Sự tôn kính |

Sự tôn kính

Kim cương thừa

Tinh túy của mọi hành xử và lễ nghi là sự tôn kính. Thời xưa khi những phẩm chất bên trong thanh tịnh được tôn kính một cách tự nhiên và được xem như là tôn quý nhất thì những người có những phẩm chất này thường được tôn vinh để trở thành những vị hoàng đế, nữ hoàng và thành phần quý tộc nhờ bản chất thuần khiết trong những lễ nghi và hành xử của họ. Sự chính trực tự nhiên của họ được tôn kính bởi những người có tâm thức thanh tịnh để họ có thể duy trì dòng dõi tập quán thanh tịnh này cho nhiều thế hệ, bất kể là những hoàn cảnh của họ có thay đổi như thế nào.

Bản chất cao quý tự nhiên của chúng ta vốn thanh tịnh từ khởi thủy, nhưng trong thời buổi hiện đại này thì các nguyên tố bên trong của chúng ta trở nên bị che chướng và không được tinh lọc một cách tinh tế, vì vậy, chúng ta đã không còn khả năng kết nối với dòng dõi cao quý tự nhiên của mình. Thay vào đó, chúng ta lại bị dính mắc, bám luyến vào những hoàn cảnh thô tháo, vô thường để rồi khi những hoàn cảnh này thay đổi, thì hành vi của chúng ta cũng trở nên thô tháo, kiêu ngạo và thiếu kiên định. Sự cao quý đích thực thì giống như vàng ròng, cái luôn luôn bất biến trước mọi hoàn cảnh. Kể cả nếu bạn có đốt nó thì nó vẫn là vàng ròng; kể cả bạn có cắt gọt nó thì nó cũng vẫn là vàng ròng; và kể cả nếu bạn có nghiền nát nó thì nó cũng vẫn là vàng ròng.

Dù cho được sinh ra trong thành phần quý tộc hay cố gắng để trở thành cao quý nhờ vào tài sản, quyền lực hay thanh thế, thì chúng ta cũng không thể có những tập khí, thói quen cao quý bên trong bất biến thanh tịnh, trừ khi chúng ta đã từng tích lũy chúng từ các kiếp trước. Nếu không có thói quen, tập khí tôn kính sâu sa tới bản chất bất biến thanh tịnh của những hành xử xã hội, mà chúng ta chỉ thích nghi một cách hời hợt, bề nổi bên ngoài với sự biểu lộ thô tháo, vô thường của chúng thì chúng ta đã lạm dụng sai mục đích năng lực và vị thế của mình qua sự thiển cận này, và chúng ta chỉ là những kẻ quý tộc rởm đời, không thực chất.

Ngày nay, những người đến từ các nước nghèo về vật chất thường coi thường điều cao quý vì họ đã liên đới một cách sai lạc bản chất tôn quý đích thực với những hoạt động bất tịnh thô tháo của giới quý tộc rởm đời, lệch lạc. Còn những người đến từ các nước vật chất hùng mạnh thì lại không thể nhận ra những phẩm chất cao quý thực sự, bởi vì với thói quen tâm trí máy móc của thời đại khoa học, họ đã trở nên quá thiếu kiên nhẫn để học hỏi sự tôn kính. Nhưng những người từ tất cả mọi quốc gia đều cố gắng đi tìm kiếm những phẩm chất cao quý như sự trung thực, tử tế, can đảm và hào phóng khi lựa chọn những người lãnh đạo của họ, vì họ hiểu rằng sự tôn kính, trân trọng sẽ tạo ra sự hài hòa và thấu hiểu giữa con người với nhau.

Nếu chúng ta trông dựa vào các nguyên tố thô bất tịnh cùng vật chất thô đặc, trì trệ thì sức mạnh, năng lực bên ngoài của chúng ta có thể được gia tăng, nhưng trong khi đó thì các nguyên tố thanh tịnh bên trong của chúng ta lại bị suy giảm; rồi thì sự tôn kính thực sự sẽ bị mất đi, sự mất cân bằng, hài hòa cùng thô bạo sẽ xuất hiện. Khi có những thói quen, tập khí vật chất thì chúng ta chỉ tôn kính tới những gì mình có thể dùng được trong lúc vẫn còn sử dụng nó. Nếu nhìn thấy những bậc siêu phàm thì chúng ta có thể chỉ tôn kính họ một cách tạm thời mà không thực sự sâu sắc và lâu dài từ sâu thẳm trong tâm mình. Chúng ta không thể hiểu hay được lợi ích từ những phẩm chất tâm linh của các ngài vì chúng ta đã nhìn các ngài từ một quan điểm vật chất theo sự tán thành, hợp lý hóa của riêng mình. Tâm thức chúng ta trở nên ngày càng bị mắc kẹt vào những đối tượng giả ảo, rởm đời, trì trệ và thô tháo từ mối bận tâm, lo lắng của mình, và vì vậy chúng ta không thể kết nối được với bản chất đích thực của mình.

Nhưng nếu mục đích của chúng ta là sự giác ngộ thì chúng ta cần phải tôn kính tới những bậc siêu phàm với những phẩm tánh tâm linh, và chúng ta cần phải nương tựa, trông dựa vào các ngài để làm sắc bén những khả năng của chính chúng ta.

Đứng từ quan điểm thế gian thì mục đích thật sự của việc tôn kính là để chỉ ra rằng văn hóa và truyền thống là quý báu, và để trở nên thông thạo, am tường và đáng được tôn kính thì chúng ta phải nhận ra được những phẩm tính quý báu của chúng. Đứng từ quan điểm Giáo Pháp thì mục đích thực sự của việc tôn kính là để kết nối từ tâm thức tới tâm thức thông qua những phẩm chất thanh tịnh, phi chất thể bên trong nhằm phát triển những phẩm chất thanh tịnh có chất thể bên ngoài, và rồi những phẩm chất thanh tịnh có chất thể bên ngoài này lại tạo ra những phẩm chất thanh tịnh phi chất thể bên trong hơn nữa.

Có nhiều hình thức tôn kính khác nhau nằm trong những cách thể hiện, biểu lộ của thân, khẩu và tâm; nhưng nếu nguồn gốc của sự tôn kính lại không phải đến từ tâm của chúng ta thì rồi, sự biểu lộ và thể hiện sự tôn kính ấy sẽ lại thành ra sai lạc và giả tạo. Đó là lý do tại sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói, “Vạn pháp hiện hữu vốn ở trong tâm một cách tự nhiên. Tâm là nguyên thủy, dẫn đầu và hiện hữu trước những hành động của thân và khẩu. Bất kỳ ai nói và làm với tâm thanh tịnh thì họ sẽ luôn luôn hạnh phúc cũng giống như những chiếc bóng từ những vật thể không bao giờ chia tách khỏi những vật thể – nguồn phát ra chúng”.

Nhiều vị thầy nói rằng chúng ta chỉ có thể tôn kính Pháp với tâm của mình nếu chúng ta cũng tôn kính Pháp với thân và khẩu của mình, nhưng cũng có những người lại chỉ tôn kính Giáo Pháp với thân và khẩu của họ nhưng với tâm của mình, họ lại không tôn kính Giáo Pháp.

Chẳng hạn, khi bậc thầy của chúng ta ở trong phòng thờ và chúng ta quỳ gối trước bàn thờ, nhưng chúng ta lại duỗi chân ra ngay sau khi vị thầy đi ra ngoài để chúng ta lại một mình, thì điều này là bất kính. Khi chúng ta dành toàn tâm toàn ý vào bậc thầy của mình, chúng ta coi ngài như Bậc Minh Sư hay Đấng Tối Linh của mình nhưng sau đó khi nói về ngài với những người khác thì chúng ta lại dùng tên riêng của ngài một cách tùy tiện, thì điều này là bất kính. Hai sự biểu lộ của thân và khẩu này chỉ ra rằng sự bất kính đến từ tâm thức bất tịnh của chúng ta. Ở đâu có sự tôn kính giả tạo, rởm đời thì ở đó không có lễ nghi chân thực cùng sự cao quý thuần khiết.

Để thể hiện sự tôn kính đích thực trong một cách sâu sắc và tinh tế trước sau như một, thì chúng ta cần phải để cho tâm thức mình được thanh tịnh. Sau đó thì sự tôn kính của chúng ta sẽ không còn là sự hai mặt nữa. Luôn luôn là tốt nhất nếu chúng ta khảo sát tâm thức mình trước khi tự động nói rằng chúng ta tôn kính một ai đó, hãy nhớ rằng sự tôn kính thật sự thì luôn bắt nguồn từ tâm. Nếu những truyền thống cố gắng dạy con người ta tôn kính bằng thân và khẩu một cách cứng nhắc mà lại thiếu đi những phương tiện thiện xảo, thì tâm thức chúng ta sẽ trở nên lo sợ rằng mình sẽ không tuân theo được hay sẽ phản bội lại truyền thống. Khi tâm thức chúng ta sợ hãi, lo lắng thì chúng ta có thể phản ứng lại bằng cách trở nên hung dữ, chống đối và không còn tôn kính nữa, bởi vì các nguyên tố thanh nhẹ bên trong chúng ta đã trở nên bị tắc nghẽn. Nếu học được sự tôn kính thiện ý từ bên trong – điều tồn tại trong bản chất thanh nhẹ của các nguyên tố, thì rồi sự biểu lộ bên ngoài từ thân và khẩu của chúng ta sẽ trở nên rộng mở, thanh tịnh và không bị che chướng, rồi sự tôn kính của chúng ta sẽ luôn được liên tục và không ngừng dứt.

Sự tôn kính của người này đôi khi lại là sự bất kính của người khác, và sự bất kính của người khác đôi khi lại là sự tôn kính của người kia. Hình thức giới luật khép kín của một số người là bất kính đối với hình thức phóng khoáng, dí dỏm của những người khác, và ngược lại, có đôi khi phong cách phóng khoáng, dí dỏm của một số người lại là bất kính với phong cách kỷ luật khép kín của một số người.

Vì sự thân mật vốn bắt nguồn từ tình yêu thương và sự tin tưởng nên nếu chúng ta dùng những cách biểu lộ tôn kính theo kiểu trang trọng, hình thức theo cách dành cho những người xa lạ và không quen biết như che dấu và tự tạo khoảng cách cho mình trước những người bạn thân, thì điều này là bất kính với sự tôn kính thân mật. Nếu chúng ta dùng những cách biểu lộ tôn kính thân mật và riêng tư với những người xa lạ, không quen biết ở nơi công cộng, thì đây lại là sự bất kính với sự tôn kính của hình thức trang trọng. Có những sự biểu lộ không phải là bất kính trong sự riêng tư, cá nhân nhưng nó lại là sự bất kính trong một nhóm tập thể. Ví dụ, nếu do thói quen cá nhân của mình, chúng ta nằm xuống và đánh trung tiện (đánh rắm) ở giữa một nhóm người lạ và không hề quen biết, thì đây là điều bất kính và không thích hợp.

Nếu chúng ta thường dùng tiếng lóng thì nó có thể là sự bất kính với phong cách hàn lâm, văn học của những học giả và triết gia; Nếu chúng ta dùng kiểu ngôn ngữ dài dòng, phức tạp thì nó có thể là sự bất kính với ngôn ngữ tự nhiên trần trụi như tấm gương của các bậc thánh. Nếu chúng ta viết vô số những luận giảng, giải thích theo cách phân tích, diễn dịch và tinh vi, trau chuốt, và chúng ta không thể tổng hợp, quy nạp chúng về cái cốt lõi, tinh túy và thiết yếu của chúng, thì đó là bất kính với phong cách của các bậc thánh cùng những triết gia giỏi.

Khi có một ai đó cho chúng ta lời khuyên với ý định tốt thì sẽ là bất kính nếu chúng ta không trả lời là “Tôi hiểu”. Thậm chí nếu đã biết trước được những gì họ đang định nói cho mình mà chúng ta lại nói, “Tôi biết rồi”, thì đó là sự bất kính thay vì nói “Cảm ơn bạn”. Nếu chúng ta dùng sự châm biếm và trào phúng với ý định giúp ích cho những người khác thì dường như nó có vẻ là hơi giống như sự bất kính nhưng thực ra, nó lại là sự tôn kính thực sự. Nếu, với sự tâng bốc mà chúng ta sử dụng lời nói cùng lễ nghi êm dịu cho ý định dành lợi lộc cho bản thân mình, thì dù cho nhìn từ bên ngoài thì điều này có vẻ như là tôn kính, nhưng thực chất thì nó lại là một thủ đoạn bất kính ngầm bên trong.

Nếu chúng ta nói chuyện về Giáo Pháp với những người không có khả năng hay có khao khát hiểu được Pháp, thì điều này là bất kính với Giáo Pháp. Nếu chúng ta dạy Pháp cho những người vốn đã hiểu được điều chúng ta dạy rồi, thì điều này là bất kính với những người chúng ta cố gắng dạy.

Sự tôn kính của một số dân tộc du mục lang thang từ miền Tây Bắc Ấn Độ di cư sang Tây Âu vào thế kỷ 15 dành cho sự thực hành thì trông giống như là bất kính với một số hành giả giới đức nghiêm ngặt. Sự tôn kính Giáo Pháp của một số tu sĩ giới nghiêm vào kỳ nhập thất thì trông giống như là bất kính với một số học giả tôn giáo hay học giả triết học, bởi họ nghĩ người tu sĩ trong thời gian nhập thất là ăn không ngồi rồi và không thực sự làm được cái gì cả. Một số người trong kỳ nhập thất có sự tôn kính tới kỳ nhập thất nhưng họ lại không tôn kính con người hay động vật ở khu nhập thất. Vì vậy, sự tôn kính hay bất kính luôn tùy thuộc vào ý định thanh tịnh của các nguyên tố bên trong.

Nếu là những tu sĩ mà chúng ta lại không có tâm đạo hạnh tự nhiên hay sự nhàm chán, xả bỏ vòng luân hồi sinh tử, thì dù bên ngoài chúng ta có cố gắng giữ gìn những thệ nguyện của mình bằng hành động cụ thể với sự biểu hiện của thân, ngữ để có được sự tôn kính của người khác, thì chúng ta vẫn trở thành những thầy tu trong trường đào tạo quân đội – một sự bất kính với những tu sĩ thanh tịnh.

Nếu không chứng ngộ và nhận ra vị Dakini Trí Tuệ ánh sáng nội tại thanh nhẹ bên trong của chính mình mà chúng ta chỉ tôn kính tới các dakini thô nặng bên ngoài trong khi tự biện minh cho mình bằng hệ thống Mật Thừa (Tantric), thì chúng ta đã trở thành những hành giả yogi kích dục bất kính với các vị hành giả yogi thanh tịnh.

Nếu chúng ta không thực hành Pháp mà chỉ liên tục nói một cách thiếu tín tâm về vị thầy, về những giáo lý của ngài, về những lễ quán đảnh của ngài, về sự thực hành của chúng ta, về những kỳ nhập thất của chúng ta, thì chúng ta đã lên một danh sách mua sắm Giáo Pháp, và rồi tâm thức bất tịnh của chúng ta sẽ trở nên bị táo bón và trĩ Giáo Pháp, điều là sự bất kính tới những hành giả Pháp thực sự và với Giáo Pháp thanh tịnh.

Nếu chúng ta không có sự giác ngộ trong cõi niết bàn cực lạc nhờ sự nhàm mỏi, chán ghét tâm thức luân hồi sinh tử, thì điều này là bất kính với giáo lý Nguyên Thủy Hinayana (Tiểu Thừa). Thậm chí nếu chúng ta có một sự giác ngộ cõi niết bàn cực lạc nhờ sự nhàm mỏi, chán ghét với thái cực khác của tâm thức luân hồi sinh tử, thì điều này vẫn là bất kính với giáo lý Đại Thừa (Mahayana), vì sau đó, chúng ta đã bỏ rơi tất cả chúng sinh trong vòng luân hồi sinh tử để luôn được an trụ trong cõi niết bàn vì lợi ích chỉ cho bản thân mình. Dù cho chúng ta có thể có sự tôn kính dành cho các hệ thống Nguyên Thủy và Đại Thừa nhưng nếu chúng ta vẫn không có các phương tiện thiện xảo để chuyển hóa ngay lập tức các nhân duyên, điều kiện của vòng luân hồi sinh tử thành các nhân duyên, điều kiện của cõi niết bàn, thì điều này là bất kính với hệ thống Kim Cương Thừa.

Bất cứ ai cầu nguyện tới các vị nữ Bổn Tôn như Đức Tara, thì đó là bất kính với hệ thống Nguyên Thủy Hinayana (Tiểu Thừa). Bất cứ ai phân biệt giữa tất cả chúng sinh, dù đó là nam hay nữ, từ những loài côn trùng cho đến con người, mà không thừa nhận Phật tính vốn sẵn của họ, thì đó là bất kính với hệ thống Đại Thừa (Mahayana). Bất cứ ai không chấp nhận rằng Vị Bổn Tôn Trí Tuệ là siêu vượt lên khỏi tâm thức bình phàm của mình và không dâng lên những cúng dường thanh tịnh, thì đó là bất kính với hệ thống Ngoại Mật Thừa Tantric.

Bất cứ ai không hiểu rằng bản tánh thanh tịnh của tâm thức là tự do và giải thoát khỏi hoạt động tinh thần, và họ không kiến lập rằng tâm thức họ là đại không trống rỗng vĩ đại, thì đó là bất kính với giáo lý Trung Quán Madyamika. Bất cứ ai không hiểu bản tánh thanh tịnh của vạn pháp trong sinh tử và niết bàn, và họ không thể chứng ngộ và nhận ra rằng thủ ấn trí tuệ tỏa khắp mọi nơi, thì đó là bất kính với giáo lý Đại Thủ Ấn Mahamudra.

Bất cứ ai thấy rằng không có sự khác biệt giữa một chủng tử (hạt giống) vốn gom chứa sẵn mọi nguyên tố một cách ẩn tàng và kết quả của hạt giống ấy, thì đó là bất kính với những người nông dân bình phàm. Bất cứ ai không kiến lập chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối như là tách biệt, và bất cứ ai không từ bỏ luân hồi sinh tử để chấp nhận niết bàn, và bất cứ ai không thấy rằng hạt giống và kết quả của nó là khác biệt, thì đó là bất kính với giáo lý của triết lý tôn giáo thông thường. Nhưng bất cứ ai không kiến lập rằng chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối là bất khả phân, và bất cứ ai không thực hành rằng sinh tử và niết bàn là bất khả phân, và bất cứ ai không xác quyết rằng kết quả đến từ nguyên nhân (hạt giống) và nguyên nhân (hạt giống) đến từ kết quả, do vậy không có sự tách biệt giữa chúng, thì đó là bất kính với giáo lý Đại Viên Mãn Mahasandhi.

Sự tôn kính của Pháp – điều dựa vào Tâm Trí Tuệ vô hạn là bất kính với sự tôn kính của vòng luân hồi sinh tử – điều dựa vào tâm nhị nguyên. Nếu chúng ta luôn luôn tôn kính con đường của vòng luân hồi sinh tử thì chúng ta không thể giải phóng tâm thức bị giới hạn cứng nhắc của mình vào những phẩm chất thanh nhẹ, xứng đáng được tôn kính thực sự. Nhưng một cách tương đối, nếu chúng ta thiếu tôn trọng những tập quán, phong tục của vòng luân hồi sinh tử, thì chúng ta không thể nào hiển lộ con đường và cách thức của Giáo Pháp.

Đó là lý do vì sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói, “Bất kể điều gì samsara (vòng luân hồi sinh tử) mong ước, Ta cũng mong ước. Chúng sinh và bản thân Ta đều có cùng sự cảm thọ. Đau khổ và Hạnh phúc thì đều giống nhau.” Điều này không có nghĩa là Đức Phật có một tâm thức nhị nguyên giống như những chúng sinh của vòng luân hồi sinh tử, mà để tùy thuận theo chân lý tương đối, thì Đức Phật không thể dẫn dắt chúng sinh đi tới những phẩm tánh của niết bàn nếu thiếu đi những phẩm tánh của luân hồi sinh tử. Nếu chúng ta thể hiện lòng tôn kính thực sự thì thực hành tốt nhất là hãy chấp nhận bất kỳ hệ thống nào một cách tạm thời cho tới khi nào chúng ta được giải phóng hoàn toàn khỏi sự bất tịnh và để đi tới sự thanh tịnh, giải phóng khỏi sự bất kính của các nguyên tố thô nặng và đi tới sự tôn kính của các nguyên tố vi tế thanh nhẹ, để rồi cuối cùng chúng ta sẽ siêu vượt lên khỏi cả sự tôn kính lẫn sự bất kính để đi vào bản chất, tinh túy bí mật thuần tịnh của chúng ta.

Tiếng sủa lớn của một chú chó hoang là sự bất kính với

những tên trộm nhưng lại là sự tôn kính với chủ của nó.

Những nhà lãnh đạo thế gian yêu chiều phu nhân của

mình một cách ngoan ngoãn thái quá là sự bất kính

với những đòi hỏi từ hiện tượng chung của xã hội

nhưng lại là sự tôn kính với những phu nhân

tự kiếm tìm sự kiểm soát của họ.

Những vị thầy tâm linh tham vọng, chưa chứng ngộ

là sự bất kính với quan điểm Phật giáo thanh tịnh

nhưng lại là sự tôn kính với những nhà

bảo trợ giàu có của họ.

Sự đáp trả lại những bông hoa thiện chí sau khi

nhận lấy những mũi tên ác ý của bậc Bồ Tát

là sự bất kính với tập quán bất tịnh thế gian

nhưng đó lại là sự tôn kính tới

tập quán thanh tịnh của bậc Bồ Tát.

Thủ ấn trí tuệ bình đẳng bất nhiễm của Đức Phật

là sự bất kính với mọi tâm thức nhị nguyên loạn tưởng –

cái chia tách chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối

nhưng lại là sự tôn kính với Tâm Trí Tuệ bất nhị –

cái mà trong đó chân lý tuyệt đối và

chân lý tương đối là bất khả phân.

Đức Thinley Norbu Rinpoche

Trích: Vũ Điệu Huyền Diệu – Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini 

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung