Hai mươi mốt giáo huấn trọng yếu |

Hai mươi mốt giáo huấn trọng yếu

Kim cương thừa Thực hành

Đạo sư của Uddiyana có tên là Padmasambhava là một lưu xuất hóa thân của Phật A Di Đà, sanh từ một hoa sen trên một đảo đại dương. Ngài ở trong sắc thân vượt khỏi chuyển di và chết. Lời ngài dạy chín thừa, gồm tất cả những giáo lý nguyên nhân và kết quả. Tâm toàn trí của ngài bao gồm những điểm trọng yếu của mọi pháp.

Đức Bà Tsogyal, Công chúa của Kharchen, hỏi đạo sư: Con không hiểu những điểm then chốt của những giáo lý bên ngoài và bên trong, tám vạn bốn ngàn cửa Pháp, và những thừa cao và thấp, thế nên xin ngài ban cho con những giáo huấn trọng yếu.

Đức Bà không chỉ làm vui lòng đạo sư của bà trong tư tưởng, lời nói và hành động mà còn kèm theo lời thỉnh cầu này một cúng dường một mạn đà la bằng vàng trang hoàng với ngọc lam giống như bảy sở hữu quý báu.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Cái gì là điểm trọng yếu chứa đựng mọi cái xuất hiện và hiện hữu?

Đạo sư trả lời: Không gian là điểm trọng yếu chứa đựng tất cả mọi cái xuất hiện và hiện hữu. Bốn nguyên tố đều thay đổi và vô thường; nhưng từ ban sơ, bản tánh của không gian là trống không và bất biến. Bốn nguyên tố đất nước lửa gió có bản chất thoáng qua. Khi chúng xuất hiện, chúng xuất hiện trong sự bao la của không gian; khi chúng ở, chúng ở trong sự bao la của không gian; và khi chúng tan biến, chúng tan biến trong cùng sự bao la ấy. Bởi vì bản tánh của không gian là bất biến suốt cả ba thời, tất cả cái xuất hiện và hiện hữu có thể cô đọng trong không gian.

Khi không gian là thí dụ, nghĩa tức là dharmata, pháp tánh, nó giống như không gian trống không từ sơ thủy. Và dấu hiệu là trong tâm trống không như bầu trời, những khuynh hướng thói quen và phiền não chỉ như những đám mây và sương mù. Khi chúng xuất hiện, chúng xuất hiện trong tâm trống không; khi chúng ở, chúng ở trong sự bao la của tâm; và khi chúng tiêu tan, chúng tiêu tan trong cùng sự bao la của tâm trống không.

Khi con thấu hiểu sự thực này, không bị ô nhiễm bởi những sai sót của những khuynh hướng thói quen để tạo ra nghiệp và những phiền não thì được biết như gom tất cả mọi cái xuất hiện và hiện hữu vào một điểm thiết yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu chứa đựng 84.000 pháp môn (cửa pháp) là gì?

Đạo sư trả lời: Sự thoải mái rảnh rang vĩ đại của pháp tánh là điểm trọng yếu chứa đựng 84.000 pháp môn. Những pháp khác thay đổi và không thường còn. Sự thoải mái rảnh rang vĩ đại của pháp tánh thì hiện diện tự phát từ ban đầu, thoát khỏi nỗ lực chủ tâm, một trạng thái không do bày đặt, một hiện diện tự nhiên tự hiện hữu, và nó luôn luôn là một rộng khắp không do tạo tác.

Khi 84.000 pháp môn của các thừa khác xuất hiện, chúng xuất hiện trong sự bao la thoải mái rảnh rang vĩ đại của pháp tánh; khi chúng ở, chúng ở trong sự bao la thoải mái rảnh rang vĩ đại của pháp tánh; và khi chúng tan biến, chúng tan biến trong sự bao la thoải mái vĩ đại của pháp tánh. Bất kể bao nhiêu pháp đổi thay, bất kể bao nhiêu lời được dùng để diễn tả chúng, và bất kể thế nào người học rộng giải thích về chúng, sự thoải mái rảnh rang của pháp tánh vẫn không thay đổi.

Thế nên, điểm trọng yếu của tất cả các pháp thì an trụ bình an, không nỗ lực, trong thoải mái rảnh rang vĩ đại của pháp tánh. Đó là điểm trọng yếu của 84.000 pháp môn.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng mọi chúng sanh?

Đạo sư trả lời: Tâm giác ngộ là điểm trọng yếu chứa đựng mọi chúng sanh. Mỗi sắc tướng vật lý và trạng thái của tâm thay đổi và vô thường. Những chúng sanh trong bốn cách tái sanh trước hết xuất hiện bởi vì không chứng ngộ tâm của họ; tiếp theo, họ tồn tại do không chứng ngộ tâm của họ; khi họ tiếp tục xoay vòng, chúng sanh quay cuồng trong sanh tử do không chứng ngộ tâm của họ.

Khi họ đơn giản nhận biết cái tâm vốn chẳng bao giờ sanh khởi, một cái biết tự hiện hữu vốn thanh tịnh, họ tìm thấy Bậc Giác Ngộ ở trong chính họ. Khoảnh khắc họ thấu hiểu bản tánh của tâm này và an trụ bình an, không nỗ lực đối với tâm, họ đã giác ngộ trong sự bao la này.

Bởi vì tâm giác ngộ thì vốn không biến đổi trong khắp ba thời, tất cả chúng sanh là trạng thái giác ngộ của một vị Phật. Và bởi vì vị Phật này, tinh túy sugata, thì hiện diện theo cách thấm nhập khắp mọi người, chứng ngộ trạng thái giác ngộ này là trọng yếu. Chứng ngộ nó tức là gom tất cả chúng sanh vào trong một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng mọi loại trí huệ?

Đạo sư trả lời: Tỉnh biết tự hiện hữu là điểm trọng yếu của mọi loại trí huệ. Những trí huệ khác thì đổi thay và không thường hằng. Tỉnh biết tự hiện hữu, hiện diện tự nhiên từ sơ thủy, là bản tánh của pháp tánh, một cái tự biết không giới hạn. Với tỉnh biết tự hiện hữu này không có cái gì ở lại trong chỗ không được biết, không có cái gì còn không được thấy, không có cái gì còn không được chứng ngộ. Bởi vì cái tỉnh biết tự hiện hữu này là tỉnh thức và không đáy trong tinh túy, nó cũng là nền tảng cho mọi pháp và trí huệ. Nó cũng là chỗ trú ngụ của chúng và bởi thế được biết như điểm trọng yếu chứa đựng mọi loại trí huệ.

Đức Bà hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng mọi loại samadhi?

Đạo sư trả lời: Samadhi của tánh Như là điểm trọng yếu của mọi samadhi. Những samadhi khác đổi thay và không thường còn. Samadhi của tánh Như là pháp tánh, bản sắc chân thật của con. Nó là bản tánh bổn nguyên, không lầm lỗi như nó là, bản sắc chân thật không giả tạo. Đơn giản hiện hữu là bản tánh này, tánh Không của định (samadhi) tánh Như bao gồm mọi loại samadhi khác, không trừ cái gì, vì chúng được chứa đựng trong chính trạng thái này. Mỗi loại pháp có thể và mỗi phương diện của trạng thái tỉnh thức thì vô số, chúng không trừ cái gì, đều chứa đựng trong trạng thái không nỗ lực của tánh Không bổn nguyên như nó là. Thế nên nó được biết là gom tất cả các samadhi lại trong một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng mọi chỗ ở?

Đạo sư trả lời: Pháp giới (dharmadhatu) là điểm trọng yếu của mọi chỗ ở. Mọi chỗ ở khác đều diệt hoại. Đối với những chúng sanh không chứng ngộ bản tánh bất biến của pháp tánh, những chỗ ở, thời gian, thọ mạng, hoàn cảnh, hành động, và tư tưởng, tất cả đều biến đổi, trong khi pháp tánh vẫn bất biến dù bất cứ hoàn cảnh hay xúc cảm nào. Khác với những chỗ ở tuyệt diệu của những cõi Phật hay chỗ ở đáng sợ của chúng sanh sanh tử, bản tánh bất biến của pháp tánh thì không thuộc về những quan niệm tốt hay xấu. Nó bất biến bằng cách để như thế, không nhân tạo hay nỗ lực – đó là chỗ ở pháp giới. Chứng ngộ bản tánh của nó tức là gom mọi chỗ ở vào một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng tất cả mọi con đường?

Đạo sư trả lời: Con đường vượt khỏi hành trình là điểm trọng yếu chứa đựng mọi con đường. Tất cả những con đường khác đổi thay và không thường còn. Con đường của tâm giác ngộ thì vượt khỏi hành trình theo nghĩa tâm tỉnh thức rõ biết là bản tánh chân thật của con, không gian căn bản không lỗi lầm, bản tánh bất nhị của tỉnh biết sáng suốt tự hiện hữu. Thế nên, khi con chứng ngộ làm thế nào bước vào nó, thì không có một con đường để vượt qua cũng không có một hành trình. Khoảng khắc con chứng ngộ bản tánh siêu vượt đến và đi này, không có căn cứ cho một con đường cụ thể để có thể đi bằng một xe (thừa) nào. Và, là không được tạo ra, nó được biết như trạng thái tỉnh thức rõ biết là kim cương bất hoại. Chứng ngộ bản tánh này thì được biết là gom tất cả mọi con đường vào một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng mọi thân (kaya)?

Đạo sư trả lời: Pháp thân (dharmakaya) bất biến là điểm trọng yếu của tất cả các thân. Tất cả các thân khác đổi thay và không thường còn. Pháp thân vẫn không bị nhiễm ô bởi những khuyết điểm của chất thể và những thuộc tính. Nó không thay đổi và không biểu lộ nên không thể hoại trong mọi hoàn cảnh. Những thân được tư tưởng đặt tên, như những báo thân (sambhogakaya) và những hóa thân (nirmanakaya), đều thay đổi. Pháp thân được định nghĩa là không thể hoại, bởi vì tồn tại không biến đổi bởi bất kỳ hoàn cảnh nào. Hiểu và chứng ngộ bản tánh này thì được biết là gom mọi thân vào trong một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng mọi tiếng nói (ngữ)?

Đạo sư trả lời: Tiếng nói của bản tánh không chất thể là điểm trọng yếu chứa tất cả mọi tiếng nói. Những tiếng nói khác thay đổi và không thường còn; những tiếng nói của những chúng sanh xuất hiện trong âm thanh và rồi ngưng dứt. Một khi con chứng ngộ bản tánh không chất thể của Pháp tánh, con hiểu rằng tiếng nói của mọi chúng sanh thì không có chất thể cụ thể cũng như vậy. Những âm thanh là tánh Không có thể nghe được, trống không vô tự tánh. Chúng xảy ra không chướng ngại từ bản tánh trống không bởi vì bản tánh tự hiện hữu này thì không có chất thể. Hiểu và chứng ngộ bản tánh này được biết là gom mọi tiếng nói vào một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng tất cả các trạng thái của tâm?

Đạo sư trả lời: Bình đẳng không mê lầm là điểm trọng yếu chứa đựng tất cả các trạng thái của tâm. Những trạng thái khác của tâm thì thay đổi và không thường còn. Tâm của chư Phật thì không mê lầm và không do tạo tác; nó là một tính bình đẳng không giới hạn mà những khuyết điểm của mê lầm đã được trừ sạch và tỉnh biết đã hiển bày. Trạng thái tâm của một chúng sanh thì không tự chứng ngộ và những hiện tượng như huyễn bao hàm trong những pháp môn của những thừa tổng quát đều mê lầm. Tâm giác ngộ – không sai lầm và không tạo tác giả đặt, thoát khỏi những giới hạn của cố gắng nỗ lực – chứa đựng mọi trạng thái tâm của chư Phật. Hiểu và chứng ngộ bản tánh này được biết là gom mọi trạng thái của tâm vào một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng tất cả samaya?

Đạo sư trả lời: Tỏa khắp là điểm trọng yếu chứa đựng tất cả các samaya bởi vì nó vượt khỏi giữ gìn và không có thời gian. Những samaya khác thay đổi và không thường còn. Tâm giác ngộ hay tỉnh thức rõ biết thì không có những khuyết điểm và che ám, và bởi thế thanh tịnh và trong sáng. Thoát khỏi những đối tượng đạo đức để chấp nhận và những đối tượng sai sót để bác bỏ, tâm giác ngộ không có cái gì để giữ cũng không có hành động giữ gìn. Bởi vì không có lay động trong một bản tánh như vậy, không lìa khỏi trạng thái chứng ngộ của nó thì được biết như sự tỏa khắp siêu vượt khỏi giữ gìn samaya. Triệu triệu không thể tính đếm những samaya tổng quát có thể bị vi phạm và do đó buộc chặt con vào sự giữ gìn chúng. Hiểu và chứng ngộ bản tánh này thì được biết là gom mọi samaya vào một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogayal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng mọi đức hạnh?

Đạo sư trả lời: Một trạng thái cân bằng toàn thể là điểm trọng yếu chứa mọi đức hạnh. Mọi đức hạnh khác thay đổi và không thường còn. Về những đức hạnh của tâm giác ngộ, mọi đức hạnh tâm linh đều mọc ra từ tâm. Khi tâm con mềm dẻo, con có được bất cứ cái gì con muốn. Nó cũng như viên ngọc như ý là nguồn ban mọi ước muốn, nhu cầu. Ngược lại, những đức hạnh nhỏ của cái học méo mó thì không giống sự cân bằng toàn thể và đưa đến hoản hảo. Sự đạt đến và vững chắc của một tâm mềm dẻo cho con sự cân bằng toàn thể trong sự hoàn hảo của những đức hạnh giác ngộ. Hiểu và chứng ngộ bản tánh này thì được biết là gom mọi đức hạnh vào một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng mọi hoạt động?

Đạo sư trả lời: Hoàn thành tự phát vượt khỏi nỗ lực là điểm trọng yếu chứa đựng mọi hoạt động. Tất cả những hoạt động khác thì thay đổi và không thường còn. Từ sơ thủy, tâm tự biết của con là một hiện diện tự phát không do chế tạo; thế nên vì mục tiêu của nó đã hoàn thành, do đó nó không phải là cái gì mà một hoạt động có thể thành tựu với cố gắng và nỗ lực. Người đi vào những giáo lý nguyên nhân và hậu quả tin vào sự hoàn thành một trạng thái giác ngộ xảy ra từ cố gắng và nỗ lực; nhưng hoạt động trọng yếu này thì giống như câu nói “Mọi công hạnh được thành tựu bằng cách ở yên không nỗ lực. Thoát khỏi nỗ lực, pháp thân được đạt đến.” Hiểu và chứng ngộ bản tánh này được biết là gom tất cả những hoạt động vào một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng mọi phương diện của Mật Chú?

Đạo sư trả lời: Mật Chú của tinh túy tối hậu là điểm trọng yếu chứa đựng mọi phương diện của Mật Chú. Mọi phương diện khác của Chú đều thay đổi và không thường còn. Biết điều này là tinh yếu của Mật Chú. Tuy nhiên, dù bản tánh trống không của cái biết này thì hiện diện trong mỗi người, nó vẫn là một bí mật bởi vì khó chứng ngộ nó. Bản sắc của Mật Chú của tinh túy tối hậu thì không thể diễn tả và không do chế tạo từ sơ thủy, và bởi thế vẫn là một bí mật.

Nó là Mật Chú của tinh túy tối hậu bởi vì tinh túy này, được phát hiện qua giáo huấn tối hậu, là nguyên nhân để đạt Phật quả. Mong muốn đạt Phật quả qua nỗ lực khó nhọc trong việc trau dồi một bổn tôn và trì chú là trói buộc Phật bằng sự khao khát. Tin rằng chứng ngộ bản tánh này có thể đạt được bằng cố gắng thì giống như câu nói “Đạt được không thể thành trạng thái Phật, bởi vì người ta bị trói buộc bởi nỗ lực đạt đến”. Thế nên, khi con thấu hiểu nó đang hiện diện tự phát ở trong con, trạng thái giác ngộ của một vị Phật thì không phải là một sự vật đối tượng để hoàn thành. Hiểu và chứng ngộ bản tánh này được biết là gom tất cả mọi chứng đắc vào một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng tất cả mọi nguyện vọng?

Đạo sư trả lời: Sự vắng mặt của hy vọng và lo sợ là điểm trọng yếu chứa đựng mọi nguyện vọng. Tất cả những nguyện vọng khác thay đổi và không thường còn. Nói cách khác, đi vào và trú ngụ trong những thừa của những viễn tượng chung là giữ một quan điểm nhị nguyên hy vọng và lo sợ. Nguyện vọng trong thừa kim cương của Mật Chú siêu vượt khỏi hy vọng và lo sợ, như đường bay của một con chim không để lại dấu vết. Điều này giống như câu nói “Con đường toàn thiện được đi vào mà không trải qua con đường năm phần. Con đường Phật (Phật đạo) được đi qua mà không ước muốn.” Khoảng khắc mà con đơn giản nhận biết trạng thái không sai lầm của tâm giác ngộ, pháp giới vốn hiện diện tự phát, con không hy vọng đạt Phật quả cũng không lo sợ rớt vào sanh tử. Theo cách này, những mong muốn được trừ sạch và những con đường được vượt khỏi một cách căn bản. Hiểu và chứng ngộ bản tánh này thì được biết là gom mọi nguyện vọng vào một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng mọi tu hành thiền định?

Đạo sư trả lời: Dòng không thiền định không giả đặt là điểm trọng yếu chứa đựng mọi tu hành thiền định. Mọi tu hành khác đều thay đổi và không thường còn.

Hãy tu sự không tu trong một trạng thái không tư tưởng.

Hãy để sự tu hành được là như vậy trong hồn nhiên.

Không có duyên cớ nào ở đây để tu hành.

Cũng chẳng có ai là thiền giả.

Điểm trọng yếu của tu hành chân thật

Là chứng ngộ sự vắng mặt toàn thể này.

Thiền định với cố gắng của những thừa tổng quát thì ràng buộc với những khái niệm tranh đấu và đạt được cho nên không đưa đến tự do. Thế nên, thấu hiểu sự không thiền định của hiện diện tự nhiên này thì được biết là gom mọi tu hành thiền định vào một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng mọi loại hạnh?

Đạo sư trả lời: Không hành động là điểm trọng yếu chứa đựng tất cả mọi loại hạnh. Mọi loại hạnh khác thì thay đổi và không thường còn. Hãy để những hành động là thế, thoát khỏi cố gắng; bấy giờ mọi công việc được hoàn thành. Theo đuổi những tư tưởng và khuynh hướng là dấn thân vào những pháp của nguyên nhân và hậu quả, những thừa tổng quát của chúng sanh.

Nào, không hành động nghĩa là gì? Hạnh là không đi vào trong nhị nguyên hy vọng và lo sợ, nghĩa là bất kể pháp nào con làm, bằng cách để cho nó trong sự bình thản của không nỗ lực, con thoát khỏi mong mỏi bám chấp và cố ý. Bằng cách để cho như thế trong bản tánh của bình thản không cố gắng, bất kể cái gì con tri giác hay nghĩ đến nó là hạnh của tất cả chư Phật. Hiểu và chứng ngộ điều này thì được biết là gom tất cả mọi hạnh vào một điểm trọng yếu đơn nhất.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Điểm trọng yếu nào chứa đựng mọi loại quả?

Đạo sư trả lời: Phật quả trọn vẹn và chân thật là điểm trọng yếu chứa đựng mọi loại quả. Mọi kết quả khác thì thay đổi và không thường còn. Phật quả thoát khỏi những giới hạn của thường và đoạn. Siêu vượt mọi loại đối tượng cụ thể, nó bất biến và không sanh không diệt. Siêu vượt những chiều kích, nó giống như câu nói này:

Bản thân Pháp thân là thanh tịnh hoàn hảo,

Một kinh nghiệm cá nhân, bản tánh căn bản không phân chia.

Cái biết này, trong lặng như trạng thái của pháp tánh,

Quả tối thượng, siêu vượt mọi chứng đắc,

Phát sanh từ con và trong con, được chứng đắc.

Ngược lại, ở đây không dạy rằng tự do được đạt đến bằng cách tin, như những thừa tổng quát, rằng Phật quả được thành tựu ở chỗ nào khác. Hiểu và chứng ngộ bản tánh này thì được biết là gom mọi loại quả vào một điểm trọng yếu đơn nhất.

Để làm lợi lạc cho những thế hệ tương lai, tôi, Tsogyal, giấu hai mươi mốt lời dạy trọng yếu cô đọng sự chứng ngộ của tất cả chư Phật này. Nếu người xứng đáng nhiều nghiệp tốt truyền bá rộng rãi chúng ngay sau khi nhận chúng sẽ làm yếu đi sự chứng đắc của y. Thế nên hãy giấu sự kiện chúng là những kho tàng terma, và chỉ truyền bá chúng dần dần. “Hai mươi mốt Giáo huấn Trọng yếu” đầy đủ ở đây.[1]

ẤN CỦA KHO TÀNG

ẤN CỦA CHE DẤU

ẤN CỦA GIAO PHÓ

[1] Tiếc là chỉ còn mười tám câu hỏi. Có thể ba câu còn lại hoặc ở trong các bản văn khác, hoặc chúng bị mất mát trải qua những thế kỷ được chép bằng tay.

Đức Padmasambhava

Trích “Những kho tàng từ đỉnh cây Tùng xù”

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung