Văn hóa Đà Nẵng: Những nét chung riêng |

Văn hóa Đà Nẵng: Những nét chung riêng

Đà Nẵng Ripa Tashi Choeling TU VIỆN

Trong tháng 12/2006, thành phố Đà Nẵng tổ chức 2 hội thảo lớn, một về kinh tế, một về văn hóa (VH) với cùng chủ đề ‘Hội nhập và phát triển’. Hôm qua (15-12), Hội thảo về VH đã được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Bộ VH-TT, các vị lãnh đạo cao nhất của thành phố Đà Nẵng và đông đảo chuyên gia đầu ngành của trung ương và thành phố. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói: ‘Việc tổ chức hội thảo về VH nói lên rằng mỗi vị lãnh đạo, mỗi người dân của thành phố chúng tôi đều trân trọng giá trị VH trong quá trình phát triển’. Hội thảo đã đưa đến cái nhìn sâu sắc về điều mà lâu nay người Đà Nẵng giữ gìn, khẳng định…

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin (VHTT) thành phố Đà Nẵng: Sự giao thoa văn hóa Việt-Chăm

Năm 1888, Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp, và ngay năm sau đó (1889) được người Pháp xếp vào loại thành phố cấp II (như Chợ Lớn-Sài Gòn). Nếu lấy thời điểm trên làm mốc thì đến nay thành phố chúng ta đã 117 tuổi. Tuy nhiên, theo tài liệu sắc phong của làng Thạc Gián thì trước năm 1945, Đà Nẵng vẫn là một tổng, sau đó lên thị xã, rồi thành phố như ngày nay, là nơi tập trung dân cư của nhiều vùng quê trong cả nước, nhất là Thanh Hóa và Nghệ An. Nếu xét theo tiến trình lịch sử dân tộc, Đà Nẵng ra đời từ sớm hơn rất nhiều, khi còn thuộc đạo Hóa Châu dưới triều Lê Thánh Tông. Theo tài liệu còn lưu giữ tại làng Đà Sơn, (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), lúc bấy giờ từng đoàn người tiên phong mở đất đã định cư trên mảnh đất này đến nay vừa tròn 700 năm. Năm Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh Tông ra sắc dụ lập đạo Thừa Tuyên Quảng Nam, là đạo thứ 13, đến nay cũng đã vừa tròn 535 năm. Phải chăng VH Đà Nẵng bắt nguồn từ sự ảnh hưởng, giao thoa VH Việt-Chăm, có nguồn gốc từ VH Đông Sơn-Sa Huỳnh…để từ đó tạo nên một ngữ điệu, tính cách của con người Đà Nẵng, con người đất Quảng?

PGS-TS Trương Quốc Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia:Không thể tách rời văn hóa Đà Nẵng khỏi văn hóa Quảng Nam

Chúng tôi đã trăn trở tìm tòi, thử phân tích bản chất VH phi vật thể Đà Nẵng. Và chúng tôi nhận ra rằng không thể tách rời VH Đà Nẵng khỏi VH Quảng Nam, VH xứ Quảng. Cách đây 5 thế kỷ rưỡi, Quảng Nam đã là một trung tâm kinh tế, chính trị lớn của nước Đại Việt. Những người sống trên mảnh đất này đã giao hòa, cùng chung sống, cùng chống lại thiên tai, địch họa, hình thành nên một quần cư lớn. Nền VH xứ Quảng là tinh hoa của quần cư đó…Sau khi chia tách, nhiều người nghĩ rằng kho tàng VH nằm hết ở Quảng Nam, còn Đà Nẵng chẳng sở hữu gì cả. Thực ra, khi xét dưới góc nhìn VH, điều này không đúng. Cái ranh giới hành chính được tạo ra giữa 2 địa phương, đôi khi không phải là ranh giới về VH. Công dân của thành phố Đà Nẵng vẫn không thấy mình xa cách về ngữ điệu, về tính cách, về tư duy với người anh em Quảng Nam. Và tôi xin lưu ý một điều khá thú vị mà chúng ta đều biết, là hầu hết các công chức ở Tam Kỳ đều có gia đình ở Đà Nẵng. Từ nhận thức đó, tôi cho rằng, kho tàng VH mà người Đà Nẵng sở hữu không thể chỉ giới hạn trong không gian hành chính của thành phố này. Tuy nhiên, ngày nay Đà Nẵng cũng không thể tự hài lòng với những gì mình đang có. Thành phố cần có những thiết chế VH (bảo tàng, nhà hát, khuôn viên…) mới đáp ứng được đòi hỏi của xã hội.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng: Đà Nẵng không phải là một vùng văn hóa(?)

Đà Nẵng, theo gốc tiếng Chăm nghĩa là cửa sông lớn, sông lớn-là một vùng đất không có địa giới rõ ràng…Từ khi trở thành nhượng địa (1888) đến Cách mạng Tháng Tám, Đà Nẵng được 57 năm tồn tại. Đây là khoảng thời gian quá ngắn cho sự tích tụ, bồi lắng để hình thành nên VH Đà Nẵng. Điều cần thấy rõ, sự hình thành VH Đà Nẵng trong điều kiện thành phố nhượng địa phụ thuộc rất lớn vào chính sách cai trị của thực dân. Chính sách bòn rút của Pháp đã không thể tạo nên diện mạo kinh tế khả quan cho thành phố Đà Nẵng. Cùng với đó, thực dân đã thực hiện ở đây một chính sách ngu dân, kìm hãm VH: đến năm 1945 chưa có trường trung học; không có bất cứ tờ báo nào (Huỳnh Thúc Kháng lúc đầu định lập báo Tiếng Dân ở Đà Nẵng sau phải đặt trụ sở ở Huế); không có nhà hát lớn, chỉ có rạp Hòa Bình nhỏ bé, quê mùa do tư nhân xây dựng… Có lẽ, dấu ấn quan trọng nhất về văn hóa mà người Pháp để lại cho Đà Nẵng là Bảo tàng Điêu khắc Chăm (xây dựng năm 1915, hoàn thành năm 1930); ngòai ra, cũng có thể kế thêm Trung tâm Văn hóa Pháp, tức Thư viện Tổng hợp ngày nay. Rõ ràng, nhà cầm quyền thực dân đã không quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa, không tổ chức các hoạt động văn hóa ở Đà Nẵng. Vì sao lại có tình trạng trên? Có thể có rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi cho nguyên nhân quan trọng là do nơi đây khởi phát và diễn ra các cuộc đấu tranh chống Pháp ác liệt, lại cũng đồng thời tiếp thu nhanh chóng những tư tưởng tiến bộ. Thực dân lo sợ người dân nơi đây chống lại, vì thế phải thực hiện chính sách ngu dân hà khắc… Từ thực tế nêu trên, vấn đề cần được xem xét một cách khoa học và thực tiễn khi xây dựng khái niệm văn hóa Đà Nẵng. Nếu Đà Nẵng chưa phải là một vùng văn hóa được xác định dựa trên những đặc trưng riêng biệt, thì nó chỉ có thể là một phần của vùng văn hóa rộng lớn và bao quát hơn. Từ đó, tôi cho rằng, văn hóa Đà Nẵng là một bộ phận của văn hóa Quảng Nam – điều này không cần phải chứng minh!

GS Hoàng Chương – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc: Đà Nẵng giàu sắc thái riêng và tiềm năng

Tôi không đồng ý với anh An (Ông Nguyễn Đình An – PV) về việc Đà Nẵng không phải là một vùng văn hóa. Không gian, dân cư, địa thế, cảnh quan…. của Đà nẵng là riêng. Từ đó, văn hóa Đà Nẵng cũng có những sắc thái riêng mà không nơi đâu có được. Nghệ thuật tuồng là ví dụ rất điển hình. Loại hình nghệ thuật đặc sắc này không chỉ là sản phẩm, là món ăn tinh thần cực kỳ đặc sắc của người Đà Nẵng mà còn có sức sống mãnh liệt, vươn xa vào Nam, ra Bắc, vào tận cung đình Huế. Hay như con sông Hàn. Mỗi khi ngắm con sông Hàn tôi thường nghĩ tới sông Seine của Pháp, sông Thames của Anh, sông hàn của Hàn Quốc… Sự thơ mộng, quyến rũ của sông Hàn hiếm nơi đâu có được. Khi chúng ta xác định, Đà Nẵng là một vùng văn hóa riêng, thì chúng ta cũng nghĩ đến những việc cần làm để vùng văn hóa này thực sự đặc sắc và nổi bật. Điều tôi cảm nhận ở Đà Nẵng chính là, thành phố này rất có tiềm năng văn hóa nhưng lại không phát huy hết tiềm năng vốn có của nó. Ví như thiết chế văn hóa, chúng ta đang thiếu rất nhiều nhưng xây dựng mới vẫn chưa thực sự phù hợp. Theo tôi, ga hàng không, ga đường sắt, bến cảng… tất cả những địa điểm quan trọng và rất văn hóa đó cần được đưa vào một chiến lược phát triển văn hóa lâu dài, mang những sắc thái riêng của Đà Nẵng.

PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa – thông tin: Đà Nẵng – nơi tiếp xúc của văn hóa biển và văn hóa lục địa

Có thể nói, văn hóa miền Trung trong 500 năm trở lại đây là văn hóa ‘động’. Đặc điểm này càng nổi bật vào thời kỳ cận – hiện đại, khi nhân dân miền Trung liên tục vùng lên chống giặc ngoại xâm. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc diễn ra rất mạnh mẽ, quyết liệt nhằm chống lại nền văn hóa thực dân, suy đồi, mất gốc. Chúng ta có thể nhận thấy điều này ở các di sản văn hóa thế giới: Huế, Mỹ Sơn, Hội An và phong tục, lễ hội, tín ngưỡng, ca dao, dân ca… Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng như một lát cắt điển hình để chúng ta có thể nhận diện nhiều loại hình văn hóa hay một cấu trúc văn hóa Việt Nam có tính hoàn chỉnh: văn hóa núi rừng, văn hóa nương rẫy, văn hóa ruộng đồng, văn hóa biển… Với đặc điểm vươn ra đại dương, Đà Nẵng là cánh cửa tiếp nhận sự giao lưu văn hóa đa dạng, phong phú, thực sự có cọ xát, va đập từ nhiều nền văn hóa Đông và Tây, văn hóa sa đảo. Sau quá trình như vậy, sự tiếp nhận có gạn lọc các giá trị tinh hoa của văn hóa bên ngoài với một thái độ khoan dung, sự cộng sinh, cộng hưởng của những yếu tố ngoại sinh và yếu tố nội sinh, văn hóa Đà Nẵng mang trong mình những dấu ấn đậm nét của văn hóa Ấn Độ thông qua văn hóa Champa, văn hóa Trung Hoa đến từ nhiều nẻo đường, văn hóa Nhật Bản, văn hóa phương Tây và văn hóa của cư dân các tộc người tiền trú. Những yếu tố này đã làm nên yếu tố đặc thù của văn hóa Đà Nẵng trong đối sánh với nơi khác, như sự đối sánh với văn hóa Huế là điều dễ nhận thấy nhất.

(Nguyễn Lê)

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung