Đem những chướng ngại vào con đường |

Đem những chướng ngại vào con đường

Kim cương thừa

Để nâng cấp sự tham thiền, chúng ta tu hành năng lực biểu hiện của tâm qua cái được biết là “đem vào con đường”, nghĩa là làm cho những hoàn cảnh khó khăn khác nhau, như những tư tưởng mạnh, những xúc cảm mạnh, hay những trường hợp khó khăn về thể chất thành một phần của sự thực hành. Quan trọng là chúng ta không rơi vào ảnh hưởng của những hoàn cảnh ấy, mà lại dùng chúng để đổ nhiên liệu cho tham thiền của chúng ta. Nếu chúng ta không học đem toàn bộ dãy kinh nghiệm của chúng ta vào con đường, sẽ khó nâng cấp sự thực hành của chúng ta thêm nữa. Sự thực hành này bắt đầu sau khi chúng ta có được kinh nghiệm tốt lành về tâm, tư tưởng, và hiện tướng đồng khởi.

Chính xác thì cái gì được đưa vào con đường? Những tư tưởng rất tầm thường, bao gồm cảm giác về cái được nắm giữ và cái đang nắm giữ, những cái ấy được đem vào con đường. Những tư tưởng như vậy kéo theo một che ám của vô minh căn bản. Chúng ta phải đem chúng vào con đường bởi vì chúng là cái khiến cho chúng ta lún trong đầm lầy sanh tử.

Khi đem chướng ngại vào con đường

Có ba đoạn bàn luận về đem những chướng ngại vào con đường. Cái thứ nhất nói về khi nào thích hợp để đem những chướng ngại vào con đường và hoạt động này thực sự là gì.

Chúng ta làm những thực hành này khi chúng ta trở nên bám luyến vào những hiện tướng trong cuộc sống, khi chúng trở nên rất mạnh mẽ, hay khi chúng ta có một đam mê hay tức giận không thể vượt thắng. Chúng ta cũng làm khi gặp những tình huống cản trở sự tham thiền của chúng ta, như bệnh tật. Để không rơi vào ảnh hưởng của những đối nghịch như vậy, bằng sức mạnh của tham thiền vững chắc chúng ta sử dụng những tình huống đối nghịch ấy, làm chúng thành một phần của con đường chúng ta. Thích hợp khi đi vào hành động như vậy lúc sự tham thiền biểu lộ những dấu hiệu phát triển và chúng ta có phần nào tự tin. Nếu chúng ta làm những hành động này sớm, chúng ta có nguy cơ rơi vào sức mạnh của tám mối quan tâm của thế gian.

Mục tiêu của hành động như vậy là gì? Chúng ta đi vào hành động như vậy để làm vững chắc và sáng tỏ hơn sự thực hành Samadhi.

Có những loại hành động nào? Có những hành động của những tantra cha và của những tantra mẹ. Cũng có một cách đặc biệt được diễn tả bởi dòng thực hành (Kagyu): Nếu chúng ta đi đến một nơi chốn rất dễ chịu và vắng vẻ, chúng ta sẽ không biết samadhi của chúng ta có sức mạnh và kéo dài, mức độ trung thực như thế nào. Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm kiếm những hoàn cảnh đối nghịch, sẽ rõ ràng sự tham thiền của chúng ta có thực sự vững vàng và trong sáng hay không. Thế nên, trong dòng thực hành, sự chỉ dạy là tìm kiếm một chỗ không đáng ưa, như nghĩa địa, hay một nơi rất đông người, nơi đó những phiền não có thể sanh khởi dễ dàng.

Nói chung không có nhiều khác biệt giữa người phương Tây và người phương Đông về sự thực hành Pháp. Nhưng trong thực hành đặc biệt này, đem những hoàn cảnh đối nghịch vào con đường, thì có sự khác biệt. Ở phương Đông có một sợ hãi lớn những ma quỷ xấu ác và những vị thần đầy quyền lực. Người ta mạnh mẽ tin rằng có những vị thần và ma quỷ làm hại ở một số nơi chốn và sợ đến đó. Thế nên ở Tây Tạng nếu những thiền giả muốn biết sự thực hành của mình có tốt hay không, họ đến những chỗ được nói có ma quỷ. Sự thực hành này là đặc biệt cho nhà sư và ni đã thọ giới. Tình huống thì khác ở Mỹ; nhiều người không sống ở đó đã lâu và không tin có ma quỷ ở đó.

Chúng ta thực hành đem kinh nghiệm xúc cảm mạnh mẽ vào con đường khi chúng ta trải nghiệm hạnh phúc hay đau khổ lớn lao. Chẳng hạn ở Mỹ nếu chồng hay vợ của chúng ta bỏ đi theo người khác, chúng ta cảm thấy đau đớn lớn lao – thù hận và ghen tức; hay nếu chúng ta mất việc làm hay không đủ sống, chúng ta có thể cảm thấy khó khăn và đau đớn. Đây là lúc thực hành để thấy chúng ta có thể đem những cảm nhận đau đớn và khó khăn hay những cảm xúc ghen tuông đố kỵ vào con đường hay không.

Làm thế nào để đem chướng ngại vào con đường

Có những lúc chúng ta muốn kiểm tra khả năng làm việc với những xúc cảm sanh khởi trong những tình huống khó khăn. Có lẽ chúng ta đã tham thiền tốt ở một nơi dễ chịu, thanh vắng, phiền não không sanh khởi. Nói chung thế là tốt. Nhưng nếu chúng ta chủ động đi đến một nơi đông đúc và hòa lẫn sự chứng nghiệm với những kinh nghiệm ở đó để thấy xem sự chứng nghiệm có đủ để làm an bình những phiền não của chúng ta hay không. Chúng ta đi đến một nơi nhiều người, nhiều xao lãng và đủ loại chướng ngại, và ở đó chúng ta khai triển sự chứng ngộ hơn nữa.

Sáu thực hành đem những chướng ngại vào con đường

Bản văn diễn tả sáu loại tình huống khác nhau được đem vào con đường. Từ một số quan điểm, những hoàn cảnh này được xem là đối nghịch. Có ba lời dạy quan trọng áp dụng cho cả sáu thực hành này. Thứ nhất chúng ta nhận biết cái đang diễn tiến đến kết quả: chúng ta nhận diện những tư tưởng nhị nguyên hay những hiện tướng sanh khởi từ những hoàn cảnh tốt hay xấu nhưng không rơi vào ảnh hưởng của chúng. Chúng ta nhận diện thích thú mà không bám luyến và nhận diện khó chịu hay đau đớn nhưng không sanh ác cảm hay ý muốn làm hại. Điểm then chốt là chỉ nhận diện hoàn cảnh thích thú hay khó chịu và không lọt vào ảnh hưởng của chúng.

Lời dạy thứ hai là làm sao làm việc với những hoàn cảnh này trong thời kỳ trung gian. Lời dạy là vứt bỏ ý niệm về một tự ngã, để mặc cho qua sự bám chấp thuộc khái niệm và xúc cảm vào cái ta. Bất cứ cái gì đã sanh khởi trong tâm, chúng ta không bám luyến cũng không ác cảm – nghĩ nó là lỗi hay tốt. Thay vì thế, chúng ta chỉ cần ở yên trong tham thiền.

Lời dạy thứ ba là làm sao tiến hành đến kết thúc. Lời dạy là tránh sự hẹp hòi của hy vọng và sợ hãi. Nghĩa là, rất đơn giản, chúng ta không hy vọng điều tốt hay sợ điều đáng sợ sẽ xảy ra. Những hy vọng và sợ hãi như vậy làm giới hạn. Cứ để chúng đi qua và chỉ thư giản. Ba cách này là gốc cho mọi thực hành đem những hoàn cảnh có vẻ đối nghịch vào con đường và chuyển chúng thành những người bạn giúp đỡ chúng ta.

Cái thứ nhất của sáu thực hành đặc biệt là đưa những tư tưởng vào con đường. Bước đầu tiên là nhận biết tư tưởng là tư tưởng. Những tư tưởng khác nhau sanh khởi, và đôi khi chúng ta xem chúng là những chướng ngại cho tham thiền của chúng ta. Chúng có thể xuất hiện mạnh mẽ và sống động. Khi làm, chúng ta áp dụng chánh niệm. Chúng ta cũng có những tư tưởng mà chúng ta nhận thức chúng một cách yếu ớt, và đi với chúng mà không hiểu điều gì đang xảy ra. Bản văn dạy chúng ta không tự cho phép mình bị mang đi xa mà “vắt ép chúng với chánh niệm”. Không cần thiết phải làm quá việc này. Chúng ta chỉ áp dụng chánh niệm và giữ chỗ ngồi của mình thay vì bị đưa đi bởi những tư tưởng.

Khi nhận diện những tư tưởng là những tư tưởng, chúng ta vứt bỏ ý niệm về cái ta. Làm điều này như thế nào? Bản văn đề cập điều này bằng cách nêu ra ba cách làm sai lầm. Lỗi lầm thứ nhất là cố gắng tránh nghĩ hơn là áp dụng tâm ta vào vấn đề. Chúng ta rút tâm mình vào trong và theo đuổi cái vô niệm như là một đối trị cho niệm tưởng; chúng ta cố gắng tham thiền về trí huệ vô niệm. Nhưng đó không phải là cách làm việc với tư tưởng trong kịch bản này. Lỗi lầm thứ hai là phân tích nơi nào tư tưởng sanh khởi, nơi nào nó ở, và nơi nào nó đi, và qua cách làm như vậy, cố gắng xác định cái vốn không có tự tánh. Đó không phải là cách chúng ta làm việc với tư tưởng ở đây. Cái thứ ba là chỉ để cho tư tưởng tự theo ý nó và để nó đi. Chúng ta theo nó, cố gắng tỉnh biết khi nó tiếp diễn. Nhưng không phải như thế. Thay vì thế, lời chỉ dạy được cho ở đây là đã nhận diện được tư tưởng, không xé nó thành từng mảnh nhỏ, mà áp dụng tâm của chúng ta ngay đây. Chúng ta không nghĩ tư tưởng là sai lầm hay sặc sở, thanh hạnh, thư giản, trống trải, và rực rỡ. Chúng ta chỉ duy trì nó đúng như nó là – không chấp trụ theo bất kỳ cách nào. Chúng ta duy trì nó mà không có những ý niệm hay thái độ nào về nó, không bám vào nó. Nếu thực hành theo cách này nó sẽ khởi lên sống động như là tham thiền. Đó gọi là “sanh khởi tư tưởng vào con đường.”

Đôi khi chúng ta có thể sanh khởi tư tưởng vào con đường và đôi khi không. Dầu thành công hay không, hãy cẩn thận chớ qua lại trong hẻm chật của hy vọng làm được và sợ hãi làm không được. Không lo âu hay ngần ngại, chúng ta không tính toán, hình dung, bám chấp. Một khi toàn bộ sự việc đã xong, chúng ta chỉ để nó xong và quên nó. Chúng ta không nghĩ chúng làm tốt hay không tốt; đúng hơn, chúng ta để toàn bộ sự việc tan biến không dấu vết, và rồi đi làm công việc của chúng ta.

Thí dụ này chỉ ra phương thức căn bản để đem những hoàn cảnh đối nghịch vào con đường. Khi chúng ta nhìn năm hoàn cảnh khác, chúng ta sẽ thấy có chút thay đổi trong phương thức, nhưng cái đã được nói, trong bản chất, là cách chúng ta làm việc với tất cả sáu cái.

Thực hành thứ hai nhằm đưa phiền não vào con đường. Thường điều này được nói là “chuyển hóa thuốc độc thành cam lồ chữa bệnh.” Trong thực hành này, chúng ta chuyển hóa cái gì giết hại thành cứu sống. Chúng ta đang nói về chuyển hóa năm phiền não chính tham, sân, si, kiêu căng và đố kỵ thành năm trí huệ: trí huệ như tấm gương (đại viên cảnh trí), trí huệ bình đẳng (bình đẳng tánh trí), trí huệ của tỉnh giác phân biệt (diệu quan sát trí), trí huệ thành tựu tất cả (thành sở tác trí), và trí huệ pháp giới (pháp giới thể tánh trí). Làm thế nào đem những phiền não ấy vào con đường? Phiền não thứ nhất là tham hay bám luyến. Khi tâm bám luyến và mắc kẹt, chúng ta phải nhận biết rằng tham muốn đã sanh khởi. Phiền não thứ hai là tức giận hay gây hấn. Cái này bao gồm một cảm nhận khó chịu khi chúng ta nhìn người nào hay vật gì. Phiền não thứ ba là si hay vô minh. Sự mê mờ này là khi tâm bị chìm trong một loại tối tăm nặng đục. Căn bản, tâm chúng ta đã trở nên mơ hồ và không trong sáng. Quan trọng là nhận biết sự mê mờ khi nó sanh khởi. Cái thứ tư là kiêu căng. Kiêu căng là trở nên bám luyến vào chính mình, nghĩ, “tôi, tôi, tôi.” Chúng ta nghĩ “Tôi” cao hơn những người khác, và chúng ta trở nên cao ngạo. Cái thứ năm là ghen tỵ hay đố kỵ – khó chịu với sự thịnh vượng và hạnh phúc của những người khác. Chúng ta kinh nghiệm một loại cảm giác khó chịu, cứng đầu nào đó và không bằng lòng với may mắn phước đức của người khác. Chúng ta cần nhận biết đố kỵ khi nó sanh khởi.

Thường thì chúng ta không nhận biết những phiền não khi chúng sanh khởi. Khi chúng xuất hiện, chúng ta chớ theo chúng, cố gắng dừng chúng hay phân tích chúng theo ở đâu chúng sanh khởi, ở đâu chúng trụ lại, và ở đâu chúng đi. Chúng ta chỉ nhìn ngay vào chúng. Trong bối cảnh tâm đồng khởi, chúng ta nhìn ở yên trong quang minh và tánh Không của tâm. Tâm thì trong sáng, biết là quang minh, nhưng nó không thể đồng hóa như cái này cái nọ. Dù có thành công trong việc đưa mê lầm vào con đường – chuyển hóa những phiền não thành cam lồ chữa lành – hay không, chúng ta để mặc nó. Chúng ta không hy vọng hay sợ hãi điều gì khác ngoài việc ở yên trong một cách rất thư giản. Bạn có thể thấy rằng cách thực hành với những phiền não thì cùng một phương pháp chúng ta thực hành với tư tưởng.

Thực hành thứ ba nhắm vào đem chư thiên và quỷ thần vào con đường. Ở Á châu nhiều người tin có chư thiên và ma quỷ. Ở Tây phương thì không hoàn toàn như vậy. Người Tây phương có thể nghĩ về hoàn cảnh thứ ba này theo cách: Dù có hay không hoạt động biến hóa của chư thiên và ma quỷ, chúng ta có thể có cảm giác tâm ta buồn bã, sợ hãi, lo âu mà không có lý do gì. Những loại cảm nhận này có thể được xem như những trò biến hóa lừa dối của chư thiên và ma quỷ. Nếu chúng ta có thể nhận diện kinh nghiệm này, lời khuyên ở đây sẽ rất lợi ích.

Bước đầu tiên là nhận biết rằng chúng ta trở nên buồn, thất vọng, sợ hãi, lo âu…Bước kế tiếp là tự giao phó cho sự thực hành đã được diễn tả. Bất kỳ loại trò lừa dối nào đang xảy ra như cảm giác sợ hãi không có nguyên nhân rõ ràng, chúng ta nhìn vào bản tánh của nó, đó là tánh Không quang minh, và rồi để toàn bộ tình huống đi qua. Trước tiên chúng ta nhận biết cái đang xảy ra; thứ hai chúng ta làm việc với nó một cách thích đáng; và thứ ba chúng ta để nó đi không một dấu vết và thư giản.

Sự thực hành đem chư thiên và quỷ thần xấu vào con đường có hiệu quả tốt nhất là nếu chúng ta tin có họ. Sự tin tưởng này khiến sợ hãi sanh khởi. Chúng ta làm bình lặng sự sợ hãi này bằng cách trực tiếp đi vào nó. Như một kết quả, thực hành tham thiền của chúng ta được nâng cấp đáng kể.

Ở Tây Tạng xác chết được quăng trên đất nghĩa địa, tay chân vung vãi. Điều đó có thể gây sợ hãi cho người đi đến đó. Tuy nhiên thiền giả có ý đến những nơi có hồn ma như vậy để thử nghiệm năng lực chứng ngộ của họ. Nếu chúng ta nghĩ không có gì ở đó, chúng ta không cảm thấy sợ hãi, thì cũng chẳng có gì để đem nó vào con đường.

Thực hành thứ tư là đem đau đớn vào con đường. Điều này ám chỉ sự đau đớn tinh thần. Chúng ta vẫn cảm thấy sự đau đớn như vậy làm chúng ta tổn hại, không thể chịu đựng. Sự thực hành ở đây là không rơi vào sự lay động của một trạng thái tâm thức làm cạn kiệt như vậy. Ở đây chúng ta hòa lẫn tâm mình với tự thương xót và nhìn thẳng vào trạng thái chán nản đau buồn này. Khi làm như vậy, chúng ta thấy bản tánh của nó là tánh Không. Nếu chúng ta làm điều này với sự đau đớn của những người khác, sự tham thiền là một cánh cổng để khai triển từ và bi. Nếu làm với sự đau đớn của mình, sự tham thiền cho phép chúng ta nhận biết bản tánh của tâm chúng ta.

Sự thực hành thứ năm là đem bệnh tật vào con đường. Khi bệnh sanh khởi chúng ta nhìn thẳng vào nó. Điều này bao gồm bệnh thân thể và khổ đau trong tâm thức đi kèm. Thông thường chúng ta khỏe mạnh chúng ta có thể tham thiền, và khi bệnh chúng ta không thể. Nhưng có thể thậm chí đem bệnh vào con đường, và khi làm vậy, tăng cường sức mạnh tham thiền của chúng ta. Thường thì khi bệnh, chúng ta trở nên quan tâm suy nghĩ nhiều đến thân thể, đồng thời kinh nghiệm bệnh như cái gì rất làm hại. Nhưng bằng cách tham thiền về thật tánh của tâm, chúng ta có thể nhìn thẳng vào bản tánh sâu xa nhất của bệnh tật. “Loại sự kiện này là gì?” Chúng ta sẽ thấy rằng bản tánh của bệnh chính là cách chúng ta nhìn thấy bản tánh của tâm chúng ta. Tham thiền này không xua đuổi bệnh đi, mà nó làm cho bệnh thành cái gì không làm hại trong cùng một cách. Chúng ta giảm thiểu khả năng của nó đánh vào chúng ta, và như vậy nó không hủy hoại và làm hại.

Chúng ta có thể tự hỏi tại sao những lạt ma chứng ngộ phi thường, Như Gyalwa Karmapa và Dudjom Rinpoche, bị bệnh. Làm sao điều này xảy ra khi các vị thành tựu rất cao như vậy? Khi những vị này có chứng ngộ rất sâu xa, các vị cũng có thân thể bằng xương thịt. Người có thân thể làm bằng xương thịt thì không thể tránh khỏi bệnh. Tuy nhiên, người với chứng ngộ sâu xa không kinh nghiệm bệnh là đau đớn. Chẳng hạn, trong phim Tiếng Rống Sư Tử, Đức Ngài Karmapa cho thấy ngài bị ung thư giai đoạn cuối, nhưng ngài vẫn mỉm cười, cười lớn tiếng, và nói chuyện với mọi người. Người ta hỏi ngài đang thế nào, và ngài trả lời là tốt. Làm sao có thể như thế? Bệnh ảnh hưởng thân thể ngài, nhưng ngài đem nó vào con đường. Ngài nhìn thẳng vào nó và thấy thật tánh của nó. Thế nên ngài không kinh nghiệm nó là khổ đau theo cách người thường.

Rất quan trọng cho chúng ta khi đem được khổ đau và bệnh tật vào con đường; tuy nhiên, rất khó đem bệnh nặng vào con đường lúc mới bắt đầu học. Khi nói về đem bệnh tật vào con đường, guru của tôi nói hãy véo mạnh chính bạn và hỏi, “có đau không?” “có”, rồi ngài nói, “Nó đau. Hãy nhìn thẳng vào cảm giác đau ấy. Nó thế nào? Nó không xấu lắm. Nó giảm bớt. Bạn có thể thực sự nhìn thẳng vào nó.” Điểm then chốt là chúng ta có thể bắt đầu bằng cái nhỏ, hơn là bằng cái đau khổ cùng cực.

Sự thực hành thứ sáu là đưa cái chết vào con đường. Chúng ta rất sợ chết; tâm chúng ta rất rung động khi nó đối diện với sự kiện chết. Ở đây chúng ta nhìn vào chính cái chết và khám phá rằng nó không gì khác hơn là pháp tánh, không gì khác hơn bản thân thực tại và trong thực tại không có sự biến đổi. Không có cái gì hiện hữu trong và từ tự tánh của nó, và bởi thế không có cái gì có thể làm một căn cứ cho đau đớn. Từ quan điểm này chúng ta vượt thắng sợ hãi của chúng ta.

Thực hành chót này cũng bao gồm đem trạng thái trung ấm, hay bardo, vào con đường. Có nhiều trạng thái trung ấm, hay trung gian, nhưng ở đây chúng ta nói về trạng thái trung ấm của pháp tánh, nó là trạng thái trung gian giữa cái chết và tái sanh. Trong cả kinh và tantra, trạng thái trung gian này được gọi là kéo dài bảy ngày, hay đôi khi tới bốn mươi chín ngày. Đó là thời gian giữa bỏ thân cũ và khoác một thân mới. Trong khoảng thời gian này mọi loại mê mờ và những hiện tướng giả tạo xảy ra. Đem bardo vào con đường nghĩa là chúng ta nhận biết những hiện tướng khác nhau trong trung ấm này là ánh sáng và âm thanh của chính pháp tánh. Ở điểm này, sự thực hành bắt đầu bằng cách tự làm quen với ánh sáng và âm thanh của chính pháp tánh đến độ chúng ta có thể thực hành khi chúng ta đi vào trung ấm.

Để minh họa ánh sáng này, chúng ta có thể nhắm rất chặt hai mắt và đè nhẹ lên bên cạnh mắt. Ban đầu chúng ta chỉ thấy tối đen, nhưng rồi một ánh sáng bắt đầu mọc lên, dù mắt vẫn nhắm. Những hình tướng và màu sắc khác nhau xuất hiện trong ánh sáng này. Những hạt nhỏ cũng xuất hiện. Đây thực sự là ánh sáng của chính pháp tánh. Tương tự, nếu chúng ta nghiến răng và rồi dừng lại, chúng ta nghe sự yên lặng, và rồi một âm thanh đều đều: “drrrrr”. Sau một lúc âm thanh trở nên rất vang, nhưng không có nguồn gốc nào từ đó nó phát ra. Đây là âm thanh của pháp tánh. Chúng ta phải nhìn thẳng vào thể tánh của ánh sáng và âm thanh này, và rồi chúng giảm đi. Những kinh nghiệm về ánh sáng và âm thanh như vậy xảy đến trong trạng thái trung ấm. Điểm quan trọng là trở nên quen thuộc với chúng từ bây giờ, đến độ khi chúng ta chết chúng ta có thể làm thực hành này trong trung ấm, đem trạng thái trung ấm này vào con đường.

Đức Khenchen Thrangu Ringpoche

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung