Lịch sử truyền dạy Vajrakilaya |

Lịch sử truyền dạy Vajrakilaya

Kho Tàng Terma

Truyền dạy Vajrakilaya là một sự truyền dạy Mật thừa vô cùng sâu xa, rộng lớn, và cao tột, có thể được phân ra thành ba, sáu, hay chín dòng truyền thừa. Bởi sáu hay chín dòng truyền được bao gồm trong ba dòng chính, sự truyền dạy Vajrakilaya có thể được thảo luận trong phạm vi của ba dòng này.

Dòng thứ nhất là dòng tâm-truyền-tâm của các Đấng Chiến Thắng, dòng thứ hai là dòng truyền dạy tượng trưng của các vidyadhara (Trì minh vương), và dòng thứ ba là dòng khẩu truyền của các cá nhân.

Dòng tâm-truyền-tâm

Dòng tâm-truyền-tâm của các Đấng Chiến Thắng thì siêu vượt các khái niệm, siêu vượt mọi ý niệm và biện biệt. Ngày nay, mọi tư tưởng và hành động của ta đều nằm trong cảnh giới của các khái niệm. Giáo lý Dzogchen (Đại viên mãn) nói rằng mọi hoạt động mà ta thực hiện sẽ làm tăng trưởng các tập khí và khái niệm. Cho dù ta phân tích, thiền định hay nỗ lực làm điều gì, dù điều đó sâu xa, cao hay thấp, nó luôn luôn làm gia tăng sự phức tạp thuộc về khái niệm của chúng ta.

Dòng tâm-truyền-tâm là tâm của các Đấng Chiến Thắng, siêu vượt mọi rắc rối và khái niệm. Nó là trạng thái toàn giác. Siêu vượt sự nhị nguyên, nó là Pháp Thân – tâm chứng ngộ của chư Phật. Trong trạng thái bình đẳng vĩ đại, không làm gì có một vị Phật nam hay một vị Phật nữ. Những sự phân biệt đó chỉ hiện hữu trong cảnh giới của những khái niệm.

Trạng thái bất nhị được gọi bằng những tên khác nhau, chẳng hạn như dharmakaya (Pháp Thân) hay svabhavakaya (Tự Tánh Thân). Những sự mô tả này chỉ hiện hữu trên bình diện khái niệm. Ở bình diện tối hậu, trạng thái này không thể bị phân chia.

Sự bao la vĩ đại là Pháp Thân thì hoàn toàn trống rỗng hay không có gì hết. Từ Pháp Thân, mọi loại hiển lộ xuất hiện mà không cần nỗ lực hay tư tưởng nào. Chúng không tách rời hay khác biệt với Pháp Thân; chúng là những hiển lộ tiềm năng của bản tánh nguyên sơ. Theo giáo lý Dzogchen (Đại Viên mãn), từ bản tánh không hiện hữu – từ bản tánh nền tảng chẳng có điều gì hết – mọi loại sự vật xuất hiện một cách tự nhiên. Bởi những sự vật không cần được tạo tác một cách mạnh mẽ bởi người nào đó, chúng thật tự nhiên. Bản tánh của sự tự nhiên này được gọi là rigpa, là bản tánh của trí tuệ nguyên sơ. Từ năng lực trí tuệ đó năm trí tuệ xuất hiện một cách tự nhiên, và chúng được quán chiếu như năm vị Phật thiền và tất cả các vị vidyadhara (Trì minh vương).

Khi chúng ta không có một sự hiểu biết sâu xa về thực tại, trong thế giới bình thường năm trí tuệ xuất hiện như năm uẩn, năm yếu tố (năm đại), năm màu, và năm độc. Những ý niệm đó xuất hiện bởi chúng thích hợp với tư tưởng mê lầm của chúng ta. Thực ra chúng chính là năm trí tuệ hay năm vị Phật thiền.

Dù chúng xuất hiện như năm trí tuệ và năm vị Phật, hay như năm độc và năm uẩn, năm trí tuệ được đặt nền trên cùng một bản tánh nguyên sơ – Pháp Thân vĩ đại. Dù xuất hiện trong bất kỳ hình tướng, nơi chốn, hay thời gian nào, không có một vi trần nào nằm ngoài trạng thái nguyên sơ. Đây là tinh túy của chân tánh sâu xa. Tuy nhiên, do bị mê lầm bởi những tri giác nhị nguyên nên chúng ta phân biệt giữa chủ thể và đối tượng, và khi ta bám chặt vào những ý niệm này, ta tạo nên nhiều sự việc khác biệt quanh ta.

Để bảo vệ chúng sinh thoát khỏi loại mê lầm này, chư Phật xuất hiện trong nhiều thân tướng khác nhau. Chẳng hạn như trong những hiện thân khác nhau là những bộ Phật ở năm phương. Vị Phật ở phương đông là Vajrasattva (Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa), vị Phật ở phương nam là Ratnasambhava (Đức Phật Bảo Sanh), vị Phật ở phương tây là Amitabha (Đức Phật A Di đà), vị Phật ở phương bắc là Amoghasiddhi (Đức Phật Bất Không Thành Tựu), và vị Phật ở trung tâm là Vairochana (Đức Phật Tỳ Lô Giá Na). Trên bình diện tuyệt đối thì chỉ có một hiện thân của trí tuệ nguyên sơ; về mặt tối hậu thì không có các bình diện khác nhau. Nhưng để giúp tẩy trừ những khái niệm nhị nguyên hay để xua tan sự vô minh của chúng ta, năm trí tuệ này xuất hiện như những vị Phật khác nhau. Những bộ Phật này không phải là những bộ (gia đình) riêng biệt hiện hữu trong những phương hướng khác nhau, chẳng hạn như Kim Cương bộ, bộ giàu có (tráng lệ) sống ở phương đông, và Liên Hoa bộ, bộ quý phái ở phương tây; điều đó không thành vấn đề. Các bộ Phật xuất hiện theo cách này để dẫn dắt chúng sinh tới trí tuệ bất nhị.

Những biểu tượng trí tuệ này được sử dụng để minh họa ý nghĩa sâu xa. Chẳng hạn như chư Phật xuất hiện với vẻ an bình, phẫn nộ, hay nửa phẫn nộ, và là nam hay nữ. Trong phạm vi của sự tượng trưng, tám nam đại Bồ Tát tượng trưng cho sự chuyển hóa của tám thức. Tám nữ đại Bồ Tát tượng trưng cho sự chuyển hóa của các đối tượng của tám thức. Bốn người gác cổng là sự chuyển hóa của bốn quan điểm cực đoan về sự hiện hữu và không hiện hữu. Tất cả những điều đó đều có ý nghĩa tượng trưng.

Giáo lý đặc biệt này liên quan tới Đức Phật Vajrakilaya. Trong một vài tantra, Vajrakilaya được mô tả như sự chuyển hóa phẫn nộ của Đức Vajradhara (Kim Cương Trì) và trong những tantra khác thì được mô tả như sự chuyển hóa phẫn nộ của Đức Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa). Tuy nhiên không có gì mâu thuẫn giữa Vajradhara và Vajrasattva, bởi các ngài tượng trưng cho cùng một bản tánh.

Đức Phật Vajradhara được cho là vị lãnh đạo của sáu bộ Phật. Năm bộ Phật đã được đề cập ở trên, và bộ Phật thứ sáu là nguồn mạch của năm bộ kia. Bộ Phật thứ sáu là tâm giác ngộ siêu vượt các khái niệm nhị nguyên. Đức Vajradhara là vị lãnh đạo của năm bộ Phật cũng như nguồn mạch của năm bộ này. Tất cả sáu bộ Phật chính là trí tuệ nguyên sơ. Vajradhra cũng chính là Đức Phật Samantabhadra (Phổ Hiền), hiện thân của trí tuệ nguyên sơ – sự quang minh và tánh Không.

Đôi khi Samantabhadra được dùng để ám chỉ Đức Phật Pháp Thân, và Vajradhara ám chỉ Đức Phật Báo Thân. Tuy nhiên Vajradhara cũng được ám chỉ như một Đức Phật Pháp Thân. Không có gì mâu thuẫn ở đây; nó chỉ minh họa những sự phân chia trong dòng tâm-truyền-tâm. Trong bản tánh nguyên sơ, phương diện trí tuệ-nguyên sơ được ám chỉ như Samantabhadra và phương diện quang minh được ám chỉ như Vajradhara; đó là hai phương diện của một bản tánh duy nhất. Theo cách này, Samatabhadra được coi là phương diện Pháp Thân và Vajradhara là phương diện Báo Thân.

Có nhiều cách thức để xem xét dòng tâm-truyền-tâm. Trong các tantra cao cấp của dòng Nyingma, các sự phân biệt được thiết lập, ví dụ như, bằng cách phân chia thành ba cấp độ: Pháp Thân của Pháp Thân, Pháp Thân của Báo Thân, và Pháp Thân của Hóa Thân. Vì thế, Pháp Thân của Pháp Thân là Samantabhadra, Pháp Thân của Báo Thân là Vajradhara, và Pháp Thân của Hóa Thân là Vajrasattva. Tất cả ba cấp độ này đều ở trong Pháp Thân.

Khi Vajradhara và Vajrasattva được chuyển hóa thành các phương diện phẫn nộ của các ngài, các ngài là Vajrakilaya. Mục đích chính yếu của hiện thân Vajrakilaya là để giúp đỡ chúng sinh tẩy trừ những ý niệm nhị nguyên của họ. Vì thế hiện thân của ngài xuất hiện trong nhiều phương cách khác nhau. Chẳng hạn như thân tướng, cánh tay, pháp khí cầm trong bàn tay, màu sắc và v.v… của ngài, tất cả đều có thể khác biệt. Tantra Vidyottama nói rằng có nhiều loại hiện thân của Vajrakilaya.

Theo tantra Vajrakilaya khác, Tantra Bí mật của Vajrakilaya, Vajrakilaya có một ngàn cái đầu, một ngàn cánh tay, và một triệu con mắt. Tantra Niết Bàn của Vajrakilaya nói rằng Vajrakilaya có chín đầu, mười tám tay, và tám chân. Trong Tatra Gốc của Kim Cương Phẫn nộ Vajrakilaya có ba đầu, sáu tay, và bốn chân. Trong Mười Hai Tantra Kilaya thì Vajrakilaya có một mặt, hai tay, và hai chân. Trong tất cả những tantra này, Vajrakilaya cũng có những chiếc cánh. Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng có những hiện thân khác nhau của Vajrakilaya trong những tantra khác nhau. Cho dù ngài mang thân tướng nào, nó luôn luôn tương tự với thân người. Ngài có một đầu, tay, chân, và v.v… Nhưng khi Vajrakilaya xuất hiện với các phi-nhân thì trông ngài hoàn toàn khác biệt và xuất hiện trong một cách thức kỳ diệu và không thể tưởng tượng nổi.

Dòng truyền dạy tượng trưng

Nguồn mạch của các hiện thân Vajrakilaya là Pháp thân, cảnh giới của dòng tâm-truyền-tâm. Pháp Thân được quán chiếu là Vajrakilaya trong Báo Thân, cảnh giới của sự truyền dạy tượng trưng của các vidyadhara. Xuất hiện từ Samantabhadra hay Pháp Thân, Vajrasattva hay Báo Thân được chuyển hóa một cách phẫn nộ thành Vajrakilaya. Pháp thân và Báo thân, dòng tâm-truyền tâm và dòng truyền dạy tượng trưng thì siêu vượt những ý niệm của chúng ta. Chúng ta có thể hỏi; “Vajrakilaya ở đâu, hay Vajradhara ở đâu?” Câu trả lời là các ngài ở cõi tịnh độ Ogmin hay Akanishta, có nghĩa là “không bị chi phối bởi các ý niệm nhị nguyên.” Theo giáo lý Dzogchen, cung điện Ogmin thì siêu vượt mọi phạm trù và tính chất nhị nguyên.

Nếu các bạn hỏi về địa chỉ cố định của Vajradhara hay Samantabhadra, hay các bạn muốn biết số điện thoại của Vajrakilaya, chúng ta luôn luôn nói rằng các ngài ở Akanishta, cung điện dharmadhatu (Pháp giới). Đôi khi, để thích hợp với những khái niệm của chúng ta, ta nói các ngài an trú trong một cung điện. Khi chúng ta nghĩ đến một cung điện nơi các du khách tới, chẳng hạn như cung điện của Nữ Hoàng Elizabeth, ta nghĩ tới cái gì đó rất khác thường và dễ thương, vì thế ta có thể áp dụng điều đó với dharmadhatu và gọi nó là cung điện Ogmin.

Vajrakilaya ở trong Báo Thân, là điều siêu vượt các khái niệm. Theo ba dòng truyền dạy trong Phái Nyingma, Samantabhadra, Vajradhara, và Vajrakilaya thuộc về dòng tâm-truyền-tâm cũng như dòng truyền dạy tượng trưng.

Dòng khẩu truyền 

Chúng ta sống trong một thế giới của những khái niệm, chủ thể, và đối tượng nhị nguyên, là nơi chúng ta dính mắc và bám chấp. Làm thế nào ta tìm ra được trạng thái siêu vượt các khái niệm? Đó là nhờ dòng truyền được gọi là dòng khẩu truyền riêng.

Vajrakilaya không ngừng giảng dạy các tantra (Mật điển) Vajrakilaya trong “Mộ Địa Bí mật Rực Lửa.” Có hai dòng chính mô tả cách thức giáo lý này đến với thế giới chúng ta trong những cõi người và phi-nhân.

Những giáo lý này được ba vị Phật hay Bồ Tát vĩ đại là Manjushri (Văn Thù), Avalokiteshvara (Quán Thế Âm), và Vajrapani (Kim Cương Thủ) truyền dạy trong những cõi phi-nhân. Đức Văn Thù đã truyền dạy trong các cõi trời, và hàng trăm ngàn vị trời đã đạt được cấp độ vidyadhara (Trì minh vương) nhờ thực hành Vajrakilaya. Đức Quán Thế Âm ban những giáo lý này trong các cõi naga (rồng) và hàng trăm ngàn naga đã đạt được cấp độ vidyadhara nhờ thực hành này. Đức Kim Cương Thủ đã ban những giáo lý này trong các raksha (la sát) hay quỷ ăn thịt người, và các yaksha (dạ xoa) hay những quỷ ma ác hại, và hàng trăm ngàn các vị đó cũng đã đạt được cấp độ vidyadhara nhờ thực hành Vajrakilaya.

Về cách thức những giáo lý này xuất hiện trong cõi người thì theo một lịch sử, khoảng năm mươi năm sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Đại Niết bàn, ở miền tây xứ Ấn Độ được gọi là Uddiyana có một hiện thân phi thường tên là Hasya Vajra hay Garab Dorje đã trực tiếp nhận các giáo lý từ Đức Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa). Những giáo lý này bao gồm giáo lý Vajrakilaya. Garab Dorje đã thâu thập và bảo tồn những giáo lý này bằng cách ghi chép và tóm tắt lại, và biên soạn những luận giảng về chúng.

Theo lịch sử khác, chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy các tantra Vajrakilaya. Trong dòng tâm-truyền-tâm hay dharmakaya (Pháp thân), Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Vajrakilaya cùng một bản chất nền tảng, không có chút khác biệt hay bất đồng nào trong sự chứng ngộ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như Vajrakilaya đã ban hàng trăm ngàn giáo lý Kilaya khác nhau, chúng được cô đọng trong Tantra Vidyottama. Có nhiều giáo lý khác nhau về Vajrakilaya.

Sau khi Đức Phật chuyển Pháp luân Vajrakilaya, ngài phó thác giáo lý này cho hai dharmapala (Hộ Pháp), Đức Kim Cương Thủ và dakini trí tuệ Lekyi Wangmo. Có nhiều lịch sử khác nhau về cách thức Đức Kim Cương Thủ và Lekyi Wangmo truyền dạy các giáo lý này. Theo cách suy nghĩ tầm thường của chúng ta, hai mươi tám năm sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn, năm Đạo sư vĩ đại đã gặp nhau trên đỉnh một ngọn núi “thiên thạch” và thiết tha cầu nguyện tất cả chư Phật khắp mười phương. Những lời cầu nguyện của các ngài gồm có hai mươi ba cách bày tỏ khác nhau. Khi các ngài chấm dứt những lời nguyện, Đức Kim Cương Thủ xuất hiện trong không trung trước mặt các ngài và ban tất cả những giáo lý Vajrayana (Kim cương thừa). Một trong năm Đạo sư, ngài Lodrö Tabden, dùng mực vàng viết lại những giáo lý đó trên giấy làm bằng đá da trời. Sau đó ngài dấu những bản viết đó trong không trung bằng phương tiện là bảy năng lực chứng ngộ của ngài, và khoảng một trăm năm sau dakini trí tuệ Lekyi Wangmo đã khám phá những giáo lý này và truyền cho Tám Đại Trì minh vương.

Lịch sử khác thuật lại rằng khoảng năm mươi năm sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn, Đức Kim Cương Thủ và Lekyi Wangmo cất dấu giáo lý Vajrakilaya trong bảo tháp Deche Tsegpa. Sau khi giáo lý được cất giấu, bảo tháp bốc khói giữa ban ngày và rực lửa vào ban đêm.

Khi tới lúc khám phá các giáo lý đó, Guru Padmasambhava và Tám Đại Trì minh vương tụ họp một cách tự nhiên tại bảo tháp Deche Tsegpa. Các ngài không cần phải mời gọi nhau để sắp xếp cuộc họp; các ngài đến cùng lúc và cùng một địa điểm thật dễ dàng.

Khi các ngài đến nơi, Lekyi Wangmo xuất hiện trước các ngài. Bà đã biết ý định của các ngài, nhưng bà vẫn hỏi: “Tại sao các ngài đến đây? Các ngài cần gì? Tôi có thể làm gì cho các ngài?” Các ngài nói: “Chúng tôi tới để khám phá những giáo lý đặc biệt. Xin ban các giáo lý đó cho chúng tôi.” Bà đưa một cái tráp nhỏ cho mỗi vị trong tám Trì minh vương, và bên trong tráp là một trong tám giáo lý Đại Heruka. Cùng với các tantra, bà ban toàn bộ sự truyền dạy, nhập môn, và các giáo huấn cho mỗi người.

Đạo sư vĩ đại Manjusrimitra nhận tráp sắt chứa sự truyền dạy đặc biệt của Yamantaka, bao gồm Tantra Văn Thù Bí mật. Đây là những giáo lý Phật bộ về thân tướng của tất cả chư Phật. Đạo sư vĩ đại Nagarjuna (Long Thọ) nhận tráp đồng có chứa sự truyền dạy các giáo lý về ngữ của Liên Hoa bộ, bao gồm Tantra Gốc Hayagriva Siêu việt. Đại Trì minh vương Hungkara nhận tráp pha lê có chứa sự truyền dạy Yangdag Heruka, trong đó có Tantra Heruka Mãnh liệt. Đây là những giáo lý kim cương bộ về tâm của tất cả chư Phật.

Các Đạo sư vĩ đại Guru Padmasambhava và Prabhahasti được ban tráp bằng xương, hay (một số người nói) tráp bằng lam ngọc, và bên trong nó là các tantra Vajrakilaya, bao gồm Tantra Vidyottama, các giáo lý thuộc Nghiệp bộ về hoạt động của tất cả chư Phật.

Đạo sư vĩ đại Vimalamitra nhận tráp vàng chứa các Tantra Amrita, các tantra về phẩm tính của tất cả chư Phật. Đạo sư vĩ đại Dhanasamskrita nhận tráp vàng-đỏ chứa mamo hay các tantra dakini, bao gồm Tantra Gyülung Bumtig, “tinh túy của một trăm ngàn tantra với những giáo huấn khẩu truyền.” Đạo sư vĩ đại Rombuguhya Devachandra nhận tráp ngọc hồng lựu chứa Tantra của Tất cả các Đấng Vĩ đại, tantra giải thích cách làm chủ trái tim của những chúng sinh thế tục có quyền lực. Trì minh vương vĩ đại Shantigarbha nhận tráp làm bằng dzi, một loại đá có sọc hay “những con mắt” được coi là loại đá quý nhất ở Tây Tạng. Bên trong cái tráp là Tantra Möpa Drag Ngag, “tantra của thần chú chính xác, mãnh liệt” bao gồm giáo lý Chuỗi Pha lê Trắng các Thần chú Phẫn nộ.

Đạo sư vĩ đại Padmasambhava nhận cái tráp làm bằng tám kim loại quý chứa một sự trao truyền đầy đủ, cô đọng của tất cả Tám Heruka, Hiện thân của Tất cả các Đấng Thiện Thệ. Khi dakini Lekyi Wangmo khám phá giáo lý kết hợp này của Tám Heruka cho Guru Padmasambhava, thậm chí còn có thêm những tia chớp, lửa và khói quanh bảo tháp. Sau đó đích thân Guru Padmasambhava ban giáo lý kết hợp này cho Tám Đại Trì minh vương.

Guru Padmasambhava đã nhận các sadhana Tám Heruka từ tám Trì minh vương cũng như từ Lekyi Wangmo. Đặc biệt là ngài nhận sự truyền dạy Vajrakilaya từ cả Prabhahasti lẫn Lekyi Wangpo. Guru Padmasambhava được gọi là Đạo sư của tất cả Tám Heruka và đặc biệt là Đạo sư của Vajrakilaya.

Những dòng truyền của Tám Heruka, kể cả Vajrakilaya, được bắt nguồn ở Ấn Độ. Cùng với các sadhana và tantra Tám Heruka này, có một tantra thứ chín tên là Tantra Guru Vidyadhara, tantra này cũng bao gồm Tám Heruka. Guru Padmasambhava đã mang tantra này cùng những tantra Heruka khác tới Tây Tạng.

Đây là cách các giáo lý Vajrakilaya bắt đầu trong thế giới này. Có nhiều câu chuyện về cách thức dòng truyền thừa này được truyền dạy, nhưng tất cả những giáo lý này xuống đến chúng ta qua Guru Padmasambhava là Đạo sư của Tám Heruka.

Sau khi Guru Padmasambhava nhận các giáo lý Vajrakilaya, ngài thực hành trong hang động tại Yangleshöd trước khi tới Tây Tạng. Mặc dù ngài đã giác ngộ, ngài làm điều này để chỉ rõ sự cần thiết đối với việc thực hành. Thực hành Vajrakilaya của Guru Padmasambhava là một trong những hoạt động lợi lạc siêu việt của ngài.

Tại Yangleshöd, ngài đang thực hành Yangdag Heruka, Samyang Sambuddha, là vị được gọi là bộ tâm của chư Phật. Thực hành Yangdag Heruka bắt đầu với thực hành Yangdag chín-đèn. Trong thời gian đó nhiều chướng ngại xuất hiện ở Nepal. Có một trận hạn hán khốc liệt, và kết quả là mùa màng không phát triển. Có rất nhiều sấm sét, và nhiều chướng ngại bên ngoài khác hiển lộ.

Guru Padmasambhava cảm thấy rằng ngài cần có thêm các giáo huấn Vajrakilaya vào lúc này, vì thế ngài gửi một cặp vợ chồng người Nepal tới tu viện tại Nalanda nơi ngài Prabhahasti vẫn đang sống. Cặp vợ chồng này, Jila Jisa và Kunla Kunsa, đã nhận những bản văn từ Prabhahasti và mang trả chúng lại cho Guru Padmasambhava tại Yangleshöd. Để điều phục mọi chướng ngại, Guru Padmasambhava khẩn cầu năng lực của Đức Phật trong thân tướng của Vajrakilaya.

Khi Guru Padmasambhava bắt đầu thực hành Vajra Kilaya, mọi điều tiêu cực hoàn toàn an dịu. Bằng cách kết hợp các thực hành Yangdag Heruka và Vajrakilaya, ngài đã điều phục ba tinh linh địa phương mạnh mẽ nhất, Lu Jungpo, Nöjin Gömakha, và Barnong Lomatrin, và ngài làm cho trời đổ mưa. Khi Guru Padmasambhava đã điều phục các tinh linh này bằng thực hành của ngài, năng lực của Vajrakilaya đã điều phục các tinh linh đất, không trung, và vùng giữa đất và bầu trời. Ngài tiếp tục thực hành kết hợp Vajrakilaya và Yangdag Heruka trong ba năm. Từ viễn cảnh của lịch sử bình thường, Guru Padmasambhava tuyên bố rằng ngài đã giác ngộ Mahamudra (Đại Ấn) nhờ thực hành Vajrakilaya tại Yangleshöd. Dĩ nhiên ngài đã là một bậc giác ngộ, nhưng ngài đã biểu thị sự chứng ngộ này để tán thán năng lực và những gia hộ của Vajrakilaya và Yangdag Heruka. Vào lúc đó Guru Padmasambhava được gọi là Dorje Tötrengtsal.

Sau đó hai Đạo sư vĩ đại khác là Balpo Shilamanzu và Vimalamitra đã kết hợp với ngài tại Yangleshöd để thực hành Vajrakilaya. Theo lịch sử, sau khi thực hành các ngài đã biểu lộ những dấu hiệu khác nhau của sự chứng ngộ. Khi một trận cháy rừng chiên đàn đang bùng phát trên ngọn núi gần đó, Guru Padmasambhava chỉ cây phurba của ngài vào ngọn lửa, lửa bị dập tắt tức thì, và tất cả những cây cối trở lại chỗ cũ. Vimalamitra chỉ một cây phurba vào Sông Hằng và làm thành khối nước, khiến con sông ngưng chảy một thời gian. Đây là dấu hiệu cho thấy tận thâm sâu Vimalamitra đã có thể điều phục các naga (tinh linh nước, loài rồng) bằng thực hành Dorje Phurba của ngài. Shilamanzu chỉ một phurba về phía một núi đá kiên cố tên là Shilgongdrag, và chẻ ngọn núi thành hàng trăm mảnh. Điều này cho thấy tận thâm sâu ngài đã có thể điều phục các quỷ ma và tinh linh đất. Guru Padmasambhava, Vimalamitra, và Shilamanzu nổi danh là những Đạo sư vô cùng uy lực của Vajrakilaya.

Dakini trí tuệ Yeshe Tsogyal đã nhận giáo lý Vajrakilaya từ cả ba Đạo sư vĩ đại này. Bà đã tập hợp giáo lý của các ngài trong một quyển sách tên là Trăm Ngàn Vị Sắc Đen, và cách thức bà tập hợp giáo lý thật phi thường. Thay vì chỉ phân chia bản văn thành những chương, bà xem xét tỉ mỉ bản văn gốc từng dòng một, giải thích mỗi vị trong số ba Đạo sư đã nói ra sao về ý nghĩa của mỗi vấn đề. Theo cách này, bà đã kết hợp các dòng truyền thừa của Guru Padmasambhava, Vimalamitra, và Shilamanzu.

Khi Guru Padmasambhava đến Tây Tạng, ngài đã điều phục mọi thế lực tiêu cực và gia hộ cho toàn thể lãnh thổ. Ngài đã hiến cúng mặt đất và hướng dẫn một lễ động thổ đặc biệt ở nơi Tu viện Samye được xây dựng. Theo lịch sử sâu xa hay bí mật, ngài đã tự biến thành Vajrakilaya để điều phục mọi thế lực tiêu cực và như thế gia hộ cho toàn xứ Tây Tạng bằng năng lực thiền định của ngài về Vajrakilaya.

Guru Padmasambhava cũng mang giáo lý của Tám Heruka tới Tây Tạng. Trong một hang động tại Samye Chimphu, ngài đã hóa hiện mạn đà la vĩ đại của Tám Heruka, thực hành phẫn nộ tên là Hiện thân của Tất cả các Đấng Thiện Thệ, và ban những quán đảnh trong, ngoài và bí mật về những giáo lý này cho chín đệ tử tâm yếu của ngài. Trong lễ quán đảnh, mỗi đệ tử ném một bông hoa vàng vào mạn đà la (mỗi hướng của mạn đà la được kết hợp với một heruka đặc biệt). Các đệ tử được ban những giáo lý heruka đặc biệt tương ứng với hướng mà bông hoa của họ rơi xuống.

Hoa vàng của Pháp Vương Trisong Deutsen và Nyag Jnanakumara rơi xuống trung tâm mạn đà la, vì thế các ngài nhận giáo lý về Chemchog Heruka. Hoa của Ngenlam Gyalwa Chogyang rơi xuống hướng tây của mạn đà la, vì thế ngài nhận giáo lý của Padma Heruka. Hoa của Nub Namkhai rơi xuống hướng đông, và ngài nhận giáo lý về mạn đà la tâm của Yangdag Heruka. Hoa của Nub Sangye Yeshe Rinpoche rơi xuống hướng nam, và ngài nhận sự truyền dạy của mạn đà la Yamantaka.

Hoa của Yeshe Tsogyal, công chúa xứ Kharchen, rơi xuống hướng bắc, vì thế bà nhận giáo lý về mạn đà la của hoạt động Phật, Vajrakilaya. Hoa của Drogmi Palgyi Yeshe rơi xuống hướng đông nam, và ngài nhận giáo lý về mạn đà la khuyến khích và phân bổ của các mamo. Hoa của Langchen Palgyi Senge rơi xuống hướng tây bắc, và ngài nhận giáo lý về mạn đà la cúng dường và tán thán các Bổn tôn thế tục. Hoa của Pagor Vairochana rơi xuống hướng đông bắc, và ngài nhận giáo lý về mạn đà la của các Bổn tôn thế tục của thần chú.

Hướng tây nam được kết hợp với chính Guru Padmasambhava và các giáo lý của Tantra Guru Vidyadhara. Nhờ nối kết với Guru Padmasambhava, tất cả các đệ tử của các ngài đều có một sự nối kết với hướng tây nam. Chín đệ tử tâm yếu đã thực hành, thiền định, và thể nhập giác ngộ trong đời họ nhờ thực hành các sadhana của Tám Heruka. Guru Padmasambhava đã ban các giáo lý Tám Heruka cho hai mươi lăm đệ tử chính của ngài cũng như cho những người khác. Vajrakilaya là một giáo lý đặc biệt của ngài, và nó là một giáo lý hết sức đặc biệt đối với tất cả những người Tây Tạng. Khi xem lịch sử của các Đạo sư vĩ đại, ta có thể thấy rằng chính nhờ thực hành Vajrakilaya mà nhiều người trong số đó đã đạt được giác ngộ.

Chẳng hạn như Guru Padmasambhava đã ban sự trao truyền Vajrakilaya cho Vua Trisong Deutsen, và dòng truyền của vị này được gọi là Dòng Vua. Sau khi thành tựu thực hành Vajrakilaya, Vua Trisong Deutsen chỉ một phurba vào Núi Hepo Ri, và khi ngài làm như thế, ngọn núi bốc cháy.

Yeshe Tsogyal đạt được giác ngộ nhờ thực hành Vajrakilaya, vì thế bà được coi là yogini nổi danh của Vajrakilaya. Đặc biệt là bà đã thực hành Vajrakilaya trong hai mươi mốt ngày tại Mönkha Neuring Senge Dzong (“Tổ Sư Tử”) ở miền đông Bhutan. Bà có hai mươi mốt phurba nghi lễ trên bàn thờ của bà, và cuối khóa nhập thất bà bắt đầu nhảy múa và bay trong không trung. Vào lúc đó bà có thể thực hiện hoạt động điều phục mọi điều tiêu cực và chướng ngại được nối kết với dòng tộc của bà. Bà cũng có khả năng hồi sinh người đã chết.

Namkhai Nyingpo, đệ tử của Guru Padmasambhava, đã thực hành Vajrakilaya, đặc biệt là ở Lhodrag, một miền ở phía nam Tây Tạng, nơi sinh của dịch giả Marpa. Sau khi Namkhai Nyingpo đạt được chứng ngộ nhờ thực hành Vajrakilaya, ngài ấn một phurba gỗ vào đá cứng. Cho tới ngày nay người ta vẫn có thể nhìn thấy dấu vết phurba của ngài trên tảng đá đó. Nub Sangye Rinpoche cũng để lại dấu vết phurba tại Drag Yangdzong, nơi vẫn có thể nhìn thấy dấu vết của nó.

Nanam Dorje Dudjom, một đệ tử của Guru Padmasambhava và đã trở thành một Đạo sư vĩ đại. Ngài chỉ một phurba vào Sông Tsangpo gần Lhasa và làm dòng sông ngừng chảy nhờ năng lực của Vajrakilaya. Một đệ tử khác là Chim Shakya Prabha đã chỉ phurba vào vài tảng đá mòn, chúng kết hợp lại với nhau và xếp chồng tảng này trên tảng kia. Ngày nay ta vẫn có thể nhìn thấy hình dạng này.

Ở Tây Tạng, nhiều dòng Vajrakilaya đã phát triển từ giáo lý của Guru Padmasambhava. Dòng Vajrakilaya của Yeshe Tsogyal được gọi là dòng jomo, dòng của các bà. Có nhiều dòng truyền khác, chẳng hạn như dòng Vua, dòng Nyag, dòng Khön, dòng Rog, dòng So, dòng Nub, và v.v.. Tất cả những dòng này có thể được đúc kết trong hai dòng là Kama hay dòng khẩu truyền và Terma hay dòng “Pháp [giáo lý] được khám phá”. Những giáo lý này được truyền dạy qua hai dòng này theo một cách thế không đứt đoạn cho tới ngày nay.

Sự truyền dạy các giáo lý từ Garab Dorje cho tới nay được gọi là dòng khẩu truyền riêng. Dòng khẩu truyền là cách chúng ta nhận giáo lý trong thế giới loài người, trong khi dòng tâm-truyền-tâm và dòng truyền dạy tượng trưng thì ở trong dharmakaya (Pháp Thân) và sambhogakaya (Báo Thân). Tuy nhiên dòng khẩu truyền không tách biệt với các dòng tâm-truyền-tâm và truyền dạy tượng trưng – nó bao gồm hai dòng này.

Dòng khẩu truyền cũng được gọi là dòng nirmanakaya (Hóa Thân). Chẳng hạn như Guru Padmasambhava, Garab Dorje, Manjushrimitra, và tất cả Tám Đại Trì minh vương đều là chư Phật Hóa Thân. Chính nhờ những Phật Hóa Thân này mà các giáo lý đến với chúng ta.

Khi dòng khẩu truyền đến xứ Tây Tạng, nó được truyền dạy qua dòng Kama, dòng Terma, và dòng Thị kiến Thuần tịnh. Có nhiều tertön vĩ đại đã khám phá giáo lý về thực hành Dorje Phurba. Một điển hình là Ratna Lingpa, một tertön nổi tiếng đã khám phá nhiều giáo lý Vajrakilaya. Tsasum Ligpa cũng khám phá các giáo lý rộng lớn về Vajrakilaya, và bản văn của thực hành này là sadhana cô đọng mà ngài đã khám phá.

Các giáo lý terma mà Tsasum Lingpa đã khám phá ở miền nam Tây Tạng bao gồm một vài lịch sử dòng truyền thừa dài do dakini trí tuệ Yeshe Tsogyal biên soạn và được Tsasum Lingpa ghi chép lại. Một điển hình cho thấy những giáo lý này quan trọng và quý báu ra sao đối với những người tìm cầu giác ngộ đã được minh họa bằng ngôn từ của Yeshe Tsogyal về các giáo lý Vajrakilaya:

E MA, kỳ diệu biết bao! Thực hành hợp nhất Vajrakilaya và Yangdag Heruka là thực hành trọng yếu nhất mà các con cần nhận lãnh. Thực hành Vajrakilaya là con đường chân thực dẫn tới giác ngộ. Thực hành này là một viên ngọc như ý; nó hoàn thành mọi ước nguyện của hành giả. Thực hành này là của cải của mọi kho báu. Vajrakilaya, viên ngọc như ý, tẩy trừ mọi chướng ngại. Thực hành này là vị bảo hộ vĩ đại, là kho báu vĩ đại, và là ánh sáng vĩ đại.

Nhờ thực hành Vajrakilaya, các con sẽ thành tựu mọi sự, vì thế thực hành này là viên ngọc như ý. Bản thân ta, người phụ nữ cao quý, hoàn toàn nương tựa vào Vajrakilaya, và nhờ thực hành này ta đã thành tựu mọi ước nguyện của ta. Bởi thực hành này quý báu nhất, ta tôn vinh và thực hành nó. Ta sẽ không chỉ giữ nó cho riêng mình mà theo những ước nguyện của Guru Padmasambhava, ta sẽ cất dấu giáo lý này để nó được khám phá vì lợi lạc của nhiều chúng sinh.

Khenchen Palden Sherab Rinpoche và Khenpo Tsewang Dongyal Rinpoche

Nguồn: Lịch sử truyền dạy Vajrakilaya

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung