Ni Sư Thubten Chodron (thế danh Cherry Green), sinh năm 1950, lớn lên gần vùng Los Angeles. Ni sư hoàn thành Cử Nhân Lịch Sử tại Đại Học UCLA năm 1971. Sau khi du lịch qua Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á trong khoảng một năm rưỡi, Ni sư trở về Mỹ, lấy chứng chỉ sư phạm, theo học chương trình sau đại học tại USC về Giáo Dục và dạy học ở Hệ Thống Các Trường tại thành phố Los Angeles.
Năm 1975, Ni sư tham dự một khóa tu thiền của Ngài Lama Yeshe và ngài Zopa Rinpoche. Sau đó Ni sư qua Nepal tiếp tục tu học và hành thiền tại Tu Viện Kopan. Năm 1977, Ni sư được Ngài Kyabje Ling Rinpoche cho xuất gia tại Dharamsala, Ấn Độ, và năm 1986 Ni sư thọ đại giới tại Đài Loan.
Ni Sư Thubten Chodron thường chú trọng đến việc áp dụng những điều Phật dạy vào đời sống hằng ngày của chúng ta và đặc biệt thiện xảo trong việc giải thích chúng bằng những phương cách dễ hiểu và dễ thực hành. Ni Sư nổi tiếng với những bài Pháp đầy ý nhị, nhẹ nhàng, chân thật và rõ ràng.
***
Dưới đây là bài pháp thoại của Ni Sư Thubten Chodron trong chương trình hoằng pháp qua video: Bodhisattva’s Breakfast Corner của tu viện Sravasti Abbey
02-01-15
***
Năm ngoái có một số người đã viết thư cho chúng tôi hoặc vì họ có người thân vừa mất đi trong một tai nạn bất ngờ hoặc là vì con họ đã đột ngột ra đi. Hoặc cả hai như trong trường hợp con họ bị mất trong một tai nạn. Dĩ nhiên điều đó gây đau đớn khôn cùng cho gia đình của nạn nhân.
Người ta khó chấp nhận việc đột tử của người thân là vì họ vừa có mặt hôm nay ở đây, rồi bỗng ngày hôm sau không có mặt. Khi chúng ta thấy ai đó hôm nay, chúng ta nghĩ là họ cũng phải có mặt ngày hôm sau vì thông thường là như thế: họ có mặt hôm nay, thì họ sẽ có mặt ngày hôm sau hay hôm sau nữa, vì thế chúng ta không hề nghĩ là có thể họ sẽ không có mặt ở đây nữa. Dầu về mặt tri thức, chúng ta vẫn biết là người có mặt hôm nay có thể không có mặt trong ngày mai, vì không ai sống mãi, nhưng ta lại ngạc nhiên vì sự vắng mặt của họ.
Ngay đối với cha tôi, người vừa ra đi năm ngoái ở tuổi 93. Tất cả chúng tôi đều biết ông sẽ ra đi vì ở tuổi 93 chắc chắn là ông không thể sống lâu hơn nữa, nhưng vì ông chết do một tai nạn là ăn bị nghẹn. Phản ứng đầu tiên của tôi là kêu lên “Nhưng tôi vừa gặp người hôm qua mà!” vì ngày hôm trước đó chúng tôi vừa quay một video về ông. Vì thế, ngay trong trường hợp bạn đã chuẩn bị cho việc ai đó sắp ra đi, bạn cũng không thể dễ dàng chấp nhận.
Đối với sự ra đi đột ngột của con cái, ta càng khó chấp nhận hơn, vì dường như điều đó đi ngược lại với cái ‘trật tự tự nhiên’. Đó là người già phải đi trước rồi mới đến người trẻ, là cha mẹ phải ra đi trước con, cho nên khi con ra đi trước cha mẹ thì trật tự đó bị đảo lộn. Vì thế chúng ta thường thấy có sự xung đột giữa những điều chúng ta biết dựa trên tri thức và những gì tự động xảy ra trong cuộc sống. Thí dụ chúng ta biết mọi người đều phải chết nhưng khi nghe ai đó ra đi, ta lại ngạc nhiên. Hoặc chúng ta biết rằng tuổi tác không phải là yếu tố dự báo khi nào ta ra đi nhưng khi có người trẻ tuổi mất đi, chúng ta đều ngạc nhiên. Cho nên có sự khác biệt giữa những gì ta biết và những gì thực sự xảy ra. Vì thế trong Phật giáo ứng dụng, chúng ta cố gắng đưa những gì chúng ta biết đến gần hơn với những gì thực sự là.
Chúng ta biết là cái chết sẽ đến với tất cả. Chết là điều tự nhiên chứ không phải là trái tự nhiên, vì ngay khi ai đó vừa được sinh ra, chúng ta biết rồi lúc nào đó họ sẽ chết vì không có ai sống mãi. Chết chỉ là một phần tự nhiên của cuộc sống, không phải vì ai đó làm điều gì sai trái mà họ phải chết, phải bị đau khổ hay bất cứ điều gì tương tự như thế. Chỉ là thân chúng ta vô thường, và chỉ có thể được duy trì đến một mức độ nào đó rồi thì nó cũng phải hư hoại. Chúng ta phải thực sự hiểu điều đó và quán tưởng về nó.
Người cha trước đây đã viết thư cho chúng tôi nhờ giúp đỡ, tư vấn về vấn đề này, đã có lần email cho chúng tôi nói rằng, dầu ông không phải là người theo một tôn giáo nào, nhưng cái chết đột ngột của con trai khiến ông nhận ra rằng sự sống rất ngắn ngủi, tạm bợ. Tôi nghĩ đó là một nhận thức khôn ngoan. Nếu đó là điều tâm bạn thực sự cảm nhận được trong khi trải qua kinh nghiệm đau đớn của việc mất đi đứa con thì cuối cùng cuộc đời của bạn và những người chung quanh sẽ thực sự được hữu ích, được tăng trưởng. Vì khi ta nhận thức được rằng tất cả rồi sẽ chết, thì chúng ta sẽ thấy những chuyện tủn mủm, vụn vặt mà ta vẫn tranh cãi với nhau là phi lý. Nếu tất cả chúng ta sẽ ra đi thì có gì quan trọng trong việc ai sẽ là người lau dọn nhà, bạn hay tôi, tại sao chúng ta phải cãi nhau về những chuyện trẻ con, ngu ngốc đó. Khi biết mình sẽ chết, thì ta không còn thì giờ để hờn giận ai nữa. Có thể có ai đó đã làm tổn thương, làm hại ta trong quá khứ, nhưng khi chúng ta quán tưởng về cái chết của mình, của người, thì có ai còn muốn khư khư giữ lấy sự giận hờn, oán trách trong tâm nữa, vì tất cả đều vô nghĩa. Vì thế khi chúng ta ý thức được về cái chết, điều đó thực sự giúp chúng ta sống một cách sinh động hơn -tôi đoán rằng những người còn lại trong gia đình như cha mẹ, anh chị em sẽ quý trọng nhau hơn sau sự mất mát đó. Vì họ đã nhận thức được điều đó.
Trong cuộc sống ai cũng bận rộn: cha mẹ thì phải đi làm, trẻ em thì phải đến trường, ai cũng có công việc, không có thì giờ để trò chuyện với nhau. Nhưng khi bạn thấy là cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào thì chúng ta sẽ chọn lựa khác đi, ta sẽ biết điều gì quan trọng hơn, cần làm trước hơn. Và chúng ta sẽ thấy là con người quan trọng hơn tất cả mọi thứ.
Thương yêu hay tử tế với nhau quan trọng hơn là sự nổi tiếng, sự đúng sai, hay quyền lực. Khi ta thực sự nghĩ đến điều này, thì chúng ta sẽ dừng lại, và thấy rằng con người và muôn vật đều giống nhau, đều quan trọng, vì tất cả đều có cảm xúc. Vậy ta có thể làm gì để giúp họ được hạnh phúc, để biểu lộ tình thương yêu đối với họ. Đừng nghĩ là họ phải biết mình yêu thương họ, mà cứ sống thản nhiên, không cần biểu lộ tình cảm. Và việc cần biểu lộ tình thương yêu không chỉ đối với người thân trong gia đình mà còn cả đối với bạn bè, đồng nghiệp, hay bất cứ ai mà chúng ta gặp. Hãy bày tỏ sự trân quý đối với những ai chúng ta gặp ở bất cứ thời điểm nào, ở trước mắt chúng ta, chứ đừng sống thản nhiên, coi mọi thứ là điều tự nhiên. Vì chỉ có giây phút trước mắt là giây phút chúng ta thực sự sống. Cứ bận rộn với thứ này, việc nọ thì cả cuộc đời ta sẽ vùi trong những thứ đó. Sự liên kết với con người và biểu lộ sự quan tâm, sự mong ước cho họ được hạnh phúc, đó mới thực sự là những điều quan trọng. Tôi ít nghe ai đó trước khi từ giã cõi đời lại nói, “Tôi thật tiếc đã không làm thêm nhiều giờ tăng ca”, hay “Tiếc là tôi đã không nổi tiếng hơn nữa”, hay “Giá mà tôi đã thắng trong cuộc tranh cãi hai mươi năm về trước”. Thật thế, không ai nghĩ như thế cả. Nhưng ai cũng nuối tiếc là mình đã không kết nối với người thân yêu hơn, đã không sống trọn vẹn hơn. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều có thể học được từ cái chết bất ngờ của người thân, là điều mà tất cả chúng ta đều phải trải qua, chắc chắn như thế. Chúng ta sẽ chứng kiến sự ra đi của người thân, chứng kiến sự ra đi của chính mình. Vì thế hãy để cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa hơn.
Khi một người ra đi đột ngột, chúng ta thường hỏi tại sao điều này lại xảy ra. Nhưng tôi không nghĩ là câu trả lời có thể giúp người ta bớt khổ đau hơn. Nó có thể giải thích sự việc, giống như trong Phật giáo, chúng ta cũng có cách giải thích, nhưng tôi nghĩ rằng câu hỏi tại sao không phải là câu hỏi mà trong thâm tâm chúng ta muốn hỏi. Tôi nghĩ điều mà thâm tâm ta muốn biết là làm sao để biểu lộ, diễn tả sự quan tâm, tình thương yêu không chỉ cho người đã mất mà cả cho những người còn sống quanh ta.
Nếu chúng ta quan tâm đến người đã chết, tốt hơn hết chúng ta tiễn họ đi với tình thương yêu. Chúng ta tin rằng có tái sinh. Người thân của ta có cuộc sống khác, nên ta có thể cầu cho người ra đi được có một cuộc sống kế tiếp tốt đẹp. Cầu cho họ tái sinh với lòng từ bi, có đức hạnh, có trí tuệ, và dùng trí tuệ đó một cách có đạo đức. Cầu cho họ được tái sinh trong một môi trường, hoàn cảnh sống tốt đẹp hầu trưởng dưỡng các đức tính của họ, và mong họ cũng có thể trưởng dưỡng đức tính của những người họ tiếp cận. Vì thế tôi nghĩ thái độ đúng đắn đối với sự ra đi đột ngột của người thân là dầu chúng ta có buồn đau vì người đã mất, chúng ta nên tiễn đưa họ với tất cả những lời chúc phúc tốt lành. Không chỉ cầu cho kiếp tái sinh của họ được giàu sang, đầy đủ thực phẩm, chỗ trú ngụ, vân vân -dĩ nhiên, chúng ta luôn mong cho họ những điều đó- nhưng hãy nghĩ đến những giá trị nội tâm mà họ có thể được đón nhận. Mong rằng trong cuộc sống kế tiếp, họ có thể sống có ý nghĩa, có thể đóng góp, phụng sự cho người, cho xã hội, để họ có thể biểu lộ sự quan tâm, tử tế đối với bất cứ ai mà họ tiếp cận trong cuộc sống kế tiếp. Và niềm tin này rất hữu ích khi chúng ta gửi gắm những ý nghĩ này theo với người chết vì chúng ảnh hưởng đến tiềm thức của họ trong kiếp sống tới một cách tích cực. Tôi nghĩ đó là điều rất hữu ích cho bản thân và tha nhân.
Trở lại vấn đề thực sự hàm ân đối với nhiều thứ. Trong Phật giáo có câu nói: “Ly đã bể”. Bạn có thể dùng câu này để nói về nhiều thứ, thí dụ, cái loa đã bể. Việc dùng cái ly hay cái tách chỉ là một thí dụ điển hình. Ly vẫn còn đây, nhưng chúng ta biết rằng nó có thể bể. Nếu chúng ta biết rằng một ngày kia ly sẽ bể thì chúng ta không sống với hy vọng rằng cái ly sẽ không bể, rằng nó sẽ luôn có mặt ở đây. Nếu không hy vọng như thế thì chúng ta sẽ trân trọng cái ly hơn, nhưng khi ly có bể thì ta cũng thản nhiên vì ta đã biết như thế. Chúng ta thích chất liệu của ly, nhưng chúng ta không bám víu vào nó, không nói rằng, “Đây là cái ly quý báu của tôi. Chớ có đụng đến ly của tôi, chứ đừng nói đến việc làm bể ly của tôi”. Biết rằng ly đã bể, chúng ta sẽ biết trân quý khi nó còn có mặt. Rồi khi nó vỡ đi, ta cũng không hối tiếc. Không đau khổ. Tương tự chúng ta không hối tiếc đối với quá khứ vì ta đã có những kỷ niệm đáng nhớ với người thân. Chúng ta không đau khổ vì quá khứ đã qua đi, chúng ta đã trải nghiệm nó. Không đau khổ cho hiện tại vì hiện tại có thể chấm dứt trong nháy mắt. Tôi nghĩ cái mà chúng ta hối tiếc hướng tới tương lai, cái tương lai mà ta phác họa một đằng nhưng nó đã xảy ra đằng khác. Chúng ta nghĩ là sẽ có cái ly trong tương lai, nên ta bám víu vào nó, gắn kết với nó, rồi khi ly bể, ta bực tức, giận dữ. Cũng thế đối với con người, ta cũng nghĩ là người thân phải/sẽ có mặt bên ta, nhất là đối với cha mẹ. Bậc cha mẹ đã nghĩ là đứa con sẽ luôn có mặt bên mình, suốt cuộc đời mình, và nó sẽ chứng kiến sự ra đi của mình. Khi chúng ta hối tiếc, khổ đau cho tương lai vì những gì ta nghĩ là sẽ xảy ra, đã không xảy ra, đó là tà kiến. Cho nên nói cách khác là chúng ta đang đau khổ, hối tiếc cho một điều không có thật, không hiện hữu. Chúng ta không đau khổ, hối tiếc cho cái gì đã xảy ra mà hối tiếc cho những gì chưa xảy ra. Vì thế giờ chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ của mình. Ý nghĩ của chúng ta về tương lai sẽ phải thay đổi. Mặc dầu chúng ta mất đi một người thân mà chúng ta rất mực thương yêu, nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể có một tương lai tốt đẹp. Vì tình thương yêu không phải là cái gì cố định, hạn chế mà bạn đã cho ai rồi thì không thể cho người khác. Tình thương yêu là thứ mà bạn càng chia sẻ nhiều, bạn sẽ có nhiều hơn. Và ở đây tôi không nói về tình thương yêu lãng mạn của trai gái, mà tôi nói về sự quan tâm, lo lắng, tình thân ái mà con người có thể dành cho nhau, vì tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, không ai muốn khổ đau. Với loại tình thương này chúng ta càng cho nhiều người thì nó càng phát triển, trái tim ta sẽ càng rộng lớn hơn, cuộc sống của ta đầy đủ ý nghĩa hơn. Vì chúng ta biết rằng loại tình thương này có thể được chia sẻ với nhiều, nhiều người, vì nó không phải là cái cố định. Vì thế, có thể cái tương lai mà chúng ta nghĩ là nó sẽ có mặt, nhưng lại không có mặt, nó có thể là một tương lai khác, một tương lai tốt đẹp không chỉ cho chúng ta mà cho cả người đã mất vì chúng ta đã tiễn họ đi với tình thương yêu, với những lời nguyện cầu và những hoài vọng tốt đẹp.
Ni Sư Thubten Chodron
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ