Thiền quán về sự trống rỗng của các Pháp |

Thiền quán về sự trống rỗng của các Pháp

Tánh không Thực hành

Hãy quán tưởng vạn pháp như chiêm bao

Trong pháp thiền này, ta lấy đối tượng là tất cả pháp ngoài, và nhận thức rằng chúng hoàn toàn không có thực hữu nội tại, bản chất chúng chỉ như cảnh chiêm bao. Trong Kinh Định Vương, Phật giải thích rõ ràng thực chất các pháp:

Trong giấc mơ, một thiếu nữ gặp một chàng trai rồi thấy anh chàng sắp chết
khi gặp thì sung sướng, khi thấy sắp chết thì khổ đau
Nên hiểu rằng mọi hiện tượng đều như vậy.

Trong giấc mơ mà Phật nói đến, chàng trai chỉ là một ảo tượng trong tâm của cô gái đang nằm mơ, không có một hiện hữu độc lập, thực thụ nào cả. Nhưng cô gái lại không nhận ra mình đang mơ, và vì chàng trai đối với cô là thực nên cô vui sướng khi gặp gỡ. Sự sắp chết của anh ta cũng chỉ là một ảo tượng không có thực hữu nội tại, nhưng đây cũng thế, vì ngu si, cô gái tuởng như anh ta sắp chết thực, nên cảm thấy đau buồn. Mọi người đều có loại kinh nghiệm chiêm bao tương tự, chỉ khác là vì nghiệp khác nhau nên cảnh chiêm bao cũng khác nhau.

Mọi đối tượng ta gặp lúc tỉnh thức – đem lại vui, khổ, không vui không khổ – đều giống như trong mơ, vì kỳ thực chúng chỉ là những hình bóng trong tâm, không có hiện hữu nội tại, độc lập. Nhưng vì vô minh, ta cho rằng chúng có thực. Vì vậy khi thấy cái gì đẹp, ta khởi ham muốn, thấy cái gì khó chịu, ta khởi tâm ghét giận. Như vậy, mọi hiện tượng dù chỉ là bóng dáng hiện trong tâm ta, song vì ngu si ta xem chúng là thực có và đối với chúng, ta phát sinh những tâm lý mê mờ.

Tịch Thiên, trong chương chín của Bồ tát Hạnh, đã đưa ra một trình bày sáng sủa về Tính không. Chương này rất sâu sắc, cần được đọc cẩn thận, với tập trung cao độ, vì ta không tìm thấy ở đâu một giải thích sáng sủa hơn thế về Tính không. Trong chương này, Tịch Thiên nói, ta nên xét cái cách ta bám víu vào một thân thể xem như nó hiện hữu tự nội. Khi ta nghĩ “Tôi có một thân thể khỏe mạnh”, là ta đang nghĩ đến một cái thân xuất hiện rõ rệt trong tâm ta, khác biệt với những phần tử của nó. Ta không nghĩ đến những cánh tay, ống chân, vân vân, mà đến một thân thể dường như hiện hữu biệt lập với những thành phần làm nên nó, một thân thể có thực.

Nếu thân thể ta là thực có, thì nó phải hiện hữu theo một trong ba cách: hoặc nó là một trong những thân phần, hoặc nó là tập hợp những thân phần, hoặc nó là cái gì khác với các thân phần. Nay ta hãy xét xem thân thể có hiện hữu theo cách nào trong đó hay không. Trước hết thân có phải là một trong những phần tử không. Rõ ràng là không, vì cánh tay không phải thân, ống chân không phải thân, vân vân. Bởi vì tất cả những cái này đều là những phần tử của thân thể. Nếu mỗi thứ đều là thân thể, thì thành ra có nhiều thân chứ không phải một, mà sự thực không phải thế.

Khả năng thứ hai là thân thể tập hợp các phần tử của nó. Nhưng vì không có phần tử nào là thân, thì làm sao sự tập hợp những phần tử ấy lại là thân được?

Những phần tử của thân đã là phi thân, nên chi tập hợp những phi thân ấy cũng phải là phi thân. Tập hợp những phần tử của thân là cơ sở để gọi tên cái thân, chứ không thể là chính cái thân được. Một điểm tế nhị hơn cần suy nghĩ cẩn thận là, tập hợp các phần tử của thân thì không phải là thân, vì đấy cũng là một phần của thân.

Khả năng thứ ba là thân thể hiện hữu như một cái gì khác với những phần tử của nó hay tập hợp những phần tử, như sở hữu của những phần tử chẳng hạn. Nếu thân thể quả có mặt theo cách này, thì có thể tìm thấy nó ở đâu vậy? Bất cứ lúc nào ta chỉ vào cái thân, ta cũng chỉ vào một phần tử của thân ấy chứ không phải vào một đối tượng tách biệt với các phần tử của thân và làm sở hữu chủ cái thân ấy. Khi nhìn vào cái thân, ta chỉ thấy những phần tử của nó. Nếu không có những phần tử này, thì sẽ không có cái thân, do vậy không có cái thân tách biệt với các phần tử của nó. Bởi vậy, thân không hiện hữu ở trong các phần tử mà cũng không hiện hữu ngoài các phần tử. Nó chỉ hiện hữu như một hiện tượng được gán tên cho những phần tử của nó.

Mặc dù không thực có một thân thể, song vì tâm ta ngu mê xem những thành phần của thân thể là thực có, nên ta cũng thấy thực có một cái thân. Trong Bồ tát Hạnh, Tịch Thiên lấy ví dụ người đi giữa đồng quê vào lúc sẫm tối, thấy lầm đống lá lù lù thành con người. Cũng vậy trong bóng tối vô minh, ta lầm tưởng những thành phần của thân thể là một thân thể thực có. Tịch Thiên nói:

Vậy nên biết cái thân không thật, Vì mê mờ các vật trong thân
Tạo nên tâm chấp thể thân
Nư lầm đống gạch xếp thành dáng ai.

Nếu làm cuộc thiền quán phân tích nhiều lần như vậy để tìm kiếm thân thể, ta sẽ thấy cái tưởng thông thường của mình về thân thể biến mất, thay vào đó là tính Không xuất hiện. Tính không ấy là sự thiếu hẳn thực hữu nội tại của cái thân ta. Ta nên tập trung nhất tâm trên Tính không ấy, duy trì nó với chính niệm mãnh liệt. Pháp thiền này gọi là chính niệm về thân (niệm thân).

Nếu bản chất tối hậu của thân thể là Không, thì thân thể hiện hữu theo cách nào? Nó hiện hữu như một vật trong chiêm bao, như một hình bóng trong tâm. Vì thân thể tự nó không hiện hữu biệt lập mà chỉ là một hình bóng trong tâm, nên thật không có căn cứ nào để phát sinh ái luyến đối với thân thể. Tịch Thiên nói: “Có bậc trí nào lại phát sinh ái luyến đối với những hình dạng trong chiêm bao?”

Trước hết ta nên cố đạt đến một cái thấy về tính không đối với thân thể mình để rồi trên cơ sở này, ta áp dụng cùng một cách phân tích ấy đối với tất cả các pháp khác. Khi nhờ pháp thiền phân tích, ta đã hiểu được sự trống rỗng (tính không) của các pháp khác ngoài thân, ta tập trung vào tính Không ấy, duy trì nó với chính niệm. Pháp thiền này gọi là chính niệm về các pháp hay niệm pháp. Hai loại thiền này được đề cập trong bản văn gốc “hãy quán tưởng vạn pháp như chiêm bao.”

Đức Geshe Kelsang Gyatso

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung