Quán sát sự vận hành của tham ái |

Quán sát sự vận hành của tham ái

Tham khảo Thực hành

Tôi nhớ khi còn là một cậu bé nhỏ, tôi thấy một món đồ chơi và đã nói với mẹ tôi: “Nếu mẹ mua cho con đồ chơi đó, con hứa là sẽ không bao giờ đòi mua đồ chơi nữa”. Lúc đó, tôi thật sự tin là nếu có được món đồ chơi đó, tôi sẽ hoàn toàn thỏa mãn và sung sướng và sẽ không đòi hỏi bất cứ cái gì khác! Vì thế mẹ tôi mua cho tôi món đồ chơi đó. Tôi nhớ là đã chơi món đồ chơi đó được ít lâu nhưng sau đó, tôi đã quăng bỏ nó qua một bên, và lại đi tìm một đồ chơi khác mà tôi thích. Tôi nhớ rõ là lúc mẹ tôi mua món đồ chơi cho tôi, tôi tin chắc chắn là tôi sẽ hoàn toàn thỏa mãn và sẽ không bao giờ muốn cái gì khác nữa – nhưng tôi cũng nhớ rõ là tôi đã không thỏa mãn như tôi nghĩ. Mặc dù tuổi còn nhỏ, kinh nghiệm này đã ghi một dấu ấn trong đời tôi và đến ngày nay, tôi vẫn còn nhớ bài học này: mặc dù tôi đã được những gì tôi muốn, nhưng chính sự kiện là tôi đã có được những gì tôi muốn đã mang theo nó niềm thất vọng. Tôi thất vọng vì sau đó, tôi lại phải lo đi tìm một cái gì khác để thỏa mãn mình.

Trong khi hành thiền, chúng ta quán sát sự vận động của tham ái nhưng không phán đoán hoặc chống lại tham ái. Có người cho là tất cả tín đồ Phật giáo đều chống lại và tìm cách triệt tiêu tham ái, nhưng Đức Phật không dạy chúng ta triệt tiêu tất cả hay biến tất cả thành hư vô. Đức Phật dạy chúng ta tỉnh thức. Chúng ta không bác bỏ hay tiêu diệt tham ái. Chúng ta quán tưởng tham ái và hiểu rằng nó chỉ là một điều kiện được sinh ra rồi diệt đi trong thế giới tự nhiên này.

Tham ái có cái tốt, cái xấu. Tham giết người, tham hãm hại người khác, và tham trộm cướp là xấu; tất cả chúng ta trong đời ai cũng đã từng có những tham ái xấu. Và chúng ta cũng có những tham ái tốt như mong muốn được giúp người, muốn sống tử tế và muốn trở thành thiện tri thức. Bất cứ lúc nào chúng ta nhận thức được tham ái – cho dù đó là tham ái tốt hoặc xấu – chúng ta đang sử dụng trí tuệ của mình. Chỉ có trí tuệ mới thấy được tham ái; tham ái không thể thấy được trí tuệ. Vì thế muốn có trí tuệ, bạn hãy biết và thấy tham ái. Quan sát sự vận hành của tham ái giúp chúng ta thấy được nó như là một điều kiện không ngừng thay đổi. Và chúng ta thấy rằng tham ái là vô ngã.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung