Cách thức ngài Vairochana từ gia đình Pagor đến Ấn độ để tìm cầu giáo pháp và bị lưu đày tới Tsawarong |

Cách thức ngài Vairochana từ gia đình Pagor đến Ấn độ để tìm cầu giáo pháp và bị lưu đày tới Tsawarong

Đức Liên Hoa Sinh Kho Tàng Terma

Vua Trisong Deutsen sau đó nằm mộng rằng Đức Kim Cang Tát Đỏa vinh quang xuất hiện trên bầu trời và ban một tiên tri: “Này Đức Vua, ở một vùng đất của Ấn Độ, có một giáo lý gọi là Đại toàn thiện linh thiêng, đem lại giải thoát, đồng thời với sự hiểu, không giống các giáo lý về nhân. Ngài phải cử hai dịch giả Tây Tạng đi tìm”.

Đức Vua đến trước Đạo Sư Liên Hoa ở chính điện Chimphu và thuật lại giấc mơ. Đại Sư nói rằng, “Giấc mộng này rất tốt lành. Hãy để hai người dân thông minh nhất của ngài xuất gia với Đại Sư Bồ Tát và học dịch thuật. Ta sẽ chỉ dạy một số phương pháp về thần thông để họ không gặp chướng ngại trên hành trình”.

Vua Trisong Deutsen được thông báo rằng hai vị thông minh nhất Tây Tạng là Vairochana từ gia đình Pagor, con trai của Pagor Hedo và Lekdrub từ gia đình Tsang, con trai Thần Đồng Bằng Tsang, Ngài ra lệnh cho họ và họ xuất gia theo Đại Sư Bồ Tát. Họ nghiên cứu kỹ năng dịch thuật, và Đại Sư Liên Hoa ban các chỉ dẫn về thần thông.

Đức Vua trao cho họ mỗi người một dreay bụi vàng và patra vàng rồi cử họ đi tìm Đại toàn thiện linh thiêng ở Ấn Độ. Lính gác biên giới cố gắng trộm vàng, nhưng Vairochana thi triển thần thông; ngài biến vàng thành cát và một drey cát thành vàng và trao cho lính canh. Rất hài lòng, họ cho phép ngài vào Ấn Độ một cách tự do.

Khi các dịch giả đến Ấn Độ, họ hỏi về vị uyên bác nhất nắm giữ Đại toàn thiện linh thiêng. Tất cả đều đồng ý rằng Đại Sư Shri Singha là uyên bác[1]. Họ tới đỉnh lễ trước Đức Shri Singha và thỉnh cầu, cúng dường vàng và patra vàng, “Hỡi Đại Sư, Vua Tạng đã nhận được tiên tri rằng, “Hãy mang những chỉ dẫn, đạt giác ngộ chỉ trong một đời, Đại toàn thiện linh thiêng từ Ấn Độ ‘. Vì thế chúng con được cử tới để tìm kiếm. Chúng con thỉnh cầu ngài hãy tư bi ban giáo lý này.”

Đại Sư đồng ý với những lời này: “Vua Tạng có niềm tín tâm lớn lao và hai con là tinh tấn nhất. Bởi giáo lý về Đại toàn thiện sẽ phát triển ở xứ Tạng, Ta sẽ dạy nó cho các con. Vua Ấn ích kỷ canh giữ Phật Pháp bởi thế chúng ta phải cẩn trọng.”

Nói vậy, Đức Shri Singha đưa họ vào một ngôi nhà được bao quanh bởi chín bức tường và ban quán đỉnh gia trì trực tiếp. Sau đó, ngài đặt bình đồng lớn lên kiềng và Đại Sư tự ngồi lên đó, Ngài khoác lên mình y áo bông, đặt ống đồng vào miệng và ban giáo lý[2].

Đức Shri Singha giảng hai mươi lăm Mật điển: Đầu tiên, để giải thích tỉ mỉ các điểm chính và phụ của tâm giác ngộ, ngài giảng dạy Mật điển Hư Không Đại Mở Rộng. Để thực hành ý nghĩa của tâm giác ngộ, điều rất khó hiểu, ngài giảng dạy Mật điển Chiti Hư Không Quảng Đại. Để giải thích rằng bản tính của tâm là hoàn toàn tự do, ngài giảng dạy Mật điển Đại Hư Không Giải Thoát. Để giải thích rằng bản tính của tâm là bất biến, ngài giảng dạy Mật Điển Tinh Túy Vương. Để giải thích bản tính của tâm được hiện diện trong cảnh giới của tinh túy, ngài giảng dạy Mật Điển Cảnh Giới Tâm Giác Ngộ. Để giải thích rằng bản tính của tâm là trí tuệ tự sinh, ngài giảng dạy Mật Điển Tinh Túy Trí Tuệ. Để giải thích bản tính của tâm theo các giai đoạn mở rộng, ngài dạy Mật Điển Tràng Hoa Chỉ Dẫn. Để giải thích bản tính của tâm là chung với mọi hữu tình, ngài thuyết giảng Mật Điển Đại Dương Bí Mật. Để chứng ngộ và hiểu rằng bản tính của tâm là giác tính của chính chúng ta, ngài dạy Mật Điển Tri Thức Trí Tuệ. Để hợp nhất vạn pháp trong hư không của Đức Phổ Hiền Như Lai, bản tính của tâm, ngài dạy Mật Điển Hư Không Thanh Tịnh. Để đạt được xác quyết về chân như tối thắng của bản tính tâm, ngài dạy Mật Điển Tinh Túy Chiti. Để giải thích hoàn hảo nền tảng của bản tính tâm, ngài dạy Mật Điển Giác Tâm Hư Không Quảng Đại. Để giải thích rằng bản tính của tâm là Cảnh giới Duy nhất, ngài dạy Mật Điển Nhất Tâm. Để duy trì không sai lầm trong tính tự nhiên của bản tính tâm, ngài dạy Mật Điển Thiền Định duy nhất. Để giải thích một cách gián tiếp, theo từng giai đoạn, bản tính của tâm, ngài dạy Mật Điển Thiền Định Gián Tiếp Ngắn. Để giải thích rằng bản tính của tâm là quan trọng trong mọi kinh văn, ngài dạy Mật Điển Cát Tường Đăng. Để giải thích bản tính tâm, theo các bước của quán đỉnh, ngài dạy Mật Điển Quán Đỉnh Đại Hư Không Tóm Lược. Để giải thích rằng bản tính tâm vượt khỏi sự hiển bày của ngôn từ, ngài dạy Mật Điển Tuệ Đăng. Để giải thích rằng bản tính của tâm, giống như hư không, là vô ngã, ngài dạy Mật Điển Đại Hư Không Vô Tự Tuyệt Đỉnh. Để giải thích cách thức mọi hiện tượng tinh thần tự sinh khởi, ngài dạy Mật Điển Tràng Hoa Bảo Châu. Để giải thích rằng bản tính của tâm hiển lộ trong các cõi giới, ngài dạy Mật Điển Ngọn Đèn Tam Giới. Để giải thích ý nghĩa tuyệt đối và chuẩn xác bản tính của bản tính tâm, ngài dạy Mật Điển Tinh Túy Tuyệt Đối. Để giải thích rằng bản tính tâm là bất biến, ngài dạy Mật Điển Kim Cương Tối Mật. Để giải thích rằng bản tính tâm luôn hiện hữu như là Phật quả, ngay lúc này, trong hữu tình chúng sinh, ngài dạy Mật Điển Phật Quả Nguyên Sơ. Như thế, ngài giảng dạy tổng cộng hai mươi lăm Mật Điển.

Sau đó, Đại Sư Shri Singha giảng dạy Mười Tám Kinh Văn Chính. Bởi mọi thứ phát khởi từ tâm giác ngộ, ngài dạy Bản Văn Giác Tính Chim Cu. Để làm sáng tỏ mọi nỗ lực và tạo tác, ngài dạy Bản Văn Giác Tính Đại Lực. Bởi bản tính của tâm được hoàn thiện trong Pháp giới, ngài giảng dạy Bản Văn Tịnh Kiến Đại Kim Sí Điểu. Bởi bản chất của thiền định được hoàn thiện trong hư không, ngài dạy Bản Văn Vàng Ròng Trong Đá. Để hoàn thiện bản chất của thiền định, ngài dạy Bản Văn Pháp Tràng Bất Bại Đại Hư Không[3]. Để xác quyết bản tính của tâm là tính không,ngài giảng dạy Bản Văn Trí Tuệ Vi Diệu. Để giải thích phương tiện của thiền định, ngài dạy Bản Văn Thành Tựu Thiền Định. Để giải thích rằng bản tính của tâm một cách tự nhiên là Pháp thân, ngài dạy Bản Văn Tối Thắng Vương. Để giải thích rằng bản tính của tâm là Cảnh Giới Duy Nhất, ngài giảng dạy Bản Văn Tilaka Bất Sinh. Để chuyển bánh xe trong ba hình thái sinh tồn, chỉ ra rằng bản tính của tâm là vượt khỏi sinh và tử, ngài dạy Bản Văn Pháp Luân Sinh Lực. Để giải thích rằng tính tham luyến khởi nguồn từ bản tính của tâm, ngài dạy Bản Văn Pháp Luân Sinh Lực. Để giải thích rằng tính tham luyến khởi nguồn từ bản tính của tâm, ngài dạy Bản Văn Bảo Châu Như Ý. Để mọi ý niệm nhị nguyên an trú trong trạng thái của Pháp tính, ngài dạy Bản Văn Bảo Châu Nhất Thiết Thị Hiện. Để giải thích chi tiết rằng mọi thừa đều được hoàn thiện và khởi nguồn trong bản tính của tâm, ngài dạy Bản Văn Đại Không Vương. Để giải thích rằng an trú trong bản tính của tâm, trạng thái của Đức Phổ Hiền Như Lai, là vô song, đỉnh cao trong tất thảy, ngài dạy Bản Văn Đỉnh Cao Tự Nhiên. Để giải thích rằng ý nghĩa của bản tính tâm là thoát khỏi tạo tác và tự nhiên an trú trong sự thư thái, ngài dạy Bản Văn Hỷ Lạc Viên Dung. Để giải thích rằng tâm giác ngộ không bị nhiễm ô bởi các lỗi lầm của phiền não và được trang hoàng bởi những phẩm tính quý giá, ngài dạy Bản Văn Hỷ Lạc Trang Hoàng Trân Bảo. Để giải thích rằng tất thảy luân hồi và Niết bàn đều khởi lên bên trong sự trải rộng của tâm giác ngộ, ngài dạy Bản Văn Đại Bảo Tàng Phong Phú. Để giải thích và cô đọng mọi thừa trong tâm giác ngộ, ngài dạy Bản Văn Giáo Lý Tinh Yếu. Như thế, ngài giảng dạy mười tám bộ bản văn.

Đại Sư Shri Singha sau đó nói rằng, “Ta đã giảng giải toàn bộ giáo lý. Người Ấn rất ích kỷ về Pháp, bởi thế trên đường về Tây Tạng, mạng sống các con sẽ gặp nguy hiểm. Vì vậy, hãy thực hành thuật phi hành”. Sau đó Đại Sư ban cho họ chỉ dẫn về thuật phi hành. Đại Sư ban cho Pagor danh hiệu Vairochana. Tsang Lekdrub không thành tựu thuật phi hành và muốn gây ấn tượng với Đức Vua, đã đi trước, nhưng bị những lính canh ở biên giới sát hại[4].

Đức Vairochana sợ rằng lính canh cửa sẽ tước bỏ giáo lý, bởi thế ngài sao chép tất cả các bản văn lên lá cọ bằng thứ mực vô hình từ nước ép quả arura[5].

Buổi tối khi ngài rời đi, tất cả khóa ở các cửa tại Kim Cương Tòa tự nhiên phát ra âm thanh. Lính gác tu viện cảnh báo nhóm giữ cửa, “Vị Tăng người Tạng sẽ mang đi giáo pháp! Đừng để ông ta đi”. Họ khóa tất cả cửa và canh giữ chúng. Sáng hôm sau, Đức Vairochana đến nơi và họ nói rằng, “Đêm qua, tất cả có những giấc mơ xấu, bởi thế hãy xem vị Tăng người Tạng đem theo thứ gì?”. Họ lột trần ngài, nhưng bởi ngài không mang gì khác ngoài hai chồng lá cọ, họ nói “Không phải người này. Ông ta không có gì khác ngoài đống lá cọ trống không; hãy để ông ta đi”, và họ cho phép ngài tiếp tục hành trình.

Vairochana nghĩ rằng ngài sẽ không thể trốn khỏi đám lính canh biên giới, mặc dù ngài đã thành tựu thuật phi hành.

Bởi thế ngài kết thân với quan trấn biên tên là Trẻ Trung, tặng ông ta vàng, và buộc ông ta thề. Ông ta rút bớt nhiều lính canh khác, để Đức Vairochana có thể vượt biên giới.

Mọi học giả Ấn độ nằm mơ rằng mặt trời được một vị Tăng đem tới Tây Tạng và biến mất. Cây và hoa héo tàn, và đàn chim mất đi tiếng hót.

Vua của Kim Cương Tòa tham vấn các học giả, “Nguyên nhân của điều này là gì?”

“Một vị Tăng người Tạng đã mang Phật Pháp đi mất”, họ đáp.

Đội quân giỏi về thuật phi hành được cử đi, nhưng quan trấn biên nói rằng, “Không ai trông giống một tỳ kheo người Tạng đi qua đây. Chỉ có người cạo đầu từ Mon đi qua, và ông ta chẳng mang theo thứ gì. Nếu đó là vị sư, ông ấy bây giờ chắc đã tới Tây Tạng rồi”. Đội quân giỏi thuật phi hành quay lại.

Nhờ thành tựu thuật phi hành, Đức Vairochana đến Tây Tạng từ Kim Cương Tòa trong bảy ngày. Ngài đến gặp Vua Trisong Deutsen và thuật lại câu chuyện, “Tôi đã trở về cùng với giáo lý mà ngài mong mỏi. Những người Ấn khư khư giữ giáo pháp, thượng thư Tây Tạng thì thù địch với Pháp, và ngài, Đức Vua Tôn Quý, dễ dàng bị dao động. Có thể những lời vu khống sẽ được lan truyền. Tôi thỉnh cầu ngài đừng chú ý tới nó.” Đại Sư khuyên như vậy.

Vua ở Kim Cương Tòa sau đó nói rằng: “ Đã quá muộn để bắt tỳ kheo người Tạng. Hãy trừng phạt kẻ đã ban giáo lý cho ông ấy, dù đó là ai!” Những nhà tiên tri được tham vấn, các bói toán và xem chiêm tinh được thử, nhưng họ không thể tìm ra vị đạo sư đó là ai.

Một bà lão Bà La Môn giỏi về phép tiên đoán của các bậc hiền triết nói rằng, “Bởi tôi có một linh kiến và nó đối lập với lương tri của tôi, tôi không thể kể nó cho Bệ Hạ”.

Vua đáp, “Không sao, hãy nói đi!”

Bà lão đáp, “Ồ tôi thấy một cái hồ trên đỉnh của ba ngọn núi. Trên đó, tôi thấy một đồng bằng rực rỡ. Tôi thấy một vị trên thân có nhiều mắt và cái mũi đỏ dài bằng sải tay. Đó là vị đã ban giáo lý”. Mọi người đều thấy điều này thật khó tin.

Vua nói, “Chúng ta phải cử đội phi hành đến Tây Tạng và loan tin đồn”. Hai người lính giỏi về phi hành được phái đi.

Hai kẻ hành khất sau đó tới đến phòng cao nhất của Samye nơi Đức Vairochana đang thuyết Pháp cho nhà vua và nói rằng, “Vị tỳ kheo người Tạng này không mang giáo pháp trở về từ Ấn Độ. Thay vào đó, ông ta mang nhiều tà pháp của ngoại đạo, điều sẽ làm hủy hoại ngài. Ông ta là một thầy dị giáo; ngài cần giết ông ấy!”. Nói vậy xong, họ bỏ trốn.

Các thượng thư khẳng định rằng, “Đây là sự thật, ông ta sẽ phá hủy Tây Tạng! Hãy dìm chết ông ta!”

Vua Trisong Deutsen nghĩ, “Điều này không đúng! Chính những người Ấn đang cố gắng canh giữ Phật Pháp một cách đầy đố kỵ!” Các thượng thư không nghe, bởi thế nhà vua bắt một kẻ ăn xin của một bộ tộc lạc hậu đội mũ và mặc quần áo của Đức Vairochana. Người đàn ông này bị bỏ vào trong nồi đồng, đậy chặt nắp và nó được ném xuống dòng sông Tsangpo và trôi xuôi dòng[6]. Đức Vairochana trốn ở một chỗ kín trên cao của cung điện đằng sau chiếc cột được chạm khắc. Nửa đêm, Vua Trisong Deutsen dâng đồ ăn thức uống cho Đức Vairochana và thọ nhận các chỉ dẫn.

Khi Đại Sư Vairochana hoàn thành giáo Mười Tám Huyền Diệu của Tâm trong chương thứ 50, một người hầu cận và Hoàng phi Tsepang Margyen phát hiện ra và loan tin khắp nơi[7]. Các thượng thư tập trung và nói rằng, “Đức Vua đã phạm phải một lỗi lầm ghê gớm. Ngài đã phung phí tất cả vàng và bạc trong ngân khố quốc gia, bôi chúng vào những bức tượng đấy trong khi tuyên bố đang xây chùa. Giả bộ thực hành Pháp, ngài bắt một thổ dân và ném hắn xuống sông. Một cách kín đáo, ngài giữ một phù thủy ác, kẻ sẽ phá hủy Tây Tạng và tuân theo bất cứ điều gì hắn nói. Hắn phải bị trừng phạt. Xin hãy mở cửa! Nếu hắn không bị trừng phạt, ngài sẽ phá hủy luật lệ của vương quốc!”

Vua Trisong Deutsen thất vọng và thỉnh ý Đại Sư Vairochana. Ngài đáp rằng, “Hỡi Đức Vua, trong quá khứ, Ta sinh ra ở Gyalmo Tsawarong , là con trai Vua Leksher và Palmo. Ta vẫn còn một vài nghiệp và nhân duyên với chúng sinh ở đó, vì thế hãy lưu đày ta đến đấy. Đức Vua, hãy nghe ta! Ở Ấn độ có một vị đạo sư tên là Vimalamitra, uyên bác nhất trong tất thảy học giả Ấn Độ. Hãy thỉnh ngài tới và thiết lập một Pháp hội. Lúc đó, hãy để những giáo lý mà Ta đã ban được kiểm chứng, và mọi thượng thư sẽ tin tưởng. Sau đó, Ta và ngài sẽ gặp lại”. Vua Trisong Deutsen bất lực và bị ép buộc bởi các thượng thư, vì thế Đức Vairochana bị lưu đày tới Gyalmo Tsawarong.

Khi Đại Sư tới địa điểm phía Bắc Yakla Sewo, ngài nhìn lại miền Trung Tây Tạng. Nó giống như buổi bình minh. Khi ngài nhìn về Kham, dường như màn đêm đang bao trùm lúc mặt trời lặn. Nước mắt tự nhiên chảy ra, nhưng ngài phải tiếp tục hành trình.

Đến Gyalmo Tsawarong, ngài ở trên sườn núi. Tất cả chim chóc miền Trung Tây Tạng tập trung quanh Đại Sư ở không gian phía trên và bay lượn quanh ngài. Dân chúng Tsawarong không thể tin điều này là thật. Khi họ nhìn thấy vậy, họ phát hiện ra Đại Sư. “Một kẻ ngụy biện từ Tây Tạng đã đến”, họ nói và ném ngài vào một hố rận. Sau đó ngài bị ném vào một hồ ếch, nhưng ngài không hề hấn gì. Họ đưa ngài ra và tuyên bố ngài là một bậc thánh.

Đức Vairochana nói rằng, “Ta được Vua Tạng và các thượng thư cử đến Ấn Độ để tìm kiếm giáo pháp. Người Ấn, rất ích kỷ về Pháp, buộc tội Ta là một thầy tà thuật. Vì thế, Ta bị lưu đày. Trong đời trước, Ta đã sinh ra ở đây, Ta là tỳ kheo Purna, con trai Vua Leksher và Palmo”

Dân chúng tin tưởng ngài và nói rằng,”Thật tuyệt vời khi ngài biết các đời quá khứ”. Họ lễ lạy trước ngài và chí thành sám hối. Đặt chân ngài lên đâu họ, họ phục vụ ngài và tỏ lòng kính trọng.

Sau đó Đức Vairochana nghĩ rằng,“Ta phải xiển dương giáo pháp Đại toàn thiện ở Gyalmo Tsawarong”. Như thế, ngài đến nơi mà lũ trẻ đang chăn gia súc và dạy chúng nói, “Bậc Kim Cương, Bậc Kim Cương Vĩ Đại”. Phần lớn chúng không thể phát âm và chỉ nói “Vabey vabey” nhưng hai đứa trẻ đã phát âm đúng. Đó là hoàng tử Ngọc Lam và Hoàng tử Rồng[8].

Buổi tối, Đại Sư Vairochana đặt hai đứa trẻ ở hai bên và hướng dẫn chúng các điểm cơ bản, trong khi ban ngày, ngài dạy chúng các kinh văn. Hai cậu bé học và chứng ngộ Đại toàn thiện. Sau đó, họ hoằng dương Phật Pháp và khiến cho Giáo Pháp phát triển ở Gyalmo Tsawarong, giống như mặt trời mọc lên.

Đây là chương mười bốn trong tiểu sử hoàn hảo của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, kể về cách thức ngài Vairochana từ gia đình Pagor đến Ấn độ để tìm cầu giáo pháp và bị lưu đày tới Tsawarong.

[1] Ngài Shechen Gyaltsab đề cập trong Ao sen Trắng rằng Vairochana, trước khi gặp Đại Sư Shri Singha, đã gặp các hình tướng trí tuệ của hai Trì Minh Vương Garab Dorje và Manjushrimitra trong một ngôi chùa diệu kỳ ở Dhahena. Sau khi Ngài cúng dường rất nhiều vàng, các vị ban quán đỉnh và gia trì cho Ngài, với tiên tri rằng Ngài sẽ thọ nhận giáo lý trọn vẹn từ Shri Singha.

[2] Bởi sự hoang tưởng và canh giữ ích kỷ của người Ấn với các giáo lý Đại toàn thiện linh thiêng, Vairochana phải trốn trong một cái nồi đồng trong khi Đức Shri Singha thì thầm giáo lý cho Ngài qua một cái ống.

[3] Trong Mười Tám Bản văn Chính của Phần Tâm Đại toàn thiện, Đức Vairochana chỉ có thể dịch năm bản văn đầu tiên này sang tiếng Tạng, và vì thế chúng được biết tới là Năm Bản Dịch Trước của Phần Tâm. Khi Ngài bị lưu đày, Vimalamitra và Yudra Nyingpo đã dịch mười ba bản văn còn lại.

[4] Theo Biên Niên Sử Tràng Hoa Hoàng Kim và Ao Sen Trắng, Đức Vairochana thọ nhận nhiều trao truyền khác từ Đại Sư Shri Singha về các Mật Điển thuộc Phân Tâm và Hư không của Đại toàn thiện trước khi trở về Tây Tạng. Khi đã chứng ngộ nhờ những giáo lý này, Đức Shri Singha bảo với Ngài rằng, “Vairochana, con đã sở hữu trọn vẹn Mật điển, kinh văn và chỉ dẫn; bây giờ lúc xiển dương Phật Pháp ở Tây Tạng.”

[5] Cách viết diệu kỳ này bằng mực vô hình, thứ xuất hiện khi được hơ chậm trên lửa. Một bản thảo khác nói rằng Đức Vairochana sử dụng mực làm từ sữa dê.

[6] Biên Niên Sử Tràng Hoa Hoàng Kim giải thích thêm rằng Đức Vairochana đã khóc vì vô cùng thương tiếc khi Ngài nghe rằng một người ăn xin vô tội đã phải thế chỗ ngài và bị ném xuống sông trong chiếc nồi đồng, được cung cấp thức ăn và đồ uống.Ngài chí thành cầu nguyện cho tương lai của người ăn xin. Câu chuyện tiếp tục rằng người ăn xin đến một nơi gọi là Khartag, ở đó, chiếc nồi đồng được mở ra bởi thủ lĩnh của khu rừng địa phương. Vị này kinh ngạc đến mức ông ta nhận nuôi người ăn xin và cho ông ấy một ngôi nhà, cưới vợ cho ông ta ở một nơi mà sau này phát triển thành thị trấn.

[7] Các phiên bản khác của Sanglingma nói rằng, “Khi năm phần đầu tiên này thuộc Mười Tám Điều Diệu Kỳ của Tâm được hoàn thành”. Điều này dường như hợp lý hơn, bởi Đức Vairochana được biết là chỉ dịch năm trong số Mười Tám Mật Điển của Phần Tâm. Hơn thế nữa, Biên Niên Sử Tràng Hoa Hoàng Kim kể rằng Bà Margyen rất căm ghét Đức Vairochana, người khi là một vị tăng, đã từ chối những mối quan hệ với bà. Câu chuyện chi tiết được tìm thấy trong Năm Biên Niên Sử.

[8] Hoàng tử Ngọc Lam sau đó trở thành đệ tử chính của Vairochana và được biết tới là Yudra Nyingpo, “Tinh túy Ngọc Lam”.

Dilgo Khyentse Rinpoche

Việt dịch: Liên Hoa Trí

Trích: Đấng Sinh Trong Hoa Sen – Tiểu Sử Cuộc Đời Đức Liên Hoa Sinh 

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung