Sự chữa lành |

Sự chữa lành

Kim cương thừa Thực hành

Theo Tâm Trí Tuệ thì các nguyên tố hiện tượng là phi chướng ngại và thanh tịnh. Các hiện tượng thanh tịnh thì tự nhiên, không bị che ám và không được tạo dựng bởi các nguyên tố thô. Nó bắt nguồn từ các nguyên tố vi tế sáng, nhẹ, vô hình, bất khả xâm phạm, phi chất thể và bất hoại, bởi vì trong nó không còn bất cứ thứ gì thô cứng, trì trệ còn sót lại dù ở bất kỳ đâu. Ở đâu không có thứ gì còn sót lại thì ở đó không thứ gì có thể được tăng hay giảm. Ở đâu không có thứ gì có thể được tăng hay giảm thì ở đó có sự cân bằng và thuần khiết. Ở đâu có sự cân bằng và thuần khiết thì ở đó có sự lành mạnh và sức khỏe.

Theo tâm nhị nguyên thông thường thì có những hiện tượng các nguyên tố bất tịnh bị che chướng. Các hiện tượng bất tịnh thì bị che ám và tạo dựng bởi các nguyên tố thô nặng nề, hữu hình, dễ xâm phạm, có chất thể và có khả năng bị hủy hoại, bởi vì chúng hiện hữu và tồn tại một cách trì trệ, thô cứng ở vài điểm. Ở đâu có thứ gì đó hiện hữu và tồn tại, thì nó có thể còn tăng hoặc còn giảm. Ở đâu còn có tăng hoặc giảm, thì ở đó sẽ có sự bất tịnh và mất cân bằng. Ở đâu có sự bất tịnh và mất cân bằng thì ở đó có bệnh tật.

Năm nguyên tố (ngũ đại) xuất hiện ngày càng giảm đi tính vi tế khi chúng nhận thêm vào những tính chất bị quy gán bởi tâm thức thông thường. Nếu một bác sỹ không tin vào bản chất, tinh túy thanh tịnh vô hình của các nguyên tố thì sự chẩn đoán bệnh của ông ta có thể là sai lầm khi ông ta chỉ có thể chữa bệnh nhờ những nguyên tố bất tịnh và hữu hình. Tuy vậy, khi càng có nhiều trải nghiệm hơn, thì quan điểm cùng sự chẩn đoán bệnh của người bác sỹ sẽ ngày càng tinh tế hơn. Ông ta có thể chữa trị được những triệu chứng hiển nhiên bên ngoài để thu được những kết quả đặc biệt trông thấy được ngay lập tức mà thực ra, nó chỉ là tạm thời, hay ông ta có thể chữa trị được những triệu chứng vi tế hơn bên trong để thu được những lợi ích ít nhận thấy hơn nhưng cân bằng, ổn định hơn và dần dần từng bước một hơn. Những điều này, trong khi vẫn là sự tạm thời thì ngày càng tiến đến gần hơn với nguồn gốc vô hình của căn bệnh. Nhưng dù cho sự điều trị của ông ta có thể là tinh tế, nhưng nếu ông ta lại nhận thức các hiện tượng là chia tách khỏi bản chất, tinh túy thuần tịnh của nó, thì khả năng giúp đỡ người bệnh của ông ta sẽ bị giới hạn.

Người bác sỹ có kinh nghiệm sẽ nhận ra rằng, một cách cơ bản thì mọi nguyên tố đều có sự phụ thuộc, tương hỗ qua lại lẫn nhau. Bởi vì mỗi một nguyên tố lại vốn có sẵn 4 nguyên tố khác ở trong nó, và những sự kết hợp của các nguyên tố thì khác nhau và chúng liên tục thay đổi tùy theo nghiệp quả nên khí chất, căn cơ và thể trạng của con người cũng liên tục thay đổi. Kết quả là phương pháp điều trị y khoa thích hợp để đối trị lại với căn bệnh bằng cách điều chỉnh, cân bằng lại những mất cân bằng trong các nguyên tố là quan điểm tinh tế nhất. Để làm được điều này, thì năm nguyên tố được kết hợp trong nhiều phạm trù chữa trị khác nhau, tùy vào những hệ thống y khoa khác nhau.

Vì những nguyên tố có phụ thuộc, tương hỗ qua lại lẫn nhau nên chúng có thể được xem như bị chia tách khi chỉ trong những trường hợp áp dụng cụ thể dành cho những tác động cụ thể. Hiệu lực của những sự chia tách này tùy thuộc vào khả năng và năng lực của người bác sỹ khi nhận ra những nguyên tố bất tịnh nào trong bệnh nhân bị suy giảm và cần được bổ trợ để nó tăng lên, hay những nguyên tố nào trong bệnh nhân lại quá dư thừa tới mức cần phải giảm bớt chúng đi, và làm cách nào để áp dụng phương pháp điều trị để nó được đạt tới những cấp độ tinh tế nhất cho việc phục hồi lại sự cân bằng.

Trong cách này, đôi khi là thích hợp khi sử dụng một nguyên tố để làm tăng cường chính nó, như dùng lửa với lửa khi các nguyên tố nhiệt vi tế hơn của bệnh nhân bị suy giảm. Trong những trường hợp khác, thì một nguyên tố lại được sử dụng để trung hòa, vô hiệu hóa một nguyên tố khác, như dùng lửa với nước khi những nguyên tố nhiệt vi tế hơn của bệnh nhân bị tăng lên. Một người bị bệnh sốt do hỏa đại thì có thể được chữa trị bằng ngũ cốc hoặc những loại thảo dược được sinh trưởng trong vùng khí hậu mát mẻ; một người bị bệnh hàn do thủy đại thì có thể được chữa trị bằng ngũ cốc hoặc các loại thảo dược được sinh trưởng trong vùng khí hậu ấm áp.

Khả năng tương thích và những ảnh hưởng của các nguyên tố thường phụ thuộc vào sự vi tế của những trường hợp áp dụng. Chẳng hạn, lửa không phải lúc nào cũng là kẻ thù của nước. Khi nước được đun nóng bởi lửa thì hơi nước có thể là kết quả nhẹ và tinh khiết hơn nước ban đầu, và hơn nữa nó còn mát hơn lửa ban đầu nữa. Với những sự mất cân bằng nhất định thì hơi nước vi tế hơn này có thể thích hợp hơn khi sử dụng một cách riêng biệt so với các nguyên tố gốc kia (lửa và nước ban đầu).Trong cùng cách như vậy thì những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của các nguyên tố tùy thuộc vào sự vi tế khi sử dụng chúng. Một số loại thuốc khi dùng quá liều lại trở thành những chất độc; Một số chất độc khi dùng với liều lượng nhỏ lại trở thành những loại dược liệu. Khi dùng quá nhiều thuốc hạ sốt có thể dẫn đến những bệnh hàn; Khi dùng quá nhiều insulin cho bệnh tiểu đường có thể gây choáng và sốc. Có đôi khi hai chất độc được kết hợp lại cùng nhau sẽ hình thành nên một chất độc khác, nhưng cũng có trường hợp hai chất độc kết hợp lại cùng nhau sẽ lại tạo thành một loại dược liệu, nhưng những phẩm chất tích cực và tiêu cực của các nguyên tố được dùng trong những phương pháp trị liệu y khoa cần phải luôn luôn được cân bằng.

Tiềm năng của tâm bình phàm để hiểu được các nguyên tố thanh tịnh khác nhau thì phụ thuộc vào nghiệp, do vậy những khái niệm, ý niệm về thanh tịnh và bất tịnh sẽ khác biệt ở mỗi người. Nhiều loại ruồi và côn trùng bị thu hút tới mủ trong khi những người thông minh lại nghĩ mủ là nước bị nhiễm trùng. Người ta tin rằng máu thì tinh khiết hơn mủ. Những hành giả có thể nghiệm thì chứng ngộ, nhận ra rằng nguyên tố gốc bên trong của cả máu và mủ đều là nước, và nước này trở thành cam lồ trí tuệ nhờ nhận thức thanh tịnh do sự thực hành của họ.

Người bác sỹ thông thường không hiểu được bản chất, tinh túy vô hình của các nguyên tố thì vốn sẵn có bên trong các nguyên tố vật chất, do vậy họ không biết làm cách nào để cân bằng và tịnh hóa các nguyên tố bất tịnh. Vì thế, ông ta không thể chữa được cho một nguyên tố suy giảm hay một nguyên tố tăng trưởng một cách thích hợp, ngoài ra ông ta còn có thể làm tổn hại tới các nguyên tố khác do kê đơn sai cách chữa trị. Chẳng hạn, khi một người có nhóm máu hiếm gặp bị bệnh thì một bác sỹ thông chỉ có thể đề nghị cho truyền dịch và cố tìm nhóm máu đặc biệt đó để tiến hành thay máu như thường lệ. Ông ta kỳ vọng một phản ứng trông thấy được tức thì hơn là một tiến trình chậm hơn của việc đặt nguyên tố nước thích hợp để phục hồi sự cân bằng của các nguyên tố thô nhờ sự hiểu biết về bản chất thanh tịnh của máu.

Nhưng dù cho là máu được gia tăng nhờ các loại thực phẩm tự nhiên hay các loại thuốc chứa các nguyên tố nước, hoặc thông qua quá trình truyền máu gồm nguyên tố nước ở trong thì nếu người bác sỹ là một người theo chủ nghĩa đoạn kiến, hư vô và chỉ tin vào vật chất, thì khi các nguyên tố hữu hình từ phương pháp trị liệu của ông bị cạn kiệt, khi nhóm máu thích hợp cho quá trình truyền máu không sẵn có thì khả năng giúp đỡ bệnh nhân của ông ta cũng cạn kiệt theo và căn bệnh sẽ tái phát. Các nguyên tố thô của bệnh nhân sau đó sẽ trở nên yếu đi vì lo lắng, vì vậy người bác sĩ có thể không còn giúp gì được nữa. Nhưng nếu người bác sĩ hiểu và tin vào bản chất, tinh túy trí tuệ vô hình của các nguyên tố thì ông ta có thể giúp bệnh nhân của mình bằng những phương pháp vi tế và làm họ thoải mái, dễ chịu nhờ niềm tin và cái hiểu này, như vậy, sự cân bằng tự nhiên của các nguyên tố trong người bệnh có thể được phục hồi, và căn bệnh của họ có thể được chữa lành.

Các nguyên tố thì tỏa khắp trên mọi hiện tượng, và vì tâm thức lại tỏa khắp trên mọi nguyên tố nên, nếu một bác sĩ nói với một bệnh nhân rằng ông có một khối u ung thư thì người bệnh nhân có thể sẽ tập trung sự sợ hãi trên khối u và khiến nó phát triển lớn thêm nữa. Sự tập trung này bắt nguồn từ nguyên tố lửa vi tế của nỗi sợ hãi và lo lắng từ người bệnh, và điều này khiến sự phát triển của bệnh tật lại tăng lên do khía cạnh thiêu đốt, hủy hoại của nguyên tố lửa. Nếu người bác sỹ có thể hiểu được các nguyên tố vô hình thì ông ta có thể phục hồi được sự cân bằng tự nhiên cho các nguyên tố ở trong tâm thức người bệnh nhờ sự cân bằng tự nhiên các nguyên tố trong chính tâm thức thấu suốt, hiểu biết của ông ta (người bác sỹ).Và sau đó, người bác sỹ có thể an ủi và động viên người bệnh nhân hãy tập trung một cách tích cực và làm tan biến khối u nhờ sự quán tưởng cùng thiền định. Thậm chí, nếu do nghiệp mà người bệnh nhân này chết đi, thì sự tập trung tích cực này cũng vẫn là một lợi ích cho họ vì họ sẽ không còn bất kỳ bệnh ung thư hay mầm mống của bệnh ung thư mới nào trong các kiếp tái sinh sau này nữa.

Theo hệ thống Mật thừa (Tantric), thì những hoàn cảnh gốc của việc sinh ra được tạo ra bởi những mối nối kết, liên hệ nghiệp; những hoàn cảnh phụ trợ là tinh trùng của người cha và trứng của người mẹ. Sự tái sinh xảy ra khi những điều trên tụ hội lại cùng nhau trong sự thiếu vắng khí bất tịnh. Nhờ năng lượng gió nghiệp, mà tinh trùng và trứng hợp nhất, rồi hình thành nên bào thai. Năng lượng của thân xuất hiện từ năng lượng gió nghiệp, khởi nguồn và tăng trưởng từ trung tâm rốn của bào thai. Nhờ năng lượng này, bào thai trở nên thon dài và dãn ra. Sau đó năng lượng vi tế của toàn bộ thân thể cô đặc lại từ gốc rốn để hình thành nên những sợi dây thần kinh cùng các mạch máu. Cuối cùng, những kinh mạch sinh lực trung tâm mở rộng từ luân xa cổ họng để hình thành luân xa đầu Đại Lạc. Tổng cộng lại thì sự hình thành của thân phát triển và trưởng thành trong thai tạng tử cung mất khoảng 38 tuần nhờ vào năng lượng gió nghiệp.

Sự tăng trưởng của xương, tủy và não xuất hiện chủ yếu từ ảnh hưởng của tinh trùng người cha, trong khi sự tăng trưởng của thịt và máu lại xuất hiện chủ yếu từ ảnh hưởng của trứng người mẹ. Phần cứng chắc của thân như thịt và xương xuất hiện chủ yếu từ những tính chất của địa đại, và khi chúng tăng trưởng, chúng sinh ra lỗ mũi và khứu giác. Những phần chất lỏng của thân như máu xuất hiện chủ yếu từ những tính chất của thủy đại, và khi chúng tăng trưởng, chúng sinh ra lưỡi và vị giác. Sức nóng và sắc tố da của thân xuất hiện chủ yếu từ những tính chất của hỏa đại, và khi chúng tăng trưởng, chúng sinh ra mắt và thị giác. Hơi thở của thân xuất hiện chủ yếu từ những tính chất của phong đại, và khi chúng tăng trưởng, chúng sinh ra sự cảm thọ toàn thân và xúc giác. Khoảng không (hư không) kết nối những nguyên tố bên ngoài và bên trong, và sự nâng đỡ, hỗ trợ cho sự sống xuất hiện chủ yếu từ những tính chất của không đại, khi chúng tăng trưởng, chúng sinh ra lỗ tai và thính giác.

Không có địa đại thì không có nền tảng cho sự chống đỡ; Không có thủy đại thì không có nền tảng cho sự thu thập và hội tụ; Không có hỏa đại thì không có nền tảng cho sự chín mùi và thuần thục; Không có phong đại thì không có nền tảng cho sự tăng trưởng; Không có không đại thì không có cánh cửa mở ra sự rộng mở. Do vậy, mọi hoàn cảnh, điều kiện gốc và phụ trợ cùng kết hợp cho kết quả là sự sinh ra.

Một đứa trẻ khi sinh ra với các nguyên tố được cân bằng thì đứa trẻ ấy sẽ có một tâm thức cân bằng. Nếu lúc sinh ra, các nguyên tố của đứa trẻ không được cân bằng thì kết quả có thể là chứng tăng động hysteria. Những mất cân bằng có thể bị gây ra bởi các nguyên tố thiếu trọn vẹn bên trong các hoàn cảnh phụ trợ là tinh trùng người cha và trứng người mẹ. Tuy nhiên, đôi khi có những đứa trẻ được sinh ra bởi những bậc cha mẹ lành lặn, trọn vẹn mà chúng vẫn bị mắc chứng tăng động hysteria. Trong trường hợp này thì nguồn gốc thật sự của chứng tăng động hysteria lại không phải đến từ những thân vật lý của cha mẹ trong đời này mà là do những nguyên tố vô hình vi tế từ năng lượng nghiệp quả trong hoàn cảnh gốc của đứa trẻ từ những kiếp trước.

Nói chung thì những mất cân bằng giữa các nguyên tố tạo nên chứng tăng động hysteria có thể bị gây ra bởi nhiều hoàn cảnh bên ngoài khác nhau như gia đình, công việc, danh vọng, quyền lực, Giáo Pháp và các thể chế chính trị… Những hoàn cảnh bên ngoài này là nguồn gốc của sự quá chán nản hay quá phấn khích… – những điều sẽ quay ngược trở lại gây ra sự sụp đổ tinh thần, cùng sự thất vọng, yếu đuối và chán nản. Mỗi khi các nguyên tố riêng bên trong của tâm thức bị phụ thuộc vào các nguyên tố chung bên ngoài thì tâm thức sẽ trở nên yếu đuối và dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các nguyên tố chung bên ngoài. Khi các hoàn cảnh bên ngoài xuất hiện một cách tạm thời là tồi tệ, là xấu, thì nó sẽ gây ra sự trầm cảm, căng thẳng vượt mức, và các nguyên tố bên trong của tâm thức trở nên bị kích động và mất đi sức mạnh của chúng. Sự kích động này gây ra sự mất ổn định các nguyên tố bên trong và nó để lại một tâm thức mong manh như ngọn lửa xanh dương của cây đèn lập lòe sắp cạn dầu. Trong điều kiện này, tâm thức không thể rộng mở giữa các nguyên tố cân bằng của sự thong dong, tĩnh tại. Khi các hoàn cảnh bên ngoài xuất hiện một cách tạm thời là tốt đẹp, thì nó gây ra sự phấn khích thái quá, các nguyên tố bên trong của tâm thức trở nên bị kích động và tràn ngập sức mạnh, và nó làm cho năng lượng của tâm thức bị tăng vọt, vượt ra khỏi tầm kiểm soát giống như nước bị đè nén dưới áp lực, bắn tung tóe ra khỏi một đường ống không bịt nắp. Tất cả các kinh mạch trong thân bị đầy tràn và năng lượng không thể được giữ lại trong các nguyên tố cân bằng của sự thong dong, tĩnh tại.

Một cách cụ thể hơn thì chứng tăng động hysteria có thể được gây ra bởi những bậc cha mẹ hay thầy, cô giáo khắt khe, cứng nhắc với những truyền thống, gia phong nghiêm khắc, đó là những người thực sự không hiểu được tính chất thanh nhẹ của năng lượng trẻ thơ, do đó, họ điều khiển và tính toán, sắp đặt cho các bé theo những nguyên tố đến từ năng lượng trưởng thành, nặng nề của riêng họ. Vì những thùng chứa của tâm thức trẻ em không thể hấp thụ và tiếp thu tất cả những nguyên tố năng lượng khác biệt này nên chúng trở nên thất vọng và sợ hãi, và ở giữa sự sợ hãi, thất vọng thì phát sinh chủng tử (hạt giống) của chứng tăng động hysteria được gieo trồng. Khi những đứa trẻ này trưởng thành, thì chúng vẫn còn sót lại những thất vọng và sợ hãi này, và chúng trở thành bệnh tăng động hysteria do tâm thức căng thẳng này. Sự giải trí, vui chơi thoải mái, dễ chịu là phương thuốc hóa giải cho căn bệnh tăng động hysteria này.

Khi các nguyên tố của hai người là không trọn vẹn và tâm thức của họ không hợp nhau thì chứng hysteria có thể nảy sinh. Theo những người đoạn kiến, hư vô (chủ nghĩa duy vật) thì những người nam và những người nữ đến với nhau như là kết quả của sự trùng hợp ngẫu nhiên.Còn theo Phật giáo thì, những người nam và những người nữ đến với nhau như là kết quả của sự chín muồi nghiệp quả vốn nằm sẵn tiềm ẩn trong các nguyên tố bên trong của họ, và họ đến với nhau trong tình yêu khi tất cả những nguyên tố thô và vi tế riêng của từng người bổ sung, hỗ trợ qua lại cho nhau. Khi họ hợp nhất trong tình dục và các nguyên tố vi tế của họ bổ sung được trọn vẹn thì họ tạo ra các nguyên tố trọn vẹn thô và ở trong đỉnh điểm của sự cực khoái. Nếu các nguyên tố vi tế của họ là tương thích lẫn nhau thì họ có thể làm lợi ích cho người khác nhờ mối nối kết bên ngoài nhờ các nguyên tố thô, và mối nối kết này có thể khiến cho các nguyên tố bên trong nhẹ và sáng hơn của họ cũng được nối kết. Nhưng nếu các nguyên tố của họ trở nên không tương thích do sự thay đổi, suy giảm hay mâu thuẫn lẫn nhau thì họ sẽ không còn bất kỳ nối kết đời sống hay sự thoải mái, sẻ chia nào giữa họ nữa, và điều này có thể tạo ra chứng hysteria.

Hysteria cũng bị gây ra bởi việc quá nhiều vọng tưởng và bám chấp vào tất cả những đối tượng cùng tri thức ở mọi mặt. Vì tất cả vật chất đều vô thường nên trong khi một đối tượng được đạt tới thì một đối tượng khác lại bị mất đi, và ở giữa sự được và mất này thì năng lượng của tâm thức không bao giờ được giữ lại và được kiểm soát ở trong tâm. Tâm thức của dạng hysteria này bị tản mạn ở khắp mọi nơi, và nó luôn cố gắng để đạt tới điều gì đó.

Do sự liên hệ liên tục với những cái bên ngoài gây ra sự hỗn loạn nên đôi khi sẽ là hữu ích cho những người mắc chứng hysteria này nếu họ ở trong bóng tối, trong sự tĩnh lặng, hay trong những nơi chốn tĩnh mịch, yên lặng, họ nên hạn chế nói chuyện, nghe nhạc và ca hát. Những bậc cha mẹ, thầy cô hay các bác sỹ muốn giúp họ bằng những phương tiện thiện xảo thì nên cố gắng cân bằng và sắp xếp ổn định lại năng lượng bên trong của họ mà không sử dụng sự ép buộc hay vũ lực.

Một nguyên nhân khác của hysteria là sự tranh đấu. Có vô số không thể tính đếm những nhà khoa học, triết gia, học giả, nghệ sĩ và những đối tượng khác có mục tiêu tận cùng là phát minh, sáng chế ra cái gì đó mới mẻ. Vì đang phải chạy đua để tạo ra phát minh, sáng chế tốt nhất nên có sự cạnh tranh liên tục không ngừng nghỉ ở trong họ, và sự căng thẳng này gây ra hysteria. Phương thuốc hóa giải cho điều này thì cũng là hãy cố gắng cân bằng và sắp xếp ổn định lại các năng lượng bên trong của họ mà không dùng đến sự ép buộc hay vũ lực.

Hysteria có thể cũng bị gây ra bởi sự phấn đấu, nỗ lực sau cái vi tế vật chất. Như các nhà khoa học, triết gia, học giả, nghệ sĩ hay những thiền giả, nếu không sử dụng các nguyên tố thanh tịnh của mình với sự thực hành trí tuệ thì chúng ta có thể thấy rằng chúng ta sử dụng tâm trí của mình trong một cách thông minh vi tế, và chúng ta đang ngày càng đi vào sâu hơn, ngày càng đang tìm kiếm những nguyên tố vi tế nhất và tốt nhất trong vật chất. do con đường bình phàm này mà chúng ta trở nên bị mắc bẫy trong vật chất hoàn hảo, và tâm thức chúng ta có thể không bao giờ tìm thấy khoảng không, không gian để đi vượt lên vào cái phi vật chất. Khi không ý thức về tinh túy, bản chất thanh tịnh của các nguyên tố và khi không có không gian, khoảng không để thư giãn, thì các nguyên tố vi tế bên trong của chúng ta trở nên bị tắc nghẽn, rồi chúng bị mất đi năng lực của mình và khiến chúng ta thất vọng. Và rồi giống như phong đại bên ngoài trở nên hỗn loạn từ nhiệt lượng của mặt trời, nó khiến cho những đám mây tích tụ lại và làm mưa đổ xuống, thì cũng vậy, chúng ta đồng hóa và đè nén những cảm xúc của mình một cách vô thức, chúng ta làm cô đặc lại những nguyên tố vi tế bên trong từ sinh lực sống của mình, chúng ta khiến chúng trở nên bị nhồi nhét, chật chội và không ngừng va đập vào nhau, rồi chúng chuyển động một cách hỗn loạn và kích động, rồi chúng nối kết với các nguyên tố bên ngoài của thân ở tim và tạo ra tâm thủy (nước tim) và làm bùng nổ những biểu hiện cuồng loạn.

Bất kể nguồn gốc của nó là gì thì sự hỗn loạn nguyên tố vi tế sẽ khiến cho những sợi dây thân kinh, mạch máu và hơi thở nguyên tố thô bên trong của chúng ta trở thành không ổn định, và nó sẽ thúc ép chúng ta phải phụ thuộc vào các nguyên tố thô bên ngoài của mình. Những nguyên tố thô bên ngoài này có sức mạnh và năng lực lừa gạt chúng ta khi những nguyên tố vi tế bên trong của tâm thức chúng ta trở nên bị suy yếu, giống như hỏa đại của mặt trời có sức mạnh và năng lực khiến chúng ta bị ảo giác nếu các nguyên tố vi tế của chúng ta không đủ mạnh. Sau đó thì năng lượng loạn động của hoạt động và lời nói từ thân thể chúng ta sẽ trở nên cuồng loạn như tâm trí của chúng ta. Vì nó bị tắc nghẽn và bị đè nén dưới áp lực mạnh hơn nên năng lượng hỗn loạn của những chứng bệnh cuồng loạn hysteria này lại mạnh hơn chứng hysteria của những người khác. Kết quả là chúng có thể tạo ra và tiêu diệt nhiều thứ, và chúng có thể gây đau đớn, tổn hại hoặc lợi ích tùy thuộc vào việc chúng có được ở trong các nguyên tố trọn vẹn, bù trừ qua lại cho nhau hay không.

Một dấu hiệu bên ngoài của bệnh hysteria là dây thần kinh phải hoạt động liên tục. Điều này có thể dẫn đến những nguy cơ có hại. Khi chúng ta với tay lấy một chiếc ly thì nó bị vỡ; Khi nấu nướng thì chúng ta bị bỏng hay tự cắt vào tay mình; Khi đi bộ thì chúng ta bị vấp ngã; Khi ở cùng với mọi người thì chúng ta dễ dàng trở nên buồn chán; Khi nói chuyện thì chúng ta lại bị buột miệng nói ra những điều không nên nói; Khi nằm xuống ngủ thì chúng ta lại không thể ngủ được; Khi ngủ thì chúng ta lại có những giấc mơ lộn xộn và đáng sợ; Khi nghĩ thì niệm trước chưa dứt mà niệm kế tiếp của chúng ta đã khởi lên…

Chứng Hysteria có thể cũng sản sinh ra những loại bệnh lý bên ngoài đặc biệt, bởi vì những ý niệm thì vốn bất khả phân với gió nghiệp – điều bao gồm tất cả các nguyên tố.

Với những người căng thẳng, không có một tâm trí được nghỉ ngơi, thanh thản thì họ có ý niệm chuyển động liên tục. Hoạt động dai dẳng liên tục này làm phát sinh ra nhiệt lượng – cái dễ nhận thấy là tinh túy, bản chất của hỏa đại. Lửa và Gió được kết nối với nhau nhờ những tính chất vi tế tương đồng của chúng. Với tâm thức bình phàm thì hỏa đại vi tế thì dễ nhận thấy và có chất thể hơn phong đại vi tế. Sự kết hợp của Gió và Lửa này khiến cho các nguyên tố xuất hiện trong hình thức thô được tăng lên, hòa trộn với địa đại và thủy đại. Ví dụ, nếu thông qua nghiệp, năm nguyên tố (ngũ đại) không được cân bằng một cách hài hòa và ổn định trong thân thể, và thủy đại cùng địa đại ở một trong những giác quan thân thể bị suy giảm thì sau đó hỏa đại và phong đại sẽ trở nên bị kích động bởi những ý niệm cuồng loạn của tâm thức, và sự kích thích các nguyên tố thô do sự chuyển động mãnh liệt, nóng nảy của tâm bên trong gió nghiệp có thể làm nảy sinh các loại bệnh như đau nhức, viêm loét và ung thư.

Chừng nào tâm thức bình phàm của chúng ta còn bị che chướng và mất quân bình thì chừng đó chúng ta sẽ còn tiếp tục bị cuồng loạn do những ý niệm nguyên tố bất tịnh của mình. Vì tâm thức bình phàm của chúng ta liên tục cần một đối tượng nên chúng ta không bao giờ chấp nhận rằng Tâm Trí Tuệ đi vượt lên khỏi những ý niệm.

Chúng ta bị che chướng bởi sự vô minh liên hệ tới địa đại nặng nề này. Kế đó chúng ta lại muốn biết điều gì đó về những ý niệm này; và sự khát khao và cái muốn này thì liên hệ tới thủy đại. Tiếp đó, do chúng ta không có một quan điểm trí tuệ nên chúng ta không thể tìm thấy bất cứ điều gì và chúng ta trở nên giận dữ, thất vọng và ganh tị, chúng ta không biết nơi đâu để dừng chân, nghỉ ngơi. Sự giận dữ và kiêu mạn này thì liên hệ tới phong đại và hỏa đại.

Nếu chúng ta cuồng loạn và kích động thì chúng ta không thể tìm thấy tinh túy, bản chất bí mật thanh tịnh bao la bất tận của các nguyên tố, bất kể dù cho chúng ta có liên tục và thường xuyên cố gắng đi tìm. Chúng ta trở nên ngày càng bị chia tách và mắc kẹt ở nơi không có không gian, không có sự ngơi nghỉ, thanh thản và không có niềm tin nào vào không gian bao la bất tận vượt lên khỏi ý niệm này. Vì các nguyên tố thô và vi tế liên tục phụ thuộc vào nhau nên chúng ta bị tái sinh vào cùng những thân thể nguyên tố thô hỗn loạn này với cùng những tâm thức nguyên tố vi tế loạn động. Khi những hoàn cảnh loạn động từ những kiếp trước của chúng ta được tạo ra chủ yếu bởi hỏa đại và phong đại thông qua những hiện tượng tiêu cực, thì chúng ta sẽ nối kết với những hiện tượng tiêu cực mới trong kiếp sống tiếp theo của mình và chúng ta sẽ trở nên ngày càng cuồng loạn, kích động hơn với sự giận dữ, sân hận mãnh liệt hơn (tính chất hỏa đại) cùng sự thất vọng hão huyền, hư ảo hơn (tính chất phong đại – phần mở ngoặc này là chú thích của người dịch nhằm làm rõ nghĩa vì bản gốc tiếng Anh dùng từ “airy” – hão huyền, hư ảo nhưng cũng bắt nguồn từ chữ “air” – gió, phong đại). Khi những hoàn cảnh loạn động từ những kiếp trước của chúng ta được tạo ra chủ yếu bởi hỏa đại và phong đại thông qua những hiện tượng tích cực thì chúng ta sẽ nối kết với những hiện tượng tích cực mới trong kiếp sống tiếp theo của mình, và chúng ta trở nên ngày càng cuồng loạn, kích động hơn với sự phấn khích, kích động ào ạt như nước hơn hơn (tính chất thủy đại).

Nước thì cũng giống như Lửa, đôi khi là tích cực và đôi khi lại là tiêu cực. Để được trợ giúp thì người mắc chứng hysteria cần phải được cách ly khỏi tâm thức tích cực, hưng phấn, phấn chấn thái quá của mình hay họ cần phải được cách ly khỏi tâm thức tiêu cực, chán nản và phiền não thái quá của họ cho đến khi nào họ đạt được một tâm thức cân bằng tự nhiên. Những nguyên tố gây ra sự hưng phấn hay phiền não này cần phải được tìm ra. Dù cho nó có bắt nguồn từ sự khao khát, ham muốn của thủy đại hay sự giận dữ, sân hận của hỏa đại thì liệu pháp chữa trị còn tùy thuộc vào những điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt của từng cá nhân. Ví dụ, nếu nguyên tố lửa (hỏa đại) là dễ nhận thấy trong một bệnh nhân thì người bác sĩ tâm lý có kinh nghiệm có thể tạo ra một nguyên tố nước (thủy đại) dễ nhận thấy như một phương cách đối trị. Nếu bệnh nhân giận dữ, thì ông ta có thể tạo ra một bầu không khí tĩnh lặng, điềm đạm để xoa dịu cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân đang che dấu một vấn đề đằng sau một vẻ ngoài bình lặng thì người bác sỹ có thể tạo ra một bầu không khí mãnh liệt, sôi nổi để lôi sự giận dữ, sân hận thật sự của người bệnh ra. Nhờ thấu hiểu sự biểu lộ từ các nguyên tố của người bệnh mà nhà trị liệu tâm lý có thể chuyển hóa họ nhằm tạo ra sự cân bằng cần thiết. Nếu nhà trị liệu không thể hiểu được bản tánh của các nguyên tố được dung chứa bên trong sự biểu lộ tâm trạng của bệnh nhân thì ông ta chỉ giống như một người trông trẻ, đưa cho bệnh nhân những loại đồ chơi để tạm thời xoa dịu cho họ.

Những bác sỹ kinh nghiệm đều hiểu rằng cách tốt nhất để cân bằng các nguyên tố là nhờ vào các dược liệu tinh tế thích hợp như sự quán tưởng, các bài tập thở yoga và thiền định. Thiền định hay quán sát tâm thì đặc biệt hiệu quả trong việc làm giảm đi cơn đau và chữa lành bệnh tật. Nhờ quán sát mà nền tảng của cơn đau cùng bệnh tật được tan biến, vì cơn đau và bệnh tật đều là ý niệm và chúng đều nằm bên trong các nguyên tố thô. Nhờ sự quán sát này mà các nguyên tố thô tan biến vào các nguyên tố vi tế, và các nguyên tố vi tế trở nên ngày càng sáng và nhẹ hơn cho tới khi tất cả chỉ còn lại không gian tịnh quang sáng tỏ cùng năm nguyên tố (ngũ đại) tỏa khắp, khó nhận thấy và bất khả phân vượt lên khỏi bất kỳ ý niệm nào của bệnh tật hay đau đớn. Và rồi, Tâm Hư Không Sáng Tỏ Vô Ngã, cái vốn cân bằng tự nhiên từ khởi thủy sẽ được tự do, giải thoát khỏi mọi khác biệt, tương phản giữa các nguyên tố thanh tịnh và bất tịnh.

Đức Dungse Thinley Norbu Rinpoche

Trích: Vũ Điệu Huyền Diệu – Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung