Những trở ngại khi thiền tập |

Những trở ngại khi thiền tập

Kim cương thừa Thực hành

Kinh điển Phật giáo đề cập tới 4 loại trở ngại chính một thiền giả phải vượt qua để đi tới mức thành công. Thứ nhất là các vọng tâm hay những ý tưởng tán loạn khởi lên trên bình diện thô thiển của tâm thức làm cho ta không thể định tâm được. Loại thứ hai là sự buồn chán, hôn trầm khiến cho thiền giả ngủ gục. Loại thứ ba là sự buông lung, giải đãi, tâm ta không giữ được sự tinh tường sáng sủa. Cuối cùng, vi tế hơn, đó là sự lăng xăng, khích động bắt nguồn từ bản chất dễ lay động của tâm.

Khi tâm chúng ta quá lanh lợi, ta dễ bị bồn chồn lo lắng và bị khích động vì ý nghĩ đuổi theo bao nhiêu đối tượng khác nhau – làm cho tâm ta khi hứng khởi lúc chán nản. Nhiều khuấy động quá dẫn ta tới đủ loại tâm trạng và cảm xúc khác nhau.

Ngược lại, sự buông lung mang lại tinh thần chậm rãi, khá dễ chịu vì ta được nghỉ ngơi. Nhưng nó cũng là một chướng ngại cho thiền tập. Tôi nhận thấy chim muông và súc vật khi được ăn no thì chúng tỏ ra rất thoải mái. Nghe con mèo kêu rù rù, ta có thể biết là nó đang được dễ chịu lắm.

Tâm tư buồn chán nổi lên khi sự buông lung nhập vào tới các từng lớp vi tế trong tâm. Thiền giả thường khó mà phân biệt được tình trạng an lạc khi nhập thiền với sự buông lung dễ chịu, vì trong trường hợp sau này, ta vẫn còn chút sáng suốt. Bạn không mất khả năng tập trung vào thiền quán nhưng cũng không có sự tỉnh thức. Lúc đó dù bạn có thể nhận thức một cách sáng suốt nhưng tâm trí bạn không bén nhạy và sống động. Đối với một thiền giả nghiêm chỉnh, họ cần phân biệt được thế nào là thoải mái do buông lung và thế nào là an lạc do thiền định.

Trở ngại khác mà ta nói tới là sự tán loạn hay lãng trí ta thường gặp mỗi khi muốn chú tâm vào một đối tượng. Ta nhận ra là tâm ta rất mau mất khả năng chú ý vào một chuyện, và nó thường bị các ý nghĩ, hồi ức dễ chịu hay khó chịu lôi đi khiến cho ta lãng trí, không còn tập trung được nữa.

Chướng ngại thứ tư là tâm bị khích động, cũng là một sự sao lãng tập trung, nhưng nó thường liên quan tới những đối tượng làm cho ta thích thú. Đây là những tư tưởng hay làm cho thiền giả bị thất niệm nhất trong khi thiền tập. Có thể đó là các hồi ức về những chuyện vui chúng ta đã được thưởng thức, hoặc chúng ta đang muốn thực hiện. Những kỉ niệm hay tưởng tượng loại này thường là những yếu tố quan trọng làm cho ta không thành công trong thiền quán.

Trong 4 loại trở ngại của thiền tập, hai loại chính là sự tán loạn và buông lung. Chúng ta phải đối phó với 4 thứ chướng ngại này ra sao?

Tâm buồn chán hôn trầm thường liên quan tới tình trạng sức khỏe của cơ thể, như thiếu ngủ chẳng hạn thường làm cho chúng ta hôn trầm. Khi ăn uống không thích hợp với tình trạng cơ thể hoặc ăn nhiều quá, ta cũng dễ bị buồn nản. Đó là lý do khiến các vị tăng sĩ trong tu viện Phật giáo thường được khuyên không nên ăn quá ngọ (sau bữa trưa). Giữ giới này, các tăng ni có thể giữ được đầu óc tỉnh táo phần nào khi hành thiền, và tâm trí cũng sáng suốt hơn khi thức dậy buổi sớm hôm sau. Thói quen ăn uống đúng phép có ảnh hưởng rất tốt để chống lại sự hôn trầm, buồn nản.

Đối với tâm buông lung giải đãi, người ta cho rằng sở dĩ thiền giả bị như vậy vì họ thiếu năng lượng khi hành thiền, khiến cho họ không giữ được tỉnh thức. Khi gặp chướng ngại này, ta cần làm sao để cho tinh thần được phấn chấn. Một trong các phương cách tốt nhất là ta nên nuôi dưỡng sự lạc quan vui vẻ khi nghĩ tới những thành quả của các việc thiện ta đã làm được trong đời v.v… Đó là một thứ đối trị được với tâm buông lung giải đãi.

Người ta hay coi sự buông lung giải đãi là tình trạng bình thường, trung tính của tâm trí, nghĩa là không thiện và cũng không bất thiện. Nó không làm phát khởi tâm thiện hay bất thiện trong ta lúc đó. Nhưng lúc mới thiền tập, ta phải nên khởi đầu bằng cách giữ cho tâm hướng vào một đối tượng tích cực – thí dụ như chú tâm vào vô thường chẳng hạn.

Sự tán loạn khởi lên khi tâm ta bị kích thích nhiều quá. Đối lại chuyện này, ta tìm cách hạ bớt các yếu tố kích thích xuống. Một phương pháp là quán chiếu về những tư tưởng làm cho tâm trí ta trầm lại – như quán về cái chết, cái khổ và sự vô thường của đời sống.

Những phép hành thiền kể trên có thể được dùng trong các tôn giáo lớn, dĩ nhiên tùy vào bối cảnh của từng môn phái. Tỷ như trong các tôn giáo hữu thần, một thiền giả khi bị buồn chán hoặc buông lung quá, họ có thể nâng cao tinh thần lên bằng cách quán tưởng về ơn sủng của Thượng Đế, về lòng bác ái vĩ đại của ngài. Những ý tưởng này có thể mang lại cho bạn hạnh phúc, niềm vui và giúp bạn đỡ bị hôn trầm, giải đãi. Ngược lại khi bị khích động quá, bạn nên thiền quán về những lần bạn đã sống không thích hợp với lời răn của Thượng Đế, hoặc quán về tội tổ tông, thì tâm bạn sẽ bình lặng trở lại, đỡ bị kích thích quá đáng. Như vậy, chúng ta có thể sử dụng thiền quán trong nhiều tôn giáo khác nhau. Tóm lại, chúng ta đã biết muốn đối trị với 4 trở ngại của thiền tập, đặc biệt với hai cái chính là sự tán loạn và giải đãi, ta cần áp dụng một cách khôn khéo hài khả năng của tâm trí: tỉnh thức và tự kỷ (biết tự xét mình).

Qua sự hiểu biết chính mình, chúng ta phát triển được khả năng cảnh giác, tự nhận ra được tâm ta lúc nào bị kích thích, khi nào đang buông lung, hoặc khi nào ta đang vô tình hay cố ý để tâm rơi vào hôn trầm, buồn nản.

Một khi ta nhận diện được tình trạng tâm thần của mình rồi, thì chánh niệm (sự tỉnh thức, có ý thức về những gì đang xảy ra trong tâm và bên ngoài) sẽ giúp ta trở về chú tâm tới đối tượng ta muốn quán chiếu.

Ta có thể nói Chánh niệm là yếu tố căn bản của thiền quán. Dù cho bạn hành thiền theo phương pháp nào, điều quan trọng nhất vẫn là chuyện giữ chánh niệm liên tục và luôn luôn cố gắng làm chuyện đó không ngừng nghỉ. Đừng hy vọng đạt được kết quả sau khi hành thiền một thời gian ngắn, đó là chuyện không thực tế. Thiền đòi hỏi sự cố gắng liên tục và lâu dài.

Dù cho ta dùng các từ ngữ về thiền hay không, thiền quán phân tích thực ra đang được áp dụng trong hầu hết các nghề nghiệp chuyên môn, trong đời sống hàng ngày. Tỷ dụ một doanh gia, muốn thành công, ông ta phải có khả năng nhận biết một cách sắc bén những gì tốt, những gì xấu cho công việc. Như thế, người đó dù có ý thức hay không, ông/bà ấy cũng dùng các phép phân tích mà chúng tôi dùng trong thiền quán. Nói chung, tôi có thể nói là phép Thiền Quán hay Thiền Minh Sát có hiệu quá lớn hơn trong việc chuyển hóa tâm.

Đức Dalai Lama thứ 14

Nguyên tác: Transforming The Mind (Teaching on Generating Compassion)
Anh Ngữ: Geshe Thupten Jinpa
Việt Ngữ: Chân Huyền dịch

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung