Những lợi lạc của Tâm Bồ Đề |

Những lợi lạc của Tâm Bồ Đề

Bồ Đề Tâm Thực hành

Lợi ích của phát Bồ đề tâm là gì? Có thí dụ, nếu biết một món ăn ngon nào đó, thì chắc chắn ta sẽ làm sao để được thưởng thức món ăn đó. Cũng tương tự, khi hiểu được sự tuyệt vời của Bồ đề tâm, chúng ta sẽ ra công làm sao để tìm học phương pháp, rồi huân tập phát huy.

Điều lợi lạc ngay tức thời của phát Bồ đề tâm là trong dòng chảy tâm thức của chúng ta đã lập tức nhập vào dòng chảy của Phật pháp Đại thừa, xứng đáng danh hiệu Bồ tát, con của chư Phật. Không cần ta phải thế nào, ăn mặc ra sao, quyền uy giàu có, thấy được cõi vô hình hay có năng lực thần bí gì gì chăng nữa…; một khi phát Bồ đề tâm là đã trở thành Bồ Tát; những khía cạnh khác không cần bàn tới nữa. Nếu không có Bồ đề tâm thì không phải Bồ tát. Cho dù chúng sanh đó có Bồ đề tâm mà phải đọa thân súc sinh cũng được chư Phật tôn trọng là Bồ tát.

Chư Tôn Đức trưởng lão của Tiểu thừa đã thành tựu vô số những chứng đắc tuyệt diệu, nhưng về bản chất, vẫn thua một người dù chỉ sơ phát Bồ đề tâm. Điều đó tương tự một hoàng tử con vua Chuyển Luân, mặc dù chỉ là một đứa bé sơ sinh chưa có trí tuệ hay quyền uy gì, nhưng thân thế vẫn hơn bất cứ vị học giả hay bộ trưởng nào trên thế giới.

Xét theo lợi ích chung, mọi sự an lạc và thành tựu đều khởi từ Bồ đề tâm. Chư Phật đều từ chư Bồ tát sanh, mà chư Bồ tát do Bồ đề tâm sanh. Do thị hiện của chư Phật và Bồ Tát, những làn sóng năng lượng giác ngộ bao trùm khắp vũ trụ, ảnh hưởng khiến chúng sinh biết tu thiện nghiệp. Thiện nghiệp này mang đến cho chúng sinh lợi lạc và hạnh phúc. Mặt khác, dòng năng lượng giác ngộ hùng vĩ đó phát sinh từ pháp thân của chư Phật, khi chư Phật được sinh ra từ Bồ tát, và Bồ tát thì từ Bồ đề tâm, tức cội nguồn thành tựu và an lạc của chúng sanh trong vũ trụ cũng chính do Bồ đề tâm vậy.

Làm sao để phát Bồ đề tâm

Làm sao để phát Bồ đề tâm? Có hai phương pháp chính:

Thứ nhất là quán sáu nhân và một quả. Tu quán sáu nhân: nhận biết tất cả chúng sanh đều đã có lần làm mẹ chúng ta – tình thương của người mẹ – tư tưởng báo hiếu – khởi tâm thương yêu – từ bi và nguyện gánh trách nhiệm cho thế gian; đưa đến một quả là Bồ đề tâm.

Phương pháp thứ hai là quán chiếu trao đổi trực tiếp, thay vì ái luyến bản thân thì quan tâm đến tha nhân.

Muốn tu tập một trong hai pháp Phát Tâm Bồ đề này, đầu tiên phải phát khởi thấy tất cả chúng sanh đều bình đẳng. Quán từ từ, mới đầu xem một số chúng sanh nào đó, quán họ như người thân, rồi sau quán đến những người ghét, những kẻ thù, sau nữa đến hết những người lạ đều như thế. Cho đến lúc đạt đến sự bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh. Bằng không dù có muốn thiền quán để phát tâm Bồ đề cũng chẳng ảnh hưởng chi! Thí dụ, muốn vẽ một bức tranh trên tường, đầu tiên phải làm sao để mặt tường không còn nứt nẻ hay lồi lõm. Cũng tương tự như thế, không thể đạt tâm Bồ đề viên mãn khi tâm thức còn phân biệt người này bạn, kẻ kia thù hay người nọ xa lạ.

Biểu hiện sự phân biệt

Đối với người chúng ta hay khởi tâm phân biệt, điều này cũng tự nhiên thôi. Khi đã phân biệt, tâm ta thường như thế này: nếu gặp một người, biết người đó là bạn, tự nhiên sự ràng buộc gia tăng, khiến ta cư xử với người đó một cách nồng nhiệt và tốt bụng. Tại sao ta cho người đó là “bạn”? Vì đã có lúc họ đem lợi ích hay đã đồng tình với ta điều gì đó. Ngược lại, khi tiếp xử với người mà ta cho là “kẻ thù”, ác cảm sẽ khởi lên khiến ta đối lại bằng lạnh lùng và giận dữ. Lần nữa, nguyên nhân, là do người đó đã từng gây hại hay khiến ta sợ gì đó. Tương tự, khi gặp người không thiện cảm cũng không phương hại, ta cho rằng đó là “kẻ xa lạ”, và không khởi cảm xúc gì hết.

Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ cách phân biệt đối xử này, sẽ thấy ngay nó hoàn toàn không chắc chút nào. Ngay trong cuộc đời này, con người lắm khi xem bạn như thù, còn kẻ thù thì biến thành bạn. Trong vô lượng kiếp, từ kiếp vô thỉ trôi lăn theo dòng sinh tử đến nay, không có một chúng sinh nào chỉ hoặc là bạn, hoặc là thù của chúng ta.

Người bạn chí thân trong cuộc đời này rất dễ có thể là kẻ thù ghê gớm nhất của ta từ kiếp trước, hoặc ngược lại như thế. Một người bạn chỉ cần cư xử tệ sẽ nhanh chóng trở thành thù, một kẻ thù mà giúp đỡ ta chóng trở thành một người bạn mới. Vậy thì đâu ai là bạn, đâu ai là thù? Thay vì đối với tha nhân chỉ vì một chút lợi hại phù du nào đó, mà ta nên quán rằng tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp quá khứ, thế nào cũng đều đã từng làm khổ, cũng đã từng đem đến hạnh phúc cho ta; và bằng cách đó sẽ giúp ta từ bỏ được tâm phân biệt hẹp hòi như thế.

Nguyên nhân chính của tâm phân biệt bắt nguồn từ ngã ái, luôn nghĩ mình quan trọng hơn kẻ khác. Hậu quả của ngã ái là khởi lên ràng buộc đối với những ai đã từng giúp mình, và ác cảm những ai đã từng làm hại. Từ đó, tạo vô số nghiệp với người thương, kẻ ghét. Như vậy mình lại gây đau khổ cho chính mình và kẻ khác, vừa hiện tại vừa tương lai, cho đến khi chủng tử nghiệp lực này đủ duyên hiện hành, sẽ chín muồi thành quả đau khổ.

Lợi lạc khi thương chúng sanh

Giáo pháp dạy rằng “tất cả hạnh phúc trên thế gian sẽ đến khi ta biết thương chúng sanh, ngược lại sẽ là khổ đau khi ta chỉ biết thương mình”. Vì sao? Vì thương mình tức là muốn mình vượt hơn kẻ khác, thế chẳng trách chung quanh toàn những chuyện giết chóc, cướp giật, bất hòa… Không những tự mình làm mất đi cuộc sống hạnh phúc mà những chủng tử bất thiện ấy còn là nhân dẫn đến tái sinh vào các cảnh giới khổ đau ở kiếp sau: địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh. Chỉ biết đến mình là đầu mối của mọi sự xung đột, từ những đổ vỡ trong gia đình cho đến chiến tranh trên thế giới, và hết thảy những ác nghiệp khác.

Còn thương chúng sanh thì sao? Khi thương chúng sanh, chắc chắn ta sẽ không hại, không giết, đó chính là nhân của sống lâu. Thương chúng sanh, ta mở rộng lòng mình, biết sống cảm thông và khoan dung, độ lượng đó là nghiệp nhân của kiếp sau giàu có, sung túc. Khi thương chúng sanh, thậm chí có ai hãm hại hay làm ta đau khổ, ta vẫn có thể an trú trong tình thương và nhẫn nhục, đó là thiện nghiệp chiêu cảm quả báo được thân tướng tốt đẹp ở mai sau. Nói tóm lại, mọi quả thiện đều từ những nhân thiện thương yêu chúng sanh, chính những nhân tốt ấy sẽ đem đến cho ta niềm vui và hạnh phúc; hơn nữa, cũng chính từ tâm thương chúng sanh đó mà ta đạt được Niết Bàn và Phật quả.

Làm thế nào để đạt Niết Bàn ta phải viên mãn ba môn vô lậu học: Giới – Định – Huệ. Ở đây, Giới quan trọng nhất vì chính Giới là nền tảng để phát triển Định và Huệ. Điểm chính yếu của Giới là để ngăn những hành vi làm tổn hại chúng sanh. Khi đã thương chúng sanh hơn thân mình, ta sẽ thấy trì Giới không còn là điều khó khăn nữa. Khi tâm được an tịnh và hỷ lạc, đó chính là lúc ta bước vào Định và Huệ.

Nhìn theo khía cạnh khác, thương chúng sanh còn là một hướng đi đúng đắn và cao thượng. Trong cuộc đời này mọi việc xảy ra dù trực tiếp hay gián tiếp đều nương vào mối tương quan giúp đỡ của người khác. Ra chợ mua thức ăn từ người khác, quần áo đang mặc, nhà cửa đang sống đều nhờ công lao của người khác… Và để đạt mục đích tối thượng Niết Bàn và Phật quả, hết thảy càng nhờ sự gia trì và giúp đỡ của người khác, không có họ không thể nào thiền quán từ bi tâm, chân thành tâm v.v… và như thế không thể nào khởi phát những chứng nghiệm tâm linh.

Cũng thế, hết thảy giáo lý Thiền Đức Phật đã dạy đều bắt nguồn từ ân chúng sanh. Những gì Ngài dạy chỉ nhằm làm lợi lạc chúng sanh, nếu không có chúng sanh Ngài đã không dạy pháp. Thế nên trong Bồ Tát Hạnh, Ngài Tịch Thiên (Shantideva) luận rằng, trên phương diện Từ Bi chúng sanh đồng với chư Phật. Đôi lúc người ta thường lầm lẫn, chỉ cung kính chư Phật mà ghét bỏ chúng sanh; chúng ta nên tri ân hết thảy chúng sanh như chúng ta đã từng cảm niệm ân đức của chư Phật vậy.

Khi đi tìm hạnh phúc – an lạc, ta sẽ bắt gặp đó chính là sự quan tâm cho toàn thế giới. Nguyên nhân của bao bất hạnh và tan vỡ đều không đâu ngoài thái độ ích kỷ cá nhân.

Trong tiền kiếp Đức Phật từng là một người bình thường như chúng ta. Rồi Ngài đã dừng tâm vị kỷ, chuyển thành tâm phụng sự hết thảy chúng sanh và từ đó Ngài đi vào con đường thành Phật. Do tâm chúng ta còn quá chấp thủ vào luyến ái cá nhân nên đã để lại phía sau chuỗi sinh tử luân hồi, vừa hại mình mà còn hại người.

Một trong những câu chuyện trong kinh Bổn Sanh, kể về tiền thân đức Phật như sau: Có một kiếp Phật từng là một con rùa khổng lồ, khi gặp nạn đắm thuyền rùa đã dùng lưng cứu đưa nạn nhân vào bờ. Đến được bờ rùa bất tỉnh vì quá kiệt sức, lúc đó cả ngàn con kiến kéo đến tấn công. Không lâu sau kiến cắn làm rùa tỉnh lại, nhưng biết rằng nếu bò đi có thể sẽ làm chết vô số sinh linh nên rùa vẫn nằm yên, hiến thân mình làm thức ăn cho các loại côn trùng. Đây là một tấm gương sâu xa về tình thương của đức Phật. Có nhiều chuyện trong Bổn Sanh Truyện tương tự như vậy kể về tiền thân của đức Phật, qua đó ta thấy rõ sự quan trọng của tình thương đối với chúng sanh. Trong sách Chúc Mãn Thọ gồm cả thảy 108 truyện như thế.

Rõ ràng, tâm vị kỷ – chỉ biết thương bản thân là nhân của mọi mối bất toàn, ngược lại phụng sự chúng sanh là nhân của mọi điều hạnh phúc. Những đau khổ của các cảnh giới dù thấp hay cao trong cõi Hữu, những vướng mắc trên đường tu, cho đến những chướng ngại vi tế trước khi đạt Niết Bàn đều do tâm vị kỷ. Trong khi mọi hạnh phúc của đời này cho đến những đời vị lai đều bắt nguồn từ tình thương hết thảy chúng sanh.

Kyabje Ling Rinpoche

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung