Trải rộng Tâm Bồ Đề đến với hữu tình chúng sinh |

Trải rộng Tâm Bồ Đề đến với hữu tình chúng sinh

Bồ Đề Tâm Thực hành

Phát sinh bồ đề tâm tùy thuộc vào việc có tình thương vô tư và lòng trắc ẩn đối với tất cả chúng sinh. Những con người bình thường chúng ta coi tình thương như một thứ hữu hạn, và chúng ta cảm thấy mình chỉ có một lượng tình thương giới hạn. “Nếu tôi cho bạn một ít, tôi không thể cho người khác bằng chừng đó. Và nếu cho người khác, tôi không thể cho bạn.” Loại tình thương ấy có những ràng buộc và những điều kiện. Đó là một cách hiểu hẹp hòi và bị giới hạn về ý nghĩa của tình thương, nó không phải là tình thương của Độ mẫu Tara. Tình thương của một vị Phật tồn tại thường hằng. Nó được san sẻ với tất cả mọi người, bất kể họ đối xử với vị Phật đó như thế nào. Tình thương và lòng từ bi của Độ mẫu Tara không tùy thuộc vào việc người khác có ưa thích bà hay không, có tán dương bà hay không, hay họ có cùng những ý tưởng của bà hay không.

Nhưng đối với chúng ta, những kẻ tán dương chúng ta hay những kẻ phê bình chúng ta, chúng ta thương yêu ai nhiều hơn? Những người đồng ý hay những người không đồng ý với những ý tưởng của chúng ta? Những người cho chúng ta hay những người lấy đi thứ gì đó của chúng ta? Chúng ta thương yêu ai nhiều hơn?

Có thể thấy ngay rằng tình thương của chúng ta là có điều kiện. “Chừng nào bạn tử tế với tôi, tôi sẽ thương yêu bạn.” Thương yêu ai tử tế với mình là cực kỳ dễ. Ngay cả loài vật cũng làm được điều đó. Loài vật thương yêu chúng ta nếu chúng ta tử tế với chúng, vuốt ve chúng và cho chúng ăn. Nếu chúng ta lấy đi thực phẩm của chúng, chúng gầm gừ với chúng ta. Con người cũng tương tự. “Nếu bạn cho tôi thứ gì tôi thích, tôi sẽ thương yêu bạn, nếu bạn can thiệp vào hạnh phúc của tôi, tôi sẽ gầm gừ.” Thương yêu ai tử tế với mình không hẳn là một phẩm chất đặc thù của con người. Nếu muốn làm một điều gì phi thường hơn với tư cách con người, chúng ta phải xử sự khá hơn thế. Khi thực hành việc vun bồi thứ tình thương của Độ mẫu Tara, chúng ta cố gắng giải thoát mình khỏi những sợi dây trói buộc tình yêu thương của chúng ta, chúng ta cố gắng mở lòng ra với tất cả.

Những sợi dây trói buộc tình yêu thương của chúng ta là từ việc đáp ứng với cách người khác đối xử với chúng ta ra sao. “Tôi sẽ thương yêu bạn nếu bạn tử tế với tôi. Nếu bạn tử tế với kẻ thù của tôi, tôi sẽ không thương yêu bạn, mà có thể còn mong muốn sự tổn hại cho bạn.” Vấn đề ở đây không phải là việc bạn tử tế với kẻ khác hoặc với ai đó nói chung, đó là việc bạn có tử tế với tôi và với những gì là của tôi hay không.

Điểm thú vị là nhìn lại những mối quan hệ trong quá khứ để xem thói ngã chấp đã giới hạn tình thương của chúng ta như thế nào. Chúng ta chia khẩu phần tình thương chỉ cho kẻ nào tử tế với cái tôi của chúng ta. “Nếu bạn cho tôi những món quà, nếu bạn tán dương tôi, nếu bạn an ủi tôi, tôi sẽ thương yêu bạn. Nhưng nếu bạn đem quà tặng cho kẻ khác, tôi sẽ không quan tâm – trừ khi kẻ đó ít nhiều có quan hệ với tôi.”

Quan niệm này về tự kỷ và ngã chấp (coi mình là trung tâm để quy chiếu mọi sự) ngáng trở sự phát triển bồ đề tâm và khả năng chúng ta mở lòng với kẻ khác. Chúng ta đánh giá và phán đoán kẻ khác trong hạn từ về cung cách họ tương quan với “bản thân tôi, những thứ tôi sở hữu, và những thứ gắn kết với tôi.” Vượt qua điều đó cực kỳ khó với chúng ta. Để cởi mở điều này, trong thiền định chúng ta suy nghĩ, “Tôi sẽ nhìn con người đó ra sao nếu tôi lấy ‘cái tôi’ ra khỏi bức tranh tâm trí? Sự việc sẽ như thế nào nếu tôi ngưng việc đánh giá người khác trong hạn từ những ý tưởng của tôi và những gì họ có thể làm cho tôi?”

Đôi khi tâm trí chúng ta đề kháng lại việc thực hành như vậy. Chúng ta đã quá quen với sự có mặt trong bức tranh đến mức không ý thức rằng mình đang có mặt ở đó. Nhưng khi chúng ta bắt đầu đưa bản thân ra khỏi bức tranh ấy sự việc có vẻ trái với tự nhiên một cách ghê gớm. Chẳng hạn, chúng ta có thể khởi đầu buổi thiền định bằng cách chiêm niệm, “Tôi sẽ đưa bản thân ra khỏi bức tranh. Việc người khác cho tôi quà tặng hay tử tế với tôi không thành vấn đề. Tôi sẽ không phán đoán hoặc đánh giá họ dựa vào những hành động của họ. Tôi sẽ quan hệ với họ như thể không có ‘cái tôi’ ở đó.” Điều này có thể ổn trong một lúc. Nhưng rồi tâm trí quan sát, “người này rất quan tâm chăm sóc người khác, nhưng người kia lại quá ích kỷ”. Nhìn trên bề mặt, dường như sự đánh giá này không dính líu gì đến chúng ta. Có thật như thế chăng? Có phải là “cái tôi” hoàn toàn nằm ngoài sự đánh giá chăng? Không. Tại sao không? Tôi thấy người này tử tế vì những hành động của anh ta phù hợp với định nghĩa của tôi về lòng tử tế. Còn người kia là đồ vứt đi, vì anh ta thích hợp với định nghĩa của tôi về thế nào là một kẻ vứt đi. Tôi vẫn đánh giá người khác tùy theo việc họ có phù hợp với cách tôi nghĩ là sự vật phải như vậy hay không.

Điều này đặc biệt đáng ngờ khi những người khác đồng ý với các định nghĩa của chúng ta. Khi đó chúng ta biện minh, “Đó không phải chỉ là định nghĩa của tôi về tốt lành và tử tế. Đây là định nghĩa của mọi người. Tôi nhìn nhận một cách khách quan”. Nhưng vẫn còn có những định nghĩa khác hẳn với định nghĩa của chúng ta về tốt lành và tử tế.

Trong thực hành Phật giáo, chúng ta cố gắng để phát triển tình thương với người khác (tâm bi) vượt ngoài cách họ hành động hoặc suy nghĩ. Chúng ta vun bồi tình thương muốn người khác có được hạnh phúc và những nguyên nhân của hạnh phúc. Muốn cho chúng sinh, bao gồm cả bản thân chúng ta, có được hạnh phúc và những nguyên nhân của hạnh phúc chính là định nghĩa về tình thương. Chính bởi vì họ là những chúng sinh hữu tình có thể trải nghiệm hạnh phúc và đau khổ, chúng ta muốn họ có được hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ. Không có tiêu chuẩn nào khác cho tình thương của chúng ta. Không quan trọng việc họ có ưa thích chúng ta hay không, đồng ý với chúng ta hay không, tán thưởng chúng ta hay không, kính trọng chúng ta hay không. Tình thương của chúng ta là hoàn toàn vô điều kiện.

Chúng ta có thói quen suy nghĩ rằng người khác phải xứng đáng với tình thương của chúng ta, có nghĩa là họ phải tương ứng với định nghĩa của chúng ta về đúng đắn, tốt đẹp, chính xác, và chân thực. Quan niệm về sự trừng phạt của chúng ta cũng tương tự như vậy: những người xấu thì không xứng đáng với tình thương của chúng ta, thậm chí còn đáng bị trừng phạt. Và nếu chúng ta trừng phạt họ và khiến họ khốn cùng, họ sẽ nhận thức ra rằng thái độ của chúng ta là đúng và sẽ trở nên tử tế với chúng ta… rồi khi đó chúng ta sẽ thương họ.

Chúng ta có niềm tin sâu xa: “Nếu tôi làm cho bạn khốn cùng, cuối cùng bạn sẽ thay đổi để trở thành con người mà tôi muốn bạn như thế và rồi tôi sẽ thương bạn”. Có hợp lẽ chăng khi trông mong ai đó thương yêu chúng ta, hoặc thậm chí chỉ cần ưa thích chúng ta, nếu chúng ta đối xử với họ một cách tồi tệ? Vậy chúng ta sẽ phản ứng ra sao khi người khác làm chúng ta khốn cùng? Chúng ta thù ghét họ, chúng ta đưa họ ra xét xử trong tâm trí chúng ta. Khi ai đó làm một điều gì mà chúng ta không ưa thích, đầu tiên tâm trí chúng ta lên án họ, sau đó, chúng ta nghĩ chẳng có lý do nào để quan tâm đến họ nữa.

Thay vì hùa theo kiểu đáp ứng ngã chấp này, chúng ta cố huấn luyện tâm trí mình trong tình thương của Độ mẫu Tara. Chúng ta cố thử thư giãn và từ bỏ kiểu đáp ứng theo bản năng là gầm gừ với kẻ khác. Thay vì thế, chúng ta huấn luyện tâm trí mình để nhìn nhận người khác với tâm từ bi, “đây là một sinh linh muốn có hạnh phúc giống hệt như tôi và không muốn bị đau khổ. Họ hành động như vậy bởi vì họ không hạnh phúc. Họ muốn được hạnh phúc và suy nghĩ một cách lầm lạc rằng những hành vi như thế sẽ mang lại hạnh phúc cho họ”. Bằng cách này, chúng ta nhìn vào tâm trí người khác và hiểu rõ trải nghiệm của họ. Nói cách khác, chúng ta lấy “cái tôi” ra khỏi bức tranh và suy nghĩ, “cách họ đang đối xử với tôi không phải là vấn đề quan trọng nhất. Những gì họ đang làm không phải là về tôi. Đó là về nỗi đau của họ.” Chúng ta có thể nhìn người khác và suy nghĩ theo cách này chăng? Chúng ta có thể mong muốn từ đáy lòng “sẽ tuyệt vời biết bao nếu họ có được hạnh phúc và thoát khỏi cảnh khốn cùng?”

Mong muốn người khác hạnh phúc không có nghĩa là chúng ta cho họ mọi thứ họ muốn, bởi vì đôi khi họ muốn những điều tổn hại. Mong muốn họ được hạnh phúc bao hàm mong muốn họ thoát khỏi cô đơn. Chẳng phải tuyệt vời sao, nếu họ thoát khỏi điều đó và mọi nỗi đau khổ khác?

Để yêu thương người khác, chúng ta có thể vượt thắng sự giận dữ và thù ghét của chúng ta. Chúng ta phải có thể tha thứ cho người khác về những điều sai trái họ có thể làm. Để làm như vậy, chúng ta phải đưa “cái tôi” ra khỏi bức tranh và thấy rằng khi người khác gây tổn hại, đó là một phản ánh về nỗi đau khổ, hoang mang và khốn cùng của chính họ. Chúng ta chỉ tình cờ tạt ngang con đường họ đi. Chúng ta có thể thậm chí còn làm một điều gì đó khiến họ có cảm nhận thù địch, hoặc hữu ý, hoặc vô tình, nhưng lý do làm họ cảm nhận như vậy là do những gì diễn ra bên trong họ. Chúng ta cũng có thể xem xét bằng cách nào chúng ta đã khiến mình trở thành một cái đích để họ phóng chiếu sự hoang mang của họ? Có thể chúng ta đã không ý tứ đối với họ. Có thể chúng ta có những thói xấu nào đó mà chúng ta không hay biết và đó lại là những điều khiến họ phản ứng tiêu cực.

Ni sư Thubten Chodron

Trích tác phẩm: Giải thoát tâm thức – Thực hành pháp môn Lục Độ mẫu Tara

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung