Sự lưu truyền giáo lý mật điển |

Sự lưu truyền giáo lý mật điển

Giới thiệu Kho Tàng Terma

Để biết rõ về truyền thống Terma, tức các văn bản được cất giấu và tái khám phá, chúng ta cần phải hiểu hệ thống truyền pháp của mật giáo theo quan điểm của dòng Nyingma. Tantra, ngoài ý nghĩa mật điển hay nghi quỹ, nó còn có nghĩa là sự liên tục liên quan tới luân hồi và niết bàn, hay là tính chất chung của luân hồi và niết bàn.

Tan khít tra là Phật tính của căn bản, tức sự hợp nhất của quan kiến và pháp tu tập, và là các thân Phật cùng với trí huệ phát sinh do tu tập và thành tựu. Vậy tantra thực sự có nghĩa là chân tính của sắc tướng, tức Phật quả và đây là ý nghĩa bí truyền của tantra. Giáo lý mật giáo là sự biểu lộ của trạng thái tối thượng, hay pháp thân, nhưng lại thường được hiểu bằng ngôn từ, lời hướng dẫn, và các văn bản trình bày những pháp tu tập bí truyền. Việc truyền pháp và truyền năng lực bí ẩn phát xuất từ vị Phật nguyên thủy qua vị thầy tới đệ tử là căn bản của mật giáo. Để các giáo lý có hiệu lực, sự xác thực của chúng phải được duy trì trong khi chúng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, tất cả các truyền thống tâm linh; các tôn giáo đều rất chú trọng tới việc truyền pháp để các giáo lý không trở thành những lời suông dành cho người bình thường hay để cho các học giả không có kinh nghiệm diễn giải theo ý riêng của họ.

Giáo lý của phái Nyingma được truyền qua hai hệ thống chính yếu: Sự truyền dài của kinh sách và sự truyền ngắn của các Terma. Giáo lý kinh sách được truyền trước qua một dòng truyền thừa không gián đoạn từ vị thầy đến đệ tử. Các Terton, tức người tái khám phá văn bản cất giấu, là những vị thành tựu giả được truyền các Terma. Họ đã được Đại Sư Liên Hoa Sanh truyền giáo lý và ủy nhiệm bằng phương pháp tâm truyền.

SỰ LƯU TRUYỀN CỦA KINH SÁCH

Giáo lý mật giáo của các vị Phật được truyền qua dòng truyền thừa không gián đoạn từ thầy tới trò thì được gọi là các tantra, tức mật điển hay nghi quỹ, của sự lưu truyền kinh sách.

Giáo lý ba thân Phật là điểm quan trọng của tất cả các phương diện của giáo lý mật giáo. Sự truyền pháp phát xuất từ pháp thân, hay thân vô sắc tối thượng của Phật quả, tới báo thân, hay thân thọ hưởng kết quả của thiện nghiệp. Báo thân và hóa thân thực chất là hai sắc thân. Báo thân tỏa sáng hào quang với các tướng hảo lớn, nhỏ của Phật quả. Người mở được huệ nhãn có thể trông thấy báo thân này. Các vị Phật báo thân trụ trong các cõi Phật, còn gọi là tịnh thổ hay cõi tịnh. Các vị Phật hóa thân thì trụ ở cõi luân hồi tức thế gian này để cứu độ chúng sinh. Giáo lý mật giáo giảng giải tính chất thật của tâm và dạy phương pháp tu tập hầu như được giải thoát về mặt ba thân Phật. Sự truyền thụ giáo lý mật giáo cũng được thực hiện qua ba thân này.

Đa số kinh sách của Nghi Quỹ nội thuộc phái Nyingma là sự biểu lộ của pháp thân. Rồi qua báo thân, hóa thân và các hành giả thông thường, các kinh sách được truyền bà cho mọi người. Việc truyền pháp diễn ra qua ba giai đoạn: tâm truyền, biểu hiện và khẩu truyền.

TÂM TRUYỀN

Samantabhadra (Phổ Hiền) hay Phật pháp thân, truyền giáo lý mật giáo cho các vị Phật báo thân vốn bất khả phân với Ngài, qua sự truyền bằng tâm, không có ngôn từ hay biểu hiện nào. Sự thật là pháp thân không biểu lộ gì cả, nhưng đối với các vị Phật báo thân thì sự truyền pháp xuất hiện từ pháp thân một cách tự nhiên. Phương pháp tâm truyền này là sự truyền pháp giữa các vị Phật.

TRUYỀN PHÁP BẰNG BIỂU HIỆN

Các vị Phật báo thân như Vajrasattva (Kim cương Tát Đỏa hay Đấng Kim Cương, có quyền năng tịnh hóa) truyền pháp cho các vị hóa thân như Prahevajra, các vị này lại truyền cho các thành tựu giả hay các trí giả bằng các biểu hiện. Đây là sự truyền pháp bằng biểu hiện giữa các trí giả.

KHẨU TRUYỀN

Các vị hóa thân như Prahevajra, Vua Jha, và Đại Sư Liên Hoa Sanh sau khi được các vị Phật báo thân truyền pháp, sẽ truyền lại cho các đệ tử của họ bằng nhiều cách, trong đó có khẩu truyền. Đây là sự khẩu truyền giữa những người thế gian.

Cách truyền giáo lý bằng lời nói bắt đầu ở Tây Tạng với Đại Sư Liên Hoa Sanh và các vị thầy khác cùng thời với Ngài và được tiếp tục cho tới ngày nay. Cách truyền bằng tâm và biểu hiện cũng vẫn còn được thực hiện đến ngày nay giữa các vị thầy thành tựu cao cấp. Trong truyền thống mật giáo, truyền pháp là điểm quan trọng nhất trên con đường tu tập. Nếu không có nghi thức truyền pháp, việc học và tu tập mật giáo sẽ nguy nhiểm và không có kết quả. Đa số kinh sách Cổ mật về ba Nghi Quỹ được bảo tồn trong một bộ ba mươi ba quyển có tên là “Nyingma Gyud Bum” hay “Mật điển Nyingma” và một bộ chín quyển gọi là “Kama” hay “Giáo Lý”.

Các Mật Điển Phi thường của phái Nyingma là những kinh sách của ba Nghi Quỹ Nội Mahayoga, Anuyoga và Atiyoga. Những quyển này được đưa tới thế gian và tới Tây Tạng theo cách sau đây:

Mahayoga: Đức Phật Báo Thân Vajrasattva truyền các mật điển Mahayoga cho Vua Jha của xứ Sahora, Ấn Độ. Vị vua này cũng được đạo sư Vimalakirti truyền giáo lý Mahayoga. Trước đó, Vimalakirti được Đức Bồ Tát Vajrapani (Kim Cương Thủ) truyền pháp Mahauyoga ở núi Malaya, Tích Lan. Qua nhiều vị thầy, tới lượt đạo sư Buddhaguhya nhận và truyền những giáo lý này cho đạo sư Vimalamitra và Đại Sư Liên Hoa Sanh. Hai vị này lại truyền mười tám quyển mật điển lớn của Nghi Quỹ Mahayoga cho các đệ tử Tây Tạng của họ như Ma Rinchen Chog, Nyag Jnanakumara và những người khác.

Anuyoga: Vua Jha cũng được Vajrasattva và đạo sư Vimalakitri truyền các giáo lý Anuyoga. Nhà vua truyền lại cho Thành Tựu Giả Kukuraja, và sau cùng giáo lý Anuyoga được truyền lại cho đại hành giả Tây Tạng Nubchen Sanggye Yeshey, một trong hai mươi lăm đệ tử chính của Đại Sư Liên Hoa Sanh. Nubchen dạy giáo lý Anuyoga ở Tây Tạng, và dòng này tồn tại tới ngày nay. Có khoảng hai mươi hai mật điển, thí dụ như “Bốn Kinh Rễ” của Anuyoga, trong bộ “Mật điển Nyingma”.

Atiyoga: Phật Vajrasattva truyền giáo lý Atiyoga cho đạo sư Prahevajra, vị này truyền lại cho một dòng các vị thầy, trong đó Đại Sư Liên Hoa Sanh, đạo sư Vimalamitra và học giả Vairocana. Các mật điển Atiyoga có ba loại: loại Tâm, loại Cõi Không Lớn, và loại Huấn Thị. Có hai mươi mốt quyển thuộc loại Tâm, và bảy quyển thuộc loại Cõi Không Lớn, hai loại này thuộc bộ Mật điển Nyingma và đưa tới Tây Tạng bởi Vimalamitra và Vairocana, dịch giả người Tây Tạng vĩ đại nhất. Loại Huấn Thị cũng được gọi là Huấn Thị về Chân Tính, là giáo lý thâm diệu nhất của phái Nyingma. Những mật điển thuộc loại này được đưa tới Tây Tạng bởi học giả Vimalamitra và Đại Sư Liên Hoa Sanh. Có sáu quyển thuộc loại Huấn Thị, trong số đó có mười bẩy quyển chính yếu thuộc bộ Mật điển Nyingma.

SỰ TRUYỀN NGẮN CỦA TERMA

Đây là sự truyền các Terma qua dòng truyền giáo lý ngắn. Một đệ tử của Đại Sư Liên Hoa Sanh được Ngài truyền pháp trong thế kỷ thứ chín có thể gia lực, hay truyền tâm ấn, và truyền giáo lý cho các đệ tử của mình ngày nay. Nếu người đó chính là vị Terton của giáo lý mà người đó dạy trong kiếp này thì người đó sẽ đứng thứ nhì sau Đại Sư Liên Hoa Sanh trong dòng truyền thừa giáo lý đó. Các Terma là kinh sách mật giáo, nhiều quyển thuộc Nghi Quỹ Ngoại nhưng đa số thuộc Nghi Quỹ Ngoại. Những bản Terma này xuất hiện với các đệ tử ngày nay qua sáu cách truyền giáo lý: ba cách Truyền Thông Thường và ba cách Truyền Phi Thường. Ba các Truyền Thông Thường đã được giải thích ở trên, đó là Tâm truyền, Biểu Hiện và Khẩu Truyền. Ba cách Truyền Phi Thường là: Gia Lực gây cảm hứng hay gợi ý nguyện, Tiên Tri Ủy Nhiệm, và Ký Thác cho các Dakini. Đó là những cách truyền đặc biệt của Terma qua phái Nyingma.

Trích: Phần 2 – Chương 1 trong tác phẩm “Terma – Kho tàng giáo Pháp được ẩn dấu của Phật giáo Tây tạng” 

Nguyên tác: Tulku Thondup

Việt ngữ: Lục Thạch Ban Thiền Pháp Trí

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung