Sự khác biệt giữa lòng yêu thương và lòng lưu luyến |

Sự khác biệt giữa lòng yêu thương và lòng lưu luyến

Bồ Đề Tâm Thực hành

Giống như nước muối, những gì giúp bạn cảm thấy hài lòng sẽ làm gia tăng lòng lưu luyến trong bạn bất luận bạn vận dụng chúng nhiều hay ít.

Bài luyện tập về lòng khoan dung vị tha bằng cách xem chúng giống như một chiếc cầu vồng xuất hiện trên bầu trời trong buổi chiều hè, biết rằng chúng đẹp nhưng không có thực, bài tập này sẽ giúp bạn tránh được lòng lưu luyến và đam mê về thể xác.

BODHISATTVA TOKMAY SANGPO

Để phát huy được lòng yêu thương thực sự, bạn cần phải biết được sự khác biệt giữa lòng yêu thương và lòng lưu luyến. Lòng yêu thương và lòng từ bi thường thấy luôn được hòa quyện cùng lòng lưu luyến, bởi vì động cơ thúc đẩy chúng ta là sự vị kỷ: bạn quan tâm đến một vài người nào đó bởi vì họ trong một lúc nào đó đã giúp ích cho bạn và bạn bè của bạn. Theo như cuốn Những lời khuyên quý báu của Nagarjuna nói:

Suy nghĩ có liên quan đến sự lưu luyến đối với người khác

Là một khái niệm về sự giúp ích hay không giúp ích

Do bị tác động bởi sự ham muốn

Hoặc ý định muốn gây hại cho người khác.

Bởi vì lòng yêu thương và lòng từ bi như thế đều chịu tác động của lòng lưu luyến nên chúng không thể được nhân rộng đến với kẻ thù mà chỉ xuất hiện đối với bạn bè – chồng vợ của bạn, con cái của bạn, cha mẹ của bạn và vân vân. Trong khi đó nếu lòng yêu thương và lòng từ bi được phát triển mạnh mẽ trong sự thấu hiểu về quyền lợi của tất cả mọi người thì chúng sẽ được lan tỏa mạnh mẽ và bạn có thể có được lòng yêu thương và lòng từ bi dành cho ngay cả những ai gây hại cho bạn. Từ khi còn nhỏ tôi đã có xu hướng thể hiện lòng yêu thương và lòng từ bi của mình nhưng khi ấy lòng yêu thương và lòng từ bi của tôi vẫn mang tính thiên vị. Khi hai con chó cắn nhau, tôi thường có tình cảm thương mến dành cho con chó thua cuộc đồng thời tôi tỏ ra tức giận với con chó thắng cuộc. Điều đó thấy rằng lòng yêu thương và lòng từ bi của tôi khi ấy vẫn còn mang tính thiên vị định kiến.

Để có thể tránh xa lòng lưu luyến, bạn không cần phải bác bỏ những nhu cầu thiết yếu, chẳng hạn như thực phẩm, nơi ở và việc ngủ nghỉ. Nói đúng hơn, bạn nên tự tách rời bản thân mình với những câu nói chẳng hạn như “Việc này thật tuyệt!”, “Mình phải có được cái này!”, “Ồ, giá mà mình có được món này nhỉ!”. Khi bạn gắn chặt đời mình với những suy nghĩ như thế thì vật chất trần gian và tiền bạc sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với việc rèn luyện phát triển tâm hồn; những cảm xúc tình cảm đau buồn sẽ phát triển, đưa bạn đến với những khó khăn rắc rối, khiến bạn và mọi người quanh bạn trở nên bối rối không ngừng. Khi bạn và mọi người quanh bạn trở nên lưu luyến, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm cho mình sự yên tĩnh trong lòng.

Cách tốt nhất để vượt qua lòng lưu luyến gây hại này là bạn cần phải ý thức rõ rằng bản chất cuối cùng của đời sống là: tất cả những gì bạn có được hoặc tích lũy được rồi đây sẽ mất đi – cha mẹ bạn, con cái bạn, anh chị em bạn và bạn bè của bạn. Bất luận hai người bạn có yêu thương nhau cách mấy, cuối cùng thì rồi họ cũng phải phân ly. Điều sai lạc của chúng ta là chúng ta thường xem những tình huống này luôn mang lại niềm vui cho mình và mãi mãi không thay đổi. Lòng lưu luyến được thiết lập dựa trên quan niệm sai lạc này và sẽ luôn luôn tạo ra thêm nhiều đau khổ hơn nữa.

Của cải vật chất không bao giờ mang tính cố hữu trường tồn; vì vậy sẽ là một việc nguy hiểm nếu bạn qua lưu luyến với những thứ liên tục thay đổi như thế. Một quan niệm về sự trường tồn bất biến là một quan niệm sai lầm và nguy hại. Khi bạn quá bận tâm đến hiện tại thì bạn chẳng còn tâm trí nào nghĩ đến tương lai được nữa, điều này sẽ khiến bạn không còn khả năng tham gia vào các bài luyện tập thiền định nhằm tìm kiếm sự giác ngộ vì tất cả mọi sinh linh. Một quan niệm về tính tạm thời của mọi đối tượng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Qua việc nhận biết rằng bản chất của mọi sự vật hiện tượng là luôn luôn phân rã, bạn sẽ không bị bất ngờ hoặc đau buồn khi nó thực sự xuất hiện, ngay cả đối với cái chết.

Những tình cảm tiêu cực xuất hiện như thế nào

Thói dâm ô và lòng căm thù được tạo ra do quan niệm rằng bản thân chúng ta là những đối tượng bền vững. Khi bạn liên tục tạo nên một “cái tôi” bền vững chắc chắn thái quá như thế thì trong bạn lập tức xuất hiện sự tách biệt giữa “Tôi” và “Bạn”. Vào thế kỷ XVII, học giả Ấn Độ tên là Chandrakirti nói:

Lòng người hoàn toàn bất lực giống như một chiếc gàu được kéo lên thả xuống trong lòng giếng.

Vì họ qua cường điệu “cái tôi” của mình,

Và sau đó phát sinh lòng lưu luyến đối với vật chất “Cái này là của tôi”

Những ai luôn khăng khăng về sự tồn tại chắc chắn của “Tôi” sẽ khăng khăng về sự tồn tại của tất cả những đối tượng vật chất mà họ có thể sở hữu được.

Qua quá trình này – phân biệt giữa “tôi” và người khác và lòng lưu luyến đối với vật chất trần gian – chúng ta thơ thẩn quẩn quanh trong chiếc vòng luẩn quẩn của sự tồn tại, giống như một chiếc gàu di chuyển lên xuống trong lòng giếng mà hoàn toàn không thể tự kiểm soát được chính mình.

Điều quan trọng là bạn cần phải ý thức được rõ qua kinh nghiệm của chính mình rằng, con người và mọi đối tượng vật chất xuất hiện như thể chúng tự xuất hiện và tồn tại cố hữu, nhưng sự thực thì chúng lại không. Nếu một người nào đó hoặc một đối tượng nào đó giúp bạn cảm thấy hài lòng, khi ấy có hai sức hút mạnh mẽ xuất hiện – bạn tỏ ra lưu luyến đối với đối tượng đó.

Lòng lưu luyến của bạn đối với cảm xúc hài lòng có được sẽ đưa bạn đến với những hành vi sai lạc và rồi bạn sẽ bị cuốn hút vào chiếc vòng luẩn quẩn của những khó khăn rắc rối. Khi bạn phủ nhận bản chất thực của mọi đối tượng, bạn sẽ luôn tin rằng mọi đối tượng đều tồn tại cố hữu. Và rồi liền sau đó lòng tham và lòng căm thù sẽ lập tức xuất hiện trong bạn.

Bản chất của lòng lưu luyến

Lòng lưu luyến làm tăng thêm khao khát mà không hề tạo ra được sự bất kỳ sự thỏa nguyện nào. Có hai loại khao khát, một loại bất hợp lý và một loại hợp lý. Loại thứ nhất là một nỗi ưu phiền được đặt ra trên nền tảng là sự ngu muội, nhưng loại thứ hai thì không. Để có thể tồn tại, bạn cần đến một số nguồn nuôi dưỡng; thế nên, khao khát muốn có một số vật chất thiết yếu nào đó là một khao khát thích đáng. Những suy nghĩ chẳng hạn như “Cái này tốt; Tôi muốn cái này. Cái này thật có ích” không phải là những suy nghĩ có hại, không phải là những tình cảm gây ưu phiền. Những khao khát muốn có được lòng vị tha, sự sáng suốt và sự tự do, những khao khát là những khao khát hợp lý. Loại khao khát này là thích đáng; thực ra tất cả mọi sự phát triển của nhân loại đều là sản phẩm của khao khát và những khát vọng này không phải là những gì tạo ra ưu phiền.

Ví dụ, khi bạn đã phát huy được một mối quan hệ thân thuộc với tất cả mọi sinh linh và bạn mong muốn rằng tất cả họ đều được niềm hạnh phúc thì mong muốn đó là một mong muốn hợp lý bởi vì nó không mang tính thiên vị. Nó hàm ý muốn nói đến tất cả mọi sinh linh. Trong khi đó thì tình yêu hiện tại của chúng ta, luôn bị giới hạn trong phạm vi bạn bè và gia đình, luôn bị tác động mạnh mẽ bởi lòng lưu luyến ngu muội. Tình yêu như thế luôn mang tính thiên vị định kiến.

Khao khát tiêu cực chính là lòng lưu luyến với các đối tượng vật chất một cách bất hợp lý. Loại khao khát này chắc chắn sẽ khiến bạn thất vọng và bất mãn. Bạn hãy tự hỏi chính bản thân mình xem liệu bạn có thực sự cần đến hầu hết những đối tượng vật chất đó không và câu trả lời ở đây là không.

Loại khao khát này hoàn toàn không có giới hạn, không có cách nào có thể thỏa mãn hoàn toàn nó được. Rốt cuộc thì nó cũng đưa bạn đến với những đau khổ mà thôi. Bạn phải kìm hãm loại khao khát này lại.

Trong các giai đoạn luyện tập đầu tiên, bạn khó có thể phân biệt được là những khao khát hữu ích và đâu là những khao khát sai lạc gây đau khổ. Một người tham gia luyện tập có thể cảm thấy yêu thương và động lòng trắc ẩn nhưng anh ta vẫn khăng khăng bám chặt lấy ý tưởng ngu muội rằng chính bản thân anh ta và đối tượng mà anh ta yêu thương là những đối tượng xuất hiện và tồn tại cố hữu. Ở giai đoạn đầu của quá trình rèn luyện tâm linh thì thậm chí ngay cả sự ngu muội cũng có thể đóng vai trò hữu ích giúp bạn đến với bạn đến với sự giác ngộ. Khi bạn trau dồi được lòng yêu thương và lòng từ bi, thậm chí nếu sự ngu muội và lòng lưu luyến có xuất hiện trong bạn thì cũng đừng thôi luyện tập; khi đó chọn lựa chọn duy nhất của bạn là hãy cứ tiếp tục tập luyện dù rằng chúng có xuất hiện hay không. Để có thể chế ngự và vượt qua được lòng lưu luyến thì bạn không thể nào chỉ đơn giản là thu hồi tâm trí mình thoát ra khỏi đối tượng. Thay vì thế, bạn phải vượt qua được lòng lưu luyến bằng cách vận dụng bài luyện tập nhằm nhận biết được những phẩm chất đối nghịch của sự ngu muội.

Mặc dù ở giai đoạn đầu bạn khó có thể phân biệt được những khao khát tích cực và tiêu cực, nhưng qua quá trình tìm hiểu khám phá và phân tích liên tục bạn có thể dần dần nhận ra được đâu là những cảm xúc tình cảm ngu muội và có hại, điều này sẽ giúp cho quá trình luyện tập của bạn thêm thuận lợi hơn.

Lòng lưu luyến luôn mang tính phiến diện, lệch lạc, vị kỷ trong tức thời; bạn càng tỏ ra lưu luyến thì bạn càng trở nên thiên vị và nhỏ nhen hẹp hòi.

Một tâm hồn nhỏ nhoi hạn hẹp luôn quan tâm đến những vật chất trần gian có thể được mô tả những gì được gọi là “tám mối bận tâm trần tục” sau:

Yêu / ghét

Được / mất

Khen / chê

Vinh / nhục

Lối sống trần tục có nghĩa là bạn sẽ không vui khi bốn yếu tố – ghét, mất, chê, nhục – xảy ra với bạn hoặc bạn bè của bạn nhưng bạn sẽ cảm thấy hài lòng thỏa mãn khi bốn yếu tố này xảy ra với kẻ thù của mình. Những hệ quả này đều được đặt trên nền tảng là lối cư xử của mọi người, trong khi đó thì lòng yêu thương và lòng từ bi thực sự lại không được đặt trên nền tảng cốt lõi là: Tất cả mọi sinh linh đều muốn được hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ, giống như chính bản thân bạn vậy và thế nên tất cả mọi sinh linh đều bình đẳng với nhau. Một số người có thể có những hành vi tích cực, một số khác lại có những lối hành xử tiêu cực, nhưng xét cho cùng thì động cơ thúc đẩy của tất cả những hành vi đó đều là: tất cả mọi sinh linh đều mong muốn được hạnh phúc. Chúng ta luôn luôn cần phải quan sát ở góc độ như thế này.

Hành vi chỉ là thứ yếu, bởi vì có lúc chúng mang tính tích cực có lúc chúng lại mang tính tiêu cực – chúng liên tục thay đổi – trong khi đó thì lại không bao giờ có bất kỳ thay đổi nào nơi sự thực này: mọi sinh linh đều mong muốn được hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ.

Khi một sự kiện nào đó đột ngột xuất hiện, dù ngày hay đêm thì phản ứng tức thời của chúng ta là “Tôi” không phải là người Tây Tạng, không phải là người Mỹ, hoặc không phải là bất kỳ một quốc tịch nào khác; “Tôi” không phải là một tín đồ Phật giáo, hay bất kỳ một hệ thống nào khác, mà “Tôi” chỉ là “Tôi”. Điều này cho chúng ta thấy được nền tảng cơ bản chung của tất cả mọi người. Xét ở góc độ này thì tất cả mọi người đều giống nhau. Trẻ nhỏ không quan tâm gì đến tín ngưỡng và quốc tịch, giàu hay nghèo; chúng chỉ muốn được vui đùa cùng nhau. Ở tuổi trẻ thì ý thức về sự hợp nhất của toàn thể nhân loại xuất hiện khác mạnh mẽ. Khi chúng ta lớn thêm thì chúng ta tạo ra nhiều sự phân biệt giữa người và người. Đó là một vấn đề lớn mà chúng ta cần đối mặt.

Lòng yêu thương bị hòa quyện cùng sự thiên vị bởi sự ham mê xác thịt và lòng căm thù cuối cùng cần phải được chấm dứt. Lòng yêu thương bị tác động bởi những ham muốn thiếu lành mạnh ắt hẳn rồi đây sẽ đem lại thói ganh tị và tất cả những khó khăn bất hạnh khác.

Mặc dù sự ham mê xác thịt không trực tiếp gây hại nhưng nó lại gián tiếp đem lại tất cả những tác nhân gây hại khác. Đây là lý do tại sao quá trình mở rộng lòng yêu thương lại cần phải được khởi đầu bằng việc phát triển sự cân bằng, phát triển ý thức về sự bình đẳng, không phân biệt giữa người này và người khác, luôn ý thức rằng tất cả mọi người là như nhau, tất cả mọi người đều muốn được hưởng niềm hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ. Vì ham muốn này luôn tồn tại trong tất cả mọi sinh linh, nên bạn có thể dễ dàng phát huy được ý thức về điều này, nhờ đó mà nền tảng của tình yêu thương trong bạn sẽ được bền vững hơn.

Trong bài luyện tập của mình, khi tôi suy nghĩ về, ví dụ, một người nào đó đang tra khảo những người Tây Tạng tại quê hương mình, khi đó tôi không hề tập trung vào sự thật là người này, cũng giống như tôi, luôn muốn được hưởng niềm hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ và qua hành vi tra khảo người khác như thế này thì vô tình anh ta đang tự đem lại đau khổ cho chính mình. Khi tôi quan sát mọi việc từ góc độ này, phản ứng của tôi khi ấy luôn là lòng yêu thương và lòng từ bi trắc ẩn.

Tôi quyết định luôn quan sát mọi việc từ góc độ đó. Nếu tôi xem anh ta là kẻ thù đang gây hại cho toàn thể người Tây Tạng thì khi đó trong tôi không thể nào phát sinh được lòng yêu thương dành cho anh ta.

Một trong số những lý do chính tại sao thói ham mê xác thịt và lòng căm thù lại xuất hiện chính là: chúng ta quá gắn bó lưu luyến với kiếp sống này. Chúng ta luôn muốn tin rằng kiếp sống này là vĩnh hằng, rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi và thế nên chúng ta tập trung quá nhiều vào những hoàn cảnh nhất thời và chúng ta luôn đánh giá quá cao vật chất trần tục. Cách duy nhất để có thể đẩy lùi được sự ngu muội này là chúng ta cần phải ý thức rõ rằng tất cả mọi đối tượng vật chất rồi cuối cùng cũng sẽ mất đi – kể cả bạn cũng sẽ mất đi.

Theo lời nhà hiền triết Tây Tạng thế kỷ XIII, Tokmay Sangpo nói:

Chỉ có lòng vị tha mới có thể giúp chúng ta không còn quá lưu luyến với kiếp sống này –

Bạn bè thân cận, những người ở bên ta trong suốt quãng thời gian dài, rồi sẽ cách xa.

Của cải vật chất đạt được qua những phấn đấu nỗ lực rồi sẽ bị bỏ lại,

Và thân xác tạm bợ này sẽ bị bỏ lại bởi linh hồn.

Bất luận chúng ta có sống được bao lâu, nhiều nhất là một trăm năm thì cuối cùng chúng ta cũng phải chết, bỏ lại đời sống quý báu này. Và cái chết có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Đời sống này sẽ tan rã, bất kể chúng ta có giàu sang thịnh vượng đến mấy. Chẳng có vật chất trần gian nào có thể mua được tuổi thọ của bạn. Vào ngày cái chết xuất hiện với bạn thì chẳng có vật chất trần gian nào có thể giúp được bạn cả; bạn phải để tất cả những thứ đó lại sau lưng mình. Xét ở góc độ này, cái chết của một người giàu có và cái chết của một con vật hoang dã cũng chẳng có gì là khác nhau.

Chúng ta thơ thẩn trong cuộc đời này cùng với lòng lưu luyến và chúng ta tưởng chừng là điều đó hoàn toàn tốt nhưng sự thực không phải thế. Khi lòng lưu luyến bắt đầu phát triển, bạn cần phải ý thức rõ được những phẩm chất tiêu cực nơi đối tượng mà bạn khao khát muốn có.

Một quyết tâm cao độ

Điều quan trọng là bạn cần phải có được khao khát muốn đem lại lợi ích cho tất cả mọi người và muốn phát huy khao khát này ngày càng mạnh mẽ hơn. Một bản ngã mạnh mẽ là điều cần thiết, nhưng bạn cần tránh đừng để mình trở nên tự cao tự đại hoặc vị kỷ.

Bạn cần phải có một quyết tâm cao độ để đạt đến những điều tốt đẹp. Bạn cần có một quyết tâm cao độ trong việc hướng đến những điều tốt đẹp nhằm đem lại sự trợ giúp cho tất cả mọi sinh linh trong cuộc sống này, bạn cần phải có một cái tôi mạnh mẽ; với một cái tôi yếu ớt thì một mục tiêu to lớn như thế sẽ chẳng bao giờ đạt được. Đây là một ham muốn hợp lý và thích đáng chứ không phải là lòng lưu luyến. Những ham muốn bất hợp lý chắc chắn rồi đây sẽ bị đẩy lùi do bởi sự nhỏ nhoi của nó.

Giúp cuộc sống thêm ý nghĩa

Việc nới lỏng sợi dây gắn chặt bản thân với đời sống này không có nghĩa là bạn nên ngưng việc tự quan tâm chăm sóc chính bản thân mình và mọi người. Khi tôi đề nghị rằng bạn nên xem thể xác của mình là luôn mang bản chất đau khổ thì điều đó không có nghĩa là luôn mang bản chất đau khổ thì điều đó không có nghĩa là bạn nên bỏ mặc thể xác của mình. Cơ thể bạn có thể giúp bạn đạt được những mục tiêu to lớn vĩ đại. Theo lời Shantideva nói trong cuốn Hướng dẫn sống đời Bồ Tát:

Nhờ vào con tàu này, nhờ vào thể xác này,

Bạn hãy tự giải phóng chính mình thoát ra khỏi dòng sông của sự đau khổ.

Vật chất trần gian dù có nhiều đến mấy rồi đây cũng thành vô nghĩa nhưng thể xác này cần phải được xem là phương tiện để đem đến lợi ích cho tất cả mọi sinh linh.

Đức Phật dạy rằng mọi người không nên tham gia rèn luyện quá sức. Việc tự hành hạ bản thân mình là việc cần được tránh xa. Theo lời Nagarjuna nói trong cuốn Những lời khuyên quý báu:

Rèn luyện không có nghĩa là hành xác,

Và khi bạn hành xác thì có nghĩa là

Bạn vẫn đang gây hại cho một người nào đó,

Và điều đó có nghĩa là bạn vẫn không giúp ích cho mọi người

Khi bạn không quan tâm gì đến những nhu cầu cơ bản của thể xác, khi đó bạn sẽ gây hại cho vô số những sinh vật đang sống trong cơ thể bạn. Bạn cũng nên tránh đừng quá nuông chiều thể xác của mình trong nhung lụa. Điểm quan trọng nhất là bạn cần phải kiểm soát được những phẩm chất nội quan chẳng hạn như thói quen đam mê thể xác và lòng lưu luyến; những nhân tố ngoại vi tự bản thân chúng không tốt cũng không xấu.

Tự hài lòng là bí quyết ở đây. Nếu bạn có được sự tự hài lòng với những vật chất mà mình có được thì khi đó bạn thực sự là một người giàu có. Nếu bạn không có được sự hài lòng thì dẫu rằng bạn là một tỉ phú đi nữa bạn cũng chẳng thể tìm được hạnh phúc thanh thản trong tâm hồn mình. Bạn sẽ liên tục cảm thấy ham muốn và ngày càng muốn có nhiều hơn nữa, việc này khiến bạn trở thành một người nghèo khó nhất thế gian. Nếu bạn tìm kiếm sự hài lòng từ vật chất ngoại thân, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được nó. Tham vọng của bạn sẽ chẳng bao giờ được lấp đầy.

Sự tự hài lòng là một nhân tố thiết yếu để có được niềm hạnh phúc, thế nên bạn cần phải cố gắng tự hài lòng với thức ăn, quần áo và nơi trú ngụ mà mình đang có được. Một người quá đam mê về thú vui xác thịt chắc chắn rồi sẽ gặp phải tai họa. Tất cả mọi thứ đều phải được cảm nhận và thực hiện một cách cân bằng hài hòa. Đây là vấn đề thiết yếu.

Lòng khoan dung cũng là một yếu tố quan trọng. Khi Đức Phật tham gia thiền định trước khi Người giác ngộ, khi ấy có nhiều ma quỷ xuất hiện quấy rối Người. Người chỉ chuyên tâm thiền định luyện tập lòng yêu thương và lòng từ bi, qua bài luyện tập Người đã đẩy lùi sức mạnh ma quỷ đó.

Việc từ bỏ sự lưu luyến với thế giới trần tục không có nghĩa là bạn cần phải tự tách rời chính mình với thế giới trần tục này. Khi bạn phát huy khao khát sao cho tất cả mọi người được hạnh phúc, khi đó nhân tính trong bạn trỗi dậy mạnh mẽ. Khi bạn cố gắng tách rời khỏi thế gian, hay nói đúng hơn là khi bạn phủ nhận nhân tính của mình, bạn lại càng trở nên nhân đạo hơn. Mục tiêu cuối cùng của các bài luyện tập Phật giáo là nhằm giúp đỡ tất cả mọi người. Để làm được điều đó thì bạn cần phải tồn tại cùng thế giới trần gian.

Đức Dalai Lama XIV
Biên dịch: Lê Tuyên – Hiệu đính: Lê Gia
Trích: Bảy bước yêu thương

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung