bản tính đó. Để làm tan những ngăn che tối ám, sự thực hành làm thoát ra liên quan với hơi thở chúng ta rất là quan trọng.

2_ a) Trước khi bắt đầu tập thở ra, tư thế rất quan trọng. Tổng quát, người ta nói đến tư thế ngồi với bảy điểm, nhưng cái quan trọng nhất là giữ cho xuơng sống thật thẳng. Tại sao ? Bởi vì tâm thức chúng ta tùy thuộc ít hay nhiều vào những dòng năng lực khác nhau trong cơ thể. Sự lưu chuyển các dòng năng lực ấy thực hiện qua các kinh mạch vi tế. Nếu chúng ta có một thế ngồi thật thẳng, các năng lực lưu chuyển tự nhiên và theo đó là một sự quân bình của các nguyên tố. Tư thế bảy điểm là như sau : chân chéo nhau trong thế ngồi kim cương, cằm hơi nghiêng xuống ngực, đầu lưỡi đặt nơi vòm miệng, vai hơi ngửa ra sau, hai tay đặt ngang rốn, tay phải trong tay trái, đầu ngón tay cái chạm nhau, xương sống thật thẳng và cái nhìn thẳng phía trước cách khoảng một mũi tên, hay là nhìn xuống.

Các vị trí khác nhau ấy rất quan trọng, chúng điều hòa, thăng bằng các trung tâm của các nguyên tố khác nhau trong cơ thể. Như các bạn biếøt, có các trung tâm khác nhau cho các nguyên tố, cũng như các điểm châm cứu khác nhau trong cơ thể. Nếu không thể duy trì trong tư thế này, thì phải nhớ rằng cái chính là ngồi mà giữ lưng cho thật thẳng.

Tiếp theo chúng ta chận gốc của ngón tay đeo nhẫn bằng ngón cái và thở ra. Thở ra có mục đích chuyển hóa các năng lực tiêu cực và tháo mở những kết chặn mà chúng ta đã tạo ra ở bên trong, để cho chúng thoát ra bên ngoài và cởi mở các nút kết chặn.

Trước tiên, chúng ta thở ra tất cả các năng lực hư hỏng vì sự giận dữ, thù hận của chúng ta. Chúng ta quán tưởng chúng ta trục xuất tất cả mọi kết chặn thân và tâm ra qua lỗ mũi bên phải. Qua lỗ mũi trái, chúng ta trục xuất những năng lực hư hỏng vì sự thủ chấp ích kỷ của chúng ta. Tiếp theo, hai bàn tay trên hai đầu gối, chúng ta trục xuất qua cả hai lỗ mũi tất cả mọi kết chặn thân và tâm do vô minh gây ra.

Chúng ta lập lại ba lần sự thực tập này.

2_ b) Bây giờ, chúng ta dùng chính hơi thở của chúng ta như điểm tựa cho thiền định : chúng ta chỉ đơn giản chú ý đến hơi thở và đếm bảy chu kỳ thở vào – thở ra. Rồi cũng trong một khoảng thời gian bằng thế, chúng ta ngồi yên, tâm thức ngơi nghỉ, không chú định vào bất cứ đối tượng nào. Và lại nữa, chúng ta tập trung chú ý vào hơi thở trong bảy lần ra vào. Tiếp theo, lại buông lỏng trong một thời gian tương đương. Và chúng ta tập trung lại lần thứ ba.

Mục đích của sự tập trung chánh niệm vào hơi thở là để phát triển khả năng định tâm, đưa tâm thức đến trạng thái tĩnh lặng, an bình nội tại, và như thế tìm ra ánh sáng tự tâm nó là cội nguồn của lạc phúc tự nhiên. Người ta thực tập đưa tâm thức đến trạng thái an định này, để giải tan mọi náo động như là những đợt sóng trên mặt của đại dương.
blank
2_ c) Tiếp theo, chúng ta dùng như điểm tựa cho thiền định là một khối cầu ánh sáng trắng nơi khoảng không trước mặt chúng ta và chúng ta quán tưởng, hay nếu không thể quán tưởng khối cầu đó, thì thử cảm thấy sự hiện diện của ánh sáng trắng ấy. Người nào từng quen với các hình thức khác nhau của thiền định có thể quán tưởng Phật hay bản chất từ bi của tất cả các bậc giác ngộ, nghĩa là đức Quán Thế Âm. Nếu không, chỉ cần định tâm vào khối cầu ánh sáng trắng này, rực rỡ như mặt trăng mọc lên ở chân trời và ý thức rằng ánh sáng ấy tượng trưng cho bản chất của các bậc giác ngộ đời quá khứ, hiện tại và vị lai, và như thế, tượng trưng cho tinh túy của mọi nguyên tố, của mọi năng lực hiện hữu. (Hình bên là Đức Quán Thế Âm)

Sau đó, chúng ta tán tụng ba lần : Namo Buddhaya, Namo Dharmaya, Namo Sanghaya. Khi đọc lên Buddhaya, điều đó nghĩa là yếu tính của giác ngộ ; khi xướng lên Dharmaya, nghĩa là con đường đưa đến yếu tính ấy, và Sanghaya, đó là những vị nắm giữ và bảo trì trí huệ của những bậc giác ngộ.

Tiếp theo, chúng ta tán ca nhiều lần thần chú Đại Bi (OM MANI PADME HUNG) và, khi toàn tâm tập trung vào âm thanh, chúng ta tập trung vào ánh sáng. Ánh sáng càng lúc càng rực rỡ, phát ra những tia sáng chiếu rọi về phía chúng ta và làm an lành toàn bộ thân thể chúng ta, lời nói và tâm thức chúng ta.

NAMO BUDDHAYA
NAMO DHARMAYA
NAMO SANGHAYA
OM MANI PADME HUNG
(đọc là Om mani pê mê hung)

Bây giờ, người ta quán tưởng rằng ánh sáng ấy tan vào trong chúng ta và thân thể chúng ta cũng trở thành một khối cầu ánh sáng. Tất cả đều rực sáng và ánh sáng phóng chiếu tỏa khắp mọi phương hướng, dập tắt khổ đau của tất cả chúng sanh. Ánh sáng này tỏa ra làm an lành sự khổ đau của mọi người gần gũi chúng ta và mọi chúng sanh nói chung, nó dập tắt mọi loại đau khổ và tất cả trở nên rất an lành.

2_d) Bây giờ, chúng ta an trú trong sự đơn giản, trong trạng thái tự nhiên của tâm thức, không theo đuổi những tư tưởng của quá khứ hay tương lai. Chúng ta độc chỉ buông xả, trong giây phút hiện tại này.

3) Và để chấm dứt, chúng ta hồi hướng những kết quả của thiền định này cho sự bình an và hạnh phúc của muôn loài.

Đức Tulku Pema Wangyal

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung