Phương pháp bảy nhân duyên |

Phương pháp bảy nhân duyên

Bồ Đề Tâm Thực hành

Trước khi áp dụng phương pháp trên, chúng ta cần phát triển tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, bằng cách coi mọi người đều ngang hàng với mình. Để có thể đạt được như vậy, ta cần hiểu biết về các vọng tâm thay đổi bất thường. Không những chúng ta phải ráng vượt qua những tâm bất thiện như giận ghét, ta còn phải ráng xả bỏ những tâm ràng buộc với người ta thương.

Dĩ nhiên, trong sự ràng buộc với người thương, đó cũng là sự gần gũi thân mật, lòng yêu mến và từ bi bác ái, nhưng thường những tình cảm đó đưa tới sự ham muốn. Vì sao ta lại như thế, đó là chuyện hiển nhiên: khi ta liên hệ và thấy ràng buộc nhiều với một người nào, thì ta thường rất đa cảm, đôi khi có những tình cảm cực đoan.

Khi người đó làm chuyện gì trái với kỳ vọng của ta, nhiều phần ta đau khổ nhiều hơn là khi một người không thân thiết với ta làm chuyện đó. Điều này chứng tỏ chúng ta bị ràng buộc khá nhiều rồi. Trong phép tu tập nói trên, chúng ta ráng giữ cho sự ràng buộc ở mức bình thường, để cho sự gần gũi được trong sáng và không vướng vào tham dục.

Điểm then chốt của sự thực tập tâm bình đẳng là phải vượt qua những tình cảm có tính cách phân biệt mà chúng ta thường có với người khác, tùy theo họ gần cận hay xa cách mà ta có những tình cảm khác nhau. Thật sự là khi bị ràng buộc, cái nhìn của chúng ta bị giới hạn, ta không còn nhận thức được trong bình diện rộng rãi nữa.

Mới đây tôi tham dự một hội nghị về Khoa học và Tôn giáo tại Argentina (Nam Mỹ), một khoa học gia đã nêu lên một điểm mà tôi cho là rất đúng. Đó là ông Mathurena, bậc thầy của nhà khoa học về sinh học thần kinh Francisco Varela mà tôi đã quen từ lâu. Mathurena nói rằng điều quan trọng cho các khoa học gia là họ phải sử dụng các nguyên tắc nghiên cứu nhưng đừng bị vướng mắc vào lĩnh vực mình nghiên cứu.

Vì sự ràng buộc có hiệu quả tiêu cực, nó che mờ và làm cho cái nhìn của ta hẹp lại. Tôi hoàn toàn đồng ý. Vậy nên trong khi thực hành tâm bình đẳng, chúng ta phải ráng vượt qua những tình cảm phân biệt, để có thể đối xử đồng đều với mọi chuyện, liên quan tới bất cứ người nào.

Tôi muốn thêm là trong bình diện này, tôi rất tán thưởng chuyện người Tây phương thường nhấn mạnh tới yếu tố khách quan, ít nhất là trong lĩnh vực tri thức. Tuy nhiên, tôi cũng thấy những trái ngược khá lớn lao ở đây. Khi nói chuyện với các chuyên viên ở ngành khác nhau bên Tây phương, tôi thấy họ đa số bị ràng buộc rất nhiều vào nghề nghiệp của họ.

Ta có thể thấy rằng nhiều người đầu tư rất nhiều vào nghề nghiệp họ đã chọn, nên họ tự đồng hóa với chuyên môn của họ tới nỗi họ tưởng như loại công việc họ làm chính là sinh khí của cả nhân loại, nếu nó suy thoái thì cả thế giới sẽ đau khổ. Tôi thấy như vậy không tốt.

Chuyện này tôi thấy nó cũng giống như lời kể của Tsongkhapa: “Có người kia nhặt một hạt thóc lên quan sát rất kỹ, đã đi tới kết luận là tất cả thóc lúa của thế giới đều giống như vậy”. Ngoài ra còn một số các chuyên viên bị vướng mắc vào các quan niệm rất chật hẹp của họ. Có lẽ, đó là hai điểm trái ngược nhau trong tinh thần Tây phương.

Khi thực tập phát triển tâm bình đẳng, đôi khi chúng ta dùng phương pháp hình dung cũng có lợi. Tỷ dụ bạn hình dung ra 3 người trước mặt bạn: một người rất thân thiết, người thứ hai là kẻ thù bạn chẳng ưa chút nào và người thứ ba bạn không yêu cũng không ghét. Rồi để coi tình cảm tự nhiên khởi lên trong bạn ra sao. Bạn sẽ nhận thấy là đối với người thân, có nhiều vướng mắc, trong khi đối với người bạn không ưa thì có tâm giận ghét, xa cách và đối với “người dưng” kia thì bạn không có tình cảm chi mấy.

Tới đây bạn hãy lý luận với chính mình: “Vì sao mà ta lại có những tình cảm khác nhau đối với mấy người đó? Vì sao ta thấy mình ràng buộc như thế với người ta thương?”. Bạn sẽ có thể bắt đầu nhìn thấy căn bản của những vướng mắc nơi bạn: người bạn thân thương vì họ đã làm chuyện này chuyện nọ cho bạn v.v. Nhưng nếu bạn tự hỏi xem những tính chất ấy có trưởng cửu không, người đó có luôn luôn như vậy không, thì bạn sẽ thấy ngay là không phải lúc nào nó cũng như thế.

Người này đang là bằng hữu, mai mốt có thể thành kẻ thù. Đây là chuyện rất thật trong đạo Bụt, nếu ta kể tới nhiều kiếp sống khác nhau. Người rất thân của bạn kiếp này có thể đã là kẻ thù của bạn trong kiếp khác. Trong bối cảnh này, ta thấy không có cơ sở vững chắc cho những tình cảm ràng buộc hay chi khác.

Cũng vậy, bạn hãy quan sát người mà bạn không ưa, và tự hỏi “Vì sao mà ta có những tình cảm tiêu cực như thế đối với người này?”. Có thể cũng tại vì người đó đã gây chuyện với bạn. Nhưng nếu bạn tự hỏi coi người kia muốn làm kẻ thù của bạn suốt đời chăng, và bạn xét tới những kiếp khác nữa, thì có thể bạn cũng thấy người đó kiếp trước có khi rất thân cận với bạn, họ chỉ là kẻ thù trong thời gian ngắn này mà thôi.

Bạn sẽ thấy không có căn bản hợp lý nào để mà ta giận ghét cùng cực một ai.

Cuối cùng, hãy coi người đứng giữa mà bạn cảm thấy thờ ơ. Nếu ta hỏi cùng câu hỏi trên, bạn sẽ thấy tuy người này không có liên hệ gì mấy với ta trong hiện tại, nhưng có thể họ đã là người quan trọng với ta trong các kiếp khác, hoặc trong tương lai của ngay kiếp này. Khi hình dung như vậy, ta sẽ làm quân bình được các tình cảm cực đoan đối với các loại người, để có thể thiết lập một căn bản vững chắc cho sự thân cận một cách phải chăng với họ.

Gyaltsap Rinpoche đã giải thích điểm này bằng cách so sánh tâm bình đẳng với một thửa đất phì nhiêu và bằng phẳng. Khi bạn cày bừa mảnh đất đó, tưới nó bằng tình thương rồi thì bạn có thể trồng những hạt giống từ bi trong đó. Nếu bạn tiếp tục nuôi dưỡng các mầm non của Tâm Bồ Đề, khuynh hướng vị tha sẽ lớn lên một cách tự nhiên. Tôi cho đây là một ẩn dụ rất đẹp.

Nếu chúng ta quán tưởng theo những hàng chữ này, đặt câu hỏi về những khía cạnh khác nhau của tình cảm, ta sẽ thấy rằng những xúc động thái quá ta dành cho người khác, cùng những hành động khởi từ tâm trạng xôn xao đó có thể đều kém khôn ngoan.

Đức Dalai Lama thứ 14

Việt dịch: Chân Huyền

Trích: Chuyển hóa tâm (Phát khởi tâm Từ Bi) – Nhà xuất bản Thorsons

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung