Chất cam lồ huyền diệu – Lời chỉ dạy cho một đệ tử |

Chất cam lồ huyền diệu – Lời chỉ dạy cho một đệ tử

Tham khảo Thực hành

Nam mô!
Đấng Từ Bi của tất cả những Phật Bộ,
Bản tánh và hiện thân của mọi nơi nương tựa (quy y),
Con xin đảnh lễ Ngài, Đức Liên Hoa Sanh, vương miện quý báu của con!

Nếu tôi phải chỉ dạy những người khác bằng một phương pháp tuyệt hảo thì trên trái đất này ai sẽ lắng nghe tôi? Bởi tôi hoàn toàn không có sự nhận thức đúng đắn và không thể là người dẫn đường ngay cả cho bản thân mình! Tuy nhiên, các bạn đã nhìn tôi bằng cái thấy thuần tịnh và thỉnh cầu tôi. Vì thế, hơn là một sự thất vọng, tôi sẽ nói một vài điều khi chúng xuất hiện trong tâm tôi.

Mọi sự thành công, dù lớn hay nhỏ, thuộc những công việc thế tục hay tâm linh, đều xuất phát từ kho công đức của bạn. Vì thế đừng bỏ mặc ngay cả hành vi tích cực nhỏ bé nhất. Hãy thực hiện nó. Cũng thế, đừng bỏ qua những lỗi lầm ít ỏi của bạn và coi là không quan trọng; hãy tự kiềm chế bản thân! Hãy nỗ lực tích tập công đức: hãy cúng dường và bố thí với lòng nhân hậu. Hãy phấn đấu với một trái tim tốt lành để làm mọi điều lợi lạc cho người khác. Hãy đi theo dấu chân của bậc minh triết và khảo sát thật tinh tế mọi sự bạn làm. Đừng làm nô lệ cho những phong cách không được suy xét. Hãy tiết kiệm lời nói. Hãy suy nghĩ nhiều hơn, và khảo sát những tình huống thật kỹ lưỡng. Cần phải nuôi dưỡng những căn nguyên để có sự nhận thức sáng suốt: sự khao khát làm tất cả những gì nên làm và từ bỏ mọi điều cần từ bỏ.

Đừng bình phẩm bậc minh triết hay châm biếm họ. Hãy tự giải thoát mình khỏi mọi cảm xúc của sự tranh đua ganh tỵ. Đừng khinh thường người ngu dốt, đừng nhìn họ với sự kiêu căng ngạo mạn. Hãy từ bỏ sự tự phụ. Hãy từ bỏ việc coi mình là quan trọng. Tất cả những điều này là thiết yếu. Hãy hiểu rằng bạn có được cuộc đời này là nhờ lòng tốt của cha mẹ bạn. Do đó đừng làm họ buồn phiền mà hãy đáp ứng những ước muốn của họ. Hãy biểu lộ sự nhã nhặn và quan tâm tới tất cả những ai phụ thuộc vào bạn. Hãy làm cho họ thấm nhuần một cảm thức về điều tốt lành và dạy cho họ sự thực hành đức hạnh và tránh xa điều xấu ác. Hãy kiên nhẫn với những thiếu sót nhỏ bé của họ và kiềm chế tính khí xấu xa của bạn, luôn nhớ rằng chỉ cần một việc nhỏ bé nhất cũng đủ huỷ hoại một tình huống tốt đẹp.

Đừng kết giao với những người có tâm địa hẹp hòi, đừng đặt niềm tin của bạn nơi những bạn mới và chưa được thử thách. Hãy kết bạn với những người chân thật là người thông minh, thận trọng và có một cảm thức về sự đúng đắn, nhã nhặn. Đừng giao kết với những người xấu, họ không quan tâm chút nào tới nghiệp, họ nói dối, lừa đảo và ăn cắp. Hãy tự tách biệt, nhưng hãy làm điều đó một cách khéo léo. Đừng tin vào những người nói những điều ngọt ngào trước mặt bạn và làm điều trái ngược ở sau lưng.

Đối với bản thân, hãy kiên định trong sự thăng trầm của hạnh phúc và đau khổ. Hãy thân thiện và điềm tĩnh với mọi người. Việc nói những câu chuyện phiếm khinh xuất và thái quá sẽ đặt bạn nằm trong tầm ảnh hưởng của chúng; sự im lặng quá mức có thể khiến cho chúng trở nên không rõ ràng đối với điều bạn muốn nói. Do đó nên giữ một đường lối trung dung: đừng huênh hoang với sự tự tín, nhưng cũng đừng làm một tấm thảm chùi chân. Đừng chạy theo chuyện tầm phào mà không khảo sát sự thật của nó. Hiếm ai biết cách ngậm miệng lại. Vì thế đừng huyên thuyên về những ước muốn và ý định của bạn, hãy giữ chúng cho riêng bạn. Và cho dù bạn đang nói với một kẻ thù, người quen biết hay một người bạn, đừng bao giờ làm tan vỡ niềm tin.

Hãy nồng nhiệt, mỉm cười và trò chuyện vui vẻ với mọi người. Hãy giữ đúng vị trí của mình. Tôn kính những bậc trưởng thượng của bạn ngay cả khi sự việc không thuận lợi cho họ. Đừng khinh thường họ. Đồng thời, đừng khúm núm trước kẻ thô tục, ngay cả khi họ kiêu ngạo và tự mãn.

Hãy khéo léo khi không thực hiện những lời hứa mà bạn biết mình không thể giữ. Bởi lẽ ấy, hãy tôn trọng những lời hứa mà bạn đã thực hiện, và đừng bao giờ nghĩ rằng chúng không quan trọng. Đừng thất vọng vì sự bất hạnh và bởi không đạt được những gì bạn muốn. Thay vào đó hãy thận trọng xét xem đâu thực sự là điểm thuận lợi và bất lợi của bạn.

Được tuân thủ với sự nhận thức đúng đắn, mọi hành vi thế tục như thế sẽ đưa tới kết quả là sự may mắn và thịnh vượng trong đời này và như có nói, là con đường nhanh chóng dẫn tới những cõi cao.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn hoàn toàn thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, thì đây là một vài lời khuyên sẽ hỗ trợ cho bạn trên con đường giải thoát.

Nếu bạn không biết mãn nguyện thì bạn sẽ nghèo khổ cho dù bạn có bao nhiêu tiền của chăng nữa. Vì thế hãy quyết định rằng bạn có đủ và tự giải thoát mình khỏi sự khao khát và tham luyến. Quả thực hiếm ai hiểu được rằng của cải đang qua đi và không bền vững và do đó ít người có thể thực hành sự bố thí toàn hảo. Bởi ngay cả với những người thực hành nó, sự bố thí thường bị hư hỏng bởi ba điều bất tịnh và bị lãng phí, giống như thực phẩm hảo hạng bị trộn lẫn với thuốc độc.

Ngoại trừ những chúng sinh đang đau khổ trong địa ngục, không ai trong vòng luân hồi sinh tử không yêu thích cuộc đời. Trong bảy điểm trội vượt của các cõi cao, sự trường thọ là nghiệp quả tương tự như nguyên nhân của nó. Vì thế, nếu bạn muốn sống trường thọ, hãy bảo vệ mạng sống của chúng sinh; hãy chú tâm làm điều này!

Bạn hãy nuôi dưỡng niềm tin và lòng sùng mộ đối với Tam Bảo và vị Thầy của bạn! Nỗ lực làm mười thiện hạnh và kết hợp sự thông tuệ trong trẻo với sự uyên bác. Hãy nuôi dưỡng một cảm thức nguyên vẹn và thích đáng riêng tư của bạn đối với những người khác. Với bảy loại của cải siêu phàm này bạn sẽ luôn luôn được hạnh phúc!

Đạt được sự bình an và hạnh phúc cho bản thân là cách tiếp cận tiểu thừa của các vị Thanh Văn và Phật Độc Giác. Lòng vị tha của Bồ Đề tâm là con đường của những người có căn cơ vĩ đại. Vì thế hãy tu hành bản thân trong những thiện hạnh của các Bồ Tát, và hãy thực hiện điều này trên một quy mô rộng lớn! Hãy gánh vác trách nhiệm giải thoát tất cả chúng sinh khỏi vòng luân hồi sinh tử. Trong tất cả tám mươi bốn ngàn Pháp môn của Đức Phật, không có Pháp môn nào sâu xa hơn Bồ Đề tâm. Do đó hãy thực hiện mọi nỗ lực trên con đường, hợp nhất Bồ Đề tâm tuyệt đối và tương đối, là cái gì cô đọng được tinh tuý của các Kinh điển và tantra. Sự điều phục tâm thức của chính mình là gốc rễ của Giáo Pháp. Khi tâm được kiểm soát, những ô nhiễm giảm thiểu một cách tự nhiên.

Đừng để cho mình trở nên chai lì và chán ngán đối với Pháp; đừng tự dẫn mình đi lạc đường. Hãy làm cho Giáo Pháp sâu xa thấm sâu vào tâm hồn bạn. Bây giờ là lúc bạn đã sở hữu đời người tuyệt hảo rất khó tìm được này, giờ đây là lúc bạn có sự tự do để thực hành các giáo lý, đừng lãng phí thì giờ của bạn. Hãy nỗ lực thành tựu mục tiêu siêu việt, bất biến. Bởi cuộc đời đang trôi đi, và không thể xác định được giờ chết của bạn. Cho dù ngày mai bạn phải chết, bạn nên có niềm tin và không hối tiếc.

Do đó, hãy vun trồng lòng sùng mộ chân thực đối với vị Thầy gốc của các bạn, và hãy yêu thương những thân quyến kim cương của bạn, nuôi dưỡng tri giác thanh tịnh đối với họ. Những người may mắn là những đệ tử luôn luôn trân trọng giữ gìn samaya (hứa nguyện) và những giới nguyện như giữ gìn mạng sống của họ. Họ sẽ nhanh chóng đạt được sự thành tựu.

Sự vô minh, năm độc, sự hoài nghi và bám chấp nhị nguyên là những gốc rễ của luân hồi sinh tử và của những đau khổ trong ba cõi. Đối với những điều này ta có một cách đối trị sẽ tẩy trừ hay “giải thoát’ mọi sự trong một cú đánh duy nhất. Đó là trí tuệ tự nhiên, trí tuệ nguyên sơ của giác tánh. Vì thế hãy tin tưởng ở giai đoạn phát triển: những sắc tướng, âm thanh và tư tưởng chỉ là sự phô diễn nguyên thủy của Bổn Tôn, thần chú và trí tuệ nguyên sơ. Như thế hãy an trụ trong con đường “tiếp theo” (anuyoga) của ba tri giác đặc biệt, giai đoạn toàn thiện, là trạng thái của đại lạc và tánh Không.

Hãy xác quyết quan điểm của bạn về thực hành tối hậu của Tâm Yếu – sinh tử và Niết Bàn là sự phô diễn của Giác Tánh. Không xao lãng, không thiền định, trong một trạng thái của sự ngơi nghỉ tự nhiên, hãy thường xuyên an trụ trong sự trần trụi thuần tịnh, trùm khắp của thực tại tối hậu.

Đức Kyabje Dudjom Rinpoche (1904-1987) là vị lãnh đạo tối cao của phái Nyingma của Phật Giáo Tây Tạng. Năm 1959, ngài được Đức Đạt Lai Lạt Ma giao cho trách nhiệm dẫn dắt tông phái Nyingma tại hải ngoại và bảo đảm việc giữ gìn truyền thống cổ xưa của nó. Ngài là một Đạo sư Dzogchen (Đại Viên Mãn) của nhiều Lạt Ma quan trọng, kể cả chính Đức Đạt Lai Lạt Ma, và đã đóng vai trò chính yếu trong việc truyền dạy Phật Giáo Kim Cương thừa sang Tây phương. Cho tới nay, một số ít những giáo lý của ngài có thể được sử dụng qua Anh ngữ, vì thế chúng tôi vinh dự được giới thiệu hai bài giảng của Dudjom Rinpoche từ Những Lời Chỉ dạy Tâm huyết, Nhà Xuất bản Shambhala, 2001.

Đức Dudjom Rinpoche

Trích: Những lời chỉ dạy tâm huyết, nhà xuất bản Shambhala, 2001.

Bản dịch Việt ngữ của Liên Hoa

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung