Dòng truyền thừa |

Dòng truyền thừa

Home Kim cương thừa Thực hành

“Giáo lý dòng truyền thừa thì thầm là hơi thở của Dakini.”

Đức Milarepa

Tinh túy dòng truyền thừa nghĩa là mọi sự đều có sự nối kết tự nhiên không gián đoạn với sự thanh tịnh liên tục và năng lượng tự nhiên. Nếu chúng ta chia tách năng lượng tự nhiên khỏi nguồn gốc bí mật của nó thì nó trở nên bị che ám và bất tịnh, rồi sau đó thì dòng truyền thừa sẽ xuất hiện sự gián đoạn. Khi các nguyên tố vi tế trở nên thô đặc và bị che chướng bởi ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) thì bản chất, tinh túy thuần tịnh của các nguyên tố dường như bị suy giảm hay mất đi, nhưng thực sự thì nó chỉ bị ẩn đi. Mọi thứ hữu hình nhìn thấy được đều có bản chất, tinh túy vô hình, không trông thấy được. Ngay cả như bê-tông hay xi-măng nhìn thì có vẻ như là hoàn toàn thô đặc và trơ cứng nhưng nó cũng có tinh túy tự nhiên vô hình, không nhìn thấy được. Nguồn gốc phi vật chất của các nguyên tố tỏa khắp trên mọi hiện tượng thô đặc và vi tế, thậm chí ngay cả khi chúng ta làm gián đoạn dòng truyền thừa thì những gì có thể thấy được dường như chỉ là một phần còn sót lại đã chết.

Khi chúng ta ăn thực phẩm tươi thiên nhiên đến từ những nguyên tố thô hữu hình, thì nó kết nối với những nguyên tố vi tế để sản sinh ra năng lượng vô hình, nhưng những sản phẩm thừa xơ cứng hữu hình (phân) thì vẫn còn lại và được thải ra ngoài. Khi chúng ta ngủ, thì hiện tượng tỉnh thức của các nguyên tố thô nối kết với các nguyên tố vi tế của chúng ta để sản sinh ra sản phẩm thừa (phân) dưới dạng những giấc mộng. Khi được sinh ra, thì nghiệp từ các kiếp trước của chúng ta nối kết với những điều kiện, hoàn cảnh nghiệp báo của kiếp hiện tại trong những tình huống mộng của đời này. Trong mỗi trường hợp, những gì còn sót lại dường như là trơ cứng bởi vì nó đã bị chia tách khỏi nguồn gốc vô hình của mình và dòng truyền thừa tinh túy của nó xuất hiện sự gián đoạn. Sản phẩm thừa (chất thải hay phân) là phần cặn bã còn sót lại của dòng truyền thừa bị gián đoạn này.

Cái gì càng tươi mới thì nó càng gần hơn với nguồn gốc và dòng truyền thừa tự nhiên của nó. Thực phẩm càng để lâu thì nó càng trở nên ôi thiu và trơ cứng, và như vậy nó càng giảm giá trị sử dụng bản chất, tinh túy bí mật của nó với chúng ta khi ăn. Hiện tượng của chúng ta thì liên tục ở trong quá trình lão hóa và bào mòn trừ khi, nhờ thực hành, tập luyện, thì chúng ta mới có thể đưa nó trở lại sự tươi mới. Thân thể chúng ta thì liên tục ở trong quá trình lão hóa trừ khi, nhờ thực hành, tập luyện, thì chúng ta có thể chuyển nó thành Anh Đồng Tịnh Bình Thân (Thân Tịnh Bình Tươi Trẻ).

Tuổi trẻ là biểu tượng của sự cân bằng thuần khiết trong Giáo Pháp, Chân Lý bởi vì tinh túy bí mật của các nguyên tố được biểu lộ một cách hữu hình trong mọi sự khi chúng tươi trẻ và các nguyên tố thô đặc lẫn vi tế của chúng được ở trong trạng thái quân bình. Khi một cái cây còn non trẻ, thì những chiếc lá của nó biểu hiện ánh sáng thuần khiết cùng những màu sắc tươi mới, bởi vì những cành nhánh, gốc rễ và lá cây của nó hấp thụ, sử dụng đất, nước, lửa, gió và hư không trong sự cân bằng với nhau. Khi chúng sinh còn trẻ, thân thể của họ sáng, và màu sắc cũng như vẻ tự nhiên của nước da họ tươi tắn vì họ nuôi dưỡng, duy trì thân thể của mình từ thực phẩm của đất, máu từ nước, thân nhiệt từ lửa mặt trời, hơi thở từ gió và ý thức từ khoảng không của tâm trong sự cân bằng với nhau. Khi những vật thể sống ngày càng trở nên già cỗi thì một sự tương giao mất cân bằng nảy sinh, phát triển giữa các nguyên tố thô nặng và vi tế vốn phụ thuộc lẫn nhau. Một số nguyên tố trở nên trỗi vượt, lấn át và chiếm ưu thế hơn, trong khi các nguyên tố khác lại trở nên yếu kém hơn và trở về trạng thái nằm ngủ tiềm tàng im lìm, không hoạt động. Những loại cây sản sinh ra vỏ cây nặng và cứng, còn thân người sản sinh ra móng tay, tóc, mủ và dịch nhầy xơ cứng. Lá cây trở nên giòn, dễ rụng và phai màu, còn nước da của con người trở nên khô ráp và nhợt nhạt, xanh xám đi, cuối cùng cho đến khi sự liên kết giữa các nguyên tố thô và vi tế trở nên mất cân bằng và khi tới ngưỡng hoàn toàn bị gián đoạn, chia tách thì chỉ còn lại một thân cây chết khô hay một tử thi như một phần còn sót lại trơ cứng. Đối với những người có thể vượt lên khỏi các nguyên tố thô đặc và vi tế bị che chướng để kết nối tới bản chất, tinh túy bí mật không bị che ám của họ thì sẽ không có sự mất cân bằng và như vậy sẽ không có các nguyên tố thô đặc, trơ cứng bị bỏ lại phía sau. Họ để lại một thân cầu vồng, bản chất, tinh túy màu sắc đặc trưng thuần tịnh của các nguyên tố hữu hình.

Khi chúng ta không thể vượt hẳn lên để đi vào cái phi vật chất thì dòng truyền thừa vật chất của chúng ta chỉ có thể được truy nguyên, đưa tới một phần nhỏ giới hạn của vật chất vi tế, điều mà thời đại ngày nay tạm thời được gọi là một hạt vi lượng (hạt quark), nhưng có lẽ ở một thời đại khác trong tương lai, họ sẽ gọi nó bằng một cách khác để biểu thị một giới hạn vật chất vi tế mới, đây là dòng truyền thừa tâm bị lừa dối của vòng luân hồi sinh tử. (điều tiên đoán này của tác giả đã đúng, ngày nay, các nhà khoa học đã tìm ra một giới hạn vật chất vi tế mới, tinh tế và nhỏ hơn hạt vi lượng quark, họ gọi là thuyết String (thuyết Dây), và khi chạm tới cấp độ vật chất vi tế Dây này, các nhà khoa học buộc phải đối diện với khái niệm trường vô hình của các vong linh. Như vậy, chủ nghĩa duy vật khi càng đi lên đã càng chạm tới điểm tương đồng với chủ nghĩa duy tâm – lời người biên dịch lại năm 2014). Nếu chúng ta liên tục nhận ra bản chất, tinh túy bí mật tỏa khắp trên vạn pháp, trên mọi hiện tượng, thì sẽ có một dòng truyền thừa Tâm Trí Tuệ không gián đoạn tự nhiên không bị che chướng và không có điểm dừng. Dòng truyền thừa có nghĩa là các phẩm tánh quý giá được liên tục, không gián đoạn và được biểu hiện thông qua nhiều hình thức, phương diện khác nhau mà tinh túy, bản chất của nó vẫn luôn giữ được sự thuần tịnh.

Theo Luật Tạng (Vinaya), thì có 7 vị trì giữ dòng truyền thừa giới luật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Theo những vị trì giữ dòng truyền thừa Bồ Đề Tâm (Bodhicitta) thông qua Đức Văn Thù Manjushri và Đức Di Lặc Maitreya, thì đó là 6 Pháp Bảo và 2 Bậc Siêu Phàm. Theo truyền thống Mật giáo (Tantric), thì các bậc trì giữ dòng truyền thừa là 84 bậc Đại thành tựu giả hay 84 Vị Thánh Sư. Theo hệ thống Cổ Mật Nyingmapa, thì có sự truyền trao trí tuệ Đức Phật và sự truyền khẩu của các bậc siêu phàm.

Nếu chúng ta không được kết nối tới bản chất, tinh túy bí mật – cái là Tâm Trí Tuệ của chúng ta do bị che chướng từ truyền thống, chủng tộc, quốc gia, giai cấp hay các thể chế thì chúng ta sẽ không thể biết đến dòng truyền thừa Phật giáo thuần tịnh. Một số người phương đông hay một số người phương tây có cách nghĩ như những người phương đông, họ tin rằng những người phương tây thì không thể có dòng truyền thừa bởi vì họ không có truyền thống. Nếu chúng ta tin rằng những người phương tây thì quá vật chất để có bất kỳ dòng truyền thừa tâm linh nào, thì chúng ta đã bất kính với dòng truyền thừa Phật giáo thuần tịnh. Nếu chúng ta không quan tâm đến những phẩm tánh tâm linh thực sự mà lại bị lôi cuốn bởi những phong tục, tập quán phương đông do chúng ta đã liên hệ phương đông với dòng truyền thừa Phật giáo thì chúng ta cũng đã bất kính với dòng truyền thừa Phật giáo thuần tịnh. Nếu chúng ta cho rằng chỉ những vị tu sĩ, lama và guru mới có dòng truyền thừa thì chúng ta chỉ có khái niệm về dòng truyền thừa danh nghĩa, dòng truyền thừa móc khóa, chìa khóa – điều là sự bất kính tới dòng truyền thừa tâm linh thuần tịnh.

Có nhiều nơi chốn linh thiêng ở phương đông mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã gia hộ, ban phước. Nếu chúng ta thiếu tôn trọng những nơi chốn này, thì chúng ta đã thiếu tôn trọng tới dòng truyền thừa Phật giáo thuần tịnh. Một số người có quan niệm rằng chỉ có người Ấn Độ mới có dòng truyền thừa Phật giáo bởi vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đản sinh ở xứ Ấn, hay bất kỳ ai đến từ Bethlehem đều có dòng truyền thừa của Đức Chúa Jesus. Nhưng Đức Phật đã nói rằng giáo lý chân thực thì không phụ thuộc vào chủng tộc. Nếu chúng ta không thừa nhận những bậc nắm giữ dòng truyền thừa thuần tịnh mà bất chấp xuất xứ, nguồn gốc của các ngài thì chúng ta đã bất kính với dòng truyền thừa tâm linh toàn tri toàn giác vô hạn bất tận.

Nếu chúng ta thực hành Pháp mà lại phụ thuộc vào năng lực dòng truyền thừa vật chất thông thường, thì chúng ta không thể có năng lực tâm linh sâu sắc. Nguồn gốc của năng lực hữu hình thì luôn là năng lực vô hình. Ví dụ, một số loại máy móc thì rất mạnh mẽ, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy hay tiếp xúc được với dòng điện vận hành những cỗ máy ấy, bởi vì nguồn gốc năng lực của nó là vô hình. Nếu chúng ta không thể nối kết năng lực vật chất vô hình với nguồn gốc phi vật chất vô hình của nó thì rất nhanh chóng, nó sẽ bị cạn kiệt. Đây là một sự thật đặc biệt của ngày hôm nay khi những người phương đông và phương tây đang tạo ra những nhà máy Giáo Pháp, họ ra sức chèo kéo, thỏa thuận với dòng truyền thừa vật chất cho những năng lực và thành tựu. Giống như những nhà tư bản ham muốn danh vọng và của cải để có được uy tín cùng sự tôn trọng của những người khác, chúng ta cũng muốn những thành tựu có thể sờ nắm được, hữu dụng và chúng ta lo sợ về sự nghèo nàn, thiếu thốn, không ai biết tới mình cũng như lo sợ mất đi quyền lực thế gian. Chúng ta cho rằng dòng truyền thừa thì phải độc đáo, không tìm thấy được ở đâu khác và chỉ dành cho những người tích lũy uy tín tâm linh. Chúng ta cho rằng dòng truyền thừa phải được tìm thấy chỉ qua sự liên đới với những người cao cấp dễ thấy, các trung tâm Giáo Pháp danh tiếng và những vị thầy được công nhận bởi cộng đồng như những bậc nắm giữ dòng truyền thừa chính thống.

Chúng ta có thể làm bộ như mình là những Phật tử, nhưng nếu chúng ta không có quan kiến trí tuệ và lòng từ bi mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã hiển lộ đi hiển lộ lại nhiều lần, thì rồi bất cứ hoạt động Pháp nào chúng ta thực hiện đều chỉ là vở kịch Pháp dành cho đối tượng khán giả đoạn kiến hư vô luận suông bàn nhảm, huyên thuyên một cách vô nghĩa trong suốt giờ giải lao của vở kịch.

Một số người lại cho rằng dòng truyền thừa thì phụ thuộc vào một vị thầy. Đặc biệt một số người phương đông tin rằng những người phương tây thì không nào thể có dòng truyền thừa được, bởi vì họ không được móc nối với dòng dõi của một vị thầy tâm linh. Trừ phi chúng ta là những người đoạn kiến hư vô và chỉ tin vào sự hữu hình, còn không chúng ta không thể đánh giá, phán xét những phẩm chất tâm linh của một người nào đó mà họ không có vị thầy hữu hình trong kiếp sống này. Nếu ai đó lấy nước từ vòi nước, và vì không nhìn thấy họ lấy nước từ nguồn nước, có lẽ nào đây lại là lý do để chúng ta nói rằng nó không phải là nước? Trên một chuyến hành hương, thì trước tiên những người khách hành hương cần một chỉ dẫn, nhưng khi đã biết đường thì họ có thể hoàn toàn đi một mình. Cuối cùng, chỉ vì không thấy họ có hướng dẫn, mà chúng ta lại nói rằng họ không biết đường. Tất nhiên, với hầu hết mọi người thì dòng truyền thừa sẽ phụ thuộc vào một vị thầy hữu hình, và nói chung nếu chúng ta có thể tìm thấy một vị thầy tốt thì nó cần thiết để có một chỉ dẫn. Nhưng theo truyền thống Phật giáo, nếu chúng ta tin vào nhân quả, tin vào nghiệp, chúng ta tin rằng do một số người có một vị thầy hữu hình trong các đời trước và có thể nghiệm với bản chất, tinh túy thuần tịnh các nguyên tố của họ thì họ có thể được tái sinh và trở nên giác ngộ mà không cần phụ thuộc vào một vị thầy hữu hình trong đời này. Ngay cả khi chúng ta có 100 vị thầy nhưng khi chúng ta bị chia tách khỏi tâm tự nhiên của mình thì dòng truyền thừa của chúng ta đã bị gián đoạn. Nhưng dù cho chúng ta không có thầy, mà chúng ta vẫn được nối kết với tâm tự nhiên của mình thì chúng ta có dòng truyền thừa Tâm Trí Tuệ.

Tâm phàm tục của chúng ta là tâm bị lừa gạt, vì vậy đôi mắt của chúng ta nhất định cũng bị lừa gạt. Ngay cả dù cho nó có vẻ như là thực thì những gì chúng ta nhìn thấy có thể là một ảo giác, như một người bị bệnh vàng da nhìn thấy vỏ sò màu trắng thành màu vàng. Do vậy, chúng ta không thể nói rằng người này có dòng truyền thừa hay người kia không có dòng truyền thừa. Điều này chỉ tạo ra những che chướng về dòng truyền thừa thuần tịnh. Nếu chúng ta muốn nói về dòng truyền thừa Pháp thanh tịnh thì cái chúng ta cần quan tâm là sự thuần khiết, tinh ròng. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói, “Pháp tòa sư tử vô úy của Ta vẫn chưa có người sở hữu. Người có lòng từ bi, người có Tâm Trí Tuệ, người có tâm lợi lạc, đây là người trì giữ dòng truyền thừa của Ta,và có thể ngồi lên pháp tòa của Ta.” Ngài không nói một người có danh vị, người được lựa chọn bởi những kẻ mất trí, người tạo ra nhiều thể chế chính trị hơn. Dù cho một người có danh xưng hay không có danh xưng, được lựa chọn hay không được lựa chọn, là chính trị gia hay không phải chính trị gia thì người nắm giữ dòng truyền thừa phải là một người có các phẩm chất trí tuệ nguyên sơ và nguồn tâm của người ấy phải là trí tuệ thanh tịnh. Bất cứ ai có những phẩm chất tâm linh bao la thông qua ý định thanh tịnh và tâm thức được phú bẩm sự thông tuệ từ nghiệp trước đó, thì người đó sẽ nắm giữ dòng truyền thừa tâm linh thanh tịnh và có thể thực sự làm lợi ích cho những người khác.

Dù cho được sinh ra như một công nương

của một gia đình quyền quý, nhưng Ngài đã

không tìm thấy tinh túy trong cuộc sống thế tục như vậy

Vì thế Ngài đã trốn chạy khỏi tòa lâu đài tráng lệ

Và lang thang hết từ nơi này đến nơi khác,

Chỉ tìm kiếm sự giải thoát tối hậu, tận cùng.

Vào lúc Ngài tìm cầu sự giải thoát,

Với thân tướng tuyệt mỹ vô song như hoa nở của mình,

Hai công tước lãnh chúa đã tìm Ngài

để bắt Ngài trở thành công chúa của họ,

Nhưng ở giữa những cuộc tranh cãi đó,

Ngài đã trở thành nữ hoàng của hoàng đế.

Trong tu viện năng lực hùng mạnh nhất,

Hóa hiện, lưu xuất ra thân trí tuệ bát nhã màu bình minh rạng rỡ,

Vung thanh gươm giác tánh bất nhiễm sáng ngời,

Chặt đứt qua những mạng lưới vô minh huyễn hóa.

Ngay cả với bậc trị vì tối cao,

Ngài đã trở thành nữ hoàng của xứ sở,

Được bao quanh bởi một chuỗi rặng núi tuyết,

Ngài đã hoàn toàn tự do khỏi bám luyến, buộc ràng.

Khi vị hôn phu kỳ lạ nhất của Ngài,

Cúng dường Ngài tới Đức Acharya lãng tử,

Ngài đã nhận ra Người không phải là một

người bình thường, mà là sự rực rỡ cực sinh động

của Đức Phật Amitabha Vô Lượng Quang (A Di Đà)

Và như thế Ngài đã hòa trộn tâm thức mình trong tâm trí tuệ của Người.

Tới Ngài, hỡi Yeshe Tsogyal, Trí Tuệ Như Hải,

con luôn cúi đầu đảnh lễ!

Cho tới khi con trở nên giống như Ngài!

(Đây là câu chuyện về tiểu sử của Đức Yeshe Tsogyal, đệ tử của Đức Liên Hoa Sinh. Khi Ngài bị bắt và dâng nạp cho Đức Vua Tây Tạng Trisong Deutsen thì Đức Vua đã cúng dường Ngài tới Đức Đạo Sư Liên Hoa Sinh để trở thành phối ngẫu theo truyền thống Mật thừa. Sau đó dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Đức Liên Hoa Sinh, Ngài đã được truyền dạy rất nghiêm ngặt và đầy đủ về các giới luật, đạo đức, đạo hạnh cũng như trải qua những quá trình tu tập, nhập thất miên mật, chặt chẽ, sau cùng Ngài đã hòa trộn tâm mình với Đức Đạo Sư Guru Rinpoche và đạt giác ngộ – lời người dịch 2014.)

Đức Thinley Norbu Rinpoche

Trích: Vũ Điệu Huyền Diệu – Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung