Giáo lý vô song của dòng truyền thừa Nyingma |

Giáo lý vô song của dòng truyền thừa Nyingma

Lịch sử dòng truyền thừa

Nyingma, trường phái Cổ Mật, phân loại toàn bộ giáo lý đạo Phật thành chín thừa (Theg Pa dGu). Gồm ba thừa giáo điển – Shravakayana (Thanh Văn Thừa), Pratyebuddhayana (Độc Giác Thừa), và Mahayana (Đại Thừa) – là chung cho mọi trường phái, nhưng sự giải thích về chúng có phần khác biệt từ phái này sang phái khác. Giáo lý của ba tantra ngoại (Phyi rGyud sDe gSum) cũng ít nhiều tương tự với ba của bốn phân chia Tantric (rGyud sDe bZhi) của Tân Mật. Nhưng các kinh điển và nguồn của ba tantra nội (Nang rGyud sDe gSum) – Mahayoga, Anuyoga, và Atiyoga – lại khác với ba phân chia nhỏ của Anuttaratantra (rNal ‘Byor Bla Med rGyud): tanra cha, mẹ, và bất nhị của phái Tân Mật. Theo phái Nyingma, giáo lý của ba tantra nội được hiển lộ bởi nhiều vị Phật khác nhau, như đức Phật Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa) và Vajrapani (Kim Cương Thủ) trong tướng Báo Thân (Sambhogakaya), đến các vị đại hiền triết đạo Phật như Vua Ja, Năm Vị Xuất Sắc, và Prahevajra, vào nhiều lúc khác nhau. Những giáo lý này đến qua ba cách trao truyền: tâm giác ngộ (dGongs brGyud), biểu tượng (brDa brGyud), và trao truyền miệng, trái lại theo Tân Mật giáo lý Anuttaratantra do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy trong chính kiếp sống của Ngài.

Trong Nyingma, các tantra ưu việt là Gyuthrul Drawa Sangwa Nyingpo (sGyu ‘Phrul Drva Ba gSang Ba sNying Po), Drubpa Kagye (sGrub Pa bKa’ brGyad), Do Gongpa Dupa (mDo dGongs Pa ‘Dus Pa), và kinh điển Dzogpa Chenpo. Giáo lý của các tantra này tự chúng biểu hiện trong hai phạm trù chính: (1) Nhiều tantra của Nyingma được trao truyền qua dòng truyền không tóm tắt được biết như Kama (bKa’ Ma), Tantra phù hợp với kinh điển. Tất cả bản văn thuộc về phạm trù này vẫn còn tồn tại đều hiện diện trong tuyển tập của Nyingma Gyubum (rNying Ma rGyud ‘Bum) và Kama. (2) Hàng ngàn bộ giáo lý tantric được bảo tồn và trao truyền qua một dòng truyền vắn tắt, hoặc dòng truyền ngắn được biết như dòng truyền Terma, các Kho tàng Giáo Pháp được Chôn dấu và Phát hiện. Đó là những giáo lý được trao truyền và cất dấu trong tánh giác ngộ của tâm những vị đệ tử của Đức Padmasambhava trong thế kỷ thứ chín. Ngày nay chúng vẫn được tiếp tục phát hiện bởi hàng trăm vị Terton (gTer sTon), những Bậc Khai Mật Tạng, là những vị đệ tử của đức Padmasambhava tái sanh. một số bản văn Terma chính này vẫn còn và tìm thấy trong sưu tập của các kho tàng Terma quý báu (Rin Ch’en gTer mDzod).

Mỗi một tantra trong ba tantra nội nhấn mạnh một phương diện thiền quán khác nhau: Mahayoga nhấn mạnh rèn luyện thiền định để phát triển thân tướng vật chất, lời nói diễn tả, và tư duy của hành giả như thân, khẩu, và ý vajra (kim cương) của chư Phật. Anuyoga đi tìm sự viên mãn trí tuệ quang minh bổn nguyên của cực lạc, trong sáng, và thoát khỏi mọi khái niệm bằng cách áp dụng các kinh mạch, năng lượng, và tinh túy của thân vajra hành giả. Trong Atiyoga (Tạng, rDzogs Pa Ch’en Po, Phạn, Mahasandhi, Đại Viên Mãn), bằng cách nhận ra tánh giác nội tại (Rig Pa), Phật tánh, từ tâm, hành giả an trụ trong sự rộng mở của chính giác tánh nội tại tự hiện, không tạo tác và phát sinh.

Sau khi học và phân tích thấu suốt giáo lý, những người đi theo Atiyoga thực hành các giai đoạn rèn luyện tiên quyết một cách dần dần. Khi hành giả sẵn sàng cho Dzogpa Chenpo, vị thầy hướng dẫn họ đến tánh giác nội tại, bản tánh tuyệt đối của tâm. Sau khi nhận ra thật tánh, hành giả thiền định trên nó cho đến khi mọi hoàn cảnh đều trở thành một trong trạng thái nhận biết, và hành giả hòa nhập tất cả vào chân lý phổ quát. Nếu hành giả đã viên mãn nhận biết, thì mọi biểu hiện của đời sống đều trở thành năng lực của giác tánh nội tại (Rig rTsal). Ngài Jigme Tenpa’i Nyima (1865 – 1926) tóm tắt sự thiền định của Dzogpa Chenpo:

Trong Dzogpa Chenpo, từ lúc bắt đầu, hành giả sử dụng giác tánh nội tại như con đường hay chỉ duy trì tánh giác nội tại. Hành giả không được sử dụng khái niệm vì những khái niệm là tâm thức. Hành giả thiền định (trên giác tánh nội tại sau khi) nhận ra tâm từ giác tánh nội tại.

Sự viên mãn nhận biết của Dzogpa Chenpo là sự đạt được trạng thái toàn giác, Phật quả. Trước các bằng chứng nhiều vị thầy Dzogpa Chenpo cho đến giữa thế kỷ này đã đạt được Jalu (‘Ja’ Lus), Thân Cầu Vồng vào lúc họ chết. Trong Jalu, tâm thức và ngay cả thân thô nặng các Ngài đều hòa tan vào giữa ánh sáng không để sót lại bất cứ thứ gì (có khi còn để lại tóc và móng tay, chân). Một số vị thầy Dzogpa Chenpo đạt được Phowa Chenpo (‘Pho Ba Ch’en Po), trong đó các Ngài chuyển hóa thi thể đã chết thành thân ánh sáng vi tế để phục vụ người khác.

Trích trong Hành trình giác ngộ của Đức Tulku Thondup

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung